Vụ làm án Phong Chân Phước

Mẹ Têrêsa thành Calcutta

trên cấp bậc Giáo Phận

được kết thúc vào ngày 15/08/2001

Lễ Ðức Mẹ Lên Trời

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vụ làm án phong chân phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta, trên cấp bậc Giáo phận, được kết thúc đúng ngày Lễ Ðức Mẹ linh hồn và xác lên trời,15/8/2001.

Ngày 15 tháng 8 năm 2001, Lễ Ðức Mẹ linh hồn và xác lên trời,  Ðức Cha Henry D' Souza, TGM giáo phận Calcutta, chính thức tuyên bố: Vụ làm án phong chân Phước Mẹ Têrêsa trên cấp bậc giáo phận, đã được khởi sự vào ngày 26 tháng 7 năm 1999,  nay được hoàn tất, sau 2  năm 20 ngày  làm việc.

Mẹ Têrêsa, tên đời là Agnès Ganhxe, sinh ngày 26 tháng 8 năm 1910 tại Skopje, thủ đô Cộng hòa Macedonia. Cha tên là Kole Bojaxhu và Mẹ là Drane Bernaj, mồ côi mẹ lúc mới lên 8 tuổi. Mẹ của Agnès là một người rất sùng đạo đã lo lắng huấn luyện con dấn thân trong các hoạt động giáo xứ. Cũng trong lúc hoạt động này, Agnès dần dần nghĩ đến ơn kêu gọi truyền giáo. Năm 1928, Agnès đi Ái Nhĩ Lan để xin vào tu Dòng các Nữ Tu Loreto. Trong khi còn ở nhà thử,  ngày 01 tháng 12 năm 1928, Agnès được Bề trên gửi đi  Ấn Ðộ. Ngày 6 tháng Giêng năm 1929, Agnès tới Thành phố Calcutta. Năm 1937, Agnès tuyên khấn trọn đời và từ đó nhận tên Dòng là Têrêsa.

Công việc đầu tiên của Sơ Têrêsa là dạy học tại trường của Dòng; nhưng Têrêsa vẫn cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó: tiếng gọi của những người nghèo và người dân "cùng đinh" (paria) kêu gọi mình tránh xa những bảo đảm của cuộc sống trong một Tu Viện.

Năm 1948, Ðức Pio XII (1939-1958) ký sắc lệnh cho phép Sơ Têrêsa ra khỏi Dòng các Nữ Tu Loreto. Bỏ Dòng Loreto, trong túi chỉ có 5 đồng bạc Ấn Ðộ, Sơ Têrêsa đi đến Patna theo lớp Y tá, mặc một áo vải trắng: chiếc "sari" đơn sơ, viền xanh da trời (y phục của các Nữ tu Thừa sai bác ái do Mẹ sáng lập sau này). Cũng tháng 12 năm 1948, Sơ Têrêsa đi Calcutta, không có nơi trú trọ nhất định, khởi sự hiến thân cho những người sống tại các túp lều vùng ngoại ô Calcutta. Ngày 7 tháng 10 năm 1950, Ðức TGM Calcutta trao cho Mẹ Têrêsa Sắc lệnh lập Dòng Các Nữ Tu thừa sai bác ái. Trong thời gian ít năm, Mẹ đưa ra nhiều sáng kiến để giúp đỡ các người nghèo khổ, các bệnh nhân, các người phong cùi, các người hấp hối bị bỏ ngoài lề đường, các trẻ em mồ côi.

Tiếng tăm về "bà mẹ các người cùng đinh (paria), vang dội khắp thế giới; công việc từ thiện bác ái của Mẹ bắt đầu ra khỏi biên giới Ấn Ðộ. Năm 1985, tại khu phố Manhattan (New York) Mẹ lập nhà đầu tiên đón nhận các người mắc chứng bệnh AIDS. Năm 1979, Mẹ được giải thưởng Nobel về hòa bình. Ngày 5 thàng 9 năm 1997, Mẹ qua đời, thọ 87 tuổi. Ngày 01.3.1999, do lời thỉnh cầu của nhiều Giám mục và tín hữu  trên thế giới, ÐTC Gioan Phaolô II cho phép khởi sự vụ làm án Phong Chân phước cho Mẹ Têrêsa trên cấp bậc Giáo phận, trước thời hạn 5 năm do luật ấn định. Ðây là một đặc ân duy nhất.

Ðể tỏ lòng biết ơn đối với Mẹ Têrêsa, Vị đại ân nhân , Chính phủ Ấn Ðộ đã tổ chức Quốc táng cho Mẹ với sự tham dự của nhiều Vị Quốc trưởng, Thủ tướng và Phái đoàn ngoại giao. Thực là một biến cố chưa bao giờ xẩy ra trong lịch sử Giáo hội đối với một Nữ tu ưa thích đời sống âm thầm, khiêm tốn, nhưng lại được cả thế giới biết đến, kính mến và cảm phục, vì đã hiến tất cả cuộc đời cho nhân loại đau khổ.

Như chúng tôi vừa nhắc trên đây: Theo luật của Bộ Phong thánh, chỉ được khởi sự làm án trên cấp bậc Giáo phận sau 5 năm qua đời. Ðược phép chuẩn, Ðức Cha Henry D' Souza, TGM giáo phận Calcutta cho lập Tòa án để khởi sự vụ làm án trên cấp bậc giáo phận. Ðây là một đặc ân , do lời thỉnh cầu của nhiều người vẫn coi Mẹ Têrêsa là "thánh" ngay lúc còn sống. Hơn nữa ÐTC Gioan Phaolô II  biết rõ ràng Mẹ Têrêsa và các công việc của Mẹ làm. Trong chuyến viếng thăm mục vụ Ấn Ðộ tháng 2 năm 1986, ngài đã đích thân đến viếng thăm các cơ sở từ thiện, bác ái của Mẹ tại Calcutta. Mỗi lần đến Roma, Mẹ đều được ÐTC tiếp riêng. Không những ÐTC, nhiều Vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục cũng biết đến và cảm phục Mẹ, một người phụ nữ đặc biệt Chúa dành cho thế kỷ XX vừa qua, mà còn nhiều  nhân vật chính trị cấp cao trên thế giới rất cảm phục và tặng huy chương cho "Người phụ nữ đặc biệt này". Công việc của Mẹ và của các con cái Mẹ lan rộng năm Châu. Biết bao người đau khổ, đói rách bị bỏ ngoài lề xã hội, biết bao trẻ em mồ côi đã được Mẹ đón tiếp tại nhà và lo lắng chu đáo như những người con, người anh em, chị em. Mẹ tuyên bố: "Tôi giúp đỡ các người nghèo nhất trong các người nghèo, các người đau khổ, bệnh tật... không vì tiền bạc, nhưng vì tôi thấy Chúa Giêsu hiện diện nơi các anh chị em này". Tiếng tăm về Mẹ, về con cái của Mẹ và về các công việc của Dòng các Nữ tu thừa sai bác ái vang dội khắp nơi và được mọi người, cả những người thuộc các tôn giáo khác kính nể, tôn trọng và cảm phục. Một thí dụ rất cụ thể: Tại Srinagar, trong Bang Kashmir thuộc Ấn Ðộ giáp giới Pakistan, luôn luôn bị đặt trong tình trạng báo động  quân sự, chỉ có các Nữ tu Thừa sai bác ái, đi lại dễ  dàng tại các căn cứ quân sự mà không phải trình giấy tờ gì cả. Mỗi Chúa nhật, các Nữ tu đi thăm bản doanh của Sư đoàn thứ XV đồn trú tại đây. Chỉ cần thấy bộ áo "sari" đặc biệt của các Nữ tu này, lính canh gác để các Nữ tu tự do ra vào, đi lại.

Hồ sơ của vụ làm án phong Chân phước trên cấp bậc Giáo phận sẽ được Ðức Tổng Giám Mục Calcutta chuyển lên Bộ Phong Thánh tại Roma. Theo tin từ Calcutta cho biết: Hồ sơ này gồm 50 ngàn trang về những kỷ niệm, những bút tích, những chứng từ và những trường hợp được chữa lành cách lạ lùng "phép lạ" do lời bầu cử của Mẹ Têrêsa. Trong hơn hai năm, Tòa án Giáo phận Calcutta đã tiếp xúc với 115 người có liên hệ với Mẹ Têrêsa  trên cả thế giới.

Bộ Phong Thánh tuyên bố: Từ nay vụ làm án thuộc thẩm quyền Roma và vì thế trước hết Bộ sẽ công bố một sắc lệnh công nhận tính cách hợp lệ của Vụ làm án trên cấp bậc giáo phận. Sau đó Bộ sẽ bổ nhiệm một Vị "Cáo Thỉnh". Vị này có nhiệm vụ cứu xét các tài liệu và chuẩn bị các giai đoạn tiếp sau của các cuộc điều tra rất nghiêm nhặt. Công việc sẽ lâu dài; vì thế khó dự tính được lúc nào sẽ hoàn tất, và việc tôn phong Mẹ Têrêsa lên bậc Chân phước sẽ đến trong ngày gần đây, hay còn phải chờ đợi lâu hơn. Theo dự đoán  thận trọng, thì công việc cứu xét và điều tra của Bộ Phong Thánh  có thể kéo dài trong hai năm.

Tháng 7 năm 1999, nói với 12 thành viên của Tòa án giáo phận, Ðức Cha Henry D' Souza, Tổng Giám Mục Calcutta, Vị Cổ võ chính của Vụ làm án phong Chân phước, nhấn mạnh rằng: "Dư luận quần chúng về sự thánh thiện của Mẹ Têrêsa đã được phổ biến ngay lúc Mẹ còn sống. Dư luận này phải tạo nên lý do chính để khởi sự vụ làm án phong Chân phước ". Ðức Tổng Giám Mục giải thích thêm như sau: "Ðối với Mẹ Têrêsa, đời sống con người của Mẹ đã là thánh thiêng rồi, không tùy thuộc vào các điều kiện. Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu nơi mỗi một con người và vì thế, trong việc phong thánh, sứ điệp này phải trở nên một lời mời gọi đi đến chỗ thay đổi thế giới, để mỗi một con người có một phẩm giá tốt đẹp hơn về đời sống, bằng cách đối xử mọi người như anh chị em, bằng việc tôn trọng phẩm giá của mỗi một con người".


Back to Radio Veritas Asia Home Page