Cộng Hòa Liên Bang Ðức kỷ niệm

40 năm xây cất Bức Tường Bá Linh

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cộng hòa Liên Bang Ðức kỷ niệm 40 năm xây cất Bức Tường Berlin và tưởng niệm các nạn nhân bị giết trong lúc tìm vượt qua Bức Tường Ô nhục.

Ðêm 13 tháng 8 năm 1961, chế độ cộng sản Ðông Ðức do ông Walter Ulbricht lãnh đạo,  ra lệnh xây cất Bức Tường Berlin, để ngăn chặn làn sóng di cư đi tìm tự do sang các miền của Tây Ðức và của các nước Ðồng Minh: Hoa kỳ, Anh, Pháp.

Nên nhớ lại rằng: trong đệ nhị thế chiến 1939-1945, sau khi chế độ độc tài Hitler bị sụp đổ, các Cường quốc: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên Xô phân chia nước Ðức thành hai quốc gia, với hai chế độ khác nhau: Cộng Hòa Liên Bang Ðức  (theo chế độ tự do dân chủ),  được Hoa Kỳ, Anh, Pháp bảo đảm an ninh và Cộng Hòa Dân Chủ Ðức (theo chế độ cộng sản) đồng minh của Liên xô. Chính sách chia đôi một quốc gia thành hai nước, theo hai chế độ xung khắc nhau, cũng đã được các Siêu Cường thi hành tại Ðại Hàn (Bắc Hàn và Nam Hàn) sau chiến tranh 1950-1953; --- tại Việt Nam (Bắc Việt và Nam Việt) sau chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam 1946-1954. Hiện nay chỉ còn Ðại Hàn vẫn sống trong tình trạng chia đôi Bắc và Nam Hàn.

Thủ đô Berlin cũng được chia thành hai miền: Berlin miền Tây, thuộc quyền quản trị của Cộng Hòa Liên Bang Ðức, và được lực lượng quân sự đồng minh  Hoa Kỳ, Anh, Pháp bảo vệ - Berlin miền Ðông, thuộc quyền cai trị của Cộng Hòa Dân Chủ Ðức, do các lực lượng Cộng sản Ðức và Liên Xô kiểm soát.

Việc qua lại từ khu vực cộng sản sang khu vực tự do rất khó khăn và bị lực lượng quân đội và công an Nhà Nước cộng sản kiểm soát rất khắt khe và mất nhiều giờ.

Dù vậy, nhiều người dân sống bên Cộng Hòa Dân Chủ Ðức liều mạng trốn sang miền Tây Ðức do Chính phủ Bonn (thủ đô của Cộng Hòa Liên Bang Ðức) và Tây Berlin do các nước Ðồng Minh Hoa Kỳ, Anh, Pháp kiểm soát. Từ năm 1949 đến cuối năm 1960,  đã có 2,461,500 người (gần hai triệu rưởi) bỏ các khu vực cộng sản trốn sang khu vực tự do. Ðể chặn đứng làn sóng di cư này, Chính phủ cộng sản Ðông Ðức quyết định xây cất bức tường Berlin, được thế giới Tây phương gọi là " Bức Tường Ô nhục".

Công việc xây cất được khởi sự đêm 13 tháng 8 năm 1961, cách đây đúng 40 năm. Bức Tường phân chia Berlin dài 107 cây số, cao 4 thước và rộng 3 thước, luôn luôn được chiếu sáng,  với 295 tháp kiểm soát. Ngoài ra Nhà Cầm quyền Cộng sản còn đặt nhiều chặng kiểm soát với giây thép gai, linh gác và  "chó cảnh sát".

Ðể xây cất Bức Tường này, 200 con đường bị cắt đứt và 12 quãng đường xe điện bị ngăn lại. Còn biên giới giữa hai nước Ðức, dài tới 1,378 cây số (từ Lubecca đến Turinga) hoàn toàn được quân sự hóa với những bao vây bằng màn lưới điện cao 10 thước, với 595 "bunkers" và 621 tháp canh gác suốt ngày đêm.

Nhưng "Bức Tường Ô nhục" cũng không thể ngăn chặn các người ra đi tìm tự do. Từ năm 1961 đến 9 tháng 11 năm 1989, lúc Bức Tường bị phá hủy, sau khi chế độ cộng sản Liên Xô và các nước đàn em chủ nghĩa sụp đổ, trong khoảng thời gian 28 năm, đã có 809 bị chết, vì mưu tính trốn sang khu vực tự do. Con  số này được phân chia như sau:

- 250 người bị bắn chết bên cạnh Bức Tường Ô nhục

- 370 người bị giết đọc theo biên giới giữa hai nước Ðức

- 189 người vượt biên qua Biển Baltique (bắc Ðức).

- Ngoài ra có 20 trẻ em bị giết, em nhỏ  hơn cả mới được một tuổi, bị giết trong lúc mẹ bế em trốn khỏi khu vực cộng sản.

- Nạn nhân sau cùng của Bức Tường Ô nhục  là một thanh niên 20 tuổi, tên là Chris Gueffroy, bị "Vapos" cộng sản bắn chết ngày 5 tháng 2/1989, chín tháng trước khi Bức Tường Ô nhục bị phá hủy (ngày 9 tháng 11 năm 1989).

Ðó là  con số bị giết trong khi trốn khỏi khu vực cộng sản kiểm soát. Trong 28 năm của Bức Tường Ô nhục, con số bị bắt giam lên tới 75 ngàn, trung bình cứ 3 giờ ruỡi, một người.

Sau khi Bức Tường bị phá hủy (1989), Chính phủ Bonn, do Thủ Tướng Helmut Kohl, sau khi thống nhất nước Ðức, đã  lập Tòa Án để xử 6,432 vụ kiện về những tàn bạo của chế độ Cộng sản Ðông Ðức. 5,900 vụ đã được lập hồ sơ - 119 vụ đã được xét xử và lên án. Ông Heinz Kessier bị án nặng hơn cả: 7 năm rưỡi tù. Ông Egon Krenz, vị lãnh đạo sau cùng  của Ðảng Cộng sản Ðông Ðức: 6 năm rưỡi tù. Còn ông Eric Honecker trốn ra khỏi nước.

Trong ngày kỷ niệm 40 năm xây cất Bức Tường ô nhục, Thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Ðức, ông Gerhard Schroeder, Ðảng Dân xã, nói lên những phàn nàn và cay đắng về "vết thương" chia rẽ người dân Ðức trong nhiều năm. Ông lên án gay gắt nhà Cầm quyền Cộng sản Ðông Ðức và tố cáo họ vi phạm các quyền con người. Ông nói: "Bức Tường không phải là thành quả của chiến tranh lạnh. Bức Tường này biểu lộ sự khinh miệt các quyền căn bản của con người, từ phía một chế độ độc tài". Thủ tướng nói thêm: "Vì thế ngày 13 tháng 8 nhắc lại cho chúng ta về trách nhiệm lịch sử phải bênh vực trong mọi lúc nền dân chủ và các quyền của con người".

Sau khi tưởng niệm các nạn nhân bị giết trong lúc tìm vượt qua Bức Tường Ô nhục và các miền khác của biên giới giữa hai nước Ðức, để sang miền tự do, Thủ tướng Cộng Hòa Liên bang Ðức nhấn mạnh rằng: "Trên cả thế giới, Bức Tường Berlin đã là biểu hiệu của chế độ độc tài, chế độ này hiện vẫn còn sống tại một số quốc gia trên Trái đất này. Nhưng ngày 9 tháng 11 năm 1989, Bức Tường này cũng là biểu hiệu của ý chí muốn tự do của người dân Ðức và của tất cả những ai yêu chuộng tự do". Thủ tướng kết thúc như sau: "Với Bức Tường này, chế độ Ðông Berlin công nhận sự thất bại chính trị và tinh thần của mình. Bức Tường Berlin đã là một mưu toan tàn bạo nhằm chặn đứng cuộc ra đi tìm tự do tại Tây phương, đóng cũi người dân của mình, bằng cách từ chối tự do, các quyền con người, nền dân chủ và quyền tự quyết của họ". (TÐK,NVT).


Back to Radio Veritas Asia Home Page