200 tín hữu Công Giáo

bị bắt giữ tại Liban

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

200 tín hữu Công giáo bị bắt giữ tại Liban.

Chuyến viếng thăm hòa giải của ÐHY Giáo chủ Maronite Nasrallah Sfeir, từ thứ sáu 3/08/2001 đến Chúa nhật 5/08/2001 vừa qua, tại Chouf thuộc miền Ðông-nam Thành phố Beyrouth, để đánh dấu cuộc hòa giải giữa tín hữu công giáo và phe Hồi giáo Druses, do ông Walid Jumblatt lãnh đạo, vừa kết thúc được 48 tiếng đồng hồ, thì Công an mật vụ Nhà Nước bắt giam 200 tín hữu công giáo tại các miền khác nhau của Liban. Nhật báo công giáo Ý "Tương Lai"  số ra ngày 09.8.2001, quả quyết: Ðây là "vụ thả lưới béo bở nhất" do Công an mật vụ thực hiện từ trước tới giờ. Trong các người bị bắt giam có những vị lãnh đạo quan trọng thuộc khuynh hướng gần gũi với Tướng Michel Aoun, hiện tị nạn tại Pháp và gần gũi với Ðảng Quân lực Liban của ông Samir Geagea. Nên nhớ lại rằng: trong thời kỳ nội chiến Liban (1975-1990), cộng đồng công giáo và Phe hồi giáo Druses là thù địch không đội trời chung. Nhưng lập trường chính trị của hai bên gần nhau trong việc chống đối vai trò chính trị và quân sự của Syrie tại Liban  từ 25 năm nay.

Ðài truyền hình tư "Murr TV" gián đoạn chương trình, để loan tin về vụ hành quân mật của Công an Nhà Nước.

Các quan sát viên bình luận rằng: việc bắt giữ 200 tín hữu công giáo được coi như là phản ứng tức khắc của Nhà Cầm quyền Liban hiện nay thân Syrie, sau chuyến viếng thăm giảng hòa giữa cộng đồng công giáo và Phe Hồi giáo Druses và cuộc gặp gỡ giữa ÐHY Sfeir và lãnh tụ Walid Jumblatt, được nhật báo "Quan Sát Viên Roma" (L’0sservatore Romnano) (09.8.2001) gọi là "cuộc hòa giải lịch sử". Giới chính trị và tôn giáo Liban đều lên án vụ bắt giam này. Các vị lãnh đạo Hồi giáo và công giáo coi việc bắt giam này là bất hợp pháp, đồng thời tố cáo Tổng thống Emile Lahoud muốn áp đặt chế độ quân phiệt cho Liban.

Sáng thứ tư 08.8.2001, trong phiên họp hằng tháng của Hội nghị,  các Giám mục Maronites phàn nàn về vụ xẩy ra. Các ngài nói: "Vụ bắt giam này gây nên một bóng tối đáng buồn trên chuyến viếng thăm hòa giải vừa qua của ÐHY Giáo chủ Sfeir tại miền Chouf. ÐHY Giáo chủ cũng thắc mắc về vụ hành quân này và đặt câu hỏi: Nhà Nước muốn hay không muốn sự hòa giải giữa các tín hữu công giáo và Hồi giáo?

Dù có những thanh minh của Quân đội, những chỉ trích vẫn tiếp tục. Thông cáo Chính phủ biện hộ: "Trong lúc miền Chouf hằng ngày chứng kiến  những vụ sát hại từ phía Do thái chống lại người dân Palestine, có một số phần tử trong nước lợi dụng bầu khí tự do để gieo rắc rối loạn và bất hòa nơi người dân".

Từ nơi tị nạn Paris, tướng Michel Aoun tuyên bố: "Liên kết tình hình miền Nam Liban với vụ bắt giam từng trăm người, thật là điều phi lý". Theo Ông, thì việc đòi quân đội Syrie rút lui khỏi Liban  là một quyền. Việc đàn áp của công an mật vụ sẽ không bao giờ có thể tước lột được  quyền này khỏi người dân Liban. Tất cả Ban lãnh đạo của các Ðảng phái chính trị  lớn hội  họp khẩn cấp, để lên tiếng tố cáo vụ bắt giam này. Cựu Tổng thống Cộng hòa Liban, ông Amine Gemayel, tuyên bố: "Thái dộ của Công an làm cho chúng ta nhớ lại những thời gian xấu hơn cả đã trải qua đưới các chế độ độc tài. Trái lại ông Dory Chamoun lãnh đạo Ðảng Tự do đặt câu hỏi: Việc chỉ trích Syrie có phải là một tội đáng phạt hay không, qua việc bắt giam cách độc đoán như vậy? Diễn đàn Dân chủ, tổ chức liên hiệp gồm một số  chính trị gia công giáo, một số nhân vật Hồi giáo, xã hội và cộng sản, đã lên án thái độ của Công an mật vụ Nhà nước. Diễn đàn dân chủ tuyên bố: "Trong lúc chuyến viếng thăm của Ðức Hồng Y Giáo chủ Sfeir tại miền Chouf tạo nên một giai đoạn lịch sử trên con đường đối thoại và hòa giải, chúng tôi xác nhận rằng: Nhà Nước đang tìm cách đặt mìn phá hủy những thành quả của bầu khí thuận hòa".

Trong cuộc họp báo thứ tư 8.8.2001 tại Beyrouth, thủ đô Liban, ông Walid Jumblatt, lãnh tụ phe Hồi giáo Druse, yêu cầu cách chức ngay tức khắc những người trách nhiệm về cái mà ông gọi là "một quyết định vô trách nhiệm". Một lần nữa ông tố cáo công an mật vụ từ lâu vẫn hành động tự ý và không lệ thuộc vào quyết định của Chính phủ và Tổng thống cộng hòa.

Liban là một quốc gia nhỏ bé ở miền Trung Ðông, đồng thời là ngã ba của các cuộc gặp gỡ, nơi chung sống hòa bình giữa các chủng tộc và tôn giáo khác nhau. Trước cuộc nội chiến, Liban được coi là "Thụy sĩ" của miền Trung Ðông. Dân số khoảng bốn triệu. Thêm vào con số này, còn phải kể đến khoảng từ 350 đến 500 ngàn dân Palestine tị nạn, một triệu thợ thuyền người Syrie và hơn 300 ngàn người di dân.

Các tín hữu Kitô được phân chia như sau: 800 ngàn tín hữu Maronites (đông hơn cả) - 200 ngàn Hy lạp công giáo (thuộc lễ nghi Bizantin) - 250 ngàn Hy lạp chính thống (cũng lễ nghi Bizantin) và 140 ngàn tín hữu Arménie. Ngoài ra còn có một số cộng đồng nhỏ như: Cộng đồng các tín hữu công giáo thuộc lễ nghi Siriaco, Caldeo, Latinh và cộng đồng Tin Lành.

Cộng đồng Hồi giáo gồm có: khoảng một triệu Hồi giáo Scites - 700 ngàn Hồi giáo  Sunnites và 180 ngàn Hồi giáo Druses.

Quyền chính trị được phân chia giữa các Cộng đồng tôn giáo: Từ năm 1943 bắt đầu chế độ phân quyền giữa các tôn giáo chính trong nước. Theo chế độ này, thì Tổng thống Cộng hòa (nay là tướng Emile Lahoud) phải là nhân vật thuộc Giáo hội công giáo Maronite; Thủ tướng (hiện nay là ông Rafic Harri) thuộc Cộng đồng Hồi giáo Sunnite; Chủ tịch Quốc hội (ông Nabih Berri), thuộc Hồi giáo Scite.

Thỏa ước Taif, công nhận việc chấm dứt chiến tranh (1975-1990), đã dành sự kiểm soát Liban cho Syrie. Hiện nay trên lãnh thổ Liban có 35 ngàn quân đội Syrie. Tháng 5 năm 2001 vừa qua, trong chuyến viếng thăm của ÐTC tại Syrie, Ðức Hồng Y Sfeir, dù được Giáo hội công giáo Syrie mời, đã  không đến Damas, để phản đối sự hiện diện của Quân đội Syrie trên lãnh thổ Liban. Chuyến viếng thăm của ngài trong những ngày vừa qua tại miền Chouf, để đối thoại và hòa giải với Hồi giáo Druses, trước đây là thù dịch của người công giáo, gây lo ngại cho Chính phủ thân Syrie. Vụ bắt giam 200 tín hữu Kitô chắc chắn liên hệ với vụ phản đối sự hiện diện của Quân đội ngoại quốc trên lãnh thổ Liban.


Back to Radio Veritas Asia Home Page