Trung Quốc ra lệnh phá hủy các nhà thờ

để xây dựng khách sạn lớn

chuẩn bị cho Thế Vân Hội 2008

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Trung quốc ra lệnh phá hủy các nhà thờ để xây dựng khách sạn lớn chuẩn bị cho Thế vân Hội 2001.

Giáo hội công giáo luôn luôn bị bách hại bằng nhiều cách khác nhau. Bách hại đạo không phải chỉ ở tại giam tù, tra tấn, giết hại các người công giáo, nhưng còn bằng nhiều cách khác nữa. Bách hại Giáo hội không phải chỉ vì những lý do ý thức hệ, nhưng còn cả về lý do vật  chất, thương mại nữa. Hình thức mới này đang được xúc tiến tại Trung quốc. Cuộc bách hại tôn giáo tại Trung quốc khởi sự từ lúc chế độ cộng sản lên nắm quyền và được đẩy mạnh thời cách mạng văn hóa của Họ Mao và kéo dài cho tới lúc này.

Cách đây hai tháng (13/07/2001), Trung quốc được Ủy ban thế giới Thế vận Hội bỏ phiếu chấp nhận là quốc gia đứng ra tổ chức Thế vận hội năm 2008. Ðây là một chiến thắng huy hoàng của Trung quốc. Từng triệu người xuống đường, cách riêng tại Bắc kinh, nhẩy mừng, liên hoan suốt đêm,  để chào mừng chiến thắng huy hoàng của dân tộc.

Trước sự kiện này, có người vui, có kẻ buồn. Vui vì hy vọng rằng: Trung quốc sẽ cởi mở nhiều hơn với thế giới bên ngoài và sẽ tôn trọng các quyền con người, thực hiện tự do dân chủ. Buồn, vì nghĩ rằng: Trung quốc sẽ không thay đổi đường lối chính trị đàn áp. Buồn, vì đây chỉ là cơ hội thuận tiện cho những tuyên truyền của chế độ. Nghĩ đến nỗi buồn này, nhiều nhân vật chính trị thế giới, cách riêng Bà chủ tịch Quốc Hội Châu Âu hô hào tẩy chay Thế vận hội tại Trung quốc, như nhiều quốc gia đã tẩy chay đối với Liên xô năm 1980, lúc Ðiện Cẩm Linh xua quân chiếm  Afghanistan.

Vui hay buồn, ai nấy đều có lý do. Tẩy chay hay ủng hộ không phải điều  chúng tôi muốn bàn đến trong bài nói chuyện hôm nay. Chúng tôi thiết nghĩ: trong lúc này, tốt hơn cả là  "Wait and  See". Chờ đợi xem có cái gì thay đổi  tích cực trong thời gian bẩy năm chuẩn bị của Thế vận hội năm 2008 tại Trung quốc.

Ðiều chúng tôi muốn trình bày trong bài nói chuyện hôm nay là hình thức mới của cuộc bách hại, mà Chính phủ cộng sản Trung quốc đang thực hiện, với lý do chuẩn bị Thế vận hội năm 2008. Ðây là hình thức bách hại rất tinh vi, thế giới ít lưu ý đến và không bị chỉ trích.

Trong những năm chuẩn bị thế vận hội, Nhà Cầm quyền Trung quốc tuyên bố: Các nhà thờ, các cơ sở của công giáo, cách riêng  các nhà thờ tại Bắc Kinh,  sẽ phải biến đi, để nhường chỗ cho các khách sạn xa hoa, lộng lẫy đón tiếp khách du lịch và các phái đoàn thể thao thế giới.

Trong những ngày này - theo tin của Hãng thông tấn quốc tế Fides - Nhà Cầm quyền gửi các máy ủi đến nhiều nơi để phá hủy các nơi phụng tự, các cơ sở công giáo, chiếm đất xây cất các khách sạn.

Vẫn theo tin Fides, trong những này, tại Bắc Kinh, một Giám mục, Ðức Cha P. Li Hongzai, giám mục phụ tá giáo phận Henxiang, tám  chủng sinh và một số giáo dân tìm cách bảo vệ nhà thờ, các cơ sở  của Cộng đồng công giáo ở khu phố Wangfuma. Cùng với Ðức Giám mục, các chủng sinh và anh chị em công giáo phản đối bằng "sit-in", để chặn các máy ủi phá hủy các nhà trong khu phố này. Ðây là một trong các khu phố cổ kính của Bắc Kinh có từ 400 năm nay với những kiểu kiến trúc hoàn toàn Trung quốc, với những khu vườn rộng lớn. Sau vụ động đất năm 1976, Chủ tịch Mao trạch Ðông cho phép các người "màn trời chiếu đất" tạm trú tại các khu vườn này. Dần dần tại đây người dân xây dựng những ngôi nhà nhỏ và những căn phòng bằng gạch, lợp tôn.

Nhưng vì có chương trình kiến thiết thành phố, và nhất là để chuẩn bị Thế vận hội, Nhà cầm quyền ra lệnh cho các khu phố này phải di chuyển đến các nơi khác, để xây cất những khách sạn loại sang tại nơi nầy. Người dân bị di tản chỉ được nhà nức bồi thường tượng trưng, không đủ để mua một căn nhà mới, dù bé nhỏ. Trong khi đó thì  các Hãng tư và Nhà Nước sẽ xây cất những tòa nhà mới ở khu phố nầy, và cho thuê với giá 3 ngàn Mỹ kim một tháng, trong lúc mỗi tháng người thợ Trung quốc chỉ lãnh được từ 120 đến 130 Mỹ kim.

Dĩ nhiên thế vận hội là cơ hội đem lại nhiều lợi ích cho Trung quốc, như tạo nên công ăn việc làm, canh tân các thành phố, mở rộng đường xá và xây cất thêm hệ thống giao thông, gia tăng mức sống của người dân, tiếp xúc với thế giới bên ngoài v.v... Nhưng nguồn tin của Hãng thông tấn Fides giải thích: Khu trung tâm lịch sử của Bắc Kinh sẽ được  thay đổi hẳn về cơ cấu. Người dân từ bao thế hệ sống tại đây sẽ phải dời đi nơi khác; họ sẽ không thể kiếm đâu ra tiền để mua nhà ở mới. Nền văn hóa cổ truyền, các tập quán và truyền thống sẽ dần dần bị xóa bỏ. Ngôi nhà của người công giáo miền Hebei tại khu phố Wangfuma dùng làm nơi phụng tự và điểm  tựa mỗi khi họ qua lại Thủ đô, sẽ bị phá hủy. Không còn nơi gặp gỡ, các người công giáo này bắt buộc phải tìm những khách sạn hay những nhà  trọ với giá rẻ ở  vùng ngoại ô.

Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Bei Tang, một nhà thờ với ngọn tháp cao, kiến trúc gothique, ở mạn Bắc đền Vua xưa kia, cũng lãnh nhận một số phận như vậy. Tất cả khu phố chung quanh nhà thờ chính tòa cũ sẽ bị phá hủy, để lấy chỗ xây cất những tòa nhà chọc trời chứa khách du lịch hay những "Trung tâm thương mại". Những ngôi nhà cũ chung quanh Bei Tang, hầu hết do các người công giáo ở từ đời này qua đời khác, nay bắt buộc phải di chuyển ra miền bắc vùng ngoại ô Bắc kinh. Một tín hữu công giáo trẻ tuổi tuyên bố: Khu phố Bei Tang mất đi các tín hữu của mình và trở nên lâu đài của khách du lịch, các người công giáo không có nhà thờ nữa. Không ai biết được lúc nào Nhà Cầm quyền mới cho phép xây cất nhà thờ mới tại vùng ngoại ô, nơi người công giáo phải di chuyển đến?

Cuộc bách hại người công giáo Trung quốc nay được thực hiện bằng những hình thức mới: chương trình kiến thiết thành phố. Ðứng trước cuộc bách hại tinh vi này, Hội các người công giáo ái quốc lớn tiếng rao giảng tiêu chuẩn này:  "Các nhà thờ phải góp công vào chủ nghĩa xã hội và vào việc phát triển xã hội Trung quốc". Từ nhiều năm nhà cầm quyền Thành phố đã tung ra những chương trình kiến thiết thành phố và nhằm chiếm đất đai các khu phố trung tâm, để dùng vào việc thương mại. Họ yêu cầu các giám mục và các linh mục di chuyển các nhà thờ ra các vùng ngoại ô, hoặc bằng cách cưỡng ép bán lại đất đai hoặc bằng việc loại trừ các nhà thờ và các người công giáo  ra ngoài lề xã hội. Có lúc Nhà cầm quyền mở lối thoát cho người công giáo bằng việc yêu cầu họ biến các nhà thờ thành những nguồn lợi kinh tài.

Tại nhiều giáo phận trong miền Sichuan, để được tồn tại, các nhà thờ phải được nằm trong chương trình xây cất những khách sạn nho nhỏ, những văn phòng y sĩ, hay những xí nghiệp của tiểu công nghệ hoặc chế tạo các đồ hộp. Như vậy, các giám mục, linh mục và giáo dân, vì phải lo lắng nhiều đến việc kinh tài, sẽ sao nhãng việc sống đạo và giảng đạo. Có những cộng đồng các nữ tu , vì bị cưỡng ép sản xuất mứt (marmalade) tại xưởng nhỏ của họ, sẽ không có thì giờ để học hành, cầu nguyện và suy ngắm. Vì là xưởng đã được đăng kí với Nhà nước để được phép hoạt động, phải sản xuất đúng mức độ ấn dịnh và số thu phải dư thặng luôn.

Theo một số linh mục miền Sichuan, thì chương trình kiến thành phố là một hình thức mới của cuộc bách hại và loại trừ các tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội Trung quốc, lần này đây không vì lý do ý thức hệ cộng sản, nhưng nhân danh chế độ tư bản, một chế độ mà người cộng sản trước đây chiến đấu , hô to "cách mạng vô sản", nhân danh các người nghèo, bênh vực quyền lợi các người vô sản, đả đảo đế quốc tư bản, thì nay họ lại ôm bế hăng say và tìm mọi cách, kể cả những vụ tham những tầy trời, để làm giầu, để trở nên tư bản.

Tháng 12 năm vừa qua (2000), Trung tâm thông tin về nhân quyền, trụ sở tại Hồng kông, loan tin: Trong năm 2000 mà thôi, tại Zhejiang đã có hơn 400 nhà thờ hay đền thờ "bất hợp pháp" bị phá hủy hoặc bị phóng hỏa. Theo bản báo cáo của Ðức Cố Giám mục Duan Yinmin, số tiền cần thiết để xây cất lại các nhà thờ, lên tới 3 triệu 400 ngàn Mỹ kim. Cho đến lúc này, Nhà nước chỉ cung cấp có 200 ngàn Mỹ kim. Số tiền này chỉ đủ để xây cất một trong tám nhà thờ đã được dự tính trong chương trình xây cất, không kể những nhà thờ, với thời gian bị hư hại nhiều, vì không có tiền hay không được phép Nhà nước cho sửa lại. Thí dụ Nhà thờ của Sichuan nay trở nên "nhà thờ của yên lặng", vì bị ngập dần trong nước  mỗi ngày mỗi thêm. Ðây là tình trạng thê thảm của Giáo hội công giáo tại Trung quốc.  Dù bị bách hại, cấm cách đủ mọi hình thức, dù gặp khó khăn thiếu thốn về vật chất, số người công giáo Trung quốc vẫn gia tăng cách lạ lùng, đa số vẫn trung thành với Roma. Ðây là một phép lạ sống động trước mắt mọi người. Phải có một sức mầu nhiệm nào hoạt động âm thầm nơi tâm hồn con người. Sức mầu nhiệm này, người công giáo có đức tin, đều  công nhận: đây là SỨC MẠNH CỦA CHÚA THÁNH THẦN. Con người muốn tỏ ra mình khôn ngoan, nhưng Chúa Thánh Thần chắc chắn sẽ khôn ngoan hơn.


Back to Radio Veritas Asia Home Page