Vài kinh nghiệm của Ðức Hồng Y Josef Glemp

trong 20 năm hướng dẫn Giáo Hội Balan

vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài kinh nghiệm mục vụ của ÐHY Jozef Glemp trong 20 năm hướng dẫn Giáo hội công giáo Ba lan, vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn.

Năm nay 2001, ÐHY Jozef Glemp, TGM Giáo phận Warsawa, thủ đô Ba lan, mừng hai kỷ niệm rất đáng ghi nhớ của cuộc đời Linh mục và Giám mục của ngài. Năm 2001, Ngài mừng kỷ niệm 45 năm thụ phong Linh mục và 20 năm hướng dẫn Giáo hội Ba lan trong một thời kỳ rất khó khăn của Ðất nước.

ÐHY Jozef Glemp sinh trong Giáo phận Gniezno ngày 18 tháng Giêng năm 1929; thụ phong Linh mục ngày 25 tháng 5 năm 1956. Sau nhiều năm làm thư ký của ÐHY Stefan Wyszynski, TGM Warsawa và Giáo chủ Ba lan, được bổ nhiệm làm Giám mục ngày 4 tháng 3 năm 1979, tấn phong ngày 21 tháng 4 cũng năm này, lên kế vị Ðức Cố Hồng Y Stefan Wyszynski tại Tòa Giáo chủ Gniezno và TGM Warsawa ngày 7 tháng 7 năm 1981 (cách đây 20 năm) và sau cùng được Ðức Gioan Phaolô II tôn phong làm Hồng Y ngày 2.2.1983. Như vậy, ÐHY Glemp từ 20 năm nay vừa là Giáo chủ Ba lan, vừa là TGM Warsawa, vừa giữ chức Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ba lan. Ðây là dịp vui mừng đối với riêng ngài, và đối với Giáo hội Ba lan nói chung; nhưng đây cũng là cơ hội thuận tiện để đọc lại những biến cố của Giáo hội và Ðất nước trong 20 năm đầy khó khăn, và nhiều lúc trở nên thê thảm. Trong khoảng thời gian này mọi người dân Ba lan đã chứng kiến những thay đổi sâu xa, từ chế độ cộng sản vô thần bách hại Giáo hội sang chế độ tự do dân chủ; đây là một giai đoạn chuyển tiếp, đòi các vị lãnh đạo Giáo hội  một sự khôn ngoan khác thường, nhưng nhất là đòi sự thánh thiện đời sống và cầu nguyện, để có thể lướt thắng những thử thách lớn lao, những chia rẽ trầm trọng và những xung đột dổ máu có thể xẩy đến.

Trong bài phỏng vấn dành cho một Tuần báo Ba lan, ÐHY nói đến  những phản ứng của Giáo hội đối với "lệnh thiết quân luật" do  Tướng Jaruzelski, Chủ tịch Nhà Nước Ba lan, ban hành đêm 13 tháng 12 năm 1981.  ÐHY Giáo chủ nói: "Tôi được hai nhân viên của Chính phủ báo tin vào lúc 5:30 sáng, nhưng những vụ bắt giam đã được khởi sự từ nửa đêm". Cũng ngày 13 tháng 12 năm 1981, ÐHY đến hành hương tại Ðền Thánh Jasna Gora (Czestochowa). Ngài nói: "Tại đây tôi gặp một nhóm sinh viên hành hương. Họ khóc lóc, lạc hướng, đau đớn về tình hình trầm trọng đang đe dọa Ðất nước và Giáo hội. Tôi cố gắng trấn an ho,ï bằng cách nhắc lại rằng: những tình hình trầm trọng như vậy, tôi đã trải qua nhiều lần rồi".

ÐHY nói kể tiếp: "Trở về Warsawa, tôi cho công bố một bản tuyên ngôn vắn tắt, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tránh những giải pháp bạo động. Cho dù dân chúng lúc đó đều chờ đợi việc lên án Nhà Cầm quyền và kêu gọi nổi dậy chống lại những đàn áp của Chính phủ, tôi đã chọn con đường ôn hoà trấn an các tâm hồn. Thiên Chúa ban cho tôi lúc đó một sự bình tĩnh khác thường. Cảm ơn Người".

Có người hỏi: Trong những ngày như vậy, Hội đồng Giám mục Ba lan có bàn thảo gì với ÐTC không? Tôi trả lời: "Lúc đó những tiếp xúc của chúng tôi với ÐTC được coi là khá nhiều. Sau ít ngày thiết quân luật, Ðức Tổng Giám Mục Dabrowroski, Thứ ký Hội Ðồng Giám Mục Ba lan, đến Roma và sau đó ít ngày, tôi cũng đến Roma gặp ÐTC. Ngài nghe chúng tôi trình bày, nhưng không cho chúng tôi lời khuyên hay gợi ý về những gì phải làm. Ngài nhấn mạnh điều này: chính chúng tôi phải đưa ra những quyết định tương xứng. Ngài lý luận và suy tư với chúng tôi về tình hình mới, nhưng không cho chúng tôi chỉ thị nào cả. Ngài tin tưởng vào Chúa Quan Phòng và ngài nhắc lại rằng: việc cầu nguyện là điều quan trọng hơn cả".

Ðây không phải là lời khuyên gửi tới các Giám mục và Giáo hội Ba lan mà thôi, trong những lúc khó khăn. Trong Triều Giáo Hoàng của Ngài, khi gặp những khó khăn, ÐTC cầu nguyện và cầu nguyện nhiều. Khó khăn càng lớn, ngài càng cầu nguyện nhiều và lâu giờ hơn. ÐHY Giovanni Battista Re, Tổng trưởng Bộïï Giám mục, khi còn làm Phụ tá Quốc Vụ Khanh, hằng ngày tiếp xúc với ÐTC, quả quyết: "ÐTC cầu nguyện mỗi ngày bẩy tiếng đồng hồ".

Vâng theo lời khuyên của ÐTC, "Cầu nguyện là việc quan trọng hơn cả", Thay vì nuôi dưỡng những va chạm, chia rẽ, thù ghét, Giáo hội công giáo Ba lan đẩy mạnh việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện: Thánh lễ, Chầu Thánh Thể, lần hạt Mân côi... trở thành chiến dịch được phổ biến trong tất cả các Giáo xứ, các Cộng đồng. Lời của ÐTC là một thái độ quân bình và nhìn xa thấy rộng. Công nghiệp của thái độ hòa bình đó, sau này chính Nhà Cầm quyền cộng sản Ba lan đã phải công nhận rằng thái độ ôn hoà đó đã cứu Ðất nước BaLan khỏi cuộc nội chiến.

Sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ tại Liên xô và các nước trong Khối, phe đối lập chế độ tại Ba lan có những thái độ thù địch và muốn lôi kéo Giáo hội công giáo ủng hộ đường lối mạnh của họ. ÐHY Glemp đã minh xác lập trường của Giáo hội: Ðây không phải  thời gian hoặc lý do để báo oán. Ngài nhấn mạnh: "Ðiều quan trọng hơn cả trong lúc chuyển tiếp này là công nhận vai trò không thể thay thế của Giáo hội công giáo: vai trò hòa giải, hòa đồng quốc gia, để mưu ích cho toàn dân". ÐHY Giáo chủ nói thêm: "Thực sự có nhiều người thuộc phe đối lập đã bỏ chúng tôi, nhưng dù vậy, họ vẫn giữ một thái độ cảm phục, tôn trọng đối với Giáo hội".

Ðược hỏi về Vài trò của Giáo hội trong 12 năm thực hiện dân chủ là vai trò nào? ÐHY trả lời: "Chúng tôi không bao giờ trực tiếp can thiệp vào chính trị. Trái lại chúng tôi đã nhắc lại và vẫn tiếp tục nhắc lại những nguyên tắc luân lý và những bổn phận của mọi người đối với Quê hương. Chúng tôi đang tìm cách chỉ vẽ đường lối phải sống như thế nào trong hoàn cảnh mới, để có thể xử dụng đúng mức nền tự do dân chủ đã chiếm lại được. Tôi tin rằng: chúng tôi đã thành công trong việc giữ được sự xa cách phải có đối với các đảng phái chính trị và đồng thời giữ được sự tự trị của Giáo hội".


Back to Radio Veritas Asia Home Page