Một vài nhận định về Trung Quốc

sau khi Bắc Kinh được chỉ định

tổ chức Thế Vận Hội năm 2008

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Một vài nhận định về Trung Quốc sau khi  Bắc kinh được chỉ định tổ chức Thế vận Hội năm 2008.

Ủy ban quốc tế thế vận Hội đã bỏ phiếu chỉ định Bắc Kinh tổ chức Thế vận Hội năm 2008. Trước đây, đã ra ứng cử hai lần, Bắc Kinh không được chấp nhận tổ chức Thế vận Hội năm 2000 và năm 2004. Năm 2000, Sydney và năm 2004, Athènes đã thắng phiếu. Trong cuộc bỏ phiếu thứ sáu, ngày  13.7. (2001) để chọn nơi tổ chức Thế vận hội Năm 2008, Bắc Kinh đã được 56 phiếu, Toronto 22 , Paris 18 và Istanbul 9 phiếu. Dân chúng Trung quốc nhẩy mừng, liên hoan suốt đêm, tại quảng trường mênh mông Thiên An Môn, nơi mà vào năm 1989, Chính phủ Bắc Kinh đã đàn áp các sinh viên biểu tình đòi tự do. Chủ tịch Nhà Nước, ông Jiang đã lên tiếng cám ơn thế giới về ân huệ này và hiên ngang tuyên bố rằng: Trung quốc là siêu cường thứ hai trên thế giới (sau Hoa kỳ). Ðây là cơ hội, để Trung quốc làm cho thế giới hiểu mình hơn; nhưng đây cũng là một nguồn lợi kinh tế lớn lao, mà Trung quốc đang cần đến.

Việc chỉ định Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội năm 2008 gây nhiều phản ứng khác nhau: tiêu cực và tích cực. Cả hai phe đều có lý lẽ của mình.

Phe ủng hộ thì chủ trương rằng: đây là cơ hội để Trung quốc cởi mở với thế giới bên ngoài. Biết đâu, với những tiếp xúc với thế giới, Trung quốc sẽ thay đổi đường lối chính trị như Liên xô năm 1989. Ðây còn là cơ hội thuận tiện để giới báo chí Tây phương có dịp phanh phui những gì mà từ trước tới giờ chế độ độc tài vẫn bưng bít. Ai cũng thấy rằng: các chế độ độc tài bất cứ đen hay đỏ, đều lo sợ  các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Mass-media) và tìm mọi cách để đàn áp tự do ngôn luận. Trong thời gian 7 năm chuẩn bị và nhất là trong một tháng Thế vận hội, Bắc Kinh không thể không cho phép giới báo chí, đài phát thanh và truyền hình hoạt động trên lãnh thổ của mình và cũng không thể kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận của giới báo chí Tây phương.

Sau cuộc bỏ phiếu, Tổ chức ân xá quốc tế lập tức đòi nhà cầm quyền Bắc Kinh phải bảo đảm các quyền con người. Thế giới có cơ hội thuận tiện để kiểm soát xem việc chuẩn bị đón tiếp các phái đoàn tham dự Thế vận hội sẽ như thế nào?  Xem Trung quốc còn nuôi tham vọng chiếm Ðài Loan bằng vũ lực nữa hay không? Trong những trường hợp những điều vừa nói trên sẽ xảy ra, thì Thế giới có thể tẩy chay Bắc kinh, như đã tẩy chay Thế vận hội năm 1980 tại Moscowa, lúc Liên xô xâm chiếm Afghanistan.

Phe có phản ứng tiêu cực - thì  đưa ra rất nhiều trường hợp về vi phạm nhân quyền của Nhà cầm quyền Bắc kinh.

1 ) Vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Vụ đàn áp đẫm máu này đã gây chấn động Trung quốc và cả thế giới. Các sinh viên xuống đường tụ họp tại Quảng trường Thiên An Môn yêu cầu thực hiện những cải cách dân chủ. Ðể đón tiếp Chủ tịch Nhà nước Liên xô,  ông Mikhail Gorbaciov, viếng thăm, Chính phủ Bắc kinh ra lệnh giải tán các sinh viên biểu tình. Từ chối tuân lệnh, Chính phủ thiết quân luật bằng việc phái quân đội bao vây Quảng trường mênh mông của Thành phố Bắc Kinh. Ngày 3 tháng 6 năm 1989, quân đội nhà nước xả súng vào các sinh viên biểu tình, sát hại từng trăm người. Một số bị bắt giam và một số khác mất tích.

Vụ đàn áp này vẫn còn là một gương mù lớn lao và thỉnh thoảng báo chí quốc tế còn  nhắc lại. Trung quốc khó xóa bỏ được vụ đàn áp đã man này trước dư luận thế giới.

2 - Giáo hội công giáo bị cưỡng ép sống trong tình trạng hầm trú.

Giáo hội công giáo tại Trung quốc từ nhiều năm bị cưỡng ép sống trong bóng tối, vì những vụ đàn áp của Nhà Cầm quyền cộng sản. Nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân bị tù trong nhiều năm. Nhiều vị bị chết trong các nhà giam hoặc tại các trại  tập trung.

Chỉ có Giáo hội "quốc doanh", như công cụ của Nhà nước, được phép hoạt động và được hưởng tự do hơn. Nhiều giám mục thuộc Giáo hội "quốc doanh"  này do nhà cầm quyền Bắc Kinh bổ nhiệm.

Chiến dịch chống Giáo hội sống lén lút, trung thành với Roma, được tung ra năm 1995. Sau vụ Phong Hiển thánh cho 120 Chân phước tử đạo Trung quốc ngày 01 tháng 10 năm Thánh 2000, chiến dịch này được đẩy mạnh hơn nữa trong toàn quốc, vì Trung quốc coi việc  "Phong thánh"  là "một hành động khiêu khích".

3 – Việc Xâm chiếm và đàn áp Tibet (Tây Tạng).

Sau một năm tuyên bố thành lập Cộng hòa nhân dân Trung quốc vào năm 1949, Nhà cầm quyền Bắc kinh phái quân đội xâm chiếm Tibet (Tây Tạng). Chính phủ địa phương bắt buộc phải đầu hàng và chấp nhận việc sáp nhập vào lãnh thổ Trung quốc. Năm 1959, Hồng quân sát hại 87 ngàn dân Tibet. Hiện nay có khoảng 120 ngàn dân Tibet sống lưu vong, dưới sự lãnh đạo của Ðức Dalai Lama.

Dù Liên hiệp quốc can thiệp ba lần (1959, 1961, 1965) và biểu lộ sự lo lắng về những vi phạm nhân quyền và quyền tự quyết của dân tộc Tibet, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đường lối chính trị đàn áp của mình. Trong những ngày vừa qua, có hai người đã chết trong trại tập trung Mianyang.

Trung quốc là một trong 5 quốc gia có quyền phủ quyết (veto) tại Hội đồng Bảo an LHQ. Nếu một trong 5 Hội viên bỏ phiếu phủ quyết, các Hội viên khác không thể làm gì hơn.

4 - Chiến dịch chống  nhóm  Pháp Luân Công.

Nhóm nầy là một cái gai đối với chế độ. Nhà cầm quyền Bắc kinh tố cáo Falun-Gong tổ chức việc phụng tự dị đoan, cho tới lúc này gây nên 1,500 nạn nhân.

Thực sự nhóm  Falun-Gong chủ trương một đời sống không bạo động theo các nguyên tắc của Lão tử và Phật giáo và được nhiều người dân theo. Nhà nước gán ghép nhóm người mới này về tội đe dọa an ninh quốc gia. Nhưng nỗi lo lắng chính của nhà nước là con số đông người theo và thỉnh thoảng lại tụ họp tại Thiên An Môn để cầu nguyện, suy tư trong yên lặng.

Vụ đàn áp giáo phái Falun Gong khởi sự năm 1999, lúc bị đặt ngoài vòng pháp luật. Tháng sáu năm 2001, có 14 phụ nữ bị chết vì những vụ đấu tố tại các trại tập trung. Trái lại Bắc kinh quả quyết: đây là một vụ tự sát tập thể.

5 - Án tử hình và việc buôn bán cơ quan.

Tổ chức ân xá quốc, trong bản báo cáo mới đây, nêu lên con số kinh khủng về án tử hình tại Trung quốc. Chính phủ Bắc kinh đẩy mạnh đường lối chính trị  "cứng rắn " đối với các tội ác. Chiến dịch chống tội ác được khởi sự năm 1983. Trong ba tháng vừa qua (của năm 2001) Bắc kinh đã sử tử 1,791 người. Những tội bị án tử hình là những tội sau đây: Nạn tham nhũng, biển thủ công quĩ, xuất ngoại lén lút.

Tổ chức ân xá quốc tế tố cáo những vụ xử không đúng luật pháp, nghĩa là không bảo đảm quyền bênh vực người bị tố cáo và những vụ xử "chớp nhoáng", thiếu xét xử nghiêm chỉnh.

Giáo sư Harry Wu, nhân vật chống đối chế độ, sống lưu vong tại Hoa kỳ, nhân dịp Bắc kinh được chỉ định tổ chức Thế vận hội năm 2008,  đã tuyên bố về những vi phạm nhân quyền tại Trung quốc, như sau: "Dựa trên kinh nghiệm bản thân tôi là một tù nhân chính trị và căn cứ vào những nghiên cứu, thì Trung quốc là Xứ sở duy nhất trên thế giới, theo luật pháp, cho phép lấy các cơ quan của người bị xử tử, để nuôi dưỡng việc buôn bán cơ quan ghép cho các bệnh nhân". Giáo sư nói tiếp: "Trong những tháng vừa qua có khoảng 2,000 vụ xử tử những người thực sự không phạm những tội ác đáng bị án tử hình. Ðây là một chế độ của sự kinh khủng và của trục lợi do buôn bán và việc ghép bộ phận".


Back to Radio Veritas Asia Home Page