Qua chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine
chúng ta nhìn lại những khó khăn trong cuộc tái sinh
của Giáo Hội Công Giáo tại Cuba
Prepared
for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Qua
chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine, chúng ta nhìn lại
những khó khăn trong cuộc tái sinh của Giáo hội công giáo
tại Cuba.
Trong
những ngày vừa qua, nhờ
báo chí và đài truyền hình trong và ngoài nước tường thuật
tỉ mỉ về chuyến viếng thăm bốn ngày của Ðức Gioan Phaolô
II tại Ukraine, chúng ta biết được phần nào cuộc tái sinh
nhanh chóng của Giáo hội công giáo tại Ukraine
thuộc cả hai lễ nghi Latinh và Bizantin, sau 10 năm thoát khỏi
những cuộc bách hại của chế độ Cộng sản Liên xô. Giáo
hội công giáo tại Ukraine bị bách hại dữ dội hơn tất cả
các Giáo hội công giáo khác tại các nước thuộc Khối Liên
xô trong hơn nửa thế kỷ.
Năm
1946, sau khi tịch thu mọi tài sản của Giáo hội và bắt giam, sát
hại nhiều Giám mục, Linh mục
và Giáo dân, Stalin ra lệnh cho Giáo hội công giáo lễ nghi
Bizantin tại Ukraine phải giải tán
và phải sáp nhập vào Giáo hội chính thống Nga (được coi như
là giáo hội "liên minh" với Nhà Nước). Từ đó, Giáo
hội công giáo Byzantin tại Ukraine
hầu như bị hoàn toàn xóa bỏ hoặc phải
sống trong lén lút hoặc trốn ra các nước ngoài. Cuối
năm 1989 và đầu năm 1990, chế độ cộng sản vô thần tại
Liên xô và các nước thuộc khối cộng sản tại Ðông Âu
sụp đổ; Và
tháng 8 năm 1991, Ukraine lấy lại tự do và nền độc lập
quốc gia. Từ đó Ukraine bắt đầu cuộc phục hưng và Giáo hội
tại đây được trở lại
hoạt động và phát triển rất nhanh chóng. Nhờ chuyến viếng
thăm của ÐTC vừa qua, nhờ báo chí trong và ngoài nước, nhất
là qua đài truyền hình trực tiếp về các cuộc tiếp đón và
các buổi cử hành thánh lễ, chúng ta được thấy đức tin
mạnh mẽ của dân tộc Ukraine vững mạnh như thế nào. Hai
Thánh lễ và buổi gặp gỡ của giới trẻ với ÐTC tại Lviv
(Leopoli) thành phố được coi là trung tâm của Ðạo công giáo
tại Ukraine, số người tham dự - theo báo chí và đài ruyền hình
- lên tới hơn một triệu. (Nên nhắc lại: số người công
giáo tại Ukraine thuộc cả
hai lễ nghi Latinh và Bizantin khoảng 6 triệu, trong số 50 triệu dân
cư toàn quốc).
Ðó
là chuyện tại Ukraine. Giờ đây, chúng ta hãy nhìn lại Giáo
Hội Công Giáo tại Cuba, bên Châu Mỹ. Giáo Hội nầy
hiện vẫn phải sống dưới chế độ cộng sản từ năm
1959 tới nay. Tình hình khác hẳn. Bốn năm sau chuyến viếng thăm
của ÐTC Gioan Phaolô II (từ 21 đến -25 tháng 01 năm 1998), Giáo
hội được sinh hoạt dễ dàng
hơn phần nào. Giáo hội đã có những hoạt động và tiến
bộ trong lãnh vực thiêng liêng.
Bản
thống kê mới nhất của Tòa Tổng Giám mục tại thủ đô
La Havana, cho thấy con số những
người tham dự các Bí tích gia tăng rất đáng kể. Nhưng các
giám mục vẫn không thể hài lòng, bởi
vì vẫn còn rất nhiều giới hạn và kiểm soát đối với
các hoạt động của Giáo hội. Các ngài lên tiếng nhiều lần
rằng: tại Cuba, còn thiếu sự tự do tôn giáo. Một đàng chính
phủ cộng sản có những dấu hiệu cởi mở, đàng khác vẫn
đưa ra những văn kiện và chương trình nhằm kiểm soát Giáo
hội. Dù sao, sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại đây, người
dân Cuba có một thức tỉnh mạnh mẽ hơn về tôn giáo.
Bản
thống kế của Tòa TGM La Havana, tuy không thể nói là của tất
cả các giáo phận, nhưng cũng cho thấy tình hình chung về tôn
giáo trong thời gian 10 năm qua, cách riêng sau hơn bốn
năm chuyến viếng thăm lịch sử của ÐTC tại Cuba.
Từ
năm 1990 đến năm 2000 số trẻ em rửa tội tăng 2,6%, từ 27,609
lên tới 33,735 em; con số xức dầu bệnh nhân tăng hơn 40% từ
4,054 đến gần 6 ngàn (5,769). Theo ông Orlando Marquez, phát ngôn
viên của HÐGM Cuba, tác giả một bài
được đăng trong Tạp chí công giáo "Palabra Nueva", thì
việc tham dự các Bí tích Thêm
Sức, Hôn phối và Rước lễ lần đầu còn gia tăng đáng kể
hơn nữa. Cũng trong khoảng 10 năm,
từ 1990-2000, con số lãnh bí tích Thêm sức từ 368 lên
tới 661 người (tăng gần gấp đôi). Hôn phối: 184 lên tới
427 đôi. Rước lễ lần đầu, từ 746 em lên tới 2,244 (gấp
ba lần).
Trước
những tiến bộ này, Chính phủ Cuba
phản ứng bằng một Văn kiện của Ðảng Cộng sản. Văn kiện
này tố cáo các hoạt động của Giáo hội công giáo Cuba, cách
riêng của các tổ chức và phong trào tôn giáo quốc tế. Giọng
tố cáo nầy giống luận điệu của Giáo hội chính thống Nga;
đó là tố cáo Giáo Hội
"chiêu mộ tín đồ" và
gây xáo trộn trong xã hội Cuba. Văn kiện nhằm cách riêng Giáo
hội công giáo, nhất là các hoạt động từ thiện bác ái
của Giáo hội, và coi đây là một nguy hiểm.
Thực sự tại Cuba trong lúc này, Giáo hội công giáo là
người thứ nhất và tuyệt đối trong lãnh vực từ thiện bác
ái, lo lắng đến những nhu cầu của người dân, cách riêng
người nghèo khổ, và bị loại ngoài lề xã hội; đây là những người bị thiệt thòi hơn cả,
trước tình hình khó khăn về kinh tế của Cuba. Theo nhận xét
của Ðảng cộng sản Cuba, những hoạt động giúp đỡ người
già yếu, bệnh nhân và tàn tật, thường bị các dịch vụ công
cộng bỏ rơi, những giúp đỡ của cá nhân trong nước hay của
những tổ chức quốc tế cho các Dòng Tu, đang gây nhiều lo lắng
cho Nhà nước. Vì thế cần phải tìm giải pháp đáp lại.
Luận
điệu của văn kiện Chính phủ đã được mọi người biết;
đó là luận điệu cho rằng những trợ giúp nầy
là "những xen lấn của ngoại quốc vào nội bộ". Ðể
ngăn cản "những xen lấn
ngoại quốc này", chính phủ phải kiểm soát và gia tăng, củng
cố các hoạt động xã hội.
Việc
các nhà truyền giáo và việc cấp chiếu khán cho các Tu sĩ
nam nữ đến Cuba sẽ bị giới hạn và có thể sẽ có những
tranh luận sôi nổi trong Cấp lãnh đạo chóp bu, cách riêng về
giấy phép của Chủ tịch Fidel Castro mới đây cấp cho các Nữ
tu của Dòng Thánh Nữ
Brigida, có trụ sở chính ở Roma, được mở nhà tại thủ đô
La Havana trong những tháng tới đây.
Ðức
Cha Adolfo Rodriguez, TGM giáo phận Camaguey, chủ tịch HÐGM Cuba, cho
biết: Trong dịp lễ Thánh Thể vừa qua và trong các dịp lễ trọng
khác, việc tham dự các cuộc rước kiệu ngoài đường phố
sấm uất và đông đảo. Ðức TGM nhấn mạnh rằng: Trong một
quốc gia tân tiến, tôn giáo không thể bị kỳ thị và quốc
gia này không phải là trường hợp của Cuba, vì tại Cuba từ
năm 1998, nghĩa là từ chuyến viếng thăm của ÐTC, đã ghi nhận
nhiều cởi mở; nhưng tiếc thay, sánh với bốn năm trước
đây, ngày nay Cuba lại đang thụt lùi. Ðức Cha Rodriguez
giải thích: Nhà Nước không công nhận các quyền mà Giáo hội
phải có trong một quốc gia tân tiến, nhất là việc tham dự
vào công việc chung, để cùng nhau giúp Quốc gia phát triển và
tiến bộ; Ðây là một sai lầm lớn, bởi vì Quốc gia là của
chung mọi người dân, không phải là của riêng một phe nào,
một người nào. Mọi người dân đều có bổn phận và quyền
lợi tham dự vào và xây
dựng công ích.
Chắc chắn tình hình tại Cuba đang thay đổi, không thể ngăn chặn bước tiến của lịch sử, của người dân. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài truyền hình Nbc của Hoa kỳ, Chủ tịch Fidel Castro nói đến việc kế vị. Ông tuyên bố: "Không bầu cử gì cả. Người thay thế tôi sẽ là chính em của tôi, Raul Castro, hiện giữ chức Tổng trưởng quốc phòng, và năm nay đã 70 tuổi, nhưng còn khỏe mạnh".