Giáo Hội Công Giáo lễ nghi Latinh tại Nga

mừng kỷ niệm 10 năm phục hưng

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giáo hội công giáo lễ nghi Latinh tại Nga mừng kỷ niệm 10 năm phục hưng.

Như chúng tôi đã loan tin trước đây, trong những ngày  từ thừ sáu, 25 đến Chúa nhật 27.5.2001, Ðức TGM Jean Louis Tauran, Ngoại trưởng Vatican, đặc sứ của ÐTC, đến Moscowa, dể chủ tọa các lễ nghi mừng kỷ niệm 10 năm cuộc phục hưng của Giáo hội công giáo lễ nghi Latinh tại đây. Cũng nên nhắc lại, sau khi chế độ cộng sản vô thần tại Liên xô  sụp đổ, ngày 13.4.1991, ÐTC cho tổ chức lại cơ cấu Giáo hội công giáo tại Nga, bằng việc thiết lập  hai Giáo phận: Giáo Phận  Moscowa, gồm tất cả lãnh thổ miền Nga Tây Âu, được trao phó cho Ðức TGM Tadeuz Kondrusiewicz và Giáo Phận Novosibirsk, miền Siberia, do Ðức Cha Clemens Picket quản trị.Sau đó, mỗi giáo phận nầy, lại được chia ra làm hai giáo phận nữa; và như thế, hiện nay, tại Liên Bang Nga, Giáo Hội công giáo nghi lễ Latinh, có tất cả là bốn giáo phận.

Một "Hội nghị về Thánh Kinh và về Giáo hội"  cũng được tổ chức trong dịp này, với sự tham dự của 400 đại biểu công giáo đến từ các miền khác nhau trong nước và đại diện các Giáo hội khác hiện diện trên lãnh thổ Nga.

Thuật lại nguồn tin từ Tòa Sứ Thần ở Moscowa, Hãng thông tấn Interfax viết như sau: "Ðức TGM Tauran không  nói đến chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nga, cũng không đề cập đến việc tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Ðức Alexis đệ nhị, Giáo chủ Moscowa  và toàn thể Giáo hội chính thống Nga. Tin này đã được chính Vị đặc sứ của ÐTC xác nhận thứ bẩy vừa qua. Ngài giải thích: Trong lúc này, ÐTC không ghi trong chương trình một chuyến thăm như vậy trong tương lai gần đây.

Dù vậy, nhân dịp kỷ niệm 10 năm tái lập Giáo hội tại Nga, những viễn tượng về một chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nga trở nên một vấn đề thời sự. Nhật báo Nevasimimaja Gazeta, một trong các báo uy tín nhất của thủ đô Moscowa, trong những ngày vừa qua, đã đặt câu hỏi cho các độc giả của mình như sau:  "Chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Moscowa là một sự kiện tích cực hay tiêu cực?". Và sau đây  là kết quả của việc thăm dò dư luận, do 647 độc giả trả lời: 46,8% nghĩ rằng: một chuyến viếng thăm của ÐTC là "tích cực và cần thiết xét về bất cứ phương diện nào";  21,3% cho rằng: chuyến viếng thăm chỉ tích cực, nếu ngài sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề các người công giáo theo lễ nghi Bizantin và các vấn đề khác nữa.

Nói đến "nhượng bộ", các độc giả này muốn nhắc lại việc tranh chấp về các nơi phụng tự giữa nguời công giáo, hiệp nhất với Roma,  và các người chính thống, cách riêng tại Ukraine. Tưởng cũng nên nhớ lại rằng: các nôi phụng tự nầy (các nhà thờ) trước đây là của người công giáo, bị nhà độc tài Stalin tịch thu và trao cho Giáo hội chính thống trong thời kỳ cộng sản. Vụ tranh chấp này đã và hiện còn gây nên những căng thẳng giữa hai bên.

Sau cùng, 31,8% theo lập trường cứng rắn cho rằng: chuyến viếng thăm là tiêu cực và Ðức Giáo chủ Alexis đệ II, của Giáo Hội chính thống Masacova, trong bất cứ trường hợp nào,  không được gặp Ðức Gioan Phaolô II.

Ký giả Filipp Taratorkin, đặc phái viên của Hãng thông tấn Stranaru, cạnh Vatican, nhận xét rằng: Cách riêng giới trí thức Nga có một ý nghĩ tích cực về Ðức Gioan Phaolô II và Ðạo công giáo. Ký giả Taratorkin viết như sau: "Vị Giáo Hoàng Roma là nhập thể của Tây phương trong ý nghĩ cao cả nhất, và, như vậy có thể nói, là một con người tế nhị về lời nói". Kỷ giả đặt câu hỏi: "Vậy cái gì thúc đẩy dân chúng ủng hộ Ðức Gioan Phaolô II?". Ông trả lời: "Ngài là một con người cởi mở và thành thực, là một linh mục thi hành nghiêm chỉnh Thừa tác vụ của mình và, sau cùng, nói tóm lại, ngài là một con người  dễ thương".  Ký giả Taratorkin viết tiếp: "Các tác phẩm của Ðức Gioan Phaolô II, hiện được bán tại các tiệm sách lớn ở  Moscowa, cho thấy rõ: Ngài là người nói với các tín hữu với một kiểu nói đơn sơ và dễ hiểu, đồng thời cho thấy ngay rằng: tác giả  là một người học rộng, thông thái, nắm vững kiểu hành văn của mình". Ðặc phái viên viết tiếp: "Hơn nữa, việc khước từ gặp Ðức Gioan Phaolô II về phía Ðức Giáo chủ Alexis đệ nhị và những lời tuyên bố của Ðức Giáo Chủ có tính cách chỉ trích Ðức Thánh Cha, cũng như  chỉ trích những người khác, (những lời tuyên bố đó) gây phản ứng chống lại ngài, và tạo ra trong quần chúng cảm giác này: là Ðức Giáo chủ muốn tránh cuộc gặp gỡ, với lý do này là các vấn đề chưa được giải quyết trong mối quan hệ giữa các nguời công giáo và chính thống, thay vì tìm cách giải quyết các vấn đề này trên cấp bậc tối cao".

Về phía Giáo hội công giáo tại Nga, những vị lãnh đạo công giáo đã hết sức tránh mọi tính cách "khởi hoàn". Trong Tuần báo "Ánh sáng Tin Mừng", số ra ngày 20.5.2001 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 10 năm phục hưng  Giáo hội công giáo tại Nga, Ðức TGM Tadeuz Kondrusiewicz, viết như sau: "Giới trẻ biểu lộ sự quan tâm mỗi ngày mỗi thêm của họ đối với đời sống Giáo hội . Ðây là điều mang lại niềm hy vọng cho tương lai. Giáo hội công giáo  tham dự tích cực vào việc phát triển  đối thoại giữa các Giáo hội Kitô và đối thoại liên tôn, và luôn luôn giữ các mối quan hệ tốt với nhiều cơ cấu của xã hội Nga. Nhưng đồng thời, Ðức TGM không giấu giếm những khó khăn của Giáo hội công giáo tại Nga. Trước hết việc thiếu các linh mục, Tu sĩ và Giảng viên giáo lý, thiếu các nhà thờ và nhà cầu nguyện: 40% giáo xứ không có một nơi nhất định để cử hành phụng vụ. Rồi trong lãnh vực mục vụ còn rất nhiều việc phải làm.

Ngoài những khó khăn được Ðức TGM Tadeuz Kondrusiewicz nhắc đến trong Tuần báo "Ánh sáng Tin Mừng", Tuần báo "Gia Ðình Kitô" bằng tiếng Pháp, số phát hành cho tuần lễ từ từ 16.5.2001 đến 01.6.2001) đã viết như sau: "Giáo hội công giáo tại Nga thuộc thiểu số: gồm khoảng 500 ngàn trong một quốc gia có trên 150 triệu dân cư. Giáo hội này hiện diện tại Nga  từ thế kỷ XII. Trước cách mạng 1917, gồm hai giáo phận, với 800 ngàn giáo dân, hầu hết gốc Ba lan, Ðức và Lituani, được chia thành 250 giáo xứ, do 300 linh mục hướng dẫn. Dưới chế độ cộng sản, hầu như bị tiêu diệt. Sau chế độ cộng sản, năm 1991 Giáo hội công giáo được phục hưng, chỉ còn  lại có 10 giáo xứ với 8 linh mục. Rồi luôn luôn bị các người chính thống , nhất là hàng giáo sĩ,  tố cáo về tội  "chiêu mộ tín hữu của họ". Năm 1997, lại gặp khó khăn khác, do luật về  tự do tôn giáo tại Nga. Luật này chỉ công nhận các tôn giáo được coi là  truyền thống tại Nga ,có quyền hoạt động và phát triển, như Chính thống giáo, Hồi giáo, Do thái giáo và Phật giáo. Các tôn giáo khác, kể cả Kitô giáo,  dù đã hiện diện tại Nga từ thế kỷ XII, không phải là tôn giáo truyền thống,  bị nhiều giới hạn và kiểm soát. Nhờ sự tranh đấu can đảm và sự can thiệp trực tiếp của ÐTC với Nhà Cầm quyền trung ương Liên Bang Nga, nhất là với Tổng Thống Boris Eltsin và Vladimir Putin, Giáo hội tránh được nhiều khó khăn và được tự do hơn trong hoạt động và phát triển. Nhưng vẫn bị Giáo hội chính thống gây nhiều  cản trở,  bằng cách tố cáo "là chiêu mộ tín hữu của họ". Có lẽ vì ảnh hưởng của Giáo hội công giáo mỗi ngày mỗi gia tăng, Giáo hội chính thống không muốn có chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Moscowa và tại Nga.

Thực sự,  Giáo hội chính thống chiếm đại đa số, không có lý do phải lo sợ. Sau chế độ cộng sản, nghĩa là từ  năm 1990, Giáo hội chính thống tại Nga gồm 128 Giáo phận, với 150 Giám mục; 19 ngàn giáo xứ với 17 ngàn linh mục và 2,300 Thầy sáu. Một lực lượng hùng hậu với 70 triệu tín hữu có thể gây ảnh hưởng sâu rộng hơn Giáo hội công giáo gấp trăm lần, và hơn nữa vẫn được Nhà Nước ủng hộ và coi như là "Quốc giáo".


Back to Radio Veritas Asia Home Page