Bài phát biểu của

ÐHY Sepe và ÐGM Sarr hôm thứ Hai 8/10/2001

trong khóa họp

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật tiếp về Khóa họp khoáng đại thường lệ thứ 10 THÐGM: Ngày làm việc thứ Hai mùng 8 tháng 10/2001: Bài phát biểu của ÐHY Sepe, bộ truởng Bộ Truyền Giáo và Ðức Cha Sarr, Giám Mục Thies.

Sau một tuần lễ thảo luận, Khóa họp khoáng đại thường lệ thứ 10 của THÐGM về đề tài: "Giám mục người phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của thế giới", đã bước sang tuần thứ hai. Thứ sáu 12/10/2001, các Nghị phụ sẽ nghe bài thuyết trình tổng kết thứ  hai (relatio post disceptationem), rồi bắt đầu họp nhóm, để đào sâu những ý kiến đã thu lượm được trong các phiên họp chung. Sau đó, các nhóm sẽ họp chung lần thứ hai, để vị trưởng nhóm tường trình những kết luận của các thảo luận trong nhóm. Rồi sau lần họp chung đợt hai này, các nhóm sẽ họp lại một lần nữa, để soạn thảo các đề nghị. Và cuối cùng, mọi nghị phụ sẽ trở lại phòng hội chung để bỏ phiếu các đề nghị theo ba thể thức: Placet (ưng thuận) - Non placet (không ưng thuận) và Placet juxta modum (ưng thuận, nhưng cần sửa lại). Sau khi được chấp nhận qua cuộc bỏ phiếu, các đề nghị sẽ được đệ trình lên cho ÐTC quyết định và sau đó để tùy ÐTC xử dụng mà soạn thảo Văn kiện gọi là "Tông Huấn Hậu - THÐGM. Tưởng cũng nên nhắc lại nơi đăy rằng: THÐGM được thiết lập trong Công đồng Vatican II, do Motu proprio (Tự sắc) "Apostolica Sollicitudo" của Ðức Phaolô VI, công bố ngày 15/09/1965, như là một cơ cấu có mục đích giúp ÐTC trong việc quản trị Giáo hội toàn cầu.  THÐGM cho tới lúc này chỉ có quyền "cố vấn" không có quyền quyết định.

Sáng thứ Hai 8/10/2001 đã có 18 Nghị phụ phát biểu ý kiến, trong số này  ÐHY Crescenzo Sepe, Tân Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, về  đề tài: "Ðào sâu tính cách truyền giáo".

Nhắc đến Văn kiện làm việc, ÐHY Sepe cảm ơn ÐHY Tổng thư ký Khoá Họp THÐGM, đã làm một bản tổng hợp rõ ràng về giáo lý và thừa tác vụ của các Giám mục trong những biến cố lịch sử, những tình hình xã hội và những hướng đi của thời đại, trong đó chúng ta đang sống. Rồi nhắc lại cách riêng đoạn thứ năm của Văn Kiện làm việc, ÐHY Sepe, Tổng trưởng Bôï Rao giảng Tin Mừng nhấn mạnh đến tính cách truyền giáo, cần được đào sâu hơn nữa. Ngài nói: Việc truyền giáo, cách riêng trong thời đại này, không phải chỉ là một trong biết bao công việc của giám mục, nhưng phải là một đòi hỏi ưu tiên của Giám mục, vì đây là nền tảng hoạt động mục vụ của một vị chủ chăn giáo phận, không phải tại các xứ truyền giáo mà thôi, nhưng chung cho cả Giáo hội. Nhiều cộng đoàn đã lãnh nhận Tin Mừng ngay từ các thế kỷ đầu , nay trở nên như các nơi truyền giáo.

Trong Giáo hội có rất nhiều văn kiện nói đến bổn phận truyền giáo của giám mục giáo phận và đến bổn phận - quyền lợi  của giám mục, hiệp thông với ÐTC,  trong việc rao giảng Tin Mừng trên cả thế giới, theo tinh thần của Thánh Phaolô "Sollicitudo omnium ecclesiarum (lo lắng đến mọi giáo hội). Vì là thành viên của Giám mục đoàn, giám mục "cum Pontifice et sub Pontifice" (cùng với Ðức Giáo Hoàng và dưới  quyền của ngài) đã lãnh nhận mệnh lệnh và quyền giảng dạy mọi dân tộc,  thánh hóa con người trong chân lý và hướng dẫn các linh hồn" (Christus Dominus,  3). Sắc lệnh  về Truyền Giáo "Ad Gentes" (của Công đồng chung Vatican II) còn rõ ràng hơn nữa với những quả quyết như sau: "Tất cả các giám mục, vì là thành viên của Giám mục đoàn, được tấn phong không phải chỉ cho giáo phận riêng của mình, nhưng cho sự cứu rỗi của mọi người" (số 38).

Ý thức về bản chất truyền giáo của thừa tác vụ riêng mình, các giám mục  phải làm cách nào để tinh thần truyền giáo linh động tất cả các hoạt động của giáo hội trong giáo phận của các ngài, bằng cách làm cho các hoạt động này thực sự trở nên truyền giáo, nhất là bằng việc gửi đến các xứ truyền giáo một số linh mục, tùy khả năng của giáo phận, theo tinh thần Thông điệp "fidei donum" của Ðức Pio XII. Các linh mục ra đi này cần được chuẩn bị về thiêng liêng và trí thức tương xứng. Hơn nữa "Motu proprio (tự sắc)  Ecclesiae sanctae"  (Hội Thánh) tái xác nhận sự cộng tác liên giáo phận cả trên phương diện kinh tế nữa (đoạn ba, khoản 8). Việc giúp đỡ tài chánh này không phải là một bố thí, nhưng như một bổn phận phải chu toàn đối vối các Giáo hội nghèo túng hơn.

Ðể canh tân đời sống truyền giáo, chúng ta đã có hai văn kiện mới đây. Ðó là tông huấn: "Evangelii nuntiandi" của Ðức Phaolô VI và thông điệp "Redemptoris missio" của Ðức Gioan Phaolô II. Giáo Hội tự bản chất là tuyền giáo (AG 2), và chúng ta các giám mục, vì là những người kế nghiệp các Thánh Tông đồ, phải dấn thân đến cùng trong "opus maximum" (công việc vĩ đại nhất), đó là việc cứu rỗi các linh hồn, qua việc rao giảng Tin Mừng trên cả thế giới. Vì thế chúng ta "phải thúc đẩy mình ra khơi",  bởi vì như ÐTC  nói: "Sứ mệnh của Chúa Kitô Cứu chuộc, đã được phú thác cho Giáo hội, còn rất lâu mới được hoàn tất... Sứ mệnh này hiện vẫn còn ở vào thời kỳ bắt đầu" (RM 1). Sau hai ngàn năm Kitô giáo, người công giáo, sánh với dân số toàn thế giới, mới chỉ có 1 phần sáu. Nói đến đây, cần nhớ lại thực tại đã được ÐTC nói đến, một thực tại cần phải được kiểm thảo và là một thực tại làm ta đau lòng: đó là sứ mệnh truyền giáo "Ad gentes xem ra bị chậm lại, đình trệ" (RM. 2). Nếu mệnh lệnh của Chúa Kitô: "Hãy ra đi và... làm phép rửa tội..." (Mt 28, 19). vẫn còn ý nghĩa, thì những quyết định của chúng ta trong Khóa họp này phải được biểu lộ bằng công việc làm. Vì thế, các Vị chủ chăn,  với can đảm của sự khôn ngoan, của lời nói, của tâm hồn ... cần hướng dẫn  đàn chiên đã được phú thác trên những con đường mới của thế giới mới, trong sự vững mạnh của đức tin và trong hiệp nhất của đức ái.

Sau ÐHY Crescenzo Sepe, Ðức Cha Jacques Sarr, GM Thiès,  Cộng hòa Sénégal, Châu phi, đã phát biểu về ba bổn phận chính yếu của Giám mục: Rao giảng Tin Mừng, thánh hóa và hướng dẫn Dân Chúa". Ngài nói: chúng ta hãy biểu lộ lòng biết ơn con thảo lên ÐTC,  vì chương trình mục vụ và thiêng liêng đã được chỉ vẽ trong Tông thư "Novo Millennio ienunte", vì những viễn tượng mục vụ, rồi sau đó  vì Hội nghị Hồng Y (tháng 5 năm 2001) và vì những ngày làm việc tập thể này trong hiệp thông huynh đệ và truyền giáo.

Văn kiện làm việc của Khóa họp và Văn kiện Hậu - THÐGM  sẽ là một hướng dẫn quí báu cho các Giám mục trong lý tưởng đời sống và trong thừa tác vụ giám mục.

Sự lo lắng trước hết của giám mục là việc rao giảng Tin Mừng, Thánh hóa và Hướng dẫn Dân Chúa, đã được phú thác cho các ngài chăm sóc. Nhưng phải thú nhận thành thực rằng: biết bao công việc khẩn cấp khác ... đã không luôn luôn để giám mục giữ được  nghị lực và sự hăng say truyền giáo.

Các tín hữu Kitô và cả những nguời ngoài công giáo coi giám mục là "người lãnh đạo", "ông chủ nhà", "nơi tham khảo" cần luôn luôn chạy đến. Giám mục phải coi mình như người phục vụ khiêm tốn lắng nghe các tín hữu của Chúa Kitô, như vị chủ chăn nhiệt thành và như người cha yêu thương. Giám mục hãy ý thức về gánh nặng của bổn phận mình và muốn chu toàn trong đức tin, với sự giúp đỡ cần thiết của  các người cộng tác trực tiếp của mình: linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Nhiều lúc phải chèo thuyền ngược dòng và phải chấp nhận trở nên như Thầy chí thánh và Chúa của mỉnh, trở nên  "dấu hiệu của tương phản". Với chính giá phải trả này, giám mục trở nên người phục vụ can đảm và đáng tin của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô trong một xã hội, như xã hội Châu phi hiện nay, chịu đau khổ vì cảnh nghèo khổ, vì những sự dữ về phương diện luân lý-đạo dức và về chính trị nữa.

Lời của Giáo hội, của ÐTC, của các giám mục và các HÐGM về vần đề xã hội luôn luôn được chờ đợi  và đón nhận, như lời đem lại sự sống, hòa bình và hy vọng, nơi các tín hữu và các người thiện chí.  Giáo hội tại Châu phi vui mừng ngay từ lúc này về việc công bố "Bản lược tóm" giáo lý xã hội của Hội Thánh công giáo. Cuốn sách này sẽ làm cho xã hội chúng tôi biết đến Tin Mừng sự sống, Tin Mừng hòa bình và Tin Mừng hy vọng. Giáo hội tại Châu phi hy vọng rằng việc giảng dạy các văn kiện của Tòa Thánh (Tông thư, Thông điệp v.v...) được phổ biến và thực hiện trong các chủng viện, trong các trung tâm huấn luyện. Giáo hội tại Châu phi cần một Cuốn chỉ đạo cho việc rao giảng mới, do thời đại mới đòi hỏi; Giáo Hội tại Phi châu cần đến một nền thần học và tu đức của Giám mục, như là người cha và nguời anh trong giáo phận.

 


Back to Radio Veritas Asia Home Page