Bài phát biểu của

ÐHY Ratzinger và ÐHY Re thứ Bảy 6/10/2001

trong khóa họp

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật tiếp về Khóa họp khoáng đại thường lệ thứ 10 của THÐGM:  Ðặc biệt là hai bài phát biểu của ÐHY Ratzinger và của ÐHY  Re, hôm thứ bảy mùng 6 tháng 10/2001.

Sáng thứ bẩy 06/10/2001 đã có 20 Nghị phụ phát biểu ý kiến. Ðây là một trong các phiên hội chung kéo dài hơn cả. Chiều thứ bẩy 6/10/2001 cũng như ngày Chúa nhật 7/10/2001, không có họp THÐGM. Các nghị phụ chỉ trở lại làm việc vào ngày thứ hai 8/10/2001. Trong các bài phát biểu sáng thứ bẩy 6/10/2001, các Nghị phụ lưu ý cách riêng đến bài phát của ÐHY Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức Tin, một trong các Vị Hồng y nổi tiếng và uy tín trong Giáo hội. Bộ Giáo lý đức tin là bộ quan trọng nhất của Giáo Triều Roma. Trước Công đồng Vatican II, chính ÐTC giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ này. ÐHY Ratzinger giữ chức vụ Tổng trưởng Bộï Giáo lý Ðức tin, vừa kiêm luôn chức Chủ tịch Ủy Ban Thánh Kinh và Ủy Ban Thần học quốc tế từ năm 1981 tới nay (trong bốn khóa liền, mỗi khóa 5 năm). Năm 1998, ngài được các Hồng Y Giám mục bầu làm phó Niên trưởng Hồng Y đoàn, thay thế ÐHY Aogostino Casaroli, qua đời. Vị Hồng Y niên trưởng Hồng Y đoàn hiện nay là ÐHY Bernardin Gantin.

ÐHY Ratzinger nói về "Munus docendi" (bổn phận giáo huấn của Giám mục)  một phục vụ cho Tin Mừng và cho niềm hy vọng. Ngài giải thích: Bổn phận giáo huấn (munus docendi) được trao phó cho Giám mục là một phục vụ cho  Tin Mừng và niềm Hy vọng. Niềm hy vọng có một khuôn mặt và một tên gọi rõ ràng: là chính Chúa Giêsu Kitô: Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta (Emmanuel). Một thế giới không có Thiên Chúa là một thế giới không có hy vọng. Phục vụ niềm hy vọng có nghĩa là rao giảng Thiên Chúa với khuôn mặt của con người, với khuôn mặt của Chúa Kitô. Thế giới ngày nay khát khao được biết, không phải các vấn đề xã hội của chúng ta, nhưng khao khát được biết "Lửa" mà Chúa Giêsu đã đem xuống thế gian này (Lc 12,50). Chỉ khi nào chúng ta trở nên "những người đồng thời" với Chúa Kitô, và chỉ khi nào  "lửa" này cháy lên trong chúng ta, thì Tin Mừng được rao giảng mới có sức đánh động tâm hồn con người thời đại chúng ta.  Việc rao giảng này đòi sự can đảm nói lên sự thật và sự sẵn sàng hy sinh đau khổ vì sự thật (xem 1 Tess, 2,2). Bước vào chức vụ kế vị các Tông đồ, tức là bước vào cuộc chiến đấu cho Tin Mừng (chiến đấu cho chân lý). Trong nền văn hóa theo thuyết vô tri và  vô thần, Giám mục, thầy dạy Ðức tin, được gọi để phân biệt tinh thần và dấu hiệu của thời đại. Vần đề chính của thời đại chúng ta là loại bỏ hình ảnh lịch sử của Chúa Giêsu Kitô. Một Chúa Giêsu bị giảm bớt và nghèo nàn đi, không thể là một Ðấng Cứu thế duy nhất và là Vị  Trung gian, là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng tôi được: như vậy Chúa Giêsu bị thay thế bằng ý tưởng của "các giá trị nước trời" , và "trở nên một niềm hy vọng  trống rỗng.  Chúng ta phải trở lại với sự minh bạch Chúa Giêsu  của Phúc Âm, bởi vì chỉ mình Người là Chúa Giêsu thực của Lịch sử (x. Ga 6,68). Nếu các Giám mục có can đảm phê phán và quyết định với thế giá quyền bính của mình trong cuộc chiến đấu cho Tin Mừng, thì như vậy việc phân quyền (từ Trung ương) được  mong ước từ lâu, tức khắc được thực hiện. Ðây không phải là việc quyết định về những vần đề thần học của các chuyên viên, nhưng là một sự công nhận đức tin của Phép Rửa tội, nền tảng của mọi nền thần học. Ðức tin là kho tàng đích thực của Giáo hội (x. Mt 13, 45...).

Bài phát biểu của ÐHY được vỗ tay nhiều lần và sau cùng bằng một tràng pháo tay thật dài. Cử chỉ này chứng tỏ rằng: lời của ngài đã được các nghị phụ đón nhận cách rất tích cực. ÐHY Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin  đã nói lên sự thật và bênh vực sự thật. Ngài khuyến khích những người bạn trong chức Giám mục hãy can đảm chiến đấu cho Tin Mừng, cho sự thật, cho Ðấng đã tự xưng mình: "Ta là Sự Thật, Ta là Sự Sống và Ta là Ðường đi". Bài phát biểu của ÐHY Ratzinger giúp các giám mục suy tư và kiểm điểm lại "bổn phận giáo huấn" (một trong ba bổn phận chính yếu của Giám mục) đã được trao phó cho các ngài: "bổn phận làm  thầy dạy đức tin". Nhiều vị đã không có  can đảm nói lên sự thật, không dám bênh vực sự thật,  vì sợ hãi, vì tư lợi cá nhân... Thái độ này gây nên hoang mang và lạc hướng nơi đàn chiên đã được phú thác cho các ngài. Ðây là một nguy hại lớn cho Giáo hội. Giám mục có trách nhiệm nặng nề về những thiếu sót của mình trước mặt Chúa và trước Cộng đồng Giáo hội."

Ngoài bài phát biểu của ÐHY Joseph Ratzinger, nguời ta cũng chú ý  đến Bài phát biểu của ÐHY Giovanni Batista Re, Tổng trưởng Bộ Giám mục. Ðây cũng là một trong các Bộ quan trọng hơn cả; và trước Công đồng Vatican, được gọi là Bộ "Ðặc Nghị" (Consitoriale), cũng do ÐTC cầm đầu, như Bộ Giáo lý đức tin. ÐHY Re được chỉ định giữ chức vụ Tổng  Trưởng Bộ Giám mục, từ tháng 9 năm 2000, lúc ngài chưa làm Hồng Y. Ngài đã tổ chức và hướng dẫn Ngày Toàn xá dành cho các Giám mục thế giới tại Roma,  đầu tháng 10 năm Thánh 2000.  Ðược thăng Hồng Y ngày 21-22 tháng 02 năm 2001. Là Tổng trưởng Bộ Giám mục, ÐHY có trách nhiệm nặng nề, cách riêng trong việc lựa chọn và đề cử lên ÐTC "các vị dự tuyển" vào chức vụ  Giám mục. Lời của ngài có thế giá riêng, vì  ngài có trách nhiệm riêng về các Giám mục trên thế giới, trừ các nơi truyền giáo, thuộc quyền của Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc.

Bài phát biểu của ÐHY Tổng trưởng Bộ Giám mục được tập trung vào đề tài: "Giám mục, người hướng dẫn chỉ đường phải đi, bằng lời giảng dạy và bằng chứng tá đời sống".

Văn kiện làm việc (Instrumentum laboris) kể lại nhiều lần hình ảnh Vị Chủ chăn nhân lành. Ðây là hình ảnh mô tả đúng hơn cả về vị Giám mục và đã hướng dẫn các giám mục trong nhiều thế kỷ qua. Hình ảnh "chủ chăn nhân lành" này nhắc lại  một bổn phận phải chu toàn, cho  đến độ "hy sinh sự sống".

a) Cả trong thể kỷ vừa qua đi (thế kỷ XX), nhiều Giám mục đã đổ máu để trung thành với Chúa Kitô. Vị khác, tuy không đi đến việc tử đạo, cũng đã trả một giá cao vì sự trung thành của mình. Có mấy vị trong số này hiện diện trong phòng THÐGM của chúng ta đây. Nhưng thực sự con đường tử đạo luôn luôn là một ơn ban ngoại lệ.

b) Nhưng nguyên tắc "Bonus Pastor dat vitam pro ovibus suis", "Chủ chăn nhân lành liều sự sống vì đàn chiên của mình", là nguyên tắc  có giá trị cho hết thảy chúng ta, bởi vì mỗi một giám mục phải hy sinh sự sống bằng việc tận hiến chính bản thân mình: hiến dâng con tim, tâm trí, nghị lực, đau khổ ... cho công ích của các tín hữu đã được trao phó cho những lo lắng mục vụ của mình. Và ngay này người ta đòi hỏi rất nhiều nơi giám mục.

1. Một giám mục, để trở nên chứng nhân của hy vọng, trước hết phải có ý thức rõ ràng về những thách đố mà xã hội  bị tực hoá  có mang theo mình;  và vị giám mục cần phải có can đảm đối phó những thách đố  này bằng trung thành và gắn bó đến cùng.

2. Giám Mục Là một người gieo vãi hy vọng, chỉ khi nào ngài quan tâm cách riêng đến Hàng giáo sĩ của mình, bằng cách thiết lập với từng linh mục một mối quan hệ thân mật, trực tiếp, đơn sơ, mối quan hệ về tín nhiệm và tâm sự.

Việc giám mục gần gủi với các linh mục của mình là nền tảng: ngài phải là một người cha của các linh mục, có bổn phận giáo dục, khuyến khích, hướng dẫn và sửa sai, nhưng cũng phải là một người anh và người bạn. Mỗi một linh mục phải cảm thấy mình được giám mục mình yêu thương.

3. Ðể trở nên chứng nhân hiệu nghiệm của hy vọng, giám mục phải tạo nên sự cộng tác chung quanh mình. Ðối thoại là điều quan trọng. Ðiều cần thiết là giám mục luôn luôn lắng nghe trong việc soạn thảo những quyết định; nhưng  cuối cùng chính  chính giám mục phải là người quyết định và quyết định theo lương tâm của mình, trong sự thật và trong tự do hoàn toàn truớc mặt Chúa, không phải căn cứ trên sức ép  của các cố vấn.

4. Trong những ngày này, người ta  nói nhiều đến các khía cạnh khác nhau của tính cách hợp đoàn. Tôi muốn nêu lên một trong các khía cạnh này trên bình diện địa phương: Có thể có một sự hiệu nghiệm hơn về mục vụ là Tổng giám mục Giáo tỉnh đóng một vai trò có một ảnh hưởng lớn, bằng việc cổ võ tính cách hợp đoàn nhiều hơn trên bình diện địa phương giữa các giám mục trong một Giáo Tỉnh, bằng một việc phối hợp chặt chẽ về mục vụ. Những điều qui định của Bộ Giáo luật về các Vị Tổng giám mục Giáo Tỉnh  còn những điểm chưa được  rõ ràng, và vì thế mà không đuợc lưu ý; và do đó, vai trò của các ngài xem ra trở nên không có ý nghĩa gì. Sự gần gũi và mối quan hệ thân cận nhiều hơn giữa các cộng đồng giáo hội của một Giáo Tỉnh,  có thể đưa ra dễ dàng những sáng kiến mục vụ chung.

Còn nhiều vấn đề đè nặng trên Giám mục. Vì thế cần phải nuôi dưỡng một mức sống thiêng liêng mạnh mẽ,   giúp cho sự bình tĩnh và quân bình. Và  như vậy mới có thể tìm thấy nơi giám mục lòng nhân hậu , sự cảm thông, niềm hy vọng và sự khuyến khích, và mới có thể trở nên cho mọi người "một chủ chăn nhân lành" đổ xuống tràn trề trên các tâm hồn niềm hy vọng.

Những điểm trên từ bài phát biểu của ÐHY Tổng trưởng Bộ Giám mục rất đáng suy tư , để kiểm điểm những thiếu sót, để giám mục trở nên mỗi ngày mỗi thêm mãi "vị chủ chăn nhân lành" theo gương Chúa Giêsu. Giáo phận tiến hay không là do giám mục. Giáo hội hoàn cầu phát triển hay không là tùy thuộc vào sự thịnh vượng thiêng liêng của các Giáo hội địa phương. Vì thế Giám mục có trách nhiệm không những về Giáo phận của mình, nhưng còn về Giáo hội hoàn cầu nữa.

 


Back to Radio Veritas Asia Home Page