Cuộc phỏng vấn

Linh Mục Joseph Im Seung Phill

về bản dịch mới của Kinh Thánh Cựu Ước

bằng tiếng Ðại Hàn

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Tin Ðại Hàn (Ucan 20/09/2001) - Phỏng vấn Linh mục Joseph IM SEUNG-PHILL về VẦN ÐỀ DỊCH KINH THÁNH sang tiếng Ðại Hàn.

Giáo Hội Ðại Hàn vừa mới có thêm một bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước mới;  điều này đã làm phong phú cho Giáo Hội điạ phương rất nhiều. Cha Joseph Im Seung-Phill, tốt nghiệp tiến sĩ Kinh Thánh tại Giáo Hoàng Học viện Thánh kinh  ở Rôma, hiện là Tổng thư ký điều hành của Ủy ban Kinh Thánh của Hội đồng Giám mục Ðại Hàn, cho biết việc dịch Kinh Thánh qua tiếng Ðại Hàn, vốn là một ngôn ngữ "khó",  quả là một thách đố. Vì theo cha, ngoài việc trung thành với bản văn gốc, người ta còn phải dùng ngôn ngữ "lưu loát" và các hình thức ngôn ngữ  "xưng-hô" cho đúng.

Sau đây là bài phỏng vấn cha Cha Joseph Im Seung-Phill, dành cho hãng thông tấn UCAN hôm 3/08/2001,  quanh vấn đề dịch thuật hiện nay của Ủy ban Kinh Thánh của Hội đồng Giám mục Ðại Hàn.

UCA NEWS: Cha tham gia vào việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Ðại Hàn như thế nào?

Linh mục JOSEPH IM SEUNG-PHILL: Năm 1988 nảy sinh nhu cầu về một bản dịch Cựu ước mới. Hội đồng giám mục Ðại Hàn nghĩ rằng công việc cần một người dịch thuật làm việc toàn thời gian, và tháng 3-1989 tôi được hội đồng giám mục chọn. Sau đó, tôi được bổ nhiệm làm thư ký của Ủy ban Kinh Thánh và được yêu cầu chịu hoàn toàn trách nhiệm về công việc dịch thuật. Tôi đã mau mắn tổ chức một nhóm dịch thuật. Hiện nay bản dịch Cựu ước đã hoàn tất và chúng tôi bắt tay vào việc dịch Tân ước.

Hỏi - Công việc dịch thuật diễn tiến như thế nào?

Ðáp - Mục đích của chúng tôi là có được một bản Kinh Thánh trung thành với văn bản gốc dành cho tín hữu Công giáo. Trong nhóm chúng tôi cũng có một số chuyên viên ngôn ngữ Ðại Hàn.

Việc dịch thuật được chia làm bốn giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, mỗi người dịch tự làm phần đã được trao cho mình. Sau đó, cả nhóm xét lại bản dịch đầu tiên trong một loạt buổi họp để đọc bản dịch. Kế đến, các chuyên viên ngữ văn Triều Tiên điều chỉnh bản dịch thành văn bản mang tính văn chương hơn. Rồi, sau khi xuất bản, các phản ứng và phê bình về các bản dịch sẽ được phản ánh trong  ấn bản đầy đủ sau đó.

Nhờ cách làm thận trọng và toàn diện này, toàn bộ Cựu ước đã được xuất bản vào cuối năm 1999. Các Tin mừng theo thánh Matthêu và thánh Marcô lần lượt được xuất bản vào tháng 8 năm 2000.

Hỏi - Ban dịch thuật có gặp khó khăn nào không?

Ðáp - Tất cả các dịch giả trong nhóm đều là người mới vào nghề trong việc dịch Kinh Thánh, do đó trong thời gian đầu chúng tôi gặp khó khăn về mọi mặt. Nhưng công việc có thể được tiến hành nhờ tinh thần thực thi sứ mạng và sự dấn thân của cả nhóm dịch thuật. Chúng tôi tranh luận với nhau về từng từ và từng thành ngữ.

Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải khi dịch Kinh Thánh sang tiếng Ðại Hàn là do ngôn ngữ Ðại Hàn có nhiều lối diễn tả về  cách "xưng hô" rất phức tạp. Chúng tôi lưu ý đặc biệt đến điểm này.

Hỏi - Trước đây đã có bản dịch Kinh Thánh do Công giáo và anh em Tin lành cộng tác với nhau và bản Tân ước đã được Nhà Xuất bản Biển Ðức in ấn, tại sao còn cần bản dịch mới nữa?

Ðáp - Bản dịch chung ấy có ưu điểm là khá lưu loát trong ngôn ngữ Ðại Hàn, nhưng có khuyết điểm là có những đoạn dịch  đi xa với bản gốc.  Ðể khắc phục vấn đề này, nhiều linh mục là học giả Kinh Thánh và Nhà Xuất bản Biển Ðức,  đã nỗ lực để dịch lại Tân ước.

Tuy nhiên, Bản dịch Tân Ước mới nầy,  dù đã được dịch tốt và trung thành với nguyên bản, nhưng lại có một số "đoạn văn cứng ngắc" làm cho bản dịch không thích hợp cho việc Giáo hội địa phương dùng như bản Kinh Thánh chính thức của mình.

Vì vậy, Hội đồng Giám mục Hàn Quốc trong khóa họp mùa thu 1998 cho rằng cần có một bản dịch mới vừa trung thành với nguyên tác, vừa hết sức lưu loát trong ngôn ngữ diễn tả. Ngoài ra, một số từ ngữ trong Cựu ước và Tân ước cần được thống nhất với nhau.

Về việc dịch Kinh Thánh, Giáo hội Công giáo Hàn Quốc khá nghèo nàn, mặc dù dân số Công giáo đã phát triển mạnh, trong lịch sử 200 năm của Giáo Hội công giáo tại Ðại Hàn, kể từ năm 1784. Trước đây, chúng tôi không thể tự mình dịch trọn bộ Kinh Thánh được. Mặc dù bản dịch có hơi trễ, nhưng đã chứng tỏ rằng Giáo hội Hàn Quốc đã trở nên phong phú hơn trong ân sủng Chúa.

Hỏi - Cha có ý kiến gì với tín hữu Công giáo Hàn Quốc về cuốn Kinh Thánh không?

Ðáp - Tín hữu Công giáo Hàn Quốc luôn quí trọng Kinh Thánh, nhất là Tân ước,  như  là Hiện Thân của Chúa. Giờ đây, người Công giáo chúng ta được kêu gọi để hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của Kinh Thánh,  được mời gọi thực hành điều Chúa nói trong Kinh Thánh và để cho  Lời Chúa biến đổi,  ngõ hầu chúng ta sống đời sống Kitô trong đó chúng ta  chia sẻ tình thương của Chúa cho tha nhân.


Back to Radio Veritas Asia Home Page