Cuộc phỏng vấn ÐTGM John Foley

về những ngày đau khổ của Hoa Kỳ

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Cuộc phỏng vấn Ðức TGM John Foley, người Hoa Kỳ, dành cho nhật báo  "Tương Lai" (Avvenire) trong những ngày đau khổ của Quê hương.

Ðức TGM John Foley, người Hoa Kỳ, sinh tại Philadephia, từ 17 năm nay được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, đã dành cho nhật báo công giáo Ý "Tương lai" (Avvenire), số ra ngày 20.9.2001, một cuộc phỏng vấn về những ngày đau khổ, tang tóc của Quê hương ngài. Dù sống lâu năm tại Roma và nói thành thạo tiếng Ý, Ðức TGM John Foley vẫn giữ tinh thần hoàn toàn của người dân Hoa kỳ. Những ngày đau khổ càng qua đi, ngài càng cảm thấy mình hãnh diện về Quê hương, một quốc gia hùng  cường về kinh tế, quân sự nhất trên thế giới, dù trong những ngày vừa qua bị thương ngay trong nước một cách bất ngờ và quá nặng nề. Ðức TGM tuyên bố như sau: "Tôi cảm thấy mình được hạnh phúc vì thấy cho tới lúc này sự khôn ngoan trong quyết định,  thắng  vượt  trên những làn sóng xúc động quá mạnh gây nên bởi những vụ tấn công khủng bố khiếp sợ, xẩy ra ngày 11 tháng 9/2001 vừa qua tại New York và Washington".

Sau đây là cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo công giáo Ý. Chúng tôi xin dịch lại nguyên văn, để các quý vị và các bạn có dịp phê phán và hiểu biết những tâm tình của  Ðức TGM trong lúc đau khổ của Quê hương, nhưng cũng để theo gương hy sinh quảng đại, đoàn kết  của một dân tộc trong cơn thử thách nặng nề của Ðất  nước.

Hỏi - Thưa Ðức Cha, Hoa kỳ sẽ chỗi dậy không?

Ðáp -  Ðiều đã xẩy ra thật là một tai họa quá lớn lao: chúng tôi đã mất đi ý nghĩa về an ninh  và sự tín nhiệm đối với người khác, một thái  độ đặc điểm của Hoa kỳ. Và hãy tin tôi đi: đây là một sự mất mát vô cùng lớn lao.

Hỏi – Dù bị đả thương,  nhưng tinh thần ái quốc trong một Nước hiện đang trưng lên từng triệu lá cờ Quốc gia. Vậy Ðức Cha Cha nghĩ sao?

Ðáp - Ðối với tôi: đây không phải là một ngạc nhiên. Ðây là một tinh thần đoàn kết gây xúc động chung quanh những lý tưởng của tự do và của việc tôn trọng nhân quyền, mà Hoa kỳ nhập thể cho những ai đã chọn sống tại đây. Tôi chỉ hy vọng rằng: tinh thần  đoàn kết, hiệp  nhất này không che giấu bên trong một sự khát khao báo oán. Ðồng thời, đây là  một dấu hiệu tốt cho thấy Chính phủ Bush tiến bước cách khôn ngoan, không vội vàng trong những quyết định, có thể  gây nên  hậu quả không thể lường trước được.

Hỏi - Cái gây ngạc nhiên nữa là người dân Hoa kỳ hợp nhau cầu nguyện  cách tự nhiên, đơn sơ trong hoàn cảnh khó khăn này ...

Ðáp - Ðây là một cái gì chung cho  tất cả chúng tôi, một giá trị được học từ nhỏ trong nhà trường. Chúng tôi cảm thấy mình là một dân tộc không thể chia rẽ được, một xứ sở đem lại tự do và công bình cho mọi người, một xứ sở được  cư ngụ bởi một dân tộc cảm thấy mình được đặt dưới quyền của Thiên Chúa, như người Cha chung. George Washington, vị sáng lập Hoa kỳ, đã nói như sau: "Chúng ta là một dân tộc có tín ngưỡng, có tôn giáo, sùng đạo". Ngày nay vẫn còn thật như vậy, như mọi người thấy.

Hỏi - Vậy tính cách sùng đạo "God bless America", được mọi người hát lên  (như bài quốc ca)  thuộc về kiểu mẫu nào của lòng sùng đạo?

Ðáp - Là một biểu lộ thành thực tinh thần tùng phục, lệ thuộc Thiên Chúa, Ðấng đã chúc lành cho Hoa kỳ (America)  với mọi dồi dào, thiêng liêng cũng như dân sự và đây cũng là một biểu lộ tâm tình  biết ơn về các ân huệ này. Ngày nay người dân Hoa kỳ vẫn lặp đi lặp lại: "Không phải chúng ta làm nên tất cả những sự này: Ðây là một ơn ban". Trong lúc này, công nhận như vậy là một điều rất quan trọng.

Hỏi - Tại Quê hương của Ðức Cha có cái gì đã thay dổi không?

Ðáp - Khủng bố là thù địch không có bộ mặt nào cả, một ung thư gây nhiễm trùng xã hội từ bên trong. Chúng tôi đã ý thức được rằng Hoa kỳ bấp bênh, bất an như thế nào.

Hỏi - Ðặc tính của tinh thần Hoa kỳ là ý nghĩa sâu sắc của công bình. Nhưng lúc này đây công bình nào vậy?

Ðáp - Tôi được biết có một vài hành động bất khoan dung đối với người dân Ả rập tại Hoa kỳ. Ðây là một việc rất đáng buồn. Người dân Ả rập đến trong các Bang của Hoa kỳ, chính vì họ cảm thấy ở đó là quê hương của tự do và của khoan dung. Việc họ trở nên mục tiêu của những hành động như vậy là điều không thể hiểu được. Nhưng tôi tin rằng: xã hội Hoa kỳ là một xã hội can đảm.

Hỏi - Xử dụng vũ khí có thế giải quyết được gì chăng?

Ðáp - Vũ lực chống lại cả một xã hội không phải là một đáp ứng hợp lý. Tôi rất hài lòng là Hoa kỳ nhận được tình liên đới của mọi người. Ðây là dấu hiệu báo rằng: họ có thể cùng nhau hiến thân cho việc tìm kiếm các người trách nhiệm,  để đưa họ ra trước pháp luật. Cần phải cho họ một gương sáng, một bài học, bằng cách làm cho họ hiểu rằng: bạo động phải trả giá.

Hỏi - Một cuộc dội bom xuống Afghanistan có thể làm cho người dân Hoa kỳ khoan khoái hơn chăng?

Ðáp -  Người dân muốn thấy có những phản ứng, nhưng không có một chiến tranh khác, không muốn trừng phạt cả một nước, vì những lỗi lầm của người khác.

Hỏi - Vậy sao lại nói đến chiến tranh?

Ðáp - Tổng thống Bush tuyên bố chiến tranh chống lại khủng bố, nghĩa là chống lại thù địch ở trong nước hơn là ở ngoài. Nhưng tôi không ưa thích việc dùng danh từ: "chiến tranh", cũng như khi Tổng thống gọi những người khủng bố là "hèn hạ". Vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để nhổ sạch sự dữ này và tiến đến hòa bình. Nhưng hòa bình có bao giờ đạt được với những người cuồng tín? Tôi lo sợ nhiều cho các người công giáo tại các nước đa số theo Hồi giáo. Ðây là giờ phút rất khó khăn không những cho Hoa kỳ, cho nhân loại, nhưng còn cho cả Giáo hội nữa.

Hỏi - Vậy Hoa kỳ  có thể làm gì để ngăn chặn thù ghét đối với các người công giáo này?

Ðáp - Thù ghét sinh bởi ghen tương về sự giầu có và bởi tâm trạng tức giận về Trung Ðông. Tòa Thánh đã luôn luôn chỉ vẽ những giải pháp công bình cho việc phát triển bất quân bình, cũng như cho cơn khủng hoảng Trung Ðông. Có lẽ trong lúc này người ta quan tâm hơn đến những đề nghị của Tòa Thánh và bi kịch này sẽ đem đến cho Hoa kỳ sức mạnh suy tư về hoạt động như thế nào cho công bình thế giới , cả công bình về kinh tế nữa.

Hỏi - Là chủ tịch một cơ quan Vatican phụ trách về mass-media. Vậy cơ quan này trao những trách nhiệm nào cho Ðức Cha và các vị cộng tác của Ðức Cha trong giai đoạn này?

Ðáp - Nhờ mass-media, chúng ta đã thấy  không những Hoa kỳ mà thôi, nhưng còn cả những đau khổ và lòng quảng đại, một xã hội bị thương tích , nhưng đã biết phản ứng với tâm hồn quảng đại. Giờ đây cần phải canh phòng để tránh khỏi việc lan rộng của tuyên truyền.

Hỏi - Câu hỏi sau cùng. Ðức Cha cầu xin gì cho Hoa kỳ?

Ðáp - Tôi yêu mến Quê hương của tôi. Tôi cầu nguyện để chúng tôi có thể hành động khôn ngoan và cương quyết chống lại những người tìm cách tạo nên bất công mới. Tôi cũng cầu nguyện để Hoa kỳ thực hành sự công bằng cho mọi người, người có tội trong vụ này cũng như cho các nạn nhân. Công bằng đích thực, nhưng với tình yêu thương.


Back to Radio Veritas Asia Home Page