Kết thúc hội nghị thế giới

về chế độ chủng tộc

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Hội nghị thế giới về chế độ chủng tộc tại Durban kết thúc sau 8 ngày làm việc.

Sau 8 ngày tranh luận sôi nổi, nhất là trong những ngày cuối cùng, ai cũng tưởng Hội Nghị sẽ thất bại; nhưng  rồi Hội nghị được kết thúc--- tuy bị chậm một ngày vào phút chót,---- bằng một văn kiện nêu lên hai điểm chính: vấn đề nô lệ và buôn bán nộ lệ từ nay sẽ bị coi là một tội ác chống lại nhân loại và vấn đề phức tạp miền Trung Ðông.  Ðiểm thứ nhất được các phái đoàn tham dự đồng thanh chấp thuận - Ðiểm thứ hai chỉ được chấp thuận theo đại  đa số. Có thể nói: văn kiện này làm hài lòng nhiều người, nhưng cũng gây thất vọng cho một số quốc gia.

Về chế độ nô lệ và việc buôn bán nô lệ, các phái đoàn đã đi đến một thỏa thuận, nhờ vào những nhượng bộ của cả hai phía. Các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu quyết giữ vững lập trường, nhất định không chấp nhận việc xin lỗi các nạn nhân và các thế hệ con cháu của họ. Trong bản văn được chấp thuận, danh từ tiếng Anh "apology" (xin lỗi) không còn nữa. Thay vì danh từ này, bản văn  dùng danh từ "regret" (lấy làm tiếc). Các nước Liên hiệp Châu Âu sợ rằng: danh từ "xin lỗi" sẽ mở đường cho một loạt những yêu cầu "bồi thường", sau khi đã chấp nhận chế độ nô lệ và việc buôn bán nô lệ là một tội ác đối với nhân loại. Căn cứ vào văn kiện, các nước Châu phi sẽ đòi bồi thường về tiền nong. Nhưng Bà  Bộ trưởng ngoại giao Nam phi, với tư cách là chủ nhà, chủ tọa Hội nghị thế giới về  chế độ chủng tộc, tuyên bố: "Ðây không phải là vấn đề tiền bạc, nhưng là vấn đề của phẩm giá con người".

Bản văn được chấp thuận viết như sau: "Chúng tôi công nhận rằng: chế độ nô lệ và việc buôn bán nô lệ là một tôi ác đối với nhân loại và trước đây vẫn luôn luôn là như vậy và chúng tôi công nhận rằng: các người Châu phi và con cái của người Châu Phi - các người Châu Á và các con cái của người Châu Á-- và các dân tộc thổ cư,  là nạn nhân của những hành động này và tiếp tục là nạn nhân do hậu quả của những hành động như vậy".

Về vấn đế bồi thường, một vấn đề hết sức gay go, hai bên đã đi  đến  thỏa thuận này: để đổi lại sự  chấp nhận của Châu phi về việc hủy bỏ lời yêu cầu bồi thường bằng tiền bạc cho các nạn nhân của chế độ nô lệ, các quốc gia giầu có cam đoan cung cấp những phương tiện tài chánh mới và nhiều hơn, để giúp vào việc phát triển kinh tế và xã hội của Châu phi. Văn kiện được chấp thuận của Hội Nghị  còn công nhận sự cần thiết phát triển các chương trình, trong đó có việc giảm bớt các món nợ và ủng hộ việc nhập cảng các sản phẩm của Châu phi vào thị trường các nước giầu có, cổ võ việc đầu tư trực tiếp và ủng hộ việc trở về nguyên quán các tác phẩm nghệ thuật đã bị lấy cắp đi. Các nước thuộc khối Liên hiệp Châu Âu chấp nhận bản văn mới --(bản thứ ba đã được sửa chữa)-- , vì không dự tính những mối ràng buộc, ngoài trừ những mối ràng buộc về phát triển các chương trình trong tương lai, ---nhưng không xác  định rõ chương trình cụ thể nào,--- và với một tinh thần của tình liên đới. Con đường rõ ràng từ việc hứa hẹn sang đến việc thực hiện đã không được vạch ra.

Sang đến vấn đề  thứ hai: vấn đề Trung Ðông. Ðây một vấn đề gây nên căng thẳng ngay từ ngày đầu Hội nghị Durban. Chính vấn đề này đã gây nên việc bỏ ra đi của hai phái đoàn Hoa kỳ và Do thái và sự đe dọa bỏ Hội nghị của một số phái đoàn khác nữa.

Sau cùng, để tránh sự thất bại hoàn toàn của Hội nghị và nhờ trung gian của Bộ trưởng ngoại giao Bỉ, hiện là chủ tịch Khối các nước Liên hiêīp Châu Âu trong lúc này,  các nước thuộc khối Ả rập đã sẵn sàng đi đến một thỏa hiệp. Thực sự các nước Ả rập đã bác bỏ bản văn được sửa chữa, duyệt lại do Nam phi đề nghị, và đã được các nước thuộc khối Liên hiệp Châu Âu và Hồi giáo chấp thuận. Ðến phút cuối cùng, Syrie đứng đầu các nước Ả rập đã nhấn mạnh đến việc phải ghi trong bản văn câu này: "Những  vụ định cự của người thuộc địa và việc chiếm đóng ngoại quốc phải coi là những hành động của những người theo chế độ kỳ thị chủ nghĩa". Với câu này, các nước Ả rập gián tiếp tố cáo Israel, tuy không nhắc đến tên nước này.

Các nước thuộc khối Liên hiệp Châu Âu nhắc lại là sẽ không chấp nhận một thay đổi nào nữa trong văn kiện. Văn kiện công nhận các đau khổ của người dân Palestine và quyền tự quyết của họ, nhưng cũng nhắc đến cả thảm kịch diệt  chủng của người Do thái nữa.

Ðứng trước ngõ bí và để cứu vãn Hội nghị, trong giờ phút sau cùng các phái đoàn nại đến quyết định  của LHQ từ trước tới giờ: Trong giữa những chia rẽ, phải căn cứ vào đa số. Vị Chủ tọa phiên họp chung kết quyết định các phái đoàn bỏ phiếu. Theo thủ tục của LHQ, để được chấp thuận,  hai phần ba số phiếu phải được coi là đủ. Các phái đoàn bỏ phiếu điểm thứ hai về Trung Ðông. Các nước Ả rập công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu; nhưng có một số quốc gia như Australia, Canada, Iran và Syrie tuyên bố công khai không chấp nhận văn kiện về Trung Ðông.

Australia cho rằng: Hội nghị đã tốn nhiều thì giờ để tranh luận cãi cọ nhau về những đề tài không liên hệ gì với chế độ chủng tộc.

Canada tuyên bố: "Chúng tôi không thỏa mãn về Hội nghị này... Quá nhiều thì giờ đã dành cho Trung Ðông. Phái đoàn Canada còn ở lại đây, bởi vì muốn lên án những mưu toan của Hội nghị này nhằm "bất hợp thức hóa" quốc gia Israel và làm ô nhục lịch sử và những đau khổ của dân tộc này".

Iran tuyên bố: "Cộng hòa Hồi giáo Iran không đồng ý về những điểm trong văn kiện liên hệ đến dân Palestine và đề tài về Trung Ðông, như mọi người thấy trong văn kiện chung kết".

Ðại diện Syrie lên tiếng: "Chúng ta không được quên đi những vụ kỳ thị chủng tộc đã thực hiện trong các lãnh thổ của Palestine và Ả rập bị chiếm đóng. Tôi biết rằng: một số bạn hữu và đồng nghiệp Tây phương của chúng tôi không ưa thích giọng nói như vậy; nhưng nếu họ không ưa thích, tại sao họ phải tham dự Hội nghị này?".


Back to Radio Veritas Asia Home Page