Hội nghị thế giới

về chế độ chủng tộc

sẽ đi đến thành quả cụ thể nào

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Hội nghị thế giới tại Durban về chế độ chủng tộc sẽ đi đến thành quả cụ thể nào ?

Từ 31 tháng 8/2001 đến  mùng 7 tháng 9/2001, từng ngàn đại diện thuộc các phái đoàn của hơn 160 quốc gia tham dự Hội nghị thế giới về chế độ chủng tộc, do Liên hiệp quốc tổ chức tại thành phố Durban của Cộng hòa Nam phi. Việc lựa chọn Cộng hòa Nam phi làm trụ sở của Hội nghị mang ý nghĩa sâu xa. Cách đây 7 năm, chế độ kỳ thị chủng tộc "Apartheid", phân chia giữa người da trắng và da đen vẫn còn được ghi trong luật của Nhà nước. Cuộc tranh đấu chống chế độ kỳ thị chủng tộc tại Nam phi kéo dài trong hơn 30 năm, gây nên biết bao nạn nhân. Hiện nay tại Nam phi, cuộc chung sống hòa bình giữa người da trắng và da đen được coi là yên ổn, khác hẳn tại Zimbawe, nơi đây Tổng thống thi hành chính sách bài trừ người đa trắng (trước đây thuộc giới thống trị) và tịch thu dần dần các tài sản của họ.

Nhiều người đặt câu hỏi: Hội nghị Durban sẽ đi đến thành quả cụ thể nào?  Kinh nghiệm cho hay: LHQ đã tổ chức biết bao Hội nghị thế giới về nhiều đề tài, nhưng thế giới vẫn không tốt đẹp hơn. Sau các cuộc gặp gỡ quốc tế này,  nhiều quốc gia không thay đổi lập trường, không thi hành những điều đã cam kết, vẫn hành động theo đường lối riêng của mình.  Bản tuyên ngôn nhân quyền của LHQ, trong đó nhiều quốc gia, dù đã ký kết cam đoan tuân giữ, vẫn tiếp tục bị vi phạm. Những vị pham này không bao giờ bị trừng phạt.

Tại Hội nghị Durban, từ ngày khai mạc (31.8.2001), các vị tham dự nói  nhiều đến việc "bồi thường" từ phía các nước Tây phương cho Châu phi, vì đã bắt cóc khoảng từ 1,450 đến 1,850 triệu người da đen đem sang Châu Mỹ làm nô lệ. Ðây là một sự kiện lịch sử không ai phủ nhận. Nhìn vào thực tại, ngày nay không phải chỉ người da trắng vi phạm nhân quyền và phẩm giá người da đen, da vàng, da đỏ, nhưng chính người da đen, da vàng, da đỏ cũng đang phạm tội này trong nước, trong bộ lạc của mình. Chính sách nô lệ và chế độ chủng tộc không phải chỉ ở tại việc cưỡng ép  người khác sống dưới quyền thống trị của mình, nhưng còn ở tại việc tự coi mình là "bề trên" người khác.  Chế độ kỳ thị nấp ẩn dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta nên nhớ lại lời ÐTC Gioan Phaolô II nói trong giờ đọc kinh Truyền Tin, trước ngày khai mạc  Hội nghị Durban rằng: "Chế độ chủng tộc là một tội trọng, vì phạm đến phẩm giá con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa".

Tại Châu phi ngày nay không thiếu những trường hợp kỳ thị chủng tộc, không phải giữa người trắng với người đen, nhưng giữa người đen với người đen. Những vụ diệt chủng tại Burundi, Rwanda xẩy ra giữa hai chủng tộc Tutsi và Hutu từ năm 1994, nay chưa hoàn toàn chấm dứt. Tại Sudan, vẫn còn chế độ mua bán người làm nô lệ. Tại nhiều nước giầu thịnh văn minh Âu Mỹ, chế độ chủng tộc vẫn còn, không phải do mầu da, chủng tộc, nhưng do sự khác biệt tôn giáo, văn hóa, chính trị, kinh tế ...  Australia đã nhiều lần bị các tổ chức phi chính phủ tố cáo, vì cư xử tàn bạo đối với người dân thổ cư. Tại Ấn độ, hiện nay còn khoảng 250 triệu (trong số một tỉ dân cư toàn quốc)  bị loại ngoài lề xã hội, bị coi là thuộc giai cấp cùng đinh hèn hạ. Hạng người này, theo truyền thống, phải phục vụ giai cấp trên,  sống riêng biệt và làm những công việc hèn hạ. Cũng vì lý do muốn bảo tồn chế độ giai cấp này, tại Hội nghị Durban, Ấn độ không muốn bị ghi vào sổ các quốc gia kỳ thị chủng tộc. Phái đoàn Ấn phản đối: "Hội nghị Durban không có quyền xen lấn vào nội bôï". Nếu mỗi quốc gia đưa ra luận điệu: "Ðây là việc nội bộ,  không ai được can thiệp", thì các Hội nghị quốc tế do LHQ triệu tập sẽ không có ý nghĩa gì cả. Người dân không trả thuế để các vị đại diện của mình sống xa hoa tại các khách sạn bốn năm sao, nhưng để các vị bênh vực quyền lợi của mình.

Còn nhiều hình thức kỳ thị chủng tộc khác và ở khắp nơi. Kỳ thị giữa phái nam và phái nữ. Kỳ thị giữa người  giầu và người  nghèo. Kỳ thị giữa cấp cao, ăn trên ngồi trốc, và cấp bần khố nông, chân lấm tay bùn. Kỳ thị giữa người thành thị và thôn quê. Kỳ thị giữa các chế độ chính trị. Kỳ thị giữa các tôn giáo: những vụ Hồi giáo bách hại  Kitô giáo hiện nay tại Indonesia. Tin lành bách hại công giáo tại Ái nhĩ lan. Trong những ngày này, những vụ ném đá đặt bom đe dọa các trẻ em công giáo đến trường học Holy Cross trong một khu phố của Belfast được báo chí,  đài phát thanh và truyền hình loan đi khắp nơi.

Trong lúc tại Durban, các phái đoàn tham dự Ðại hội bàn thảo, cãi cọ nhau, tìm cách loại trừ chế độ kỳ thị chủng tộc khỏi xã hội, khỏi thế giới,  thì chế độ này cứ sống, vẫn lớn mạnh và lan tràn khắp nơi, ngay trong chính bản thân của mỗi một con nguời, nhưng vô tình hay hữu ý không muốn biết đến. Mỗi lần chúng ta tự coi mình là bề trên,  tài giỏi, duyên dáng, đáng tôn trọng hơn người khác, tức là chúng ta mắc chứng bệnh kỳ thị. Chúng ta không phải đến Durban để tranh đấu chống chế độ chủng tộc. Mỗi người hãy tự kiểm thảo và chống chế độ này nơi chính bản thân, đừng chờ đợi những văn kiện, những tuyên ngôn, những thành quả vĩ đại của Hội nghị Durban. Trong lúc chúng tôi viết bài này, các phái đoàn chưa đi đến chỗ thỏa thuận về một bản tuyên ngôn chung. Thành quả cụ thể của Hội nghị ở nơi mỗi người trong chúng ta, ở nơi các vị cầm quyền quốc gia cam đoan thi hành các quyết nghị của Hội nghị. Như vậy, chế độ kỳ thị chủng tộc sẽ biến dần và thế giới sẽ sống trong bình đẳng, tự do, huynh đệ và liên đới hơn.


Back to Radio Veritas Asia Home Page