Vài nhận định của ÐTC

về cuộc hành hương của Ngài

tại Hy lạp, Syrie và Malta

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nhận định của chính ÐTC Gioan Phaolô II  về chuyến viếng thăm- hành hương của ngài theo  vết  chân của thánh Phaolô Tông Ðồ, tại Hy Lạp, Syrie và Ðảo Malta.

Trong những ngày từ mùng 4 đến mùng 9 tháng 5/2001, ÐTC Gioan Phaolô II đã thực hiện chuyến viếng thăm-hành hương theo vết chân của Thánh Phaolô Tông Ðồ tại Hy lạp, Syrie và Ðảo Malta. Chuyến viếng thăm đã thành công tốt đẹp, như đã được  nhắc đến  trong các báo chí  địa phương và thế giới.

Hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại chuyến viếng thăm, hay đúng hơn, nghe lại chính những lời ÐTC Gioan Phaolô II đã nói, vào lúc khởi đầu  chuyến viếng thăm, khi vừa đặt chân xuống thủ đô Athen của Hy lạp, và vào lúc kết thúc chuyến viếng thăm, lúc từ giả tại  phi trường thủ đô La Valetta của quốc gia Ðảo Malta, để trở về lại Roma. Trong hai lúc quan trọng nầy, lúc bắt đầu và lúc kết thúc, ÐTC Gioan Phaolô II đã có nhận định chung về chuyến viếng thăm lịch sử  của ngài.

Trước hết, vào lúc khởi đầu, bài diễn văn đầu tiên của ÐTC tại thủ đô Athen của Hy Lạp, là bài đáp từ của ÐTC trong nghi thức tiếp đón tại Dinh Tổng Thống. Theo truyền thống của Hy lạp, Tổng Thống Hy lạp đã không ra phi trường quốc tế đón ÐTC, khi ngài đến đây trưa thứ sáu mùng 4 tháng 5/2001. Từ phi trường, ÐTC đi ngay về dinh tổng thống, và nghi thức đón tiếp chính thức đã diễn ra tại đây. Trong bài diễn văn đầu tiên nầy, ngoài những nhận định tích cực đối với quốc gia và nền  văn hóa Hy lạp, một nền văn hóa đã có ảnh hưởng sâu đậm trên nền văn minh không những của Âu Châu và của  cả thế giới, mà còn ảnh hưởng trên những suy tư thần học và triết học trong giáo hội công giáo nữa, ÐTC Gioan Phaolô II đã nói đến mục tiêu chung của toàn chuyến viếng thăm hành hương của ngài với những lời như sau:

"Năm 2000 vừa qua, những người kitô đã cử hành khắp nơi hai ngàn năm Chúa Kitô giáng sinh.  Tôi đã  hết sức ao ước cử hành biến cố nầy bằng một cuộc hành hương đến những nơi có liên hệ đến lịch sử cứu rỗi; điều nầy đã được cụ thể hóa qua chuyến hành hương của tôi tại Núi Sinai và Thánh Ðịa, Giờ đây, chính tại Hy lạp mà tôi đến thăm như một người hành hương, theo vết chân của Thánh Phaolô Tông Ðồ; tầm quan trọng của dung mạo thánh nhân nổi bậc xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử kitô; và kỷ niệm về thánh nhân còn luôn sống động tại phần đất của quốc gia nầy. Tại nơi đây, tại Athen, thánh Phaolô đã thành lập một trong những cộng đoàn đầu tiên của chuyến đi  của ngài tại Tây Phương và của công cuộc truyền giáo của ngài tại đại lục âu châu; tại nơi đây, thánh nhân đã hoạt động không mệt mỏi để làm cho mọi người biết được Chúa Kitô; tại nơi đây, thánh nhân đã  chịu  đau khổ, để rao giảng tin mừng.... Việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng vào trong thế giới  Hy Lạp  vẫn còn là một mẫu gương cho mọi công cuộc hội nhập văn hóa. Trong tương quan với nền văn hóa Hy lạp, lời rao giảng Phúc Âm đã phải  cố gắng phân biệt, để  tiếp nhận và đánh giá tất cả những yếu tố tích cực, vừa đồng thời loại bỏ những khía cạnh  không thể nào dung hòa với sứ điệp kitô. Nơi đây, chúng ta có được một thách thức thường hằng cho việc rao giảng tin mừng trong công cuộc  gặp gỡ với những nền văn hóa và với diễn tiến  của việc toàn cầu hóa... Chúng ta đang ở trong giai đoạn quyết định của lịch sử âu  châu; tôi hết lòng cầu chúc sao cho Âu Châu, một âu châu đang bắt đầu tái sinh,  được lấy lại trong cách thức mới và đầy sáng tạo, (được lấy lại) truyền thống lâu đời của việc gặp gỡ giữa nền văn hóa hy lạp và kitô giáo, vừa chứng minh cho thấy rằng đây không phải là việc lấy uy tín lại cho một thế giới đã biến mất, nhưng đây là việc gặp lại nơi đây những nền tảng đúng cho tiến bộ đích thực, mà thế giới chúng ta đang mong ước... Nhiều bức tường  vừa mới  sụp đổ, nhưng còn tồn tại những bức tường khác. Trách vụ hiệp nhất những phần phía đông lại với những phần phía tây của Âu Châu, là trách vụ phức tạp; còn nhiều điều cần phải làm để đạt đến sự hòa hợp giữa những người kitô của Ðông Phương với những người kitô của Tây Phương, ngõ hầu Giáo Hội có thể thở bằng hai buồng phổi của mình. Mọi người tín hữu cần cảm thấy mình dấn thân trong đó, để đạt đến mục tiêu vừa nói. Giáo Hội công giáo tại Hy lạp chân thành mong muốn tham dự vào công cuộc cổ võ cho lý tưởng cao thượng trên, một lý tưởng có những ảnh hưởng tích cực cả trong phạm vi xã hội."

Ðó là những điểm chính yếu ÐTC Gioan Phaolô II đã nói lên trong bài diễn văn  đầu tiên tại Athen, Hy lạp.  Năm ngày sau, vào lúc kết thúc chuyến viếng thăm tại Ðảo Malta, trong giây phút chào từ biệt, ÐTC đã nói những lời  kết thúc như sau:

"Như là người kế vị thánh Phêrô, tôi phải trở về Roma, ngai  tòa của thánh Phêrô, và trở về lại với những việc bổn phận của vị Chủ Chăn toàn thể Giáo Hội phổ quát... Tôi đã nói với anh chị em rằng, khi trở về lại Roma, có lẽ tôi sẽ nói với thánh tông đồ Phaolô rằng những người dân Malta đã là những người công giáo tốt.  Giờ đây, tôi sẽ nói cho thánh quan thầy của anh chị em rằng anh chị em vẫn còn thực hiện điều mà Ngài đã muốn, vừa chiến đấu trong cuộc chiến của đức tin và trung thành với đời sống đời đời mà anh chị em đã được mời gọi đến chia sẽ" (1 Tim 6, 12). Vào lúc kết thúc cuộc hành hương, tôi long trọng trao phó cho sự bảo vệ đáng mến củaThiên Chúa toàn năng, những dân tộc của những nơi tôi đã viếng thăm. Tại những nơi có liên hệ đến biến cố kỷ niệm hai ngàn năm Chúa Cứu thế giáng sinh, tôi đã hy vọng và cầu nguyện cho sự canh tân đức tin giữa những nguời kitô; tôi đã muốn khuyến khích những kẻ tin và tất cả mọi  người thiện chí, hãy bảo vệ sự sống, hãy cổ võ sự kính trọng đối với phẩm giá của mọi người, hãy bảo tồn gia đình chống lại biết bao hăm dọa của ngày nay, hãy mở rộng tâm hồn đón nhận những người nghèo và bị bóc lột trên thế giới, và hãy hành động để xây dựng một trật tự quốc tế được  xây dựng trên sự tôn trọng những luật lệ và trên tình liên đới với những anh chị em kém may mắn hơn. Ðó là trách vụ và là lý tưởng mà tôi muốn đe lại cho anh chị em, hỡi dân tộc yêu quý của Malta."

Ðọc qua những đoạn trích trên, chúng ta có thể hiểu thêm phần nào những tâm tình và mục tiêu mà ÐTC Gioan Phaolô II nhắm đến, trong chuyến viếng thăm hành hương vừa kết thúc tại Hy lạp, Syrie và Quốc Gia đảo Malta.


Back to Radio Veritas Asia Home Page