Bài Ðiểm Báo 3

về cuộc hành hương của ÐTC

tại Hy lạp, Syrie và Malta

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐIỂM BÁO  về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Hy lạp-Syrie và Malta.

Báo chí Hy lạp với cuộc hành hương của ÐTC tại Athènes.

Có thể nói cuộc hành hương trong những ngày này của ÐTC Gioan Phaolô II tại Hy lạp, Syrie và Malta là một trong các chuyến ra đi được báo chí theo dõi sát hơn cả. Theo dõi vì nhiều lý do. Tại Hy lạp, từ 10 thế kỷ nay vẫn có những căng thẳng giữa Giáo hội chính thống và Giáo hội công giáo. Chính thống giáo Hy lạp, tuy không phải là quốc giáo, nhưng có một ảnh hưởng rất mạnh mẽ trên chính quyền; rồi đại đa số dân cư là tín hữu chính thống.  Ðã có lúc Giáo hội chính thống yêu cầu chính phủ Hy lạp đoạn tuyệt ngoại giao với Tòa Thánh; nhưng không bao giờ Chính phủ Hy lạp sẽ đi đến quyết định quan trọng này.

Vài tuần trước chuyến viếng thăm Athènes, báo chí Hy lạp đã dùng những giọng chua chát, như: "Giáo Hoàng Roma là thù địch của chính thống giáo, là người cực kỳ rối đạo ngự trị tại Vatican"....

Nhưng sau một ngày viếng thăm, tình hình đã thay đổi hoàn toàn không những nơi các vị lãnh đạo Giáo hội chính thống, nơi dân chúng, mà cả nơi giới báo chí nữa. Tất cả các nhật báo lớn tại thủ đô Athènes chạy tít lớn cả trang với nhiều hình ảnh về cuộc gặp  gỡ Tổng thống, gặp gỡ các vị Giáo hội chính thống, nhắc lại sự can đảm của Ðức Gioan Phaolô II về "việc xin lỗi"  mea culpa -  và thành thực  công nhận rằng: "Báo chí của chúng ta phải tự kiểm thảo về những điều bậy bạ đã viết lên". Tất cả đồng thanh lên tiếng: Ðức Wojtyla không những đáng sự tôn kính của chúng ta, nhưng còn trở nên người bạn của chúng ta nữa".

Nhật  báo Kathimerini viết: "Với việc xin tha thứ, Ðức Gioan Phaolô II gây ngạc nhiên cho người dân Hy lạp". Chính Ðức Giáo chủ Hy lạp tuyên bố: "Con mắt thế giới đều nhìn vào chúng tôi. Phải rồi, mọi người đang đặt câu hỏi: vị mặc áo trắng bên cạnh Ðức TGM Athènes là ai vậy?".

Nhật báo Elefierotipia, thiên tả, viết như sau: "Những lời xin lỗi của Ðức Gioan Phaolô II là những lời lịch sử, đã mở con đường tiến đến hiệp nhất các Giáo hội". Tờ Ta Nea, thân chính phủ, đề tít lớn: "Một cử chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ". Tờ Niki viết với tất cả sự ngạc nhiên ngây thơ : "Cuộc viễn chinh của Ðạo binh thánh giá của Ðức Gioan Phaolô II là một cuộc viễn chinh hòa bình" - Tờ Etnos viết nơi trang nhất: "Ðức Gioan Phaolô II đảo lộn lịch sử".

Nói tóm lại, những nghi kỵ, những tố cáo trước ngày ÐTC đến Athènes đã bị quét sạch trong chỉ một ngày mà thôi. Một ký giả lão thành của Athènes  chỉ trích mạnh mẽ báo chí Hy lạp như sau: "Báo chí  của chúng ta phải tự kiểm thảo về những điều bậy bạ đã viết về Ðức Gioan Phaolô II và về "khoảng rộng" dành cho nhóm người quá khích, những người đã hủy hoại hình ảnh của Hy lạp trên thế giới, một quốc gia hiếu khách, biết biểu lộ sự nồng nhiệt và tình yêu mến đối với những ai đến trong tình bằng hữu và trong khiêm tốn , như chính Ðức Gioan Phaolô II đã làm".

Bầu khí hoàn toàn thay đổi. Cử chỉ và lời lẽ của ÐTC đã đảo lộn những dè dặt và những mưu mô xảo trá của những ai muốn giới hạn cuộc hành hương của ngài trong phạm vi của một chuyến viếng thăm tư riêng mà thôi.

Ðài truyền hình Hy lạp luôn luôn truyền đi những hình ảnh của biến cố lịch sử và truyền hình trực tiếp Thánh lễ do ÐTC chủ tế trong tòa nhà thể thao của Thành phố, với sự tham dự đông đảo của dân chúng vui mừng và cảm động. Một thanh niên công giáo nói cách khôi hài như sau: "Ngài đuợc may mắn hơn Thánh Phaolô. Thánh Phaolô sau bài giảng tại Areopago, người dân Athènes  nói cách nhạo nhĩnh rằng: Ngày mai chúng tôi lại nghe ông một lần nữa. Ðức Gioan Phaolô II đã mở một lỗ hổng lớn trong tâm hồn dân Thành  Athènes và toàn dân Hy lạp".

Cha Theodore Kontidis, Dòng Tên, tuyên bố: "Sự giá lạnh ban đầu đã biến thành mộât sự thân mật sâu đặm. Dân chúng đã thấy nơi ÐTC một hình ảnh gia đình, hình ảnh người cha, một hình ảnh tương phản với những gì báo chí đã viết về ngài cho tới lúc này tại Hy lạp".

Theo tờ nhật báo Vima, một trong các nhật báo uy tín nhất của Thủ đô Athènes, kể lại, thì Ðức TGM Christodoulos đã xin Ðức Gioan Phaolô II trả lại một phần di tích thánh của Thánh Phaolô, hiện vẫn giữ tại Vatican. Xem ra ÐTC đã trả lời như sau: "Tôi sẽ làm theo ý ngài, khi ngài tới viếng thăm Vatican". Ðây là mời lời gián tiếp Ðức Christodoulos đến Roma, trước khi Ðức TGM lên đường viếng thăm  Moscowa trong 10 ngày. Theo nhật báo công giáo Ý "Tương Lai" số phát hành ngày 06.5.2001 , cũng như vài tờ báo khác, chúng tôi đã nhắc đến trong phần điểm báo hôm trước đây, ÐTC đã xin Ðức Giáo chủ Hy lạp chuyển đến Ðức Alexis đệ nhị, Giáo chủ Giáo hội chính thống Nga, lời chào thăm của ngài. Rất có thể ÐTC cũng đã nói với Ðức TGM Athènes về ước mong của ngài được viếng thăm Moscowa.

Vào Tháng 7, cách đây hai năm,-- tức tháng 7 năm 1999 --  khi giải thích các chặng của cuộc hành hương Toàn xá ngài muốn thực hiện, ÐTC tuyên bố như sau: "Tôi ước mong được viếng thăm Athènes". Lúc đó xem ra không thể thực hiện được. Nhưng ÐTC vẫn tin tưởng. Tháng Giêng năm 2001, Tổng thống Hy lạp viếng thăm Vatican và mời ÐTC viếng thăm. Và sau cuộc hành hương Toàn xá trên Núi Sinai, và cuộc tiếp đón nồng hậu, Ðan viện chính thống Hy lạp tại đây dành cho ngài, tình hình thay đổi hẳn. Giáo hội chính thống Hy lạp tuyên bố không ngăn trở cuộc hành hương của Ðức Gioan Phaolô II tại Athènes theo vết chân Thánh Phaolô. Cuộc hành hương đã được thực hiện và bầu khí căng thẳng kia đã thay đổi hoàn toàn, như báo chí Hy lạp viết: "ÐTC đã đảo lộn lịch sử" trong mối quan hệ giữa Giáo hội chính thống Hy lạp và Giáo hội công giáo Roma; hai Giáo Hội nầy từ 10 thế kỷ qua đã sống trong nghi kỵ và thù địch.

Hôm Chúa Nhật vừa qua (6/05/2001), các báo chí  đều loan tin: "ÐTC và Ðức TGM Athènes cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha tại Tòa Sứ Thần ở Thủ đô Hy lạp". Sự kiện này đã được Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên Tòa Thánh, giải thích cho giới báo chí, trên chuyến bay từ Athènes đi Damasco, hôm sáng thứ bẩy mùng 5 tháng 5/2001.

Phát ngôn viên Tòa Thánh đã nói: "Cùng nhau đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Hy lạp là sáng kiến của ÐTC và Ðức TGM đáp lại ngay. Sự việc đã xẩy ra vào chiều thứ sáu tại Tòa Sứ Thần ở Athènes, khi Ðức Christodoulos đến viếng thăm ÐTC. Sau cuộc gặp gỡ thân mật, ÐTC đề nghị: "Sao chúng ta lại không cùng nhau đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Hy lạp?

Tiến sĩ Navarro Valls biểu lộ sự hài lòng về thành công của chuyến  viếng thăm. Ông cho biết: Trong chương trình viếng thăm không có ghi buổi cầu nguyện chung nào cả. Bộ giáo luật Giáo hội chính thống Hy lạp cấm việc cầu nguyện chung với Giáo hội công giáo. Nên dễ hiểu tại sao trong chương trình không có ghi buổi cầu nguyện chung nào cả. Lời "Xin Lỗi -- mea culpa" của ÐTC trái lại đã thay đổi hẳn bầu khí, đến độ Ðức Christodoulos, sau khi gặp ÐTC tại Tòa Sứ Thần, tuyên bố: "Chúng tôi hãnh diện về chuyến viếng thăm này, một chuyến viếng thăm khai mạc một thời đại mới".

Nhật báo L’Osservatore Romano, cơ quan bán chính thức Tòa Thánh, số ra ngày Chúa nhật 06.5.2001, bình luận việc đọc chung Kinh Lạy Cha như sau: "Ðây là một trong các lúc cao điểm và ý nghĩa nhất của cuộc hành hương. Ðây là một chứng tá của sự hiệp thông được thực hiện cách đơn sơ; đây là một lời cầu nguyện được dâng lên Chúa bằng một tiếng nói , đóng ấn một ngày đầy đức tin; đây là một ngày lịch sử, không thể quên được".

Báo chí Ý về chuyến viếng thăm Cộng hòa Ả rập Syrie.

Báo chí xuất bản tại Ý sáng thứ hai 07.5.2001 đều chú trọng đến một biến cố lịch sử khác tại Damasco, thủ đô Cộng hòa Ả rậďp Syrie, xẩy ra chiều Chúa nhật 06.5.2001. Lần thứ nhất, Vị Lãnh đạo tối cao Giáo hội công giáo Roma viếng thăm "Ðền thờ Hồi giáo".

Nhật báo Il Mattino, xuất bản tại Napoli, nơi trang đầu để tít lớn với hình mầu về cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và các Vị lãnh đạo tối cao Hồi giáo tại Damasco, như sau: "Lần thứ nhất ÐTC đến nhà của Allah".

Trên trang 9 dành cho các biến cố thế giới, nhật báo xuất bản tại Napoli tường thuật dài về biến cố lịch sử này, với tít chiếm cả trang và hình ảnh của cuộc gặp gỡ: "Ðức Gioan Phaolô II đi chân không trong Ðền thờ Hồi giáo". Báo này nhắc lại lời ÐTC đọc trong diễn văn tại đây: "Ðừng bao  giờ xẩy ra những vụ tranh chấp giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo nữa".

Cũng trang 9, Il Mattino dành bài khác về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Thành phố Quneitra, nay chỉ còn là "thành  phố ma".  Thành phố này bị Quân đội Do thái phá bình địa trước khi rút khỏi đây, theo quyết nghị của LHQ, để trao lại cho người dân Syrie. Quneitra cách xa thủ đô Damas khoảng 75 cây số về phía Tây nam Syrie. ÐTC đã đến cầu nguyện trong nhà thờ kính Thánh Phaolô, may mắn còn đứng vững, nhưng cũng bị phá hủy phần nào, và không còn ai đến đây nữa. Tại Kuneitra hiện nay chỉ có quân của LHQ được phái đến để bảo đảm  an ninh trong miền này, giáp giới Liban, Israel và Syrie.

Il Messaggero của Roma cũng lưu ý đến biến cố viếng thăm Ðền thờ Hồi giáo. Trên trang đầu, nhật báo nầy đã viết như sau: "ÐTC đi chân không cầu nguyện trong Ðền thờ Hồi giáo: Ðoàn kết để mưu ích cho con người". Trên trang 6, với tít lớn cả trang: "Tại Damas, Ðức Giáo Hoàng cầu nguyện trong Ðền thờ Hồi giáo - Chuyến viếng thăm đầu tiên của một Vị Giáo Hoàng tại Ðền thờ Hồi giáo Omayyadi. Với các người Hồi giáo, ÐTC ước mong "một cuộc đối thoại tôn trọng nhau".

Cũng trên trang này, trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo Roma, Cha Mancini quả quyết: Cả Hồi giáo cũng tôn kính Thánh Gioan Tẩy giả.

"Hỡi các tín hữu Kitô và Hồi giáo, chúng ta hãy tha thứ cho nhau". Ðây là tít lơn cả trang ba của nhật báo Corriere della sera, xuất bản tại Milano. Trên tít này, Corriere della sera đăng hình lớn chiếm cả trang về cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và lãnh tụ tối cao Hồi giáo tại Damasco. Phía dưới, tờ báo viết: ÐTC cầu nguyện trong Ðền thờ Hồi giáo tại Damasco và ngài xin quên đi các xúc phạm  của cả hai bên.

Nhật báo của Milano ghi lại chi tiết về Ðền thờ Hồi giáo tại thủ đô Syrie như sau: Ðược xây cất vào thế kỷ thứ bẩy, thứ tám,  sau Chúa Cứu Thế. Dài 97 thước - rộng 157 thước - Trước hết, đây là đền thờ của dân ngoại, vào thời cổ đại—3000 năm trước Chúa Giáng Sinh!!!--- sau trở thành một nhà thờ của công giáo, tôn kính thánh Gioan Tiền Hô –nhưng đến thế kỷ thứ VII bị phá hủy và Ðền thờ Hồi giáo  được xây lên, vì thế mà bên trong Ðền Thờ Hồi Giáo nầy có di tích kính thánh Gioan Tiền Hô--- Ðền Thờ Hời Giáo hiện nay này đã  được tái thiết cách đây hai thế kỷ. Cách đây 10 năm, bên cạnh Ðền thờ nầy, được xây lên một lăng tẩm của Saladino, vị anh hùng của Hồi giáo, đã đuổi các tín hữu khỏi Mồ Thánh,  ở Giêrusalem.

Il Tempo di Roma chạy tít nơi trang nhất: Chuyến viếng thăm lịch sử của ÐTC , lần thứ nhất trong Ðền thờ Hồi giáo.

Nhật báo của Roma nầy dành cả trang bốn với nhiều bài khác nhau về chuyến viếng thăm lịch sử này. ÐTC nói: "Ðừng bao giờ xẩy ra những vụ tranh chấp giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo nữa. Lãnh tụ tối cao Hồi giáo đáp lại: Ðây là giờ phút đầy hy vọng cho người dân Ả rạp bị đau khổ".

Trong bài khác, Il Tempo viết: "Trong cuộc gặp gỡ với các lãnh tụ Hồi giáo, ÐTC mời gọi giáo dục giới trẻ hãy sống khoan dung".

Trong bài xã thuyết, ký giả lão thành Franco Svidercoschi  đã nhận định về biến cố ÐTC đến thăm Ðền Thờ Hồi Giáo, như là một biến cố mang đến "những hy vọng giữa các con cái Abraham".


Back to Radio Veritas Asia Home Page