Bài Ðiểm Báo 2

về cuộc hành hương của ÐTC

tại Hy lạp, Syrie và Malta

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐIỂM BÁO về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Hy lạp-Syrie và Malta.

Trong phần điểm báo hôm nay về chuyến viếng của Ðức Gioan Phaolô II tại Hy lạp, Syria và Malta, trước hết chúng tôi xin thuật lại bài phỏng vấn phát ngôn viên của Ðức TGM chính thống Hy lạp, dành ho nhật báo công giáo Ý "Tương Lai"  số ra ngày 05.5.2001, về  chuyén viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Athènes, kết thúc sáng thứ bẩy 5/05/2001.

Ông Haris Konidaris, phát ngôn viên của Ðức Giáo chủ Christodoulos, luật sư, năm nay hơn 30 tuổi, là một trong các vị điều đình kín, để chuẩn bị chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Hy lạp. Trước hết, ông nói lên  sự thỏa mãn về chuyến viếng thăm vừa kết thúc. Ông tuyên bố: "Ðức Giáo Hoàng rất tử tế với chúng tôi; chúng tôi rất sung sướng".

Ðức Christodoulos, TGM Athènes, Giáo chủ Giáo hội chính thống Hy lạp, vừa chào Ðức Gioan Phaolô II ở cửa ra khỏi Tòa TGM và trao đổi ít lời khôi hài với phóng viên báo chí, mỉm cười, nhưng không tuyên bố thêm gì nữa. Sự thỏa mãn về những lời Ðức Gioan Phaolô II đọc lên trong diễn văn  đã được ông Haris Konidaris, phát ngôn viên của Dức Giáo chủ, xác nhận. "Chúng tôi đứng bên cạnh nhau trong cả buổi gặp gỡ, và tôi đã có thể ghi nhận sự cảm động rõ ràng".

Trong bài phỏng vấn sau đây dành cho nhật báo "Tương Lai", Luật sư Haris Konidaris, nói lên ý kiến, phê phán, nhưng không phải của cá nhân ông, mà phản chiếu ý kiến và phê phán của Ðức TGM Christodoulos. Chúng tôi xin dịch lại nguyên văn bài phỏng vấn này, nói lên thành quả tức khắc của chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Athènes và chắc chắn có tầm mức quan trọng cho tương lai của mối quan hệ giữa Giáo hội công giáo Roma và Giáo hội chính thống Hy lạp và các Giáo hội chính thống khác nữa, nhất là Giáo hội chính thống Nga.

Hỏi 1- Luật sư nghĩ sao về diễn văn của Ðức Gioan Phaolô II đọc trước Ðức Giáo chủ Hy lạp?

Ðáp - "Ðúng hoàn toàn như những gì chúng tôi chờ đợi. Sự việc ngài đã xin lỗi, xin tha thứ với Thiên Chúa cho các tín hữu công giáo là điều rất quan trọng đối với chúng tôi. Việc ngài xin Chúa tha thứ mang ý nghĩa sâu xa, bởi vì đây  thực là đức ái Kitô. Cử chỉ này còn quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta nghĩ rằng nó đã không được thực hiện tại bất cứ một địa điểm , nhưng tại Tòa của Vị Giáo chủ của Hy lạp.

Hỏi 2 - Như vậy từ nay có thể nối  lại việc đối thoại giữa Giáo hội chính thống Hy lạp và Giáo hội công giáo phải không?

Ðáp - Việc đối thoại vẫn có từ nhiều năm nay rồi, nhưng chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II mở một viễn tượng mới. Với diễn văn của ngài, Ðức Giáo Hoàng đã giải tỏa con đường khỏi một số tảng đá lớn ngăn trở bước tiến tới. Dĩ nhiên vẫn còn những khác biệt và những vấn đề, nhưng từ nay có một thành tín chung là có thể đi đến việc giải quyết.

Hỏi 3 - Ðức Gioan Phaolô II đã không nhắc đến vấn đề các người công giáo hiệp nhất (Uniati), vấn đề đã được Ðức Christodoulos nhấn mạnh.

Ðáp - Ðúng vậy, nhưng chúng ta hãy để thì giờ cho thì giờ. Trước đây khi tôi nói đến các vấn đề còn lại, tôi nói ngay đến vấn đề "các người hiệp nhất" (uniati). Nói tóm lại, Ðức Giáo Hoàng đã nói cách rõ ràng  đến  các vết thương hiện còn đang gây nên những đau khổ cho dân Hy lạp. Và đây là việc công nhận mà chúng tôi muốn.

Hỏi 4 - Ngày 06.5.2001 này, Ðức Christodoulos lên đường đi Moscowa để gặp Ðức Alexis đệ nhị. Vậy ngài sẽ dọn đường cho một chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II không?

Ðáp - Chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng tại Moscowa  là một quyết dịnh liên hệ đến Giáo hội Nga. Giáo hội Hy lạp tuyệt đối không có tiếng nói về Giáo hội này. Nếu Ðức Giáo chủ Alexis đệ nhị muốn biết chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng tại Athènes đã diễn tiến như thế nào, tôi tin chắc rằng Ðức Christodoulos sẽ cho ngài biết ý kiến riêng của ngài về việc này.

Hỏi 5- Vậy có nghĩa là gì?

Ðáp - Ðức Giáo Hoàng Roma đã thực hiện một bước quan trọng đối với chúng tôi, cũng như Giáo hội Hy lạp đã có can đảm và sự sẵn sàng đón tiếp ngài.

Các báo xuất bản sáng Chúa nhật 06.5.2001, đều chú ý đến cuộc tiếp đón,mà Cộng hòa Ả rập Syrie dành cho Ðức Gioan Phaolô II, vị lãnh đạo Giáo hội công giáo. Cuộc đón tiếp này được các báo chí gọi là "một cuộc tiếp đón khởi hoàn". Khởi hoàn, chúng tôi thiết nghĩ "tĩnh từ này không quá đáng, nếu sánh với cuộc tiếp đón ngày hôm trước tại Hy lạp, nhất là đây lại là một  cuộc tiếp đón tại một quốc gia Hồi giáo.  Ðúng như lời ÐHY Ignaxiô Moussa đệ nhất Daoud  đã quả quyết trong bài phỏng vấn dành cho Tuần báo "Gia Ðình Kitô" bằng tiếng Pháp, đã được chúng tôi thuật lại mấy ngày trước đây. ÐHY Daoud nói:  "Chính phủ Syrie đã cộng tác cả về vật chất, để cuộc tiếp đón và chuyến viếng thăm của ÐTC - theo quyết định của Tổng Thống Al-Assad (tín hữu Hồi giáo) - được tốt đẹp hơn cả trong các chuyến viếng thăm tại miền Trung Ðông".

Ngoài cuộc tiếp đón trọng thể, báo chí lưu ý cách riêng đến khía cạnh chính trị-quân sự trong bài diễn văn của ÐTC và của Tổng thống đọc trong lễ nghi tiếp đón tại phi trường quốc tế Damas trưa thứ bẩy vừa qua (05.5.2001).

Nhật báo La Stampa, một tờ báo lớn của Ý xuất bản tại Torino, dành ba bài nơi trang 11, (các biến cố ngoại quốc) về cuộc tiếp đón tại Syrie.

Bài một, với tít lớn cả trang, viết: "ÐTC kêu gọi: Israel hãy tôn trọng luật lệ quốc tế". Dưới tít, có thêm lời chú giải như sau: "Cuộc tiếp đón khởi hoàn tại Syrie. Tổng  thống Assad nói: "Người dân Palestine bị bách hại như Chúa Giêsu".

Trong bài, đặc phái viên từ Damasco viết: "Trong khi ngỏ lời gián tiếp  với Tel Aviv (thủ đô Do thái), Vị Thượng khách (Ðức Gioan Phaolô II) nói: Hãy ngừng hẳn đi những cuộc chiếm đất đai bằng vũ lực, hãy tôn trọng các quyết nghị của LHQ".  Ðáp từ Tổng thống Assad của Cộng hòa Ả rập Syrie, ÐTC nói: " Xin hãy nỗ lực làm mọi cách có thể,  để đem lại sự hòa hợp và cộng tác giữa các dân tộc của miền này".

Trong bài hai, La Stamppa tiết lộ rằng: "Ðức Karol Wojtyla trao cho Ðức TGM chính thống Hy lạp Christodoulos một sứ điệp để chuyển  cho Ðức Alexis đệ nhị, Giáo chủ Giáo hội chính thống  Nga. Nên nhắc lại: Thứ bẩy (5.5.2001), sau chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Athènes, Ðức TGM lên đường đi Moscowa.

Cũng nhật báo La Stampa còn tiết lộ: sau khi gặp ÐTC tại Tòa Sứ  Thần Tòa Thánh tại Hy lạp, Ðức TGM Christodoulos đã chấp nhận đọc kinh Lạy Cha cùng với Ðức Gioan Phaolô II.

Tờ báo La Stampa cho biết thêm: ÐHY Nasrallah Sfeir, Giáo chủ các tín hữu Maronites  ở Liban đã không đến Damas, theo lời mời. Báo này giải thích lý do như sau: Ðể phản đối sự hiện diện của gần 40 ngàn quân đội Syrie tại Liban. ÐHY là một vị lãnh đạo tinh thần, nhưng có ảnh hưởng mạnh trên cả phương diện chính trị tại Liban nữa. Ðã nhiều lần ngài lên tiếng phản đối việc chiếm đóng của quân đội Syrie và việc xen lấn của Chính phủ Damasco vào nội bộ Liban.

Trong bài thứ ba, La Stampa nói đến việc một vị Giáo Hoàng viếng thăm Ðền thờ Hồi giáo tại Damas. Ðây là lần thứ nhất và là một biến cố lịch sử. Nên nhớ lại: Ðức Gioan Phaolô II cũng là Vị Giáo Hoàng thứ nhất viếng thăm nguyện đường Do thái ở Roma. Sau chuyến viếng thăm này, mối quan hệ giữa Do thái giáo và Kitô giáo trở nên tốt đẹp hơn, và sau đó Tòa Thánh và Chính phủ Do thái đã thiết lập quan hệ ngoại giao và tháng ba năm vừa qua (Năm Thánh 2000), ÐTC đã hành hương Thánh địa, viếng thăm và cầu nguyện bên bức tường Than khóc ở Giêrusalem, nơi thánh của tín hữu Do thái.

Il Messaggero xuất bản tại Roma chạy tít lớn trên trang nhất như sau: "ÐTC tuyên bố: Tôn trọng luật pháp quốc tế tại Trung Ðông". Phía trên tựa lớn này, còn có lời phụ như sau: "Từ Syrie một lời kêu gọi cho hòa bình và một  lời mời  gọi Israel: không chiếm đất đai bằng vũ lực". Phía dưới tít bự, có thêm lời nhận định như sau: "Tất cả các dân tộc có quyền định đoạt về chính mình".

Trang 8, tờ báo Roma dành hai bài. Bài nhất: "Theo vết chân của Thánh Phaolô, Ðức Giáo Hoàng đượcTổng thống Bashar Al-Assad đón tiếp". Bài hai: "Tại Damas, Ðức Wojtyla chỉ trích Israel: cần phải trở lại với luật pháp quốc tế - Lời kêu gọi của ÐTC tại Syrie: Hòa bình tại Trung Ðông". Bên cạnh lời kêu gọi này, Il Messaggero để hình cỡ bự  ÐTC và Tổng thống tại sân bay  Damas và hình một đám tang của một vị lãnh đạo Palestine nạn nhân của những vụ đụng độ giữa Palestine và Do thái.

Tờ Corriere della sera, nhật báo lớn của Ý xuất bản tại Milano, cũng chạy tít lớn như các báo khác về đề  tài chính trị-quân sự tại Trung Ðông: "ÐTC kêu gọi Israel: Hãy tôn trọng tính cách luật pháp quốc tế". Dưới tít này: "Diễn văn cứng rắn của Tổng thống Syrie, Al-Assad: Người dân Palestine cũng chịu những đau khổ như Chúa Giêsu".

Corriere della sera tiết lộ: Tại sân bay Damasco, từ máy bay xuống thang, ÐTC trượt chân, nhưng Ðức Cha Thư ký đã nâng đỡ ngay. Rồi ngài tự xuống thang một mình. Dĩ nhiên, trong những ngày này, với chương trình dầy  đặc, ÐTC có thể dễ mệt nhọc, như sáng Chúa nhật (06.05.2001) trong Thánh lễ hơn ba tiếng đồng hồ tại sân vận động Thành  phố Damasco.

Bên cạnh tin ÐTC trượt chân, nhật báo Milano còn tiết lộ tin khác nữa là "lần thứ nhất một vị Giáo chủ chính thống Syrie ngồi trên "Xe Rước ÐTC" "Papamobil" cùng với ÐTC. Cũng nên nhắc lại: Trong những ngày ÐTC viếng thăm Damasco, Giáo hội chính thống Syrie, với thái độ khác hẳn Giáo hội chính thống Hy lạp ,đã  cử hai vị đại diện luôn luôn tháp tùng ÐTC. Hai vị đại diện này dùng bữa với các Hồng Y, Giáo chủ, Giám mục công giáo Syrie và đoàn tùy tùng của ÐTC đến từ Roma.

Sau cùng, nhật báo IL Tempo di Roma dành cả trang 4 để tường thuật về lễ nghi tiếp đón tại Damasco.

Báo này để hình bự ÐTC và Tổng thống tại sân bay Damas. Dưới  hình này có thêm lời nhận định như sau: "Ước gì  hòa bình trở lại Trung Ðông". Lời kêu gọi của ÐTC lúc tới Damas: "Ðem lại hòa bình là một bổn phận của các nhà chính trị, nhưng tìm hiệp thông hoàn toàn và đem lại hy vọng là bổn phận riêng của các tín hữu thuộc ba tôn giáo trong miền này".


Back to Radio Veritas Asia Home Page