Bài Ðiểm Báo 1

về cuộc hành hương của ÐTC

tại Hy lạp, Syrie và Malta

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðiểm báo về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Hylạp, Syrie và Malta.

Trước khi lên đường viếng thăm Hy lạp, Syria và Malta, báo chí và đài phát thanh, truyền hình đều loan tin: đây là một trong các chuyến viếng thăm khó nhất từ trước tới giờ. Nhưng trong lúc viếng thăm và nhất là sau chuyến viếng thăm, ai cũng phải công nhận rằng: xem ra ÐTC Gioan Phaolô II ưa thích "những khó khăn" và sẵn sàng đối phó, không bao giờ lùi bước. Ðúng như lời ngài nói lên nhiều lần từ 23 năm nay của Triều Giáo Hoàng: "Ðừng sợ". Với sức mạnh tinh thần, và một đức tin sắt đá, trong một thể xác già yếu (81 tuổi), với chiếc gậy trong tay, ngài đã can đảm vượt mọi khó khăn, vất vả, để mưu ích cho các linh hồn, cho Giáo hội và cho thế giới nữa.

Chương trình viếng thăm Hy lạp trong 24 tiếng đồng hồ là một chương trình rất nặng đối với sức của một già yếu như ngài. Sau hai tiếng đồng hồ trên máy bay từ Roma đi Athènes, tiếp đến lễ nghi tiếp đón tại Phủ Tổng thống - viếng thăm Tòa Tổng giám mục chính thống Hy lạp - gặp gỡ các Giám mục công giáo Hy lạp -  kính viếng Nhà thờ chính tòa công giáo giáo phận Athènes -  buổi cầu nguyện tại  Diễn đàn (Areopago) kính nhớ Thánh Phaolô, Tông đồ Dân ngoại -  tiếp  kiến Ðức TGM chính thống Christodoulos tại Tòa Sứ Thần Tòa thánh, với nhiều bài diễn văn khác nhau và di chuyển, sức lực của người trẻ cũng khó chịu nổi; nhưng "Cụ già gân này " đã vượt qua. Ngày viếng thăm Athènes được  kết thúc tốt đẹp, vào sáng thứ bẩy bằng thánh lễ tại Tòa nhà thể thao dành cho cộng đồng công giáo,  được khởi sự vào lúc 7:45 (giờ địa phương).

Sau thánh lễ, ÐTC lên đường đi Damas, chặng thứ hai và chặng dài hơn cả của cuộc hành hương "khó khăn" theo vết chân Thánh Phaolô Tông đồ Dân ngoại.

Nhật báo công giáo "Tương Lai"  số ra ngày thứ bẩy 05.5.2001, dành 3 trang đầu để tường thuật, với các bài nhau, chuyến viếng thăm tại Athènes. Trang nhất chạy tựa lớn cả trang: "ÐTC thắng cơn giá  lạnh dài của Hy lạp". Sau lời "mea culpa" (xin lỗi) tại Tòa Tổng giám mục chính thống, ngài đã được Ðức Giáo chủ Christodoulos và các giám chức hiện diện, vỗ tay hoan hô".

Trong bài xã thuyết, ký giả Lugi Gennazzi đề tít: "Với chiếc gậy trong tay, nhưng bước đi của "con người  vĩ đại". Ký giả lặp  lại lời của một trong các nhật báo quan trọng nhất tại Thủ đô Hy lạp ra sáng thứ sáu (4.5.2001): "Bước qua ngưỡng cửa Tòa Tổng giám mục với chiếc gậy và với bước đi chậm chậm, ngài vượt qua hố sâu  của một ngàn năm chia rẽ (tức 10 thế kỷ của chia rẽ giữa Giáo hội công giáo Roma và Giáo hội chính thống Hy lạp). Bài xã thuyết viết tiếp: "Ðức Gioan Phaolô II đã phá đổ một bức tường khác nữa, một bức tường xem ra không thể vượt qua được và cũng là một bức tường vô hình, một bức tường của nghi kỵ và của thù địch từ một ngàn năm nay đã ngăn cách Giáo hội chính thống Hy lạp khỏi Giáo hội công giáo Roma. Ai đã nghĩ rằng, sau Ðại Toàn xá, lời cầu nguyện bên Bức Tường Than khóc ở Giêrusalem (vào tháng 3 năm ngoái (2000) trong cuộc hành hương Thánh địa) và việc tiết lộ gây náo động của Fatima, Vị Giáo Hoàng già yếu này không còn gì để nói lên nữa, thì họ lại sai lầm một lần nữa. Những chống đối của nhóm thiểu số tín hữu chính thống quá khích và những khẩu hiệu chống Giáo hoàng kia, đều biến mất trong giây phút, khi đài truyền hình Hy lạp truyền đi những hình ảnh của cuộc gặp gỡ giữa Ðức Gioan Phaolô II với các vị lãnh đạo Giáo hội chính thống: tất cả vỗ tay hoan hô vị Giáo Hoàng già yếu, nhưng đầy can đảm và cương quyết này.

Trang hai của tờ báo đã dành ba bài về chuyến viếng thăm:

Bài một để hình ÐTC đang hôn đất để trong một cái chậu, do hai em bé mang tới, lúc ngài xuống khỏi máy bay. Ðây là cử chỉ mang ý nghĩa sâu.  ÐTC vẫn thực hiện cử chỉ này mỗi lần ngài viếng thăm đầu tiên  một quốc gia nào đó. Cử chỉ nói lên sự tôn trộng của ngài đối với quốc gia và dân cư của quốc gia này, bất cứ lớn hay bé.

Dưới hình này, nhật báo đề tít lớn cả trang: "Cái hôn của ÐTC dành cho Hy lạp yêu quí". "Mặc cho những chỉ trích (về phía một số tín hữu chính thống quá khích), cử chỉ tôn trọng này mở đầu cho chuyến viếng thăm.

Trong bài, tác giả nhắc lại các chặng chính của ngày viếng thăm: Ôm hôn Ðức giáo chủ chính thống - lễ nghi tại Areopago - một lần nữa kêu gọi hiệp nhất. Tác giả viết: ÐTC đến Hy lạp để xóa bỏ dĩ vãng. Ngoài ra, ngài còn ý thức rõ ràng rằng : từ quá khứ của Hy lạp, người ta còn có thể rút kéo được một bài học quan trọng. Ngài đã nói lên điều này trong bài diễn văn đọc trước Tổng thống Kostas Stephanopuolos, lúc nhắc lại rằng: "Truyền thống lâu đời của cuộc gặp gỡ giữa nền văn hóa Hy lạp và Kitô giáo, là nền tảng thực để đặt nền móng cho Châu Âu mới". Rồi với các Giám mục công giáo Hy lạp, ngài mời gọi "hãy ngước mắt lên, vượt khỏi những thái độ ti tiện và những lỗi lầm xưa kia",  để chiêm ngưỡng những kỳ công Thiên Chúa đã làm".

Tác giả viết tiếp như sau: Ngay từ ngày đầu, người ta đã có cảm giác dễ  chịu, thoải mái, vì bầu khí của chuyến viếng thăm đã thay đổi. Không phải với sự thành công của chặng thứ nhất tại Tòa Tổng giám mục chính thống và chuyến viếng thăm đáp lễ của Ðức Giáo chủ Hy lạp tại Tòa Sứ Thần mà thôi, nhưng còn với sự tò mò kèm theo tình yêu mến đối Vị Thượng khác khiêm tốn, già yếu, nhưng đầy ý chí và nghị lực này, mà dân cư Athènes đã muốn theo dõi từng bước của ngài. Dĩ nhiên không có những đám đông biển người, nhưng chiếc xe "berline", thay thế cho "papamobile", luôn luôn chạy giữa những đám dân, nhất là giới trẻ, tụ họp trên các lối qua lại của Ðức Gioan Phaolô II, thậm chí cả những tiếng vỗ tay hoan hô nữa. Có lẽ nghĩ đến tình yêu mến này của người dân Athènes, ÐTC nói trong cuộc gặp gỡ các Giám mục Hy Lạp như sau:  "Chúng ta mơ ước biết bao các vị chủ chăn của miền Ðất thời danh này, bất cứ thuộc Giáo hội chính thống hay công giáo, một khi đã vượt  qua được  những khó khăn của quá khứ và trong lúc đối phó với những khó khăn của hiện tại, với can đảm và tinh thần đức ái, cùng nhau cảm thấy mình có trách nhiệm về một Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô và về tính cách đáng tin trước mắt thế  giới". Và để giấc mơ thành sự thực, ÐTC mời gọi các giám mục "tiền tuyến" này, thực hiện "sự nhẫn nại của đức ái" và trong mối quan hệ đại kết.

Tác giả kết thúc với giọng lạc quan: "Từ ngày hôm nay, xem ra có thể nói được: mọi sự trở nên dễ dàng hơn, cách riêng sau khi đã xin tha thứ và cái hôn bình an, như dầu thơm xức trên các vết thương của lịch sử, do một cựu sinh viên, nay trở nên Giáo Hoàng, nhưng luôn luôn say mê Hy lạp (Ðức Karol Wojtyla đã viếng thăm Hy lạp lúc còn là sinh viên).

Nơi bài thứ hai, nhật báo Công giáo Ý thuật lại bài diễn văn của ÐTC và của Tổng thống Hy lạp. Tổng thống ca ngợi dấn thân của Ðức Karol Wojtyla về dân chủ và hòa bình. Trong diễn văn đáp từ, Ðức Gioan Phaolô II nói: với nền văn hóa Hy lạp và Kitô Giáo: Châu Âu được tái sinh bởi nguồn gốc Kitô của mình.

Nơi bài thứ ba, báo này đăng diễn văn chào mừng của Ðức Christodoulos, TGM Athènes và Giáo chủ Giáo hội chính thống Hy lạp. Tựa đề của bài báo là: "Một lời can đảm sau cơn giá lạnh lâu dài". Ðại ý bài này  nói rằng: Hủy bỏ các vạ tuyệt thông chưa đủ để loại trừ các căn cớ của nó. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc đối thoại thành thực và thần học của chúng ta".

Trang ba , nhật báo "Tương Lai"  có đăng hình lớn  về cuôīc gặp gỡ giữa ÐTC và Ðức TGM Giáo chủ Giáo hội chính thống Hy lạp. Bên cạnh hình này, nhật báo chạy tít lớn: Ðức Wojtyla mở ra một lỗ hổng trong bức tường lâu đời của nghi kỵ. Kèm theo tựa lớn, là lời giải thích thêm: "Cuộc gặp gỡ cảm động với Ðức Giáo chủ chính thống Christodoulos, sau 10 thế kỷ yên lặng".

Bài hai của trang ba là  bài phỏng vấn,  phát ngôn viên của Tòa TGM chính thống, Haris Konidaris, dành cho báo "Tương Lai", với tựa đề như sau:  "Những tảng đá lớn đã được cất đi khỏi con đường đối thoại". Chúng tôi sẽ dịch nguyên văn bài phỏng vấn này trong bài nói chuyện sau.

Trong bài ba, nhật báo "Tương Lai" đăng bài diễn văn của ÐTC đọc trước Ðức Giáo chủ và các vị lãnh đạo Giáo hội chính thống, với tít đề bằng chính lời ÐTC như sau: "Họ bỏ mất nhau chỉ vì những xúc phạm của ngày xưa và ngày nay".

Bài nhỏ sau cùng của trang ba: "Những vết thương của lịch sử: Trong năm 1054, cuộc bao vây thành Constantinopoli với việc tuyên bố Ðế quốc Latin:  "Hủy bỏ Ðế quốc Bizantin". (Hy lạp lúc đó thuộc về Ðế quốc Byzantin này).


Back to Radio Veritas Asia Home Page