Bài Ðiểm Báo 7

về cuộc hành hương của ÐTC

tại Hy lạp, Syrie và Malta

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tổng Kết về Cuộc hành hương của ÐTC tại Hy lạp, Syrie và Malta: đây là một chuyến ra đi gây nhiều ngạc nhiên.

Nhật báo công giáo Ý "Tương Lai" số ra ngày 10.5.2001, ngay sau ngày kết thúc cuộc hành hương của ÐTC tại Hy lạp, Syrie và Matla, đã nêu lên câu hỏi này: "Cuộc hành hương của Ðức Gioan Phaolô II theo vết chân của Thánh Phaolô vừa kết thúc, sẽ để lại  cái gì?

Ðể trả lời câu hỏi được đặt ra , Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên và Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, chọn những hình ảnh đẹp hơn cả của một chuyến viếng thăm mà , ngay trong lúc còn đang diễn ra, đã được coi như là một biến cố lịch sử rồi.

Trước hết hình ảnh chặng thứ nhất của cuộc hành hương , mà một số người gọi là " Phép lạ của Athènes ", rồi chặng viếng thăm Ðền thờ Hồi giáo tại Damas và sau cùng là buổi cầu nguyện tại Quneitra, thành phố-ma, cho dù có người đã lợi dụng buổi cầu nguyện này để giải thích theo khía cạnh chính trị.

Về chặng thứ nhất , phát ngôn viên và Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh tiết lộ với giới báo chí một bức thư vắn của Ðức Christodoulos, TGM Athènes, Giáo chủ Giáo hội chính thống Hy lạp, gửi  cho ÐTC GP II , để cảm ơn ngài về chuyến viếng thăm. Bức thư viết bằng tiếng Pháp và lời lẽ rất thân mật, chân thành  như sau: "Kính thưa ÐTC, (Votre Sainteté) , trong lúc Ngài từ giã Athènes , sau chuyến viếng thăm ngắn ngủi, nhưng rất bổ ích , tôi muốn bảo đảm với Ngài về những tâm tình biết ơn của tôi. Ngài đã đem đến cho chúng tôi cơ hội được tháp tùng Ngài trong cuộc hành trình của Ngài theo vết chân Thánh Tông đồ Phaolô. Xin Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta , củng cố ý chí  và sự dấn thân của chúng ta tiến đến một sự hiểu biết nhau càng ngày càng chín mùi  hơn".

Tiến sĩ Navarro Valls bình luận thêm như sau: "Ít lời vắn tắt, nhưng xác nhận" một sự lạ lùng "đã xẩy ra trên đất Hy lạp". Ông nhắc lại rằng: "Một sự kiện tuyệt đối không được chờ đợi trước ngày lên đường và vì thể thức trong đó sự kiện này đã được thực hiện. Bức thư này, Kinh Lạy Cha cùng đọc chung  (tại Tòa Sứ Thần, trước khi Ðức TGM và đoàn tùy tùng của ngài ra về) làm cho mọi người nghĩ rằng: việc hiệp thông không hoàn toàn kia nay đã biến mất".

Chặng thứ hai hay hình ảnh biểu hiệu thứ hai của những ngạc nhiên trong cuộc hành hương,  dĩ nhiên là việc kính viếng Ðền thờ Hồi giáo ở Damas - Tiến sĩ Navarro Valls giải thích: "Việc viếng thăm này có một liên kết lịch sử với việc viếng thăm Nguyện đường Do thái ở Roma (tháng tư năm 1986); dĩ nhiên những mối liên lạc với Hồi giáo và Do thái giáo khác nhau". Phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết: "Chúa nhật (6.5.2001), ngay lúc còn viếng thăm Ðảo Malta, ÐTC đã nhận được nhiều điện tín từ các Nước Hồi giáo không thuộc khối Ả rập. Tất cả đều biểu lộ cách này hay cách khác cũng một quan niệm như nhau. "Kính thưa ÐTC (Santo Padre - Très Saint Père - Holy Father) , chúng tôi muốn được đến đó (Ðền thờ Hồi giáo ở Damas) với Ngài". Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh kết luận : "Từ nay trở đi hình ảnh của chuyến viếng thăm Nguyện đường Do thái ở Roma và hình ảnh của việc kính viếng Ðền thờ Hồi giáo ở Damasco có một liên kết lịch sử".

Sau cùng, hình ảnh của buổi cầu nguyện tại Quneitra, thành phố-ma, bị tàn phá bình địa trong trận chiến giữa Do thái và Syrie, thành phố tiêu biểu  của đồi Golan, giáp giới Do thái. Tiến sĩ Navarro Valls nhắc lại rằng: "Ðã có những mưu toan" chính trị hóa "buổi cầu nguyện này. Nhưng phải thành thực công nhận rằng: mưu tính này gây nên gương mù, bất cứ về phía nào. ÐTC đến đây chỉ để cầu nguyện mà thôi. Ngài đã cầu nguyện cho tất cả các dân tộc của miền này. May mắn thay, dư luận thế giới đã hiểu rõ: đây là một hành động tôn giáo, không phải chính trị, cả trong ý muốn, cả trong việc thực hiện".

Giới báo chí đặt câu hỏi với phát ngôn viên Tòa Thánh như sau: "Giới chính trị Do thái đã chỉ trích gay gắt  những lời Tổng Thống Syrie,  Ông Bashar el Assad,  đọc trong buổi tiếp đón ÐTC tại sân bay Damas , và họ cho rằng: có sự đáp ứng lại của ÐTC. Vậy,  mối  quan hệ giữa Tòa Thánh và Do thái có thể trở nên tệ hơn không?" Tiến sĩ Navarro trả lời như sau: "Sao lại phải trở nên tồi tệ hơn và tại sao Tòa Thánh phải lên tiếng? Trong trường hợp mối quan hệ giữa Do thái và Syrie trở nên tồi tệ hơn, Tòa Thánh không có trách nhiệm gì cả". Chúng tôi đã đến Syrie như là những người khác mà thôi. Dĩ nhiên,   nói như vậy, không có nghĩa là tôi muốn bênh vực diễn văn của Tổng Thống Assad; Hơn nữa, ÐTC không biết trước nội dung diễn văn của Tổng thống. Nhưng tôi xin minh xác rằng: ÐTC đã trả lời bằng việc nêu lên các nguyên tắc quốc tế ; đây là các nguyên tắc có giá trị cho mọi người".


Back to Radio Veritas Asia Home Page