Ðiểm Báo

về cuộc hành hương của ÐTC

tại  Hy lạp- Syrie và Malta,

theo vết chân Thánh Phaolo

 

Prepare for Internet by Mgsr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐIỂM BÁO  về cuộc hành hương của Ðức Gioan Phaolô II theo vết chân Thánh Phaolô tại Hy lạp- Syrie và Malta.

Chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại HY lạp - Syrie và Malta được khởi sự sáng thứ sáu mồng 4/05/2001 và kết thúc vào ngày mồng 9 tháng 5 năm 2001. Theo báo chí, thì đây là một trong các chuyến viếng thăm khó khăn hơn cả, cách riêng tại Hy lạp, nơi đây Giáo hội chính thống từ 10 thế kỷ nay vẫn chống đối kích liệt Giáo hội công giáo Roma. Việc chống đối này chỉ dịu đi  sau chuyến viếng thăm của ÐTC vào cuối tháng hai năm 2000 vừa qua, tại Tu viện chính thống dâng kính Thánh Catarina thành Alexandria trên Núi Sinai,  thuộc quyền sở hữu của Giáo hội chính thống Hy lạp. Thái độ hòa giải và khiêm tốn của ÐTC tại Tu viện đã tạo được bầu khí mới trong mối quan hệ giữa Giáo hội chính thống Hy lạp và và Giáo hội công giáo Roma. Tháng Giêng năm nay  (2001), Tổng thống cộng hòa Hy lạp đã viếng thăm Vatican và chính thức mời ÐTC đến Hy lạp. Sau đó, Thánh Hội nghị Giáo hội chính thống Hy lạp cũng tuyên bố: không cản trở chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Athèna, nơi đây Thánh Phaolô Tông đồ Dân ngoại, sau khi trở lại Ðạo công giáo, đã rao giảng Chúa Giêsu Kitô, tại Diễn Dàn, Areopagus, trước Hội nghị của Thành phố.

Một khó khăn đã vượt qua. Sáng thứ sáu 4/05/2001 lúc 11:15, sau khi chiếc máy bay hạ cánh xuống phi trường quốc tế của Athènes, và sau nghi lễ chào đón tại Phi Trường do Vị Ngoại Trưởng của Chính Phủ Hy Lạp cầm đầu,  ÐTC đã được Tổng thống Cộng hòa tiếp đón tại Phủ Tổng thống, với sự hiện diện của Thủ tướng chính phủ, các Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội và Ngoại giao đoàn. Không có dân chúng nhiều như tại nhiều nơi khác, nhưng bầu khí bình thản và thân thiện.

Sau lễ nghi chào cờ trước Phủ Tổng thống, Tổng thống giới thiệu với ÐTC các nhân vật  quan trọng trong guồng máy Nhà nước. Tiếp đó, ÐTC giới thiệu các nhân vật thuộc phái đoàn Tòa Thánh, gồm  các ÐHY Angelo Sodano, Quốc vụ khanh, - ÐHY  Francis Arinze, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại  liên tôn, - ÐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh vể cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, - ÐHY Roberto Tucci, người đã có công tổ chức chuyến viếng thăm sau cùng này, trước khi được tôn phong làm Hồng Y (ngày 21.2.2001) và các Ðức Gím mục: ÐTGM Leonardo Sandri, Phụ tá Quốc vụ Khanh, - Ðức Cha James Harvey, Bộ trưởng Phủ Giáo Hoàng, - Ðức Cha Stanislaw Dziwicsz, Thư ký riêng của ÐTC; - Ðức Ông Renato Boccardo, Giám chức được bổ nhiệm giữ chức vụ  tổ chức các chuyến viếng thăm quốc tế của ÐTC, thay thế Cha Roberto Tucci, thăng Hồng Y.

Trên may báy từ Roma đi Athènes có hơn 60 phóng viên báo chí và nhân viên các đài phát thanh, truyền hình quốc tế cùng đi, để theo dõi chuyến viếng thăm,  được coi là rất khó khăn. Thực sự đây là một chuyến viếng thăm đáng lo ngại. Trước ngày ÐTC tới Athènes, đã xẩy ra một vụ nổ; một phụ nữ người Anh bị thiệt mạng. Chính phủ Hy lạp đã đưa ra những biện pháp rất nghiêm ngặt, để bảo vệ an ninh.

Trong diễn văn đọc tại Phủ Tổng thống, ÐTC cảm ơn Tổng thống đã viếng thăm Vatican tháng Giêng 2001 vừa qua. Cảm ơn Tổng thống về lời mời viếng thăm  Hy lạp - cảm ơn Thánh Hội nghị Giáo hội chính thống đã tạo điều kiện để có thể thực hiện chuyến viếng thăm  ngày hôm nay. Cảm ơn Chính phủ và Ngoại giao đoàn về sự hiện diện và cám ơn dân chúng  Hy lạp về cuộc đón tiếp dành cho ngài.

Ngài đến Athèna theo vết chân Thánh Phaolô, một hình ảnh lịch  sử quan trọng đầu tiên đã mở con đường đối thoại giữa các tín hữu Kitô với thế giới Hy lạp và nhất là với nền văn hóa Hy lạp. Nền văn hóa này đã giữ vai trò rất quan trọng trong Kitô giáo: Bản văn Kinh Thánh, Cựu cũng như Tân ước đã được viết bằng tiếng Hy lạp và được xử dụng từ các thế kỳ đầu Giáo hội và mãi cho tới lúc này, để rao giảng Tin Mừng, truyền lại đức tin  cho các thế hệ.

ÐTC nhắc đến Thánh Justin tử đạo (vào thế kỷ thứ hai) một triết gia nổi tiếng đã rao giảng sự phù hợp giữa đức tin và lý trí con người. Nhiều Thánh Tiến sĩ của những thế kỷ đầu, như Thánh Gioan Crisostomo, Thánh Gregorio Nazianzeno... đã hấp thụ được nền văn hóa Hy lạp  và sau đó Thánh Tomas Tiến sĩ đã ca ngợi nền Triết học của Aristote, (383-322, trước Chúa giáng sinh,   một triết gia nổi tiếng của Hy lạp.

Ngài không quên nhắc lại nguồn gốc "Thế Vận Hội Olympics"  được tổ chức cho tới lúc này, là do sáng kiến của Hy lạp, trước hết tại Thành phố Olympie của Hy lạp. Ðây là những cơ hội tạo tình huynh đệ giữa các dân tộc, cách riêng giữa các thế hệ trẻ.  Hy lạp, theo ÐTC, là chiếc cầu giữa Ðông và Tây. Ngài nhấn mạnh đến sự cộng tác giữa các Giáo hội. Các tín hữu Công giáo luôn luôn sẵn sàng đối thoại và cộng tác với mọi tầng lớp xã hội, để  cổ võ và bảo vệ hòa bình, để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.  Như ngài đã nhắc đến nhiều lần trong Triều Giáo Hoàng: Giáo hội cần phải thở bằng hai lá phổi Ðông và Tây.

Trong diễn văn chào mừng, Tổng thống cộng hòa Hy lạp nhấn mạnh rằng: chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II là một giai đoạn quan trọng: giai đoạn của sự cộng tác chặt chẽ và hữu hiệu trong lúc bước vào Ngàn năm mới, cộng tác trong việc xây dựng một Châu Âu hiệp nhất ,  theo ơn gọi và dựa trên nền văn hóa Kitô, một gia tài chung của tất cả Lục địa,  ngay từ các thế kỷ đầu Kitô giáo.

Tổng thống cũng nhắc đến cuộc gặp gỡ giữa Ðức Phaolô VI (1963-1978) và Ðức Athenagoras đệ nhất, Giáo chủ đại kết chính thống, một cuộc gặp gỡ diễn ra trong đức ái và tình yêu thương.

Trong dịp này, Tổng thống tặng ÐTC bức ảnh kín màu mosaic Thánh Phaolô, tông đồ.

Từ giã Tổng thống lúc 12:15,  ÐTC đến viếng thăm xã giao Ðức Christodoulos, TGM Athènes và Giáo chủ Giáo hội chính thống Hy lạp. Về cuộc gặp gỡ này, chúng tôi xin dành lại phần điểm báo ngày mai. Qua đài truyền hình trực tiếp, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh điểm này: trong khi Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Giáo chủ gặp riêng tại Tòa TGM chính thống, kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ, bầu khí giữa hai phái đoàn Tòa Thánh và chính thống rất cởi mở, thoải mái, không có bầu khí căng thẳng như những tin loan báo trước.

Nhật báo công giáo "Tương Lai" số ra ngày 03.5.2001, trước ngày ÐTC lên đường đi Athènes, Damas và Malta, chạy tựa đề  lớn nơi trang 19 như sau:  Thánh Phaolô, vị tiên phong của việc hội nhập văn hóa". Dưới tít lớn này, Cha Padovese, nhà thần học Dòng Phanxicô, Viện trưởng Viện Tu đức của Antonianum, giáo sư Ðại học Gregoriana, tuyên bố: Ðức Karol Wojtyla như Vị Tông đồ Dân ngoại, thày của việc rao giảng Tin Mừng và của đối thoại.

Trong bài, cha Padovese viết: Việc tìm những tĩnh từ xứng hợp cho chuyến viếng thăm mới này của ÐTC thực gay go. Một chuyến viếng thăm gợi lại những dữ kiện chính trị, liên tôn giáo. Damasco, thành phố  đại đồng của người dân đến từ nhiều quốc gia khác nhau, là thành phố của ơn kêu gọi truyền giáo và thành phố đón nhận thánh Phaolô cách rất nồng hậu. Giáo hội mang ơn nhiều đối với Thành phố này.  Còn tại Athèna, thủ đô của nền triết học của thời đại, Vị Tông đồ dân ngoại giới thiệu mình như người đem đến sứ điệp của Chúa Kitô, dù biết rằng sẽ gặp  nhiều chống đối. Ðức Wojtyla cũng có một sự can đảm như chính thánh Phaolô.  Tác giả bài nhận định đã giải thích như sau:  Không phải tình cờ, Ðức Wojtyla đã nhận tên hiệu    Gioan PHAOLÔ, nhằm theo tinh thần truyền giáo cho dân ngoại như thánh Phaolô tông đồ và  như vị Tiền nhiệm của ngài: đức cố Giáo Hoàng Phaolo Ðệ Lục . Một tên gọi và một lịch sử. Rồi tác giả quả quyết: Thật khó tưởng tượng ra được một vị tông đồ dân ngoại hơn Ðức Gioan Phaolô đệ nhị".

Ðược hỏi: cái gì liên kết Ðức Gioan Phaolô II với Thánh Phaolô thành Damasco, Cha Padovese trả lời: Thánh Phaolô biết rõ rằng: Các thành phố lớn trên thế giới, như Damasco chẳng hạn, thành phố hỗn hộp, đa hình thức, nhưng khoan dung hơn Giêrusalem, luôn luôn là một " Ðền Thánh. Với ý chí cương quyết, với sự minh bạch, Ðức Gioan Phaolô II ý thức về ơn gọi của mình, như thánh Phaolô, đem Chúa Kitô cho các nền  văn hóa khác nhau. Và ngài hiểu rằng: ơn kêu gọi của mình là ơn kêu gọi của việc rao giảng lưu động và là việc rao giảng này không luôn luôn dễ dàng, thuận tiện.

Ðược hỏi: Vậy Athèna đối với Phaolô có ý nghĩa gì, nhà thần học dòng Phanxicô trả lời như sau:  Rao Giảng  tại Diễn Ðàn (Areopago), có nghĩa là  giảng tại nơi và cho chính trung tâm của nền văn hóa Hy lạp. Ðây là lúc cao điểm của thừa tác vụ của Thánh Phaolô. Trước mắt người dân Athèna Phaolô phác họa  phương pháp truyền giáo của mình. Ngài không chỉ trích việc họ tôn thờ Trời, Ðấng mà họ không biết,, nhưng khởi đầu bằng việc ca ngợi tinh thần sùng đạo của họ: "Tôi thấy rằng anh em có tinh thần rất sùng đạo". Với lời ca ngợi này, Thánh Phaolo đã mở con đường tiếp xúc trực tiếp với thính giả. Ðề nghị đối thoại của Thánh Phaolo có thể dừng lại bằng lời quả quyết này là  "Thiên Chúa đã dựng nên trời đất và tất cả những gì trong vũ trụ này". Nhưng Phaolô biết rằng: ơn gọi của ngài đòi cái khác nữa và ngài biết rằng những người đối thoại của ngài bất đồng ý kiến với ngài ở điểm nào. Và ngài đã vượt qua điểm này bằng việc giảng cho họ về Chúa sống lại, không bằng cách chung chung thôi. Ngài biết có thể thất bại hoặc gặp chống đối, nhưng không thể thiếu sót bổn phận  trong việc rao giảng chân lý. Ðây cũng chính là kiểu cách và con đường của Ðức Gioan Phaolô II.

Còn về chặng dừng  tại đảo Malta, Cha Padovese giải thích như sau: Phaolô không chủ ý đến đây rao giảng Tin Mừng. Trên đường đi Roma, Phaolô bị dắm tầu. Ðây là một thử thách  cũng như biết bao thử thách khác gặp phải trong hơn 30 năm truyền giáo, trên con đường dài 10 ngàn dậm. Việc rao giảng Tin Mừng đi song song với đau khổ. Và Malta là biểu hiệu của con đường rao giảng và đau khổ này, và cũng là biểu hiệu rõ ràng Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II. Từ Athènes đến Damas và trở về Malta nói đúng ra cũng là một con đường. Ơn gọi truyền giáo (tại  Damasco), rao giảng Tin Mừng (tại Athèna), chịu đau khổ (tại Malta và trong hơn 30 năm truyền giáo lưu động) ơn gọi đó  của Thánh Phaolô cũng là ơn gọi truyền giáo, sứ vụ rao giảng Tin mừng và đau khổ của Ðức Thánh Cha từ 23 năm nay. Ðây là ý nghĩa sâu xa của cuộc hành hương theo vết chân Thánh Phaolô mà ÐTC đang thực hiện, để nêu gương cho toàn Giáo hội, trong lúc bước vào Ngàn Năm mới. "Duc in altum, hãy ra khơi, hãy thả lưới, bất chấp sóng gió bão táp, biển động; hãy tín nhiệm vào Chúa Kitô hiện diện trong Giáo hội: "Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế".


Back to Radio Veritas Asia Home Page