Các quốc gia nghèo có hy vọng gì

vào những hứa hẹn của khối G8 không

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các quốc gia nghèo có hy vọng gì vào những hứa hẹn của khối G8 không?

Hội nghị thượng đỉnh tại Genova (tây bắc nước Ý ) với sự tham dự của 8 Siêu cường (những quốc gia kỹ nghệ tân tiến): Hoa kỳ, Canada, Anh, Ðức, Ý, Pháp, Nhật bản, và Nga, và với sự hiện diện của Ông tổng thư ký LHQ, Ông Kofi Annan; của ông Romano Prodi, Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp Châu Âu và của đại diện một số nước nghèo Châu Phi và Châu Á, đã quyết định thành lập Quỹ với một tỉ 200 triệu Mỹ kim, để trị chứng bệnh Aids  và các chứng bệnh khác hiện đang lan tràn ghê sợ tại Châu phi.

Về các món nợ ngoại quốc, Hội nghị thượng đỉnh quyết định giảm bớt cho 23 quốc gia mắc nhiều nợ hơn cả. Số nợ được giảm lên tới 74 tỉ Mỹ kim. Hội nghị còn quyết định giúp đỡ kỹ thuật, để phát triển các dân tộc chậm tiến.

Trước chương trình vĩ đại này (ít ra trên giấy tờ), nhiều câu hỏi được đặt ra: Chúng ta nghĩ gì về những đề nghị cụ thể phát xuất bởi Hội nghị G8 lần này tại Genova (giảm nợ, thành lập quĩ chống bệnh Aids và trợ giúp kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển, nhưng với điều kiện thực hiện nền dân chủ)? Thực sự đây là khởi sự của một con đường mới trong lúc bước vào Ngàn năm thứ ba, hay chỉ là những hứa hẹn, và  sẽ qua đi như nhiều hứa hẹn khác?

Sau đây là phê bình của Cha Giulio Albanese, một nhà  truyền giáo đã nhiều năm hoạt động tại Châu phi và hiện là Giám đốc Hãng thông tấn Misna (của các nhà truyền giáo), đối với những hứa hẹn của Hội nghị G8 tại Genova, vừa kết thúc. Những phê phán của Cha dựa trên kinh nghiệm từ trước tới giờ, không bi quan, mà cũng không lạc quan, nhưng là những nhận xét khách quan.

Theo Cha Albanese, thì việc thành lập Quỹ săn sóc sức khỏe, việc giảm bớt số nợ cho 23 quốc gia nghèo hơn cả, cũng như chương trình phát triển Châu phi và việc xác nhận sáng kiến trước đây của Liên hiệp Châu Âu về việc  chống buôn bán vũ khí... tất cả đều là tích cực. Nhưng tiếc thay, chúng ta vẫn ở trong giai đoạn "hưởng nhờ lòng nhân hậu" của các Siêu cường mà thôi. Ðây chỉ là những giọt nước trong một biển cả đầy những nhu cầu của các quốc gia nghèo nàn.

Chúng ta lấy ngay thí dụ về Quỹ được hứa hẹn thành lập vừa rồi tại Hội nghị Genova để chữa chứng bệnh Aids tại Châu phi (con số mắc bệnh này lên tới 36 triệu) và các chứng bệnh thông thường khác tại Lục địa này (bệnh lao, bệnh sốt rét rừng): một tỉ 200 ngàn Mỹ kim (một số tiền lớn đối với các quốc gia nghèo), nhưng số tiền này chỉ bằng số tiền Hoa kỳ dành mỗi năm cho việc chế tạo Hỏa tiễn chống hỏa tiễn.

Một thí dụ khác: Các vị lãnh đạo các Siêu Cường nhắc lại cam đoan dùng 0,7% lợi tức của mức sản xuất để dành cho việc cộng tác phát triển các dân tộc. Ðây là một sáng kiến đã được 22 quốc gia giầu có, gọi là "donors, các ân nhân", đưa ra từ lâu. Nhưng với thời gian qua đi, không một quốc gia "ân nhân" nào đóng góp vào quĩ, trừ mấy nước miền bắc Âu (Scandinaves). Thậm chí,  các Siêu cường (Pháp, Anh, Ý, Canada) đã giảm bớt số viện trợ cho các quốc gia nghèo ở miền Nam Bán Cầu,  cho dù các quốc gia này đã cam đoan tại Hội nghị Okinawa, là sẽ  tôn trọng việc trích 0,7% như đã thỏa thuận. Ðây thực là câu chuyện biến ngôn, là trò hề của việc phát triển mà các nước giầu có tiếp tục kể lại cho các nước nghèo khổ. Và các quỹ thành lập chỉ là một hộp dành tiền nhỏ bé mà các nước giầu dùng để lừa bịp các quốc gia miền Nam Bán Cầu.

Theo những dữ kiện sẵn có, Cha Albanese  dẫn chứng để xác nhận điều quả quyết trên đây. Thực sự trong những năm vừa qua, số viện trợ cho các nước nghèo gia tăng, tuy không bao nhiêu, từ 52 lên tới 56 tỉ Mỹ kim. Nhưng dù số thêm này có thực đi nữa, nếu tính theo phần trăm, lại hụt mất 12% sánh với 10 năm trước đây. Thực sự các nước giầu chỉ góp vào việc phát triển một phần mười  (1/10) của số tiền được dành cho việc vũ trang trong nước.

Nói đúng ra, sau Hội nghị Genova, chúng ta vẫn còn ở trong tâm trạng "lãnh nhận lòng từ bi thương xót" của các nước giầu, như những mụn bánh rớt từ mâm cao cỗ đầy của các nước giầu mà thôi. Cha Albanese nói: "Ðây chỉ là những bước tiến nhỏ bé, như giọt nước trong biển cả. Thực ra tôi chờ đợi nhiều hơn nữa nơi Hội nghị Genova".

Dĩ nhiên, có nạn tham nhũng tại nhiều nước nghèo, cũng như tại các quốc gia giầu có. Nhiều lúc, viện trợ không đến hay đến quá ít trong tay người dân nghèo. Cha Albanese đề nghị: "Nhưng chúng tôi thiết tưởng: các cơ quan quốc tế rất có thể kiểm soát các viện trợ bằng những điều kiện khắt khe, để bảo đảm những số tiền đã bỏ ra hay viện trợ thực phẩm, thuốc men... được dùng trong công ích và trong việc phát triển". Ðể tránh những tham nhũng, cha Albanes yêu cầu các cơ quan quốc tế tìm những tổ chức địa phương đáng tín nhiệm, như các tổ chức không chính phủ, hoặc các tu hội truyền giáo. (Dĩ nhiên các chính phủ, ... sẽ không bao giờ chấp nhận điều kiện này). Mỗi lần số viện trợ được trao cho các tổ chức không chính phủ hay các tu hội truyền giáo... đều chắc chắn đến tay người dân. Dĩ nhiên, khi đã lãnh nhận những viện trợ này, các tổ chức không chính phủ hay tôn giáo có trách nhiệm báo tin các chính phủ địa phương và tường trình các cơ quan quốc tế đã cung cấp viện trợ.

Nói đến sự hiện diện của một số quốc gia Châu phi và Châu Á tại Hội nghị  Genova, Cha Albanese tỏ vẻ phẫn nộ về thái độ của các Siêu cường, bởi vì sự hiện diện của họ đã bị khai thác. Các Siêu cường tỏ nét mặt nhân từ  thương xót và coi họ như những đại diện của Liên hiệp Châu phi, mới được thành lập. Không có một thông cáo nào về sự đóng góp của các Siêu cường cho Chương trình Châu phi. Nhà truyền giáo nhấn mạnh: "Tôi chờ đợi trong văn kiện kết thúc Hội nghị G8 Genova  ít ra một trang  nói đến việc đóng góp của các Siêu cường hay ít ra dành riêng cho Châu phi. Trái lại, chỉ thấy những nụ cười. Ai là người đã lưu ý đến một Liên hiệp Châu phi đang thành hình?

Cuối cùng, Cha Albanese, một nhà truyền giáo kinh nghiệm về các vấn đề Châu phi kết luận như sau: "Vấn đề chính là chúng ta không biết nền văn hóa của miền Nam Bán Cầu. Chúng ta người Châu Âu chỉ biết tập trung vào Lục địa của mình, nhưng trọng tâm của thế giới ở nơi khác. Biết rõ ràng các nước nghèo, đây là con đường đối thoại với họ".

Ðể kết thúc bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin trưng lại lời bất hủ của Ðức Phaolô VI (1963-1978) viết trong Thông điệp "Populorum Progressio: Phát triển các dân tộc", được công bố năm 1967 như sau: "Phát triển là tên mới của hòa bình". Bao lâu còn có những hố sâu giữa các người giầu (chiếm tới 80% tài sản trên thế giới)  và các người nghèo (đại đa số)  chỉ chiếm có 20% mà thôi, thế giới sẽ không bao giờ có hòa bình. Những vụ tranh đấu và những cuộc biểu tình vừa qua (tiếc thay đã có những bạo động) tại Genova và trước đây tại Seattle (Hoa kỳ), tại Nice (Pháp) và tại Goeteborg (Thụy điển)  là những báo động, những phẫn uất trước những bất công xã hội ngày nay. Ðức Gioan Phaolô II đã nhắc lại trong dịp Hội nghị Thượng Ðỉnh của nhóm G8 tại Genova như sau: "Các Siêu cường, các Vị quyền hành trên thế giới... hãy nghĩ đến các nước nghèo, hãy lắng nghe tiếng kêu than của các người nghèo."

 


Back to Radio Veritas Asia Home Page