Giáo Hội Công Giáo

tiếng nói của người nghèo

và của những người bị áp bức

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giáo hội công giáo: tiếng nói của các người nghèo, các người bị loại ngoài lề xã hội, các người bị đàn áp.

Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh của khối G8 tại Genova, chúng tôi đã nói đến tiếng nói của Giáo hội đối với các Siêu cường. Chúng tôi đã nhắc lại lời ÐTC kêu gọi ngày 8 tháng 7/2001, trong giờ đọc Kinh Truyền Tin với dân chúng tại Quảng trường Thánh Phêrô và ngày 15/7/2001 tại Les Combes, nơi ÐTC nghỉ hè trong ít ngày. ÐTC nói: "Xin các Vị Quyền thế hãy lắng nghe tiếng các người nghèo khổ". Ngài xin các tín hữu cầu nguyện cho các Vị lãnh đạo các quốc gia được sáng suốt nghĩ đến công ích của người dân.

Trong bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin nói đến lời kêu gọi của ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, nhân vật thứ hai tại Vatican, sau ÐTC,   của ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình.

1 - Trước hết  là nguyên văn lời kêu gọi của ÐHY Quốc Vụ Khanh trong bài phỏng vấn dành cho Ðài Truyền hình "Hòa Bình" (Telepace), trước Hội nghị thượng đỉnh Genova.

Theo ÐHY Sodano, thì những chờ đợi của ÐTC rất cụ thể; ÐTC chờ đợi từ Hội nghị này phát xuất một sáng kiến mới ủng hộ các quốc gia nghèo khổ hơn.Tôi nghĩ cách riêng đến ba sáng kiến cụ thể trong ba lãnh vực này: sự nghèo khổ, sức khỏe và môi sinh.

Cần phải tránh cái sai lầm này là chờ đợi một thế giới được đổi mới ngay, từ  cuộc gặp gỡ trong ít ngày của Các Vị lãnh đạo Quốc gia và Chính phủ. Trong lịch sử các dân tộc, luôn luôn có luật về "tuần tự nhi tiến": điều cốt yếu là tìm con đường đúng để theo và tiến bước dần dần trên con đường này.

2 - Vấn đề thứ hai là việc xóa bỏ các món nơ; việc xóa bỏ nầy  là một trong các hình thức tiến đến gặp gỡ các dân tộc nghèo khổ hơn. Về vấn đề này đã có nhiều sáng kiến. Tôi muốn nhắc lại một sáng kiến rất tốt đẹp của nước Italia: xóa bỏ các món nợ tại Zambia và Guinea. Chính HÐGM Ý đã cộng tác với Chính phủ Ý. Như vậy có thể lập một quĩ dành cho các chương trình phát triển tại hai quốc gia Phi châu này. Xóa bỏ các món nợ, nhưng xử dụng số tiền này cho trường học và nhà thương.

3 - Bình diện thứ ba là việc hoàn cầu hóa - Ðây là một sứ điệp của hy vọng. Ðây là một dấu hiệu cho thấy rằng các giá trị của tình liên đới còn được nghe theo. Trong hiện tượng toàn cầu hóa, chúng ta cũng có thể khám phá ra ơn gọi nguyên thủy của nhân loại là xây dựng một gia đình duy nhất.

Vấn đề quan trọng là biết rõ được người ta muốn việc toàn cầu hóa nào, cách nào? ÐHY Tettamanzi, TGM Genova, đã đề tít rất hay cho cuốn sách  của ngài mới xuất bản: "Toàn cầu hóa: một thách đố". Thực sự: Ðây là một thách đố. Tất cả tùy thuộc vào mục đích mà người ta nhằm đến.Tự bản tính nó, cũng như việc phát triển nhân loại, toàn cầu hóa không tốt, cũng không xấu. Tùy thuộc nơi người xử dụng nó như thế nào. Và đây chính là thách đố của thời đại ta. Xét đến cùng, đây là một thách đố của tự do: tự do là ơn ban của Thiên Chúa. Con người có thể dùng trong sự lành cũng như trong sự dữ.

4 - Dĩ nhiên xây dựng một thế giới mới là điều có thể làm được. Chúng ta để lại đàng sau thế kỷ XX, một thế kỷ không làm chúng ta vinh dự chút nào cả. Ðây là một thế kỷ bị đánh dấu bằng những chiến tranh kinh khủng. Người ta nói: có khoảng 70 triệu người chết trong đệ nhị thế chiến (1939-1945) trên cả thế giới, quân đội và thường dân. Chúng ta để lại đàng sau một thế kỷ của nhà tù,  trại giam, trong đó con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, đã bị làm hư hại và bị uế tạp. Chúng ta  đã để lại một thế kỷ với biết bao người nghèo khổ, như Lagiaro giơ tay lên bàn ăn của người phú hộ, chờ đợi một chút gì ăn. Giờ đây chúng ta phải cùng nhau làm việc cho một trang mới của  lịch sử nhân loại.

5 - Dĩ nhiên, nhớ đến Genova (trụ sở của Hội nghị thượng đỉnh), chúng ta cũng nhớ ngay đến Ðền Thánh "Ðức Bà của sự canh giữ: Nostra Signora della Guardia", nhìn xuống cả Thành phố. Ðây là Ðền thánh rất quí giá và được sùng kính của người dân Genova. Và Ðền thờ mới tại đây đã được thánh hiến vào đầu thế kỷ này do Ðức TGM Genova, Chân phước Tommaso Reggio. Và trong Vườn Vatican có một tượng Ðức Bà Canh giữ: Madonna della Guardia  được đặt như để gìn giữ Vị Kế nghiệp Phêrô. Tượng này do Ðức Thánh Cha người Genova, Benedicto XV (1914-1922) đã muốn đặt tại đây. Là tín hữu công giáo, dĩ nhiên chúng ta cũng phú thác  cuộc gặp Genova cho Ðức Mẹ.

6 - Giáo hội có thể giúp chính trị như thế nào? Giáo hội là một thân thể gồm biết bao chi thể khác nhau. Mỗi một chi thể được mời gọi cộng tác vào đời sống công cộng. Sứ vụ của ÐTC, của Giám mục, của Linh mục, của mỗi một Tín hữu khác nhau. Nhưng có một điều chắc chắn này là trong toàn thể, các tín hữu có thể và  phải cộng tác vào công ích xã hội. Cách riêng, đây là sứ vụ lớn lao của Hàng Giáo dân.

Dĩ nhiên các tín hữu không sợ hãi trước việc toàn cầu hóa. Chính Kitô giáo là một tôn giáo có tính cách toàn cầu. Trong thế giới này, thế giới từ nay được coi như "một làng xã của hoàn cầu", Giáo hội tìm cách gieo vào trong đó men của Phúc Âm Chúa Kitô. Từ nội bộ, Giáo hội sẽ tìm cách nâng cao tầm mức thiêng liêng của nhân loại, với những phương tiện riêng của mình. Với chính thái độ này, các tín hữu Kitô nhìn vào các Vị Lãnh đạo Quốc gia và Chính phủ hội họp nhau tại Genova.

Trước hết các tín hữu cầu nguyện cho các ngài, để xin Chúa hướng dẫn các ngài. Ðây là giáo huấn của Thánh Phaolô gửi cho môn đệ Timoteo: "Ta khuyên con cầu nguyện cho mọi người, cho vua chúa và cho tất cả  các  người cầm quyền" (1 Tim, 2,1).

Sau đó, các tín hữu kitô dấn thân cộng tác với mọi người để mưu công ích cho nhân loại. Các Vị hội họp tại Genova là những người làm chính trị, được người dân tự do lựa chọn. Các ngài là những nhân vật đại diện các Quốc gia và các nền văn hóa quan trọng. Tôi  hy vọng rằng không một vết đen nào làm hư hại cuộc gặp gỡ này. Gặp gỡ nhau, thảo luận với nhau là thành phần của nền văn minh của chúng ta.  (L’Oss.Rom. 21.7.2001)

Trong bức thư gửi cho ÐHY Tettamanzi, TGM Genova, ngày 16 tháng 7/2001 vừa qua, trước Hội nghị thượng đỉnh, ÐHY Nguyễn văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, viết như sau: "Công ích, Công bình xã hội, Tình liên đới, tính cách làm chủ  của các người  nghèo, việc phân phối chung tài sản: những lời được vang lên tại Genova ngày 7 và 8 tháng 7/2001 vừa qua, trong cuộc gặp gỡ của các đoàn thể công giáo,  là những điểm cốt yếu  trong giáo huấn xã hội của Hội Thánh". Trong bức thư, ÐHY chủ tịch Hội đồng,  đánh giá cao việc huy động các đoàn thể công giáo mà Giáo hội Ý đã làm, nhằm nhìn về Hội nghị thượng đỉnh G8, tại thành phố Genova. ÐHY Nguyễn văn Thuận cảm thấy được phấn khởi nhiều bởi cuộc gặp gỡ đông đảo của hơn 40 đoàn thể công giáo "để dấn thân bênh vực phẩm giá con người, phù hợp với các đòi hỏi của thời đại chúng ta". ÐHY chủ tịch  viết tiếp: "Ðứng trước vấn đề quan trọng của thời đại ta, tức vấn đề nghèo khổ, trong lúc thế giới có đầy đủ tài sản để chống lại, của một số rất lớn người dân, và con số này mỗi ngày mỗi gia tăng, thật là một cảnh ngược đời. Việc quan tâm đầu tiên của Giáo hội là đi đến với các người nghèo khổ, được coi không phải là một gánh nặng, nhưng là những người đáng yêu cầu được xử dụng khả năng lao công của họ vào việc sản xuất và phát triển, như ÐTC Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp "Centesimus Annus".

ÐHY Nguyễn văn Thuận nhắc lại lời ÐTC về "việc toàn cầu hóa tình liên đới", bằng việc kể lại sáng kiến của HÐGM Ý trong việc cộng tác với Chính phủ Ý, để xóa bỏ các món nợ cho  Zambia và Guinea. Sau đó ÐHY nói đến sự cần thiết huy động các quốc gia giầu có để dành 7% lợi tức của mình để giúp vào việc phát triển các nước nghèo, nhưng đồng thời tránh mọi chế độ bảo hộ (do lệ thuộc viện trợ), để các quốc gia này thực sự tiến đến các thị trường quốc tế.

Các đề tài: Công bình xã hội, công ích, tính cách chủ thể của các người nghèo, trách nhiệm chung... là những điểm then chốt của Giáo lý xã hội của Hội Thánh và là thành phần của sứ vụ của Hội đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa bình. Nhưng đây cũng là giáo huấn xã hội và thực sự giáo huấn này là một dụng cụ của việc rao giảng Tin Mừng: rao giảng Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và rao giảng Mầu nhiệm cứu rỗi trong Chúa Kitô cho mỗi một và cho mọi con người. Vì thế ÐTC rất quan tâm đến giáo lý xã hội của Hội Thánh. Trước Năm Thánh, ngài đã trao trách nhiệm soạn thảo Cuốn giáo lý xã hội công giáo cho Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, để phổ biến giáo huấn xã hội công giáo. Công việc soạn thảo đang đi vào giai đoạn cuối cùng. Cuối tháng chín tới đây, sẽ có một phiên họp khoáng đại do Hội đồng triệu tập tại Roma, với sự tham dự của khoảng  200 Hồng Y, Giám mục, Linh mục, Giáo dân  và Chuyên viên, để kiểm điểm lại công việc soạn thảo và sau đó bản văn sẽ được chuyển đến Bộ giáo lý đức tin và chờ đợi việc chấp nhận sau cùng của ÐTC.

 


Back to Radio Veritas Asia Home Page