Tổng Thống Hoa Kỳ viếng thăm
ÐTC Gioan Phaolô II tại Castelgandolfo
Prepared
for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Tổng
thống Hoa kỳ viếng thăm Ðức Gioan Phaolô II
tại Castelgandolfo.
Lúc
11 giờ thứ hai 23.7.2001, Tổng thống Hoa kỳ, ông George W.Bush
viếng thăm Ðức Gioan Phaolô II tại Trại hè Castelgandolfo.
Cùng đi với Tổng
Thống có Phu nhân , bà Laura, cô con gái Janna và đoàn
tùy tùng gồm tất cả 23 người.
Tới
sân Trại hè, Tổng Thống đã được ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ
Khanh, đón chào, rồi hướng dẫn lên gặp ÐTC. Sau cuộc gặp gỡ
riêng kéo dài gần nửa giờ, tiếp đến cuộc tiếp đón long
trọng giữa hai phái đoàn. Trong diễn văn chào mừng Tổng thống,
ÐTC nhắc lại ơn gọi riêng của Hoa kỳ. Các Vị sáng lập Quốc
gia mênh mông và giầu có này và các Vị Kế nghiệp các ngài
đã nhận ra ơn gọi của Hoa kỳ, vẫn tiếp tục thực hiện
trong các thế kỷ cho tới lúc này. Ðó là Ơn gọi và sứ
mạnh bênh vực tự do, dân chủ, các giá trị tinh thần và tình
liên đới trong việc giúp đỡ các quốc gia không được may
mắn như Hoa kỳ. Trong dịp này, ÐTC nhắc đến công việc của
Giáo hội công giáo và nhiều tổ chức nhân đạo tại Hoa kỳ
đã và còn tiếp tục thực hiện trong các lãnh vực giáo dục,
y tế và xã hội trong và ngoài
nước. ÐTC chúc Tổng Thống thành công trong sứ vụ đã
được người dân Hoa kỳ trao phó cho.
Trong
diễn văn đáp từ, Tổng thống Bush cảm ơn ÐTC về cuộc tiếp
đón nồng hậu dành cho Ông, và cách đây 10 năm dành cho Thân
phụ của ông, cựu Tổng thống George Bush Senior. Ông nhắc lại
những chuyến viếng thăm của ÐTC tại Hoa kỳ, và trên thế giới,
được từng triệu người dân đón chào và lắng nghe. Ông
còn nhắc đến vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng rộng lớn
của ÐTC trên cả thế giới. Ông cũng cam đoan làm tất cả những
gì có thể để
góp phần vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp
hơn trong lúc nhân loại bước vào Năm thứ ba.
Tiếp
sau đó, Tổng thống tặng quà kỷ niệm cho ÐTC. ÐTC trao tặng Tổng
thống huy hiệu lưu niệm (bằng vàng, bạc, đồng) của Triều Giáo
Hoàng. Phu nhân, cô con gái và các nhân viên trong đoàn tùy
tùng đến chào ÐTC cũng nhận được quà kỷ niệm của ngài.
Trước khi ra về, Tổng thống, Phu nhân và phái đoàn chụp hình
lưu niệm cuộc gặp gỡ. Từ giã ÐTC, Tổng thống và đoàn tùy
tùng đến gặp ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh. Hiện diện trong
buổi gặp
gỡ này có cả Ðức TGM Jean Louis Tauran.
Tổng
thống Bush, từ lúc lên cầm quyền, đã tỏ ra nhiều cảm tình
đối với Giáo hội công giáo. (Nên nhớ Tổng thống là tín
hữu Tin Lành
Methodista). Ông đã gặp nhiều vị Hồng Y Hoa kỳ, cách riêng ÐHY
Theodore McCarrick Edgar, TGM Washington;
Tổng thống đã đến dự lễ khánh thành Bảo Tàng viện
tại Washsington dành kính Ðức Gioan Phaolô II. Mới đây đã bổ
nhiệm Ông chủ tịch Ðảng Cộng hòa, Jim Nicholson, làm Ðại sứ
Hoa kỳ cạnh Vatican, rồi ông John Dullio, người công giáo, trách
nhiệm về Văn Phòng ủng hộ Tài chánh cho các phong trào tự
nguyện công giáo, và dành chuyến viếng thăm đầu tiên tại
New York trong tư cách Tổng thống, để tặng huy chương cho Ðức
Cố Hồng Y O' Connor, TGM New York . Tổng thống biết rằng: Theo truyền
thống, tại Hoa kỳ, các người công giáo, đa số, bỏ phiếu
cho Ðảng Dân chủ. Nhưng lần này, nhờ sự ủng hộ của Hàng
Giám mục và Giáo hội Hoa kỳ, Tổng thống đã đắc cử. Tổng
thống thấy rằng: Khối công giáo (khoảng 55 triệu, tức 21%
trong tổng số dân cư toàn quốc 260 triệu), còn quan trọng hơn
nữa trong lần bầu cử tới đây, vào tháng 11 năm 2004.
Tổng
thống Bush rất quan tâm đến cuộc gặp gỡ đầu tiên này với
Ðức Gioan Phaolô II, nhân vật mà ông vẫn tôn trọng và cảm
phục. Cuộc gặp gỡ đã đến ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh
Genova, một Hội nghị đã được ÐTC lưu ý và cầu nguyện cách
riêng.
Như
chúng tôi đã loan tin: Trước Hội nghị,
trong hai lần (ngày
8.7.2001 và ngày 15.7.2001) vào giờ đọc Kinh Truyền tin với
dân chúng, ÐTC đã kêu gọi các Siêu cường "Hãy lắng
nghe tiếng kêu than của các người nghèo". Tổng thống Hoa kỳ
là nhân vật thứ nhất tham dự Hội nghị
đã thuật lại cho ÐTC
những quyết định quan trọng của Hội nghị. Ngoài vấn đề
Hội nghị Genova,
giữa ÐTC và Tổng thống, có thể
đã đề cập đến nhiều vấn đề khác, như :
-
Vấn đề phát triển và món nợ của các nước nghèo. Ðã
nhiều lần Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại sự cần thiết này
là việc toàn cầu hóa phải lưu ý cách riêng đến việc giảm
bớt hoặc tha hẳn các món nợ cho các nước nghèo. Về phía
Hoa Kỳ, Tổng thống Bush nhấn mạnh nhất là đến thị trường tự
do, vấn đề mà ông cho rằng hiệu nghiệm hơn mọi việc can thiệp
chính trị.
-
Vấn đề phá thai và truyền sinh - Những thí
nghiệm trên bào thai, Tổng thống Hoa kỳ không đồng ý; nhưng
các nhà khoa học và Ðảng Dân chủ đang làm áp lực. Khác
với Tổng thống Bill Clinton, Tổng Thống Bush sẵn sàng ký một
luật chống phá thai, nhưng ông không tin rằng người dân Hoa
kỳ sẵn sàng chiến đấu cấm
tuyệt đối việc phá thai.
-
Án tử hình - Tổng thống Bush, cả khi còn làm Thống đốc
Texas, và cả lúc đã được bầu làm Vị lãnh đạo quốc gia,
không chấp nhận lời yêu cầu của Vatican và của Giáo hội
Hoa kỳ, ân xá cho các người bị án tử hình. Lập trường
của Tổng thống khắc hẳn lập trường của Giáo hội công giáo.
Theo dư luận báo chí, thì con số những vụ xử tử hình tại
Hoa kỳ vẫn gia tăng, cho dù hiện nay người dân có khuynh hướng
mạnh hơn về việc
bãi bỏ án tử hình.
- Vấn đề Môi sinh là một trong các vấn đề được ÐTC quan tâm nhiều, cách riêng trong những năm này. Ngài nhấn mạnh rằng: cần phải bảo vệ Thiên nhiên. Cho tới lúc này Tổng Thống Bush vẫn chưa sẵn sàng ký nhận thỏa ước Kyoto về việc giảm bớt mức sản xuất khí đốt, làm cho Trái đất trở nên nóng hơn, do sự gia tăng việc tập trung khí đốt trong không khí, gây hại cho sức khỏe.
Nhìn
lại dĩ vãng, Tổng thống Ronald Reagan là người có một mối
quan hệ rất mạnh mẽ và tốt đẹp với Tòa Thánh, cách riêng
với Ðức Gioan Phaolô II. Ông đã gặp ÐTC ba lần. Sau ông, Tổng
Thống George Bush Senior, vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp này. Ông
đã được Ðức Gioan Phaolô II
tiếp kiến hai lần. Nhưng cơn khủng hoảng Irak đầu năm
1990 và miền Balcan đã
làm cho mối quan hệ giữa hai bên bị giá lạnh, vì lập
trường khác nhau. Thời Tổng thống Bill Clinton, mối quan hệ không
tốt đẹp hơn, vì vấn đề phá thai và vì lập trường của
Hoa kỳ tại Hội nghị Le Caire, tháng 9 năm 1994,
về dân số và phát triển.
Mùa Xuân năm đó, ÐTC đã lên tiếng tố cáo tính cách
nguy hiểm của văn kiện được soạn thảo; trong khi đó thì
văn kiện này đã được Washsington ủng hộ và cổ võ.
Báo chí cho rằng: Với chuyến viếng thăm của Tổng thống Bush, mối quan hệ giữa Vatican và Washsington sẽ không còn giá lạnh như mấy năm trước đây. Ðây cũng là điều Tổng Thống ước mong, được biểu lộ trong lời nói và những cử chỉ cụ thể của Ông từ ngày được bầu làm Vị Lãnh đạo quốc gia.