ÐTC Gioan Phaolô II gửi sứ điệp

cho cuộc Họp Thượng Ðỉnh khối G8 tại Genova

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC gửi sứ điệp nhân ngày khai mạc Hội Nghị Thượng Ðỉnh của khối G8 tại Genova.

Tin Italia (Les Combes - 20.7.2001 - Qua ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, sáng hôm thứ sáu 20.7.2001, ngày khai mạc Hội nghị Thượng  đỉnh G8 tại Genova,  ÐTC gửi một sứ điệp cho các Vị tham dự Hội nghị. Sứ điệp viết như sau: "Xin các Ngài hãy quan tâm đến việc toàn cầu hóa tình liên đới và đến ba lãnh vực chính này: cảnh nghèo khổ, vấn đề Y tế và Môi sinh". ÐTC cầu nguyện và chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Chiều thứ sáu, 20/07/2001, ÐTC từ giã Les Combes, nơi nghỉ trong ít ngày, để trở về Nhà Nghỉ Mát tại Castelgandolfo. Và thứ hai 23.7.2001,  ÐTC  sẽ tiếp kiến Tổng thống Hoa kỳ, Ông George W. Bush. Ðây là lần thứ nhất, Tổng Thống Bush gặp ÐTC.

Chúa nhật ngày mùng 8 tháng 7/2001,  trong giờ đọc Kinh Truyền  Tin với dân chúng tại Quảng trường Thánh Phêrô, ÐTC kêu gọi Hội nghị Thượng Ðỉnh G8:  "Hãy lắng nghe tiếng kêu than của các người nghèo". Và sau đó, trong giờ đọc Kinh Truyền Tin tại Les Combes, nơi nghỉ hè, hôm Chúa nhật ngày 15.7.2001, ÐTC xin mọi người  cầu nguyện cho Hội nghị G8 và cho các Vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới. Như vậy, chúng ta thấy rằng: ÐTC quan tâm đến các vấn đề thế giới, cách riêng đến số phận các người nghèo như thế nào.

Cũng trong dịp này, ÐHY Angelo Sodano Quốc Vụ Khanh, trong bài phỏng vấn dành cho Ðài Truyền hình quốc gia Ý và Telepace, trong buổi truyền hình chiều thứ năm, ngày 19.7.2001, đã tuyên bố: "Việc toàn cầu hóa là một thách đố, bởi vì việc xây dựng một thế giới khác tốt đẹp hơn là điều có thể được". Với lời này, ÐHY muốn nói lên những chờ đợi "rất cụ thể" của ÐTC Gioan Phaolô II, nơi Hội nghị thượng đỉnh Genova.

ÐHY Quốc Vụ Khanh giải thích thêm như sau: "Hy vọng này là từ Hội nghị phát xuất một sáng kiến mới nhằm lợi ích của các Quốc gia nghèo hơn, cách riêng trong ba lãnh vực này: nghèo khổ, y tế và môi sinh". Ðức Hồng Y Sodano nhấn mạnh rằng: "Các Vị tham dự Hội nghị Genova là những nhà chính trị do dân tự do lựa chọn".

Từ "những chống đối chính sách toàn cầu hóa", Tòa Thánh rút ra một sứ điệp như sau: "Ðây là một dấu hiệu cho thấy trong thế giới các giá trị về tình liên đới vẫn còn được lắng nghe".

ÐHY giải thích thêm như sau: "Việc toàn cầu hóa tự nó, không tốt, cũng không xấu; đây là một thách đố của tự do. Tự do là một ơn Thiên Chúa ban. Con người có thể dùng tự do này trong sự lành hay trong sự dữ.

Sau cùng, ÐHY Quốc Vụ Khanh ủng hộ đề nghị của ông Michel Camdessus, cựu Giám đốc "Qũy tiền tệ quốc tế" (FMI) về việc đánh một loại thuế trên việc  xuất cảng vũ khí.

 

Hội nghị thượng đỉnh nhóm G8 tại Genova được khai mạc.

Hội nghị thượng đỉnh G8 được khai mạc chiều thứ sáu 20.7.2001 tại Genova với sự tham dự của các Tổng thống và Thủ tướng 8 quốc gia kỹ nghệ nhất trên thế giới: Hoa kỳ, Canada, Anh, Pháp, Ðức, Ý, Nhật và Nga. Chủ tịch Liên hiệp Châu Âu, ông Romano Prodi, cũng được mời tham dự. Ngoài các Phái đoàn chính thức, còn có phái đoàn của Liên hiệp quốc, do Ông Kofi Annan cầm đầu và phái đoàn của một số nước nghèo hoặc sống trong hoàn cảnh chính trị-xã hội khó khăn: Algérie, Nam Phi, Nigeria, Mali, Bangladesh và El Salvador.

Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Genova là Hội nghị bị chống đối dữ dội hơn cả từ trước tới nay và từ nhiều ngày trước. Hiện trong lúc các Phái đoàn G8 hội họp tại Genova có khoảng 70 ngàn người biểu tình, thuộc các khuynh hướng và chia thành nhiều nhóm khác nhau. Kinh nghiệm về những vụ biểu tình phá hoại tại Seattle (Hoa kỳ), tại Nice (Pháp) và mới đây tại Goeteborg (Thụy điển), chính phủ Ý thiết lập một khu an toàn (Zona rossa), được ngăn bằng hàng rào lưới thép, cao 5 thước,  và chung quanh có các lực luợng an ninh bảo vệ. Ðây là khu cấm địa đối với các đoàn biểu tình. Ai vi phạm, sẽ bị lực luợng an ninh ngăn cản và bắt giam.

Các đoàn biểu tình hô hào tranh đấu cho các người nghèo, cho việc phát triển các dân tộc, cho tiến bộ về kỹ thuật, chống chiến tranh, chống việc buôn bán vũ khí, ô nhiễm môi sinh  v.v... Ðây là những vấn đề, theo các Vị lãnh đạo tham dự Hội nghị, sẽ được thảo luận. Tổng thống Bush tuyên bố: Những ai biểu tình phá hoại, bạo động,  chính là những người  gây hại cho người nghèo. Dĩ nhiên trong các đoàn biểu tình quốc tế này (đến từ nhiều nước, tuy đa số là người Ý) có những phần tử lợi dụng cơ hội để phá hoại, gây rối loạn, như nhóm quá khích chủ trương vô chính phủ và những nhóm cộng sản. Sự hiện diện của lãnh tụ đảng cộng sản Ý và một số nhà chính trị thiên tả, chắc chắn không tranh đấu cho những mục tiêu đã được nêu lên, nhưng nhằm mục tiêu chính trị khác: đả đảo Hoa kỳ và các nước thuộc Khối Tư bản.  Họ chống Hoa kỳ, vì họ coi Hoa kỳ là "Siêu cường duy nhất" hiện nay trên thế giới, có thể làm mưa làm gió khắp nơi, sau khi Liên xô tan rã. Ngoài thiểu số quá khích phá hoại này, hầu hết các nhóm khác biểu tình trong trật tự,  hòa bình. Ðây là quyền của mỗi một công dân trong các nước dân chủ, tự do. Các Vị tham dự Hội nghị không lo sợ những cuộc biểu tình, chống đối như vậy. Trái lại Chính phủ Ý còn giúp tài chánh phần nào, trong những ngày họ tụ họp tại Genova.

Trong ba ngày, các phái đoàn sẽ không thể không nhìn vào tình hình thê thảm hiện nay, cách riêng tại các nước nghèo và chiếm đại đa số trên thế giới.

 


Back to Radio Veritas Asia Home Page