Phỏng vấn Linh Mục Pierre

về Hội Nghị Thượng Ðỉnh

của 8 siêu cường tại Genova

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng Vấn Linh Mục Pierre về Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm 8 Siêu cường tại Genova (Tây bắc Ý).

Tám siêu cường (G8) gồm có: Hoa kỳ, Canada, Nhật Bản, Pháp, Ðức, Ý,  Anh, Nga. Trước đây chỉ có 7 mà thôi. Sau này Nga mới tranh đấu để được vào sổ các Siêu cường. Nhưng căn cứ vào tiêu chuẩn nào để tự coi mình là Siêu cường? Câu hỏi này, chúng ta sẽ nghe Abbé Pierre, vị sáng lập Cộng đồng Emmaus, trả lời  trong bài phỏng vấn tiếp theo sau.

Nhóm 7  hay 8  Siêu cường,  đã hội họp rất nhiều lần, nhưng chưa có lần nào dư luận sôi nổi, rùm beng  bằng lần này. Chính ÐTC trong buổi đọc kinh Truyền tin Chúa nhật vừa qua (8.7.2001) , đã kêu gọi các Siêu cường hãy lắng nghe tiếng than của những người nghèo. Ngoài ra, nhiều cộng đồng, phong trào, hội đoàn, tổ chức công giáo cũng lên tiếng và gửi kiến nghị lên Hôïi nghị thượng đỉnh Genova tới  đây.

Chính phủ Ý chủ nhà, trách nhiệm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Genova, hết sức lo lắng về những cuộc biểu tình bạo động chống Hộïi nghị... rất có thể xẩy ra. Các  biện pháp an ninh rất nghiêm ngặt đã được đề phòng, để tránh mọi bất trắc... Việc tổ chức đang đi vào giai đoạn cuối cùng, vì Hội nghị sẽ khai mạc vào ngày 20/07/2001 và bế mạc ngày 22 tháng 7/2001 này.

Ðể chúng ta hiểu phần nào Hội nghị Thượng đỉnh của 8 Siêu cường tới đây, trong bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin dịch lại nguyên văn bài phỏng vấn Abbé Pierre dành cho nhật báo "Tương Lai" , số ra ngày Chúa nhật vừa qua 8.7.2001.

Hỏi - Thưa Abbé Pierre, trong ít ngày nữa tại Genova, nhóm 8 Siêu cường của thế giới hội họp để thảo luận về những vấn đề liên hệ đến "việc hoàn cầu hóa...". Cha đã lập Phong trào Emmaus, được cơ cấu hóa theo "đường lối thế giới hóa tình liên đới". Vậy Cha có thể nói cho chúng tôi về vấn đề này không?

Ðáp -  Trước hết tôi lúng túng về việc dùng danh từ "nhóm G8 - 8 Siêu cường?" Ðâu là kích thước để do lường sự lớn lao, tính cách vĩ đại của họ? Phong phú kinh tế, tài chánh sánh so với các quốc gia khác chăng? Tính cách kỹ nghệ hóa đã thực hiện trong nội bộ các Siêu cường này hay sao? Hay sức mạnh hùng cường về quân sự? Mức sản xuất và tiêu thụ trong nước của họ sánh với các nước khác? Những dữ kiện trên đây đủ, để được liệt kê vào sổ Siêu cường chăng? Thành thực nói, tôi rất hồ nghi. Hồ nghi gây nên nơi con người tôi sự hồ nghi về tính cách hợp lý của cuộc gặp gỡ của họ tại Genova. Ðối với tôi, để được gọi là "vĩ đại thực,  siêu cường thực" cần có những phẩm chất khác, phẩm chất thực sự, các giá trị cao quí... Và để đại diện thực sự, trụ sở hợp lý hơn cả của các cuộc gặp gỡ thế giới,  là Liên hiệp quốc.

Hỏi - Nhưng, thưa Cha, gặp gỡ nhau không phải là một việc xấu, trái lại...

Ðáp - Ðây không phải là vấn đề quan trọng. Cần phải gặp nhau, nhưng cũng có cả người khác nữa, nghĩa là có đại diện của các dân tộc nghèo khổ. Sao lại chỉ có 8 quốc gia tự cho mình là "siêu cường"? Bởi vì, nếu các Siêu cường này thảo luận về số phận của Trái đất và cho dù để chiến đấu chống lại cảnh cùng cực của thế giới, tôi nghĩ sự hiện diện của các người liên hệ trực tiếp là điều bắt buộc phải có. Tại Genova, như anh thấy, thiếu hẳn phần lớn nhân loại.  "Suy Nghĩ thay cho"... tôi không thích chút nào cả. Hơn nữa quyết định thay cho... tôi càng chán ghét hơn nữa. Tôi luôn tự nghĩ cho tôi, quyết định cho tôi và tốt hơn là làm việc, hành động với...

Anh thấy: từ trước tới giờ đã có biết bao cuộc hộïi họp, gặp gỡ, bàn thảo, tranh luận... của Liên hiệp quốc, liên hệ đến "các quyền của con người". Bản văn rất hay... nhưng không được áp dụng, nhất là chính các siêu cường này. Thí dụ, chỉ cần 8 Siêu cường chuẩn y Qui uớc quốc tế về các quyền của người Di dân, do Liên hiệp quốc chấp thuận năm 1990. Hơn nữa, chỉ cần 8 Siêu cường nhắc lại cam đoan dùng 0,7% lợi tức của mình cho việc hợp tác quốc tế, nhằm giúp các nước nghèo, chậm tiến, vì có nhiều nước đang sống trong những tình trạng đói khổ, cùng cực kinh khủng. Chỉ cần họ thiết lập một loại  thuế về việc di chuyển số vốn... Chỉ cần họ tuyên bố giảm hay xóa bỏ hẳn các nợ ngoại quốc của các nước nghèo (như ÐTC đã  kêu gọi nhiều lần trong Năm Thánh). Vậy xin hỏi: trong những ngày này tại Genova, 8 Siêu cường có thể làm những công việc này không? Nếu không, tốn phí từng tỉ bạc cho cuộc họp thượng đỉnh này sẽ coi như vô ích.

Hỏi - Vây Cha không tin tưởng vào những cuộc họp thượng đỉnh của các Siêu cường  này sao?

Ðáp - Những cuộc gặp gỡ như cuộc gặp gỡ tại Genova tới đây, tôi thấy có ích lợi nhiều, nếu thực sự họ biết rõ ràng thực tại của cảnh cùng cực,  đói khổ và bất công đang đè nặng trên phần lớn các dân tộc trên thế giới ngày nay. Cách đây 3 tháng, tôi viếng thăm Madagascar. Tình hình cùng cực và bất công làm cho tôi không thể chịu đựng nổi nữa... Thú thực trong đời tôi, lần thứ nhất vì tức giâïn trước cảnh cùng cực và bất công này, tôi đã hầu như muốn "văng tục". Tôi tức giận, tôi phẫn uất trước một thực tại không thể hiểu được đối với con người, con cái Thiên Chúa và anh chị em chúng ta. Trong lúc đó, tôi nghĩ ngay đến các vị trách nhiệm các quốc gia, tự cho mình hay được coi là giầu thịnh, tốt  hơn cả là các vị này đừng quên rằng: tại các nước giầu thịnh vẫn còn những khu vực rộng lớn của cảnh nghèo khổ. Thực sự, Châu Âu giầu thịnh hiện có trên 50 triệu người nghèo. Ðiều tốt và có ích là thỉnh thoảng đi thăm các khu vực nghèo khổ này, nơi đây có biết bao trẻ em, đàn ông, đàn bà, anh chị em chúng ta bị cưỡng bách sống (hay nói đúng hơn sống sót, sống ngấp ngoải), với không  đầy một Mỹ kim mỗi ngày.

Có lần tôi nói rằng: các Siêu cường này và những vị tai to mặt  lớn của các nước nghèo khác nữa, cần phải hiểu rõ tình hình, không phải chỉ nghĩ đến việc chế tạo những hỏa tiễn và chống hỏa tiễn, chế tạo vũ khí nguyên tử, mua sắm những loại vũ khí tối tân,  để tỏ ra mình hùng cường và để bảo vệ an ninh dân tộc mình, trong lúc biết con người trong nước và ngoài nước chết đói, chết khát... từng triệu, triệïu con người sống chui rúc trong các xóm nhà lá, hay ổ chuột tại các vùng ngoại ô thành phố lớn, không có điện nước, không có dịch vụ vệ sinh, không có trường học, nhà thương... Nhưng tiếc thay "Các vị tai to mặt lớn này" không có thói quen lai vãng  đến những nơi không có bảo đảm an ninh, ô nhiễm này...

Tôi nghĩ ngay đến Genova cũng như tại các thành phố lớn Châu Âu và Bắc Mỹ hay Nhật bãn vĩ đại, vẫn có những khu phố, những ngõ hẻm bay mùi và thiếu an ninh. Tại những nơi này, tôi nghĩ cần phải dành ưu tiên trong việc lành mạnh hóa, sánh với tất cả những gì nhóm 8 Siêu cường đã làm và sẽ làm tại Hội nghị Thượng đỉnh Genova này. Tiếc thay, 8 Siêu cường chỉ thấy những khu phố xinh đẹp, giầu có, sấm uất  hơn cả của Genova mà thôi và họ cũng không được nghe tiếng nói của biết bao người tại Genova cũng như tại các nơi khác trên thế giới phát biểu, nói lên những bất đồng ý kiến cũng như những tiếng kêu than hằng ngày trên thế giới ngày nay. Có lẽ họ sẽ không được nghe, cũng không có thì giờ để nghe những đề nghị  từ nhiều nơi trên thế giới gủi đến, vì những đề nghị này khác hẳn những đề tài họ thảo luận tại "Tòa nhà lộng lẫy" của Genova.

Hỏi - Vậy xin Cha cho biết: Cha bi quan hay lạc quan, khi nghĩ đến tương lai thế giới?

Ðáp - Ông cũng biết như tôi. Nếu tôi nghĩ đến một người bạn Châu phi của tôi: chỉ vì anh ký vào kiến nghị chống lại chính phủ của anh (tự coi mình là chính phủ dân chủ?), lập tức một nhóm  công an đến tận nhà điều tra tại sao dám ký vào kiến nghị như vậy?  Sau khi tra vấn, nhóm công an này vây chung quanh nhà ở của anh ta như thể đe dọa. Nếu tôi nghĩ đến điều phi lý này là trong tháng vừa qua trong biển Sicilia có 283 người trốn khỏi nước, sau khi chịu khổ cực nhiều vì cùng cực, vì đói khổ, vì chiến tranh, để đi tìm một đời sống yên hàn, bảo đảm hơn tại Châu Âu, đã bị bỏ quên  5 năm trời. Trên thế giới ngày nay không phải chỉ  có những chuyện phi lý như vậy. Cũng còn có một số lý do hy vọng.

Dù sao, tôi vẫn lạc quan, bởi vì tôi biết công việc và sự cầm cự của những người nghèo trên cả thế giới. Cách đây hai năm, nhân dịp mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Phong trào Emmaus, chúng tôi đã tung ra một sứ điệp "Làm lại thế giới này là việc có thể được". Sự tin chắc của chúng tôi đã không phải là một ảo tưởng. Mà chính là một sự chắc chắn thực. Không phải chúng tôi chỉ nghĩ đến những người nghèo rách rưới của Emmaus mà thôi, nhưng nghĩ đến  đám  đông người nghèo, dù sao, họ vẫn tiếp tục tin tưởng vào tình yêu thương  và do đó tin tưởng vào tự do và hy vọng. Từ sự cầm cự này, từ cơn tức bực này, từ việc chiến đấu này, sự cứu rỗi thế giới sẽ đến, nhưng dĩ nhiên không do từ các cuộc hội họp thượng đỉnh của các nước vẫn cho mình là "siêu cường" đâu.


Back to Radio Veritas Asia Home Page