Những vấn đề khổng lồ và thê thảm

trên thế giới hiện nay cần giải quyết

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những vấn đề "khổng lồ và thê thảm" trên thế giới hiện nay cần  giải quyết.

Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh G8 được tổ chức tại Genova (Tây bắc nước Ý), từ 20 đến 22 tháng 7/2001, với sự tham dự của 8 Siêu cường (tức những quốc gia kỹ nghệ: Hoa kỳ, Canada, Anh, Pháp, Ðức, Ý, Nga, Nhật bản), báo chí và đài phát thanh truyền hình, cách riêng các cơ quan thông tin và nhiều đoàn thể công giáo tại Ý, trong những ngày này, đều  nhắc đến nhiều vấn đề khổng lồ và thê thảm đang đè nặng trên các nước nghèo khổ trên thế giới, nhất là tại Châu phi. Chiến tranh vẫn tiếp tục tại nhiều nơi, việc sản xuất và buôn bán vũ khí, nạn đói khổ, nạn hạn hán, nạn mù chữ, nạn thiếu nước uống, môi sinh bị ô nhiểm, hố sâu giữa các nước nghèo và các nước giầu, việc phân chia đất đai, tài sản,  vấn đề các món nợ kếch sù của các nước nghèo... Ðây là những vấn đề thê thảm của nhân loại cần phải giải quyết. Nhưng ai là người có thẩm quyền để giải quyết cách hợp pháp?

Dĩ nhiên không phải các Siêu cường. Theo Abbé Pierre, tông đồ của các người nghèo, chỉ có Liên Hiệp Quốc là cơ quan quốc tế gồm các quốc gia hội viên trên cả thế giới, có thẩm quyền về các vấn đề trên thế giới mà thôi. Theo pháp lý là vậy; nhưng trong thực tế, các Siêu cường không ủng hộ, Liên hiệp quốc không làm gì được. Biết bao lần LHQ tổ chức những Hội nghị thượng đỉnh, để thảo luận và tìm giải pháp cho các vấn đề khẩn cấp này, nhưng hầu như không đi đến những thành quả cụ thể đáng kể. Thí dụ, FAO,  cơ quan của LHQ lo về canh nông và thực phẩm,  trụ sở ở Roma, cuối năm 1997, đã triệu tập Hội nghị thượng đỉnh các Vị quốc trưởng, Thủ tướng trên thế giới để giải quyết vấn đề thực  phẩm, nạn đói... Nhưng người dân, cách riêng tại nhiều nước Châu phi,  càng  ngày càng đói khổ... Những  hình ảnh chiếu lại trên Ðài truyền hình cho thấy rõ những cảnh thê thảm của con người, không còn là con người nữa... Các quốc gia giầu thịnh không "góp tiền", thì làm sao giải quyết được?

Một thí dụ cụ thể khác: Cuba bị nạn cấm vận từ năm 1963 tới nay, vẫn phải sống trong hoàn cảnh thiêu thốn. Irak từ 10 năm nay bị tàn phá và cấm vận, người dân lành tiếp tục chết vì thiếu thuốc  men, thực phẩm. Ai là người chạy đến cấp cứu? Miền các Hồ Lớn tại Châu phi từ bao năm nay chiến tranh vẫn tiếp diễn, ai là người cung cấp vũ khí, nuôi dưỡng các vụ tranh chấp vũ trang này? Nhiều chứng bệnh có thể chữa lành tại các nước chậm tiến, ai là người cung cấp thuốc men để diệt trừ? Theo đài truyền hình Ý trong những ngày vừa qua, cứ tám phút, thì có một trẻ em chết vì bệnh tật, vì thiếu ăn. Trước cảnh đau thương này, ai là người tìm phương dược chạy chữa? Trong lúc đó, các Siêu cường vẫn chiếm ưu tiên trong việc chế đạo các loại vũ khí để bán cho các nước nghèo. Trong lúc đó, vì phạm đến quyền lợi kinh tế, vì tranh giành ảnh hưởng, các Siêu cường không muốn can thiệp để chấm dứt những vụ tranh chấp đẫm máu tại Phi châu. Tibet bị Trung quốc chiếm, LHQ không lên tiếng, không một quốc gia nào can thiệp. Trái lại Kuwait, một quốc gia bé nhỏ và phong phú về dầu hỏa ở vùng vịnh Ba Tư, bị Irak xâm chiếm, thì  các Siêu cường cấp tốc phái những lực lượng hùng hậu: thủy, lục, không quân đến miền này. Chỉ trong ít ngày các Siêu cường (trừ Nga) đã đè bẹp quân đội của Nhà độc tài Sadđam Hussein.

Số phận của thế giới nằm trong tay các Siêu cường, không phải trong tay Liên hiệp quốc. Tại Hội đồng Bảo An LHQ, một trong các Hội viên Siêu cường (Hoa kỳ, Nga, Trung quốc, Anh, Pháp) phủ quyết, tất cả guồng máy tê liệt.

G8 vẫn chiếm phần  định đoạt về số phận các quốc gia nghèo, nhược tiểu trên thế giới. Ai cũng thấy rõ: G8 là một tổ chức gồm 8 Siêu cường,  các nước tiến bộ về kỹ nghệï, kỹ thuật; nhưng không phải là một tổ chức quốc tế theo đúng nghĩa, cũng không phải là một tổ chức của LHQ như UNESCO, FAO v.v... Ðược thành lập năm 1975 tại Rambouillet, kế Paris, ban đầu các Siêu cường chỉ gồm Hoa kỳ, Pháp, Ðức, Anh, Ý và Nhật bản, với mục đích đối phó với cơn khủng hoảng về dầu hỏa xẩy ra trong lúc đó. Xét về nguyên thủy: đây là một Hội nghị Thượng đỉnh được triệu tập do các Vị lãnh đạo chính phủ của 6 quốc gia hội viên. Sau này, các cuộc gặp gỡ được triệu tập vào những thời kỳ nhất định và được di chuyển trong các nước thuộc tổ chức. Năm 1976, Canada được gia nhập và sau cùng năm 1990, Nga cũng tranh đấu để được trở thành hội viên. Các đề tài đưa ra thảo luận mỗi ngày mỗi nhiều thêm. Có  lần đã thảo luận đến vấn đề kinh tế hoàn cầu, vấn đề tội ác trên thế giới, vấn đề chính trị xã hội...

Lần này, họp tại Genova,  G8 gây tiếng vang rộng lớn và bị chống đối dữ dội từ nhiều tuần lễ nay, vì Hội nghị có thể thảo luận đến "việc toàn cầu hóa kinh tế". Toàn cầu hóa, tự nó không xấu, cũng không tốt. Tùy đường hướng của việc Toàn cầu hóa này. Nếu chỉ nhằm đến những lợi ích kinh tế, nhất là "độc quyền" kinh tế, tài chánh của các Siêu cường, thật là một sự dữ, vì hố sâu giữa các nước giầu và nghèo sẽ mỗi ngày mỗi sâu hơn. Vì thế ÐTC yêu cầu: "Hãy nghĩ tới các nước nghèo. Hãy lắng nghe tiếng kêu than của người nghèo. Việc Toàn cầu hóa phải được hướng dẫn theo đúng chiều hướng và đồng thời phải cổ võ việc Toàn cầu hóa tình liên đới" (diễn văn của ÐTC vào ngày chúa nhật 8.7.2001).

Lời kêu gọi của ÐTC đã có tiếng vang rộng lớn. Ngoại trưởng Ý, ông Ruggiero, tuyên bố: "Lời kêu gọi của Ðức Gioan Phaolô II rất quan trọng và đánh động  lương tâm con người trong lúc này". Trong những ngày vừa qua, các Bộ trưởng Kinh tế, tài chánh của 7 Siêu cường (Hoa kỳ, Canada, Anh, Pháp, Ðức, Nhật bản, Ý, trừ Nga) đã họp tại Roma để thảo luận về đề nghị tha các món nợ ngoại quốc của các nước nghèo. Ðây là đề nghị và yêu cầu đã được ÐTC và Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình lên tiếng nhiều lần trong Năm Thánh 2000 vừa qua.

Ngoài ra còn mộït tia sáng nữa: ông Tổng thư ký LHQ, Kofi Annan, và 15 vị quốc trưởng (trong đó có Tổng thống El Salvador, Niger, Malì, Algérie, Nam phi, và Thủ tưởng Bangladesh) đại diện 49 nước nghèo, sẽ có mặt tại Genova và được G8 tiếp. Trước đó, Ông Tổng thư ký LHQ đã viếng thăm nhiều nước Châu phi và sau cùng đến Châu Âu. Sau chuyến viếng thăm này, trở về Trụ sở New York, trong diễn văn đọc tại Tòa nhà LHQ, ông chống lại việc sản xuất các loại vũ khí nhẹ. Trong những ngày tới đây ông sẽ tới Genova, để cùng với  đại diện các nước nghèo theo dõi Hội nghị G8. Trong Hội nghị  ông sẽ đề nghị:  cần phải có một hành động quốc tế dài hạn chống lại cảnh nghèo khổ và chứng dịch "Bệnh Liệt Kháng" hiện nay tại Châu phi. Hy vọng, với uy tín quốc tế, ông Tổng thư ký  LHQ sẽ là "phát ngôn viên" của các nước nghèo khổ bên cạnh G8. Ðức Gioan Phaolô II  vẫn ủng hộ LHQ và chủ trương Cơ quan tối cao này phải có một uy tín và thẩm quyền siêu quốc gia, để  giải quyết và định đoạt về các vấn đề thế giới.

Tại Genova từ nhiều ngày nay, có nhiều đoàn thể Ý và quốc tế tụ họp, thảo luận, tranh đấu cho các nước nghèo. Chính phủ Ý rất  lo sợ về những vụ bạo động sẽ xẩy ra như tại Seattle (Hoa kỳ) và mới đây tại Goeteborg (Thụy điển). Bộ trưởng Ngoại giao Ý, ông Ruggiero, tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các người nghèo.

Thế giới nhìn về Genova và hy vọng rằng lần này Hội  nghị G8, với sự can thiệp của ông Tổng thư ký LHQ và lời kêu gọi của ÐTC Gioan Phaolô II, tiếng kêu than của các người nghèo được lắng nghe và các vấn đề  khổng lồ, thê thảm trên thế giới được giải quyết dần dần trong tinh thần cộng tác giữa hai miền Bắc Bán Cầu giầu thịnh  và miền Nam Bán Cầu  chậm tiến,  để cùng nhau xây dựng một thế giới công bình và tốt đẹp hơn trong Ngàn năm thứ ba.

Phái đoàn Tòa Thánh lên tiếng về việc sản xuất và buôn bán các loại vũ  khí nheï.

Tin New York - 13.7.2001 - Trong những ngày vừa qua tại Trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, trong phiên họp về các loại vũ khí  nhẹ, Ðức Ông Celestino Migliore, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, trưởng phái đoàn, đọc diễn văn về lập trường của Tòa Thánh đối với vần đề này. Ngài nói: "Giữa các vũ khí và bạo động, thù ghét, tan rã xã hội, có mối liên hệ rất là chặt chẽ. Vì thế các loại vũ khí nhẹ không được coi như là bất cứ loại hàng hóa nào được bán tại thị trường".

Ðại diện Tòa Thánh còn nói thêm như sau: "Dĩ nhiên trong một thế giới bị đánh dấu bởi nhiều hành động độc ác, ai nấy có quyền tự vệ chính đáng; nhưng vấn đề được đem ra thảo luận trong lúc này là việc buôn bán bất hợp pháp và việc sản xuất các  loại vũ khí nhẹ, hiện đang gây nên biết bao nạn nhân, nhất  là thường dân và đang nuôi dưỡng những hiện tượng bi đát, như hiện tượng trẻ em  được vũ trang để chiến đấu giết người.  Với những biện pháp do phiên họp LHQ đề nghị, cần phải có những kiểm soát chặt chẽ trên các thị trường, nhưng nhất là cần cổ võ các hoạt động chính trị và giáo dục, để góp công vào việc xây dựng nền văn hóa về hòa bình và về sự  sống, bằng cả việc vượt qua những căn cớ sâu xa  gây ra chiến tranh và  bạo động" (Avvenire 13.7.2001)


Back to Radio Veritas Asia Home Page