Kiến Nghị của các Hội Ðoàn

và Phong Trào Công Giáo

gửi lên Hội Nghị G8 tại Genova

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Kiến nghị của các Hội đoàn và Phong trào công giáo gửi lên Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Genova.

Trong bài trước, chúng ta đã nói đến lời kêu gọi của Ðức Gioan Phaolô II gửi tới Nhà Cầm quyền các Chính phủ, cách riêng các Vị Tổng thống, Thủ tướng của Nhóm Tám quốc gia kỹ nghệ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh,  được tổ chức tại Thành phố Genova (miền Tây bắc nước Ý), từ 20 đến 22 tháng 7/2001. ÐTC nói: "Hãy lắng nghe tiếng kêu than của các người nghèo". Cũng trong bài diễn văn này ÐTC khuyến khích các bạn trẻ  hãy cộng tác và cùng nhau hoạt động để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Thứ bảy, mùng 7 tháng 7/2001,  tức hai tuần trước ngày khai mạc Hội nghị Genova, hơn 40 Hội đoàn, Phong trào công giáo, hầu hết thuộc nước Ý, đã gặp  nhau tại Genova, dưới quyền hướng dẫn của ÐHY Dionigi Tettamanzi, TGM giáo phận Genova, nơi được chọn làm địa điểm của Hội nghị Thượng Ðỉnh G8, để cùng nhau cầu nguyện và thảo luận về Hội nghị, với ước mong này là Hội nghị chỉ nghĩ đến công ích chung cho toàn thể nhân loại, cách riêng tìm những phương thế xứng hợp và hiệu nghiệm giúp đỡ các nước nghèo khổ thoát khỏi cảnh cùng cực và tiến trên con đường phát triển.

Sau đây là vài điểm tổng quát về Bản kiến nghị của các Hội đoàn và Phong trào công giáo gửi đến Hội nghị G8, qua trung gian Bộ Ngoại giáo Ý.

Tựa đề của Kiến nghị là: "Một đại gia đình không biên giới". Và  sau đây là những điểm chính của văn kiện này:

Lời nhập đề viết rằng: "Chúng tôi cảm thấy bổn phận thuộc về một gia đình, đó là gia đình nhân loại, một gia đình vượt qua mọi biên giới quốc gia và những lý luận về kinh tế".

1 - Chiến tranh - Nợ ngoại quốc - Cảnh nghèo khổ.

Phần thứ nhất của Kiến nghị được dành cho cái gọi là "đêm đen tối", tức là những tình hình hiện nay trên thế giới xúc phạm đến phẩm giá con người. Sau đó là lời kêu gọi "loại bỏ hẳn chiến tranh, như  phương thế để giải quyết các vụ tranh chấp" và "chiến đấu cách thành thực chống lại thị trường vũ khí", và "sau hết xóa bỏ tất cả món nợ chồng chất lên các nước nghèo, kể từ ngày 19 tháng 6 năm 1999, bởi vì việc tha các món nợ là vấn đề thuộc công bình, trước khi là vấn đề của tình liên đới".

2 - Trách nhiệm về thị trường.

"Một ánh sáng mọc lên": Ðây là tựa đề của phần thứ hai của Kiến nghị về "việc hoàn cầu  hóa và tình liên đới".

Các Hội đoàn và Phong trào công giáo yêu cầu có những luật lệ quốc tế, để tất cả các nước trên thế giới được cung cấp "hàng hóa riêng của mình với giá đồng đều, bằng việc hủy bỏ  các  hàng rào ngăn cách, khởi sự từ G8". Trong các điểm thảo luận, có cả vấn đề việc làm, (lao công), dụng cụ đối với phẩm giá của đời sống. Vì thế trong Bản Kiến nghị, các thành viên của các Hội Ðoàn và Phong Trào công giáo yêu cầu có "một luật lệ quốc tế, để ngăn cản việc lạm dụng lao công và tránh đặt giá cả của việc làm (tức đồng lương) ở mức thấp kém hơn và cạnh tranh hơn".

3 - Môi trường và vấn đề học vấn.

Văn kiện Kyoto (Nhật bản) (về môi sinh) cũng được đưa ra thảo luận. Các vị tham dự yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị này tái xác nhận ngay Văn kiện đã được soạn thảo. (Thực sự có một số quốc gia trong đó có Hoa kỳ và Ý còn lừng khừng không muốn chấp nhận).

Về vấn đề học vấn - Cần có trường học cho mọi người. Các Hội đoàn và Phong trào công giáo còn yêu cầu cung cấp tài chánh cho các công trình nghiên cứu có tính cách công ích, công cộng, để có thể sản xuất các loại thuốc chống lại các chứng bệnh phổ biến trong các nước nghèo, cách riêng chứng bệnh AIDS tại Châu phi.

4 - Nền dân chủ kinh tế.

Bản kiến nghị viết thêm: "Chúng tôi muốn một nền kinh tế tự do, trong đó những tình hình độc quyền phải loại bỏ. Cũng vậy  chúng tôi muốn rằng việc thông tin tự do phải được bảo đảm và trong sáng cả trên những loại sản xuất thực phẩm".

Khẩu hiệu của cuộc gặp gỡ các Hội đoàn và Phong trào công giáo tại Genova nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh G8 là "Trách nhiệm". "Trách nhiệm của chúng tôi. Trách nhiệm của các Ngài. Trách nhiệm của mọi người đối với mỗi một con người và đối với nhân loại". Ðây là một điệp khúc được lặp đi lặp lại trong cuộc gặp gỡ và luôn luôn được đề cao tại Nhà Hát Carlo Felice của Thành phố Genova, nơi hơn 3 ngàn thanh niên nam nữ đại diện các Hội đoàn, Phong trào công giáo (trong đó Phong trào Focolare, Cộng đồng Sant' Egidio, có tính cách quốc tế) gặp nhau, để thảo luận về Bản Kiến nghị gửi lên nhóm G8, qua trung gian Bộ Ngoại giáo Ý.

Thông cáo giải thích lý do tổ chức cuộc gặp gỡ hai tuần trước ngày khai mạc Hội nghị Thưởng đỉnh: để tránh liên lụy vào những vụ lộn xộn , bạo động có thể xẩy ra trong những ngày Hội  nghị Thượng đỉnh, "những vụ lộn xộn và bạo động mà chúng tôi cầu xin đừng xẩy ra".

Trong diễn văn bế mạc (được vỗ tay rất nhiều lần), ÐHY Dionigi Tettamanzi, TGM giáo phận Genova, chủ tịch HÐHM miền Liguria, căn dặn các Thanh niên tham dự cuộc gặp gỡ: "Anh chị em hãy dấn thân, đừng như những khách bàng quan. Hãy khám phá giáo lý xã hội của Giáo hội". Những lời của ÐHY được hoan hô  nhiệt liệt hơn cả là: "Không phải con người vì việc toàn cầu hóa, mà việc toàn cầu hóa phải vì con người". "Quyền của các người hèn yếu, không phải là những quyền "yếu ớt". ÐHY giải thích: việc toàn cầu hóa ngày nay có khuynh hướng lấn át, nếu không muốn nói là độc quyền, (có khuynh hướng) làm áp lực trên người  khác. Ðiều hợp lý và hơn nữa là bổn phận, là: hết thảy chúng ta trách nhiệm về mọi người. Và vì thế những yêu cầu của chúng ta nhằm cách riêng các người hoạt động trong lãnh vực kinh tế, tài chánh và còn hơn nữa,  nhằm đến cả các vị trách nhiệm về chính trị, dù họ có nhiều yếu đuối và khuyết điểm".

ÐHY TGM chỉ vẽ ba con đường người công giáo cần theo: phong trào tự nguyện - tham dự vào đời sống chính trị, vừa đào sâu và phổ biến giáo lý xã hội của Giáo hội và sau cùng  làm chứng bằng đời sống gương mẫu trong mọi lãnh vực hoạt động.

ÐHY kết thúc bằng việc trưng lại lời trích từ Hiến chế "Gaudium et Spes" của Công đồng Vatican II như sau: "Bất cứ ai theo Chúa Giêsu, con người hoàn toàn, tức là làm cho chính mình trở nên con người nhiều hơn, con người hoàn toàn hơn".


Back to Radio Veritas Asia Home Page