ÐTC kêu gọi
cầu nguyện cho Hội Nghị Thượng Ðỉnh Genova
Prepared
for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Lời
ÐTC kêu gọi cầu nguyện cho
Hội nghị thượng đỉnh Genova.
Chúa
nhật vừa qua 8.7.2001, trong giờ đọc kinh Truyền tin với các tín
hữu tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô,
ÐTC đã mời gọi mọi
người cầu nguyện cho Nhà cầm quyền các quốc gia trên thế
giới, nhất là cho các Vị Tổng thống và Thủ tướng tham dự
Hội nghị tới đây.
Ngỏ
lời với các đại diện đoàn thể và tổ chức công giáo
tham dự cuộc gặp gỡ toàn quốc Italia,
ÐTC nhắc lại lời ngài mời gọi hai triệu bạn trẻ tụ
họp tại Khuông Viên Ðại Học Roma ở Tor Vergata tháng 8 năm
2000, nhân dịp Ngày thế giới Thanh niên thứ XV và Ngày toàn
xá của Giới trẻ , như sau: "Các con
sẽ không thụ động nhìn một thế giới trong đó biết
bao con người đang chết đói,
mù chữ, thất nghiệp. Các con sẽ bênh vực sự sống trong mọi
giai đoạn phát triển sự sống ở
trần gian này; với mọi nghị lực các con sẽ cố gắng làm
cho trái đất này luôn trở nên nơi dễ sinh sống hơn cho mọi người".
Sau
đó, nhắc đến bức thư của HÐGM miền Liguria (miền Tây bắc
Ý, nơi có thành phố Genova, được chọn làm nơi tụ họp của
Hội nghị thượng đỉnh G8), ÐTC nói ngài ủng hộ lập trường
của các giám mục như sau:
"Tôi xin hợp ý với các
Giám mục miền Liguria, trong bức thư mục vụ mới đây gửi
cho các tín hữu của Giáo phận các ngài, đề cao sự khẩn
cấp của sự thức tỉnh nơi mọi người, bắt đầu từ các vị
trách nhiệm công việc chung, đối với
giá trị đạo đức trước những vấn đề trầm trọng,
nhiều lúc trở nên rất thê thảm, trong lãnh vực kinh tế-tài
chánh, y tế, xã hội , văn hóa, môi sinh và chính trị".
Ðứng
trước những vấn đề khẩn cấp này, ÐTC nhắc lại bổn phận
của người tín hữu Kitô, như sau: "Thực ra, đức tin không
thể cho phép người tín hữu Kitô
lãnh đạm trước những vấn đề có tầm mức thế giới
quan trọng như vậy. Ðức tin thúc đẩy người tín hữu Kitô
lên tiếng yêu cầu, với tinh thần xây dựng, các vị
trách nhiệm về chính trị, và kinh tế,
hãy làm sao cho tiến trình hoàn cầu hóa hiện nay được
hướng dẫn cách mạnh mẽ bởi những lý do của công ích cho
mọi người dân trên thế
giới, căn cứ trên những nền tảng của các đòi hỏi không thể khước từ được về công
bình và liên đới".
Nhắc
lại bổn phận của các nước kỹ nghệ giầu có, ÐTC nói:
"Vì thế, các dân tộc giầu có hơn và tiến bộ về kỹ thuật,
một khi ý thức được rằng: Thiên Chúa, Ðấng Tạo dựng trời
đất và Cha chung mọi người, muốn làm cho nhân loại trở thành
một gia đình duy nhất, (các dân tộc giàu có đó) phải biết
lắng nghe tiếng kêu than của biết bao dân tộc nghèo khổ trên
thế giới: các dân tộc này chỉ xin cách rất đơn giản những
gì là quyền thánh thiêng và bất khả vi phạm của họ mà thôi".
ÐTC
nói tiếp: "Với các Vị trách nhiệm các Chính phủ trên thế
giới và cách riêng, với các Vị sẽ họp nhau tại Genova, tôi
muốn bảo đảm rằng: Giáo hội sẵn sàng cộng tác và hành
động với các người thiện chí, để bảo đảm sao cho trong
tiến trình này "tất cả
nhân loại đều thắng lợi". Việc phân chia và xử dụng
chung các tài sản của trái
đất này thực sự là một trong các điểm chủ yếu của giáo
lý xã hội của Giáo hội công giáo".
Riêng với tín hữu Kitô, ÐTC nói: "Trước hết tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cách riêng cho Các Vị Quốc trưởng và Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tôi cũng khuyến khích các tín hũu cùng nhau làm việc, để xây dựng một thế giới đoàn kết hơn trong công bình và liên đới. Các tín hữu phải chuẩn bị mình bằng một nền giáo dục vững mạnh về luân lý và thiêng liêng, bằng việc hiểu biết sâu xa Giáo lý xã hội của Giáo hội và bằng tình yêu thương mạnh mẽ đối với Chúa Kitô, Ðấng Cứu chuộc mỗi một con người và tất cả con người".
Và
sau đây, chúng ta hãy lướt qua vài
PHẢN ỨNG BÁO CHÍ
đối với lời kêu gọi của ÐTC.
Báo
chí xuất bản tại Ý sáng thứ hai 9.7.2001 đều dành những
trang đầu với tít lớn khác nhau, để thuật lại và bình luận
bài huấn dụ của ÐTC.
Nhật
báo Corriere della sera, một trong các báo lớn và uy tín nhất tại Ý, xuất bản ở Milano, thành phố kỹ
nghệ, với khuynh hướng hơi
thiên tả, trên trang 3, đăng hình cỡ bự Ðức Gioan Phaolô
II giơ tay chào dân chúng tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô
trong giờ đọc Kinh Truyền Tin, với tít lớn cả trang như sau:
"ÐTC nói: Xin hãy nghe tiếng kêu của các người yếu hèn".
Dưới tít này, có lời phụ thêm như sau: "Lời cảnh cáo
của Ðức Wojtyla gửi nhóm G8: "Cần có một sự nhạy cảm
đối với giá trị đạo
đức luân lý; các quốc gia nghèo chỉ
đòi hỏi cái gì là quyền của họ mà thôi".
Trong
bài, tác giả bình luận như sau: Bài diễn văn mạnh mẽ và
không mập mơ; đối với Ðức Gioan Phaolô II, các Vĩ nhân của
G8 phải có "một sự nhạy cảm đối với
giá trị đạo đức luân lý" và lắng nghe "tiếng kêu
của biết bao quốc gia nghèo khổ trên thế giới, bởi vì đây
là những quốc gia đòi cái là quyền của họ mà thôi. Vì
chỉ sau một ngày của cuộc gặp gỡ
của các đoàn thể và các phong trào công giáo với ÐHY
Dionigi Tettamanzi, TGM Genova, ÐTC chọn đối phó với đề tài
trong giờ đọc Kinh Truyền Tin. Ðây là lúc đề nghị như điểm
tham khảo cao nhất phải quan tâm trong cuộc chiến đấu của người
công giáo trong ngàn năm mới,
một cuộc chiến đấu nhằm đến các quốc gia trên đường phát
triển, đến hòa bình và môi sinh. ÐTC muốn tỏ ra sự gần gũi
cách riêng của ngài với thanh niên công giáo hợp nhau từ
sáng thứ bẩy (7.7.2001) tại Genova.
Trong
dịp gặp gỡ "chống lại chính sách hoàn cầu hóa kinh tế"
của các người công giáo, các thanh niên tham dự cuộc gặp
gỡ với ÐHY Tettamanzi ở Genova đã trao bản tuyên ngôn với
những đề nghị cho Ông Thị trưởng, để xin chuyển lên G8, với
hàng chữ này: "Tất cả chúng ta là con cái một Cha duy nhất,
sáu tỉ anh chị em".
La
Stampa, tờ báo lớn khác xuất bản tại Torino, chạy tít lớn
ở ngay đầu trang nhất: "ÐTC nói: G8 hãy lắng nghe các quốc
gia nghèo khổ". Trên tít này, có thêm lời phụ đề: "Các
phong trào công giáo chống chính sách hoàn cầu hóa kinh tế,
phác họa dự án thành lập một đảng chính trị".
Dầu
trang 3, cũng với tít lớn: "ÐTC nói với G8: Hãy lắng nghe
tiếng kêu than của các người nghèo khổ". Trên tít lớn này,
tờ báo Torino nhắc lại lời ÐTC nói riêng với Thanh niên
trong giờ đọc kinh Truyền Tin Chúa nhật 8.7 vừa qua.
Ðặc
phái viên giải thích: ÐTC ủng hộ lập trường của Thanh niên thuộc các hội đoàn và phong trào công giáo
biểu lộ trong bản tuyên ngôn trao cho ông Thị trưởng Genova, để
chuyển lên G8: lập trường chống chính sách hoàn cầu hóa
kinh tế. ÐTC ở bên cạnh và chúc lành cho các thanh niên chiến
đấu trong một mặt trận được Tòa Thánh Vatican chia sẻ và ủng
hộ.
Il
Messaggero di Roma, cũng một tờ báo lớn xuất bản tại thủ đô
Roma, chạy tít lớn nơi trang nhất: "ÐTC nói với các Vị thần
thế trên thế giới: Hãy lắng nghe các người nghèo khổ".
Trên tít lớn này: "Lời kêu gọi của ÐTC gửi cho các quốc
gia giầu có: Nhiều nước chỉ khẩn xin cái là quyền thánh
thiêng của họ mà thôi". Dưới tít lớn: "ÐTC thúc đẩy
thanh niên công giáo: Các con đừng thụ động đứng nhìn thế
giới trong đó có biết bao nguời chết đói".
Trên
trang 2, nhật báo xuất bản tại Roma cũng
chạy tít lớn cả trang: ÐTC nói với G8: "Hãy lắng nghe tiếng
kêu của các dân tộc nghèo khổ". Bên cạnh tít này, tờ
báo để hình ÐTC đang chào dân chúng tụ họp trong Quảng trường
Thánh Phêrô để cầu nguyện với ngài. Bên cạnh hình này,
Il Messaggero viết: "Ðức Gioan Phaolô II trở lại đề tài
"hoàn cầu hóa không được coi như là việc xấu xa của
ma quỷ, nhưng phải được hướng dẫn để mưu công ích
cho toàn nhân loại".
Ðặc phái viên đặt câu hỏi: Tại sao ÐTC đề cập đến vấn đề này một lần nữa trước 10 ngày Hội nghị G8 tại Genova? Rồi giải thích: Lịch sử đã công nhận Ðức Gioan Phaolô II đóng một vai trò quyết định trong việc phá đổ Bức tường ngăn cách giữa Ðông-Tây. Có lẽ sẽ còn công nhận ngài là một người kiên nhẫn hơn cả đập bể bức tường mà miền Bắc (giầu có) đã xây lên bao bọc chung quanh tài sản phong phú của mình, để không cho miền Nam (nghèo khổ) nhìn thấy, nghe biết, để không phải chia sẻ một cái gì đó của mức sống sung sướng của mình. Và đây là ý nghĩa của sự can thiệp của ÐTC, trong giờ đọc kinh Truyền tin Chúa nhật 7.7.2001 vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Thần
học gia phủ giáo hoàng cảnh cáo đừng lạm dụng lời của
ÐTC
Vatican - (Zenit 10/7, AFP 11/7/2001) - Linh mục Georges Cottier, dòng Ða Minh và là thần học gia của phủ Giáo Hoàng, vừa cảnh cáo đừng lạm dụng lời của ÐTC GP II cho các mục tiêu chính trị.
Lời cảnh cáo này được đưa ra vào hôm thứ hai (9/7/2001) sau ngày ÐTC Gioan Phaolô II lên tiếng khuyến khích các quốc gia giàu hãy lắng nghe tiếng kêu than của biết bao người nghèo trên thế giới, nhân dịp 7 nước kỹ nghệ tiên tiến và Nga, họp lại thành khối G-8, sẽ nhóm họp thượng đỉnh vào tuần tới đây ở thành phố Gênôva, thuộc miền Tây -Bắc Italia. Báo chí Italia đã trích lời của linh mục Cottier cảnh giác các chính trị gia hãy thận trọng đừng bóp méo hay lạm dụng lời của ÐTC cho các mục tiêu chính trị. Lời phê bình của ÐTC cũng khiến cho báo chí Italia mở một cuộc thăm dò ý kiến về cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của khối G-8, cũng như về tiến trình toàn cầu hóa hiện nay.
Linh mục Giulio Albanese, giám đốc hãng thông tấn Misna của các dòng truyền giáo tại Italia nhận định như sau: "Hố chia cách giữa Bắc và Nam bán cầu đang ngày một sâu rộng thêm; và Phi Châu, đại lục đang trở thành một cái mỏ bị khai thác tự do, tiếp tục là đại lục kém phát triển nhất về mặt kinh tế." Ông Rino Camilleri, một nhà báo và nhà văn thì phê bình như sau: "Ðiều quan trọng là thế giới công giáo phải tiếp tục giữ vững lập trường của mình trong các vấn đề cơ bản, như thăng tiến và bảo vệ sự sống". Về việc kiểm soát toàn cầu hóa, ông Camilleri nói như sau: "Nếu một chính phủ hoạt động dựa theo các nhóm áp lực hay đa quốc, thì điều này không tốt. Một chính phủ là tốt, nếu chính phủ đó được đặt nền tảng trên tình liên đới và hỗ tương". Ông Giorgio Vittadini, thuộc một tổ chức phi chính phủ Italia, đã trích lời của Ðức cố giáo hoàng Phalô VI, để nhận xét về toàn cầu hóa như sau: "Tên thực của hòa bình là phát triển, không vụ lợi hay trung lập, không bao giờ ích kỷ nhưng luôn luôn liên đới với những vùng nghèo nhất của thế giới".
Hôm thứ tư 11/7/2001, ông Carlo Azeglio Ciampi, tổng thống Italia, loan báo các lãnh tụ của khối G-8 sẽ lưu ý tới nhu cầu của các nước nghèo nhất trên thế giới trong cuộc họp thượng đỉnh vào tuần tới tại Gênôva. Tổng thống Ciampi nêu bật Phi Châu là nơi nạn nghèo đói đang ở trong tình trạng nghiêm trọng nhất. Cụ thể nhất là cuộc chiến chống lại căn bệnh liệt kháng đang hoành hành tại nhiều quốc gia của đại lục này. Ông Ciampi đã nói trong chuyến thăm quan thành phố Gênôva vào hôm thứ tư như sau: "Ðể cai quản toàn cầu hóa, Italia đã quyết định là cuộc họp thượng đỉnh của khối G-8 tại Gênôva sẽ xét tới nhu cầu của các nước nghèo trên thế giới". Theo ông Ciampi, cuộc họp thượng đỉnh sẽ được mở rộng để đón nhận thành viên của các tổ chức quốc tế và các nhà lãnh đạo hay đại diện chính phủ của các nước nghèo nhất trên thế giới. Các nước nghèo được nhắc tên, gồm Mali, Algeria, Nam Phi, Nigeria, Bangladesh và Salvador.