Nỗi lo lắng của Giáo Hội Chính Thống Nga

sau chuyến thăm của ÐTC tại Ukraine

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bàn về Những nỗi lo lắng  của Giáo hội chính thống Nga sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine.

Trong những ngày này, các thành viên của Tòa Giáo chủ Moscowa họp tại Tu viện Thánh Danilo, cũng là trụ sở của Tòa Giáo chủ trong bầu khí căng thẳng và lo lắng, gây nên bởi tình hình mới. Hai mối lo lắng chính, làm đau đầu, mệt óc cho các vị lãnh đạo Giáo hội chính thống Nga trong lúc này, là việc li khai của một phần Giáo hội chính thống tại Ukraine, do Ðức Filarete, TGM chính thống giáo phận Kiev, thực hiện. Từ năm 1992, nghĩa là sau khi Ukraine lấy lại nền độc lập, TGM Filarete biến Giáo hội chính thống Ukraine thành một Giáo hội quốc gia, tự trị khỏi Tòa Giáo chủ Moscowa, và lập thành Tòa Giáo chủ Kiev.

Ngoài Giáo hội li khai này, tại Ukraine còn có một Giáo hội chính thống khác, tự lập từ năm 1920, với hơn một triệu tín hữu, do Ðức Giám mục Methodio lãnh đạo. Bên cạnh hai Giáo hội chính thống độc lập tại Ukraine, còn có một Giáo hội chính thống khác, trung thành với Tòa Giáo chủ Moscowa. Giáo hội này có con số tín hữu đông hơn cả, do Ðức Vladimir, TGM Kiev,  hướng dẫn.

Sau chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine (23-27.6.2001), đại diện của Giáo hội chính thống do Ðức Filarete lãnh đạo và Giáo hội tự trị do Ðức Giám mục Methodio cầm đầu, đã ký kết một văn kiện chung. Văn kiện này sẽ dùng làm nền tảng cho việc  thống nhất hai Giáo hội. Với sự đồng thuận  của Ðức Bartolomeo đệ nhất, Giáo chủ đại kết Constantinopli, xem ra Giáo hội chính thống hiệp nhất này sẽ được công nhận, như một giáo hội chính thống quốc gia của Ukraine, hoàn toàn độc lập khỏi Moscowa. Từ trước tới giờ, các Giáo hội chính thống trên thế giới chỉ công nhận Giáo hội chính thống tại Ukraine lệ thuộc Tòa Giáo chủ Moscowa mà thôi, vì, theo Tòa Giáo chủ Moscowa, Giáo hội này được thành lập theo đúng "giáo luật của Giáo hội chính thống". Hai Giáo hội li khai và đang đi đến thống nhất bị Tòa Giáo chủ Moscowa coi như là "bè rối" và bị vạ tuyệt thông. Nhưng với sự can thiệp của Ðức Giáo chủ đại kết (quyền bính tối cao, nhưng thực sự chỉ là tượng trưng, không có thực quyền trên các Giáo hội chính thống khác), Giáo hội li khai này sẽ được các Giáo hội chính thống khác công nhận, như trường hợp của Giáo hội chính thống Esthonie, trước đây, cũng li khai khỏi Tòa Giáo chủ Moscowa, sau khi Esthonie lấy lại nền độc lập và cũng do sự can thiệp của Ðức  Giáo chủ đại kết Constantinopoli. Theo Cha  Balashov, Viện phụ Ðan viện Thánh Danilo, thì việc can thiệp của Ðức Giáo chủ Contantinopoli vào việc li khai của Giáo hội chính thống Esthonie trước đây và nay Giáo hội li khai tại Ukraine, sẽ liều đi đến việc đoạn tuyệt giữa Tòa Giáo chủ Moscowa  (có con số đông hơn cả sánh với các Giáo hội chính thống quốc gia khác trên cả thế giới) và Tòa Giáo chủ đại kết Constantinopoli (tượng trưng cho sự liên kết giữa các Giáo hội chính thống trên thế giới).

Nỗi lo lắng lớn lao khác là chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine, một quốc gia trước đây thuộc khối Liên xô, độc lập được 10 năm nay. Ukraine nằm giáp giới với Nga và tại miền Ðông Ukraine có tới 12 triệu dân Nga. Qua báo chí và đài truyền hình, dân chúng Nga tại Ukraine cũng như tại chính nước Nga, trong 5 ngày viếng thăm của ÐTC tại Ukraine, đã chú ý theo dõi và biết rõ Vị Giáo Hoàng Roma là ai, một nhân vật vẫn bị chế độ Cộng sản trong 70 năm và Giáo  hội chính thống Nga hiện nay tuyên truyền chống đối,  tố cáo, đả kích. Như chúng tôi đã trình bày trong bài thời sự trước, theo cuộc thăm dò dân ý do Interfax tổ chức sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine, có tới 63% dân chúng Nga ủng hộ chuyến viếng thăm của ngài tại thủ đô Moscowa và tại Nga; chỉ có 17% là phản đối. Chính Tổng thống Nga ông Vladimir Putin cũng rất ước mong được ÐTC viếng thăm. Ðây là một lo lắng lớn lao cho các Vị lãnh đạo Tòa Giáo chủ Moscowa và Giáo hội chính thống Nga. Hơn nữa, các vị này đã thấy rằng: Ðức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Rumani, Georgia, tại hai quốc gia này có một Giáo hội chính thống hùng mạnh, và chiếm đa số dân cư, và mới đây ngài đã viếng thăm Hy lạp, nơi có một Giáo hội chính thống chiếm tới 95% dân số, được công nhận như Giáo hội Nhà Nước, và là một Giáo hội vẫn thù địch với Roma từ 10 thế kỷ nay. Tại các nước này, Ðức Gioan Phaolô II đã được đón tiếp nồng hậu và trong tình huynh đệ thân mật. Tại Rumani, Ðức giáo chủ chính thống đã cùng ngồi trên xe bọc kính với Ðức Gioan Phaolô II đi qua các đường phố của thủ đô Bucarest giữa tiếng hoan hô của dân chúng: "Inidade, unidade, unidade" (hiệp nhất, hiệp nhất, hiệp nhất). Thực sự, các khó khăn về hiệp  nhất các tín hữu Kitô, là do nơi cấp lãnh đạo hơn là do các tín hữu.

Ðể minh chứng nỗi lo lắng của các Vị lãnh đạo Giáo hội chính thống Nga trong lúc này, chúng tôi xin dịch lại bài phỏng vấn Cha Balashov, Viện phụ Ðan viện Thánh Danilo,  dành cho đặc phái viên của Nhật báo  "Tương lai"  số ra ngày 03.7.2001.

Hỏi - Cái gì đang xẩy ra tại Ukraine?

Ðáp - Tiếc thay, tôi không có những tin tức trực tiếp. Do những gì chúng tôi được biết, xem ra phái đoàn của cái gọi là Tòa Giáo chủ Kiev và của Giáo hội chính thống tự trị Ukraine đã gặp nhau tại Constantinopoli và đã ký  kết một thỏa ước trước sự hiện diện của TGM Konstantin, đứng đầu một giáo phận Ukraine tại Hoa kỳ, đại diện của Giáo chủ đại kết Bartolomeo đệ nhất.

Hỏi - Vậy điều này có nghĩa là Tòa Giáo chủ Constantinopoli công nhận một Giáo hội chính thống quốc gia mới tại Ukraine  không?

Ðáp - Cho tới lúc này không có một tuyên ngôn chính thức chung nào về vần đề này. Nhưng những dấu hiệu của một sự liên lụy trong tiến trình này càng ngày càng rõ ràng. Thực ra chúng tôi không được báo tin về thỏa hiệp, và chúng tôi cũng không được mời tham dự cuộc gặp gỡ. Lúc này tin tức từ Constantinopli đến chúng tôi rất chậm trễ và trong hình thức rất ngắn gọn.

Hỏi - Nếu Tòa Giáo chủ đại kết Constantinopoli công nhận Filarete như vị lãnh đạo chính thức Giáo hội quốc gia Ukraine, thì sẽ xẩy ra như thế nào?

Ðáp - Không cần giấu giếm chi:  nếu Constantinopoli công nhận những người bè rối tại Kiev, thì sẽ có những hậu quả trầm trọng không những cho Ukraine, nhưng còn cho Giáo hội chính thống hoàn cầu nữa. Một quyết định như vậy sẽ gây nên việc đoạn tuyệt  giữa Tòa Giáo chủ Moscowa và Tòa Giáo chủ Constantinopoli,  và do đó sẽ đưa đến cơn khủng hoảng rất trầm trọng của tất cả giáo hội chính thống thế giới.

Hỏi - Cách đây 5 năm, khi Tòa Giáo chủ Constantinopoli, đi ngược hẳn với Tòa Giáo chủ Moscowa, công nhận quyền tự trị của Giáo hội chính thống Esthonie, cái gì đã xẩy ra sau đó?

Ðáp - Ðây là một quyết định gây đau khổ nhiều: trong năm 1996, giữa Giáo hội Moscowa và Giáo hội Constantinopoli có một sự đoạn tuyệt về hiêīp thông trên phương diện Giáo luật và trên phương diện Bí tích. Cảm ơn Chúa, việc đoạn tuyệt này chỉ kéo dài trong bốn tháng. Sau cùng, chúng tôi đã tìm được giải pháp. Tiếc thay, tôi phải nói thành thực rằng: thỏa ước liên hệ đến Esthonie đã được ký kết tại Zurig (Thụy sĩ) cách đây 5 năm, một phần lớn không được Tòa Giáo chủ Constantinopoli thi hành.

Ukraine không phải là Esthonie. 13 ngàn giáo xứ và từng triệu triệu tín hữu,  không phải như 80 giáo xứ của Esthonie. Một sự đoạn tuyệt sẽ rất khó sửa lại được. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ có một "sự chia rẽ" và  sự chia rẽ nầy sẽ kéo dài rất lâu. Có thể sánh như sự chia rẽ của năm 1054  giữa Chính thống  giáo và Công giáo.

Hỏi - Lời kêu gọi hiệp nhất các tín hữu mà Ðức Gioan Phaolô II tung ra trong những ngày vừa qua tại Ukraine, trở thành thời điểm  khẩn cấp, vậy Cha không nghĩ như vậy sao?

Ðáp - Hết thảy chúng tôi muốn hiệp nhất, nhưng  chúng tôi muốn đạt tới bằng cách khác: đây là một vấn đề. Cử chỉ ôm hôn của Vị Giám mục Roma với vị giám mục bè đảng, như Filarete, không phải là con đường tốt hơn cả.

Hỏi - Ðức Gioan Phaolô II hội họp với các thành viên của Hội đồng liên tôn giáo tại Ukraine. Trừ TGM Vladimir từ chối không gặp ngài...

Ðáp - Xin Ông hiểu, tôi không muốn đi vào chi tiết  của chuyến viếng thăm của Vị Giáo Hoàng Roma tại Ukraine. Giáo chủ Alexis đệ nhị đã nói rõ ràng về vấn đề này: đây không phải là cử chỉ của hòa giải, trái lại làm lan rộng hố sâu chia rẽ chúng ta.

Hỏi - Vậy sẽ có việc đoạn tuyệt dối thoại giữa Tòa Giáo chủ Mascowa và Vatican, như đã đe dọa không?

Ðáp - Không đâu. Tôi tin rằng, dù có những giá lạnh của những ngày này, việc đối thoại sẽ tiếp tục. Và cuộc dối thoại này quá quan trọng đối với mọi người.


Back to Radio Veritas Asia Home Page