Sau chuyến thăm tại Ukraine

người dân Moscowa hiểu biết và

càng yêu mến ÐTC Gioan Phaolô II nhiều hơn

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sau chuyến viếng thăm tại Ukraine, người dân Moscowa khám phá ra Ðức Gioan Phaolô II.

Chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II tại Ukraine vừa kết thúc cách đây một tuần, đã và còn đang gây ảnh hưởng lớn lao trên dân chúng Nga, cách riêng dân chúng tại Thủ đô Moscowa. Nhờ báo chí và qua đài truyền hình, dân Nga đã và còn đang khám phá ra Ðức Gioan Phaolô II là ai, và từ nay  ngài đã trở nên rất thân mật tại một Xứ sở, từ trước tới giờ vẫn có nhiều thành kiến và cả chống đối thù địch nữa, do truyền truyền xuyên tạc của chế độ cộng sản và do một số tín hữu và vị lãnh đạo chính thống quá khích. Không những người dân, nhưng cả các nhà chính trị đã hết sức xúc động trước hình ảnh khiêm tốn, hiền lành, yếu ớt của Vị Giáo Hoàng Roma. Chính Tổng thống Vladimir Putin cũng không giấu giếm sự cảm phục đối với Ðức Gioan Phaolô II, nhân vật mà ông đã được tiếp xúc tại Vatican và nay lại được nhìn thấy trong 5 ngày liên tiếp trên đài truyền hình của một quốc gia giáp giới Liên bang Nga và cách đây 10 năm vẫn còn dưới quyền thống trị của Ðiện Cẩm Linh. Ngày mồng 9 tháng 5/2001 vừa qua, Ngày Quốc Khánh của Nga, trong buổi tiếp tân tại Ðiện Cẩm Linh, gặp Ðức Cha Tadeusz Kondrusiewicz, Giám quản Tông Tòa Giáo hạt miền Tây-Nga, Tổng thống nói cách công khai rằng: "Vị Giáo Hoàng của các ngài thật là một nhân vật tuyệt vời! Ngài đã nói lên những lời tốt đẹp biết bao, Ngài đã thực hiện một chuyến viếng thăm can đảm tại Hy lạp". Nhiều người đứng gần Tổng thống Putin, trong số này có Ðức Alexis đệ nhị, Giáo chủ Giáo hội chính thống Nga, người luôn luôn phản đối chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nga.

Báo chí bình luận rằng: Rất có thể Vị Lãnh đạo Ðiện Cẩm Linh biểu lộ sự hăng say của mình với Ðức TGM công giáo Tadeusz Kondrusiewicz, như thể  gián tiếp gởi một sứ điệp cho Ðức Giáo chủ chính thống Nga. Việc Tổng thống Putin nhắc lại chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Hy lạp không phải tình cờ. Nên nhớ lại, Giáo hội chính thống Hy lạp rất hùng cường (chiếm  95% dân số trong nước) đã đón tiếp Ðức Gioan Phaolô II,  sau khi vượt qua được những nghi kỵ, chống đối, thù địch  từ 10 thế kỷ nay. Trong lúc này Tòa Giáo chủ và Giáo hội chính thống Nga vẫn chưa vượt qua được những thành kiến cũ và thù địch xưa kia. Theo nguồn tin thân cận, Tổng thống Putin rất muốn mời Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Moscowa, như Tổng thống Hy đã làm, nghĩa là không chờ đợi sự chấp thuận của Giáo hội chính thống Hy lạp. Với cử chỉ này, Tổng thống Hy lạp đã đặt Giáo hội chính thống trước một việc đã rồi. Giáo hội chính thống không thể phản đối. Theo nguyên tắc từ trước tới giờ, trong 94 chuyến viếng thăm quốc tế của ÐTC, chỉ cần lời mời của Chính phủ và của Giáo hội công giáo địa phương mà thôi. Nhưng nhiều người nghĩ rằng: Tổng thống Putin, hiện trong thế yếu và còn gặp nhiều khó khăn trong nước và ngoài nước, sẽ không dám gây  ra sự  đối địch giữa Ông và Giáo hội chính thống Nga.  Có một vài dấu hiệu cho thấy: đường lối của chính phủ Nga hiện nay không khác xa đường lối của Tòa Giáo chủ. Trái lại chính phủ Hy lạp vững mạnh, không lệ thuộc đường lối chính trị của Giáo hội chính thống Hy Lạp. Tuy Chính thống là Quốc giáo, nhưng có sự phân biệt rất rõ ràng giữa quyền đời và quyền đạo. Cách đây ít năm, Giáo hội chính thống Hy lạp yêu cầu chính phủ đoạn tuyệt ngoại giao với Tòa Thánh. Chính phủ đã không làm theo ý Giáo hội. Tổng thống Hy lạp đã mời ÐTC viếng thăm, không cần có sự đồng ý của Giáo hội Chính Thống Hy lạp. Nhưng để tránh những chia rẽ thêm, Tòa Thánh đã giàn xếp ổn thỏa với Giáo hội chính thống Hy lạp và cuộc hành hương theo vết chân Thánh Phaolô tại Athènes đã diễn ra trong bầu khí thân thiện, cởi mở, đã xóa bỏ được nhiều thành kiến và hiểu lầm xưa kia nơi người dân Hy lạp về hình ảnh của Vị Giáo Hoàng Roma.

Một dấu chỉ khác nói lên sự lệ thuộc của Chính phủ Nga vào Tòa chủ chính thống Moscowa. Ông Cernomyrdin, cựu thủ tướng, tân đại sứ Nga cạnh chính phủ  Ukraine, đến Kiev nhận chức cách đây một tháng, tuyên bố: "Chuyến viếng thăm sắp tới đây của Ðức Giáo Hoàng không thuận tiện". Thực sự, Giáo hội chính thống Nga chống đối chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine và Vị Giáo chủ chính thống tại Kiev lệ thuộc Tòa Giáo chủ Moscowa, cũng vắng mặt trong những ngày viếng thăm vừa qua của ÐTC tại Ukraine. Một dấu chỉ khác nữa về sự lệ thuộc: Tân đại sứ Nga không đến sân bay cùng với Ngoại giao đoàn  ngày 23.6.2001 vừa qua, để tham dự lễ nghi đón tiếp Ðức Gioan Phaolô II tại Phi trường qưốc tế Kiev.

Báo chí bình luận rằng: Những quyết định của Ðiện Cẩm Linh luôn luôn bị bao bọc trong bí nhiệm; nhưng có một điều chắc chắn này là Tổng thống Putin rất quan tâm đến một chuyến viếng thăm của ÐTC tại Moscowa. Tại sao? Vì nhờ chuyến viếng thăm này, uy tín quốc tế của Ông sẽ được củng cố thêm và việc cởi mở với Tây phương  của một đại cường quốc sẽ được công nhận nhiều hơn và quyết liệt hơn. Sau chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine, lại có một lý do khác mạnh mẽ hơn thúc đẩy: dư luận quần  chúng Moscowa. Theo cuộc thăm dò dân ý do Interfax tổ chức sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine, thì 67% người dân Nga ủng hộ chuyến viếng thăm tại Nga, chỉ có 17% chống đối.

Lần thứ nhất đài truyền hình và báo chí Nga dành nhiều khoảng cách cho một chuyến viếng thăm của "Paparimski" (Vị Giáo Hoàng Roma), qua chương trình tiếp vận trực tiếp và với nhiều bài tường thuật  từ Kiev và Lviv. Trong năm ngày, Ðức Gioan Phaolô II hầu như đã chiếm độc quyền sự chú ý của Mass-media; các bài tường thuật và bình luận với giọng điệu rất tích cực. Ông Maksim Shevchenko, giám đốc báo Nezavismaja Gazeta, nhận xét: "Cái gây xúc động hơn cả là sự khiêm tốn lạ lùng và tinh thần cởi mở thành thực của Ðức Gioan Phaolô II". Báo này cũng đăng bài phỏng vấn ÐHY Husar, để biết quan điểm của các người Hy lạp công giáo (lễ nghi Bizantin). Một hiện tượng kỳ lạ là tại Nga người dân vẫn tưởng tượng vị Giáo Hoàng như một bậc đế vương của những thời đại xưa kia, độc đoán, chuyên chế, một vị lãnh đạo một thế giới siêu cường thù địch với Nga.

Ðây là lỗi của 70 năm "xuyên tạc tin tức" dưới chế độ cộng sản Liên xô trước đây; nhưng hiện nay còn là lỗi của việc tuyên truyền chống công giáo được nhiều vị lãnh đạo  Giáo hội chính thống Nga ủng hộ. Ngược lại, mọi người đã có thể quan sát qua đài truyền hình "một con người già yếu, xuất hiện như một chứng nhân trung thành của Chúa Kitô, không có một ý muốn nào về chiêu mộ tín đồ, cũng không chủ trương chinh phục, tranh giành ảnh hưởng". Ông Aleksander Kyrlezev, thành viên của Ủy Ban thần học thuộc Thánh Hội nghị chính thống Moscowa, nhưng không đồng ý với đường lối chính thức của Tòa Giáo chủ, tuyên bố như sau: Ðức Gioan Phaolô II, một Lãnh tụ không làm chính trị, một con người thành thực hiến thân cho công việc hiệp nhất các tín hữu Kitô, đây là một ngạc nhiên lớn lao và đích thực cho cả Nước Nga".

Nhiều báo chí so sánh chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine với chuyến viếng thăm (cùng một lúc) của Ðức Giáo chủ chính thống Alexis đệ nhị tại Bielorussia. Thật là một trời, một vực. Nhật báo Kommersant đặt hình ảnh Ðức Gioan Phaolô II tại Kiev kế bên hình ảnh Ðức Giáo chủ Nga tại Minsk (thủ đô Bielorussia) đang ôm hôn nhà độc tài Lukascenko,  Tổng thống Bielorussia. Cả hai vị đã tung ra chiến dịch chống đối chuyến viếng thăm của ÐTC tại Moscowa.

Nhưng Ðức TGM Kondrusiewicz nhận xét như sau: "Dù sao xem ra có một sự cởi mở ý nghĩa.  Lần thứ nhất Ðức Giáo chủ Alexis đệ nhị không đặt điều kiện như trước đây, để viếng thăm Moscowa, nghĩa là ÐTC không cần lời mời của Giáo hội chính thống, nhưng chỉ cần sự đồng ý mà thôi. Ðây chính là điều đã xẩy ra tại Hy lạp".

Trong lúc này, Ðức Giáo chủ  Alexis II vẫn tiếp tục nhắc đi nhắc lại rằng: thời giờ của chuyến viếng thăm chưa chín muồi. Ðức Cha Kondrusiewicz đáp lại: "Thì giờ đây, trong những ngày này, tại Nga, tiến trình của việc chín muồi đã đến". Ðối với Ðức TGM và đối với dân chúng Nga, một Vị Giáo Hoàng tại Quảng Trường Ðỏ (của Moscowa) không còn là một giấc  mơ không thể xẩy ra được nữa.


Back to Radio Veritas Asia Home Page