Bài phỏng vấn

Giáo Sư Konstantin Sigov, tín hữu chính thống

về chuyến viếng thăm Ukraine của ÐTC

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài phỏng vấn Giáo sư Konstantin Sigov, tín hữu chính thống, dành cho Nhật báo Tương Lai (Avvenire): về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine.

Giáo sư Konstantin Sigov, năm nay 40 tuổi, một triết gia và thần học gia,  hiện là Giám đốc Viện Khoa học nhân bản tại Hàn Lâm viện Mohyla ở thành phố Kiev. Viện đại học này đã được ÐTC Gioan Phaolô II gọi là "chiếc hải đăng của nền văn hóa nhân bản và Kitô".

Giáo sư Sigov thuộc Giáo hội chính thống Ukraine, trung thàng với Tòa Giáo chủ Moscowa. Giáo hội này, theo lệnh Moscowa, đã phản đối và tẩy chay chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine. Nhưng Giáo sư Sigov có một lập trường rất quân bình và khác hẳn các vị lãnh đạo tôn giáo của mình.

Giáo sư mở đầu bài phỏng vấn bằng những lời sau đây: "Các bức tường chia rẽ chúng ta không tiến đến trời cao". Lời này là của một vị TGM chính thống nói lên từ năm 1800, nay được Giáo sư nhắc lại với nhiều lạc quan. Giáo sư nhận xét về chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II như sau: "Chuyến viếng thăm này đã làm cho đồi Areopago  tại Athènes, vừa được Vị Giám mục Roma viếng thăm mới đây, xích lại gần với đồi Thánh Vladimir ở Kiev. Như vậy lần này chúng ta có thể nói, như lời Chúa: "Ðức tin  chuyển vận được núi non".

Ðặc phái viên "Tương Lai" đã gặp Giáo sư Sigov sau thánh lễ tại Sân bay Chayka, sáng thứ hai 25.6.2001 vừa qua. Giáo sư không phải là tín hữu chính thống duy nhất hiện diện trong thánh lễ được cử hành theo lễ nghi Bizantin với sự hiện diện của Ðức Gioan Phaolô II. Cùng với Giáo sư còn có rất nhiều tín hữu chính thống khác nữa. Công giáo và chính thống,  ít ra trong thánh lễ này, không còn coi nhau như thù địch, nhưng như anh em cùng nhau cầu nguyện và đây là một phép lạ  nhỏ.

Trong phần điểm báo hôm nay, chúng tôi xin dịch nguyên văn bài phỏng vấn Giáo sư Konstantin Sigov dành cho nhật  báo "Tương Lai"  trưa ngày 25.6.2001, sau thánh lễ.

Hỏi - Thưa Giáo sư Sigov, tại sao Giáo sư quyết định làm một cử chỉ như vậy: là đến dự thánh lễ với các người công giáo?

Ðáp - Tôi tin rằng: chuyến viếng thăm của Vị Giám mục Roma tại Kiev là một biến cố đặc biệt, sẽ để lại một dấu vết sâu dậm tại miền này của thế giới.  Ðây là một sự xâm nhập của một sự kiện lịch sử trong lịch sử. Ngoài việc là một tín hữu, như là một triết gia, tôi xúc động sâu xa được thấy Ðức Gioan Phaolô II tại Kiev. Ðây là một quang cảnh vĩ đại và gây xúc động hơn cái mà Hegel tưởng tượng lúc thấy Napoleon cỡi ngựa tiến vào Nước Ðức. Không, tôi không nghĩ rằng Chúa Thánh Thần hiện thân trong chiếc xe "Ðưa ÐTC Ði", nhưng tôi tin chắc rằng: có một cái gì vĩ đại đã được thực hiện.

Hỏi - ÐTC đến Kiev gia tăng những chia rẽ hay mở đường cho việc hòa giải?

Ðáp - Ý nghĩa sâu xa của chuyến viếng thăm này, dĩ nhiên nhằm việc đối thoại và hòa giải. Sáng nay (tức 25.6.2001) cùng nhau chúng ta đã nghe một đoạn của bức thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Ephêsô về mối liên kết hòa bình.  Trong tiếng Hy lạp dùng danh từ  "sindesmos" và một cơ quan có tính cách hoàn vũ hơn cả, tụ họp tất cả các Giáo hội chính thống, như Huynh đoàn thế giới, là một điều rất hay, rất tốt đẹp.

Hỏi - Ðức Gioan Phaolô II đến đây để xin tha thứ và sẵn sàng tha thứ đối với Giáo hội chính thống. Vậy các ngài đáp lại như thế nào?

Ðáp - Ðây là phương pháp đúng hơn cả để tìm lại sự hiệp nhất. Mới đây, Ðức Giám mục Kallistos Ware d’Oxford, thuộc Tòa Giáo chủ Constantinopoli, đã xin lỗi các người công giáo lễ nghi Bizantin về Hội nghị giả tạo năm 1946. Với Hội nghị này, Stalin đã đặt ngoài pháp luật các tín hữu hiệp nhất với Roma (Uniati). Có một cái gì đó đang  thay đổi.

Hỏi - Vậy Giáo sư giải thích như thế nào việc đóng kín của Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa đối với chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine?

Ðáp - Như ông thấy, các lý do khác nhau không phải đối với các tín hữu công giáo. Nhưng tôi nghĩ có một sự giống hệt sâu xa giữa tình hình hiện nay của Giáo hội chính thống và tình hình Ðạo công giáo đã phải trải qua sau Công đồng chung Vatican II. Như bên các ông có những người bảo thủ, chống lại việc cải cách. Bên chúng tôi cũng vậy. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, tìm lại được tự do, luôn luôn có nguy hiểm xẩy ra bè đảng. Vì thế cần lên tiếng chống đối, đả kích những người bên ngoài, cách riêng người công giáo, với mục đích thắt chặt hàng ngũ bên trong của Giáo hội chính thống.

Hỏi - Ðức TGM Volodymir, lãnh đạo Giáo hội chính thống Kiev, cũng là Giáo hội của Giáo sư, từ chối gặp Ðức Gioan Phaolô II...

Ðáp - Tôi tin chắc rằng: ngài đã hành động trái với những thành tín của ngài. Tôi rất biết ngài. Ngài là một người có đức tin mạnh mẽ và văn hóa cao. Khi còn làm giám mục ở Tây Âu, tại Paris, ngài đã thực hiện những cử chỉ rất cởi mở và luận án thần học của ngài là một bênh vực Vladimir Soloviev và Serghei Bulgalov, nghĩa là bênh vực truyền thống quan trọng hơn cả của chính thống.

Hỏi - Nhưng có nhóm đã thành hình tại Ukraine với Ðức Filarete. Vậy Giáo sư không thấy sao?

Ðáp - Chúng tôi đang đi tìm căn cước của chúng tôi và điều này thường xẩy ra, khi người ta sống trong thời kỳ xáo động, lúc đó có những giải pháp cực đoan. Mọi người đều biết Ðức Filarete, một thời kỳ đã cương quyết chống lại các tín hữu công giáo Uniati (hiệp nhất) và việc Ukraine hóa Giáo hội. Lúc này đây ngài từ thái cực này qua thái cực khác và được những người cực đoan ủng hộ. Chúng tôi phải thay đổi, nhưng với quân bình và khôn ngoan.

Hỏi - Thưa Giáo sư, vậy tư tưởng của Giáo sư có gây nên vấn đề cho Giáo sư trong nội bộ Giáo hội chính thống không?

Ðáp - Không có. Tư tưởng của tôi cũng là ý kiến của nhiều linh mục và  giáo dân chính thống. Vấn đề trung tâm ngày nay là việc huấn luyện. Chúng tôi đã xây cất được nhiều nhà thờ trong 10 năm qua, nhưng chúng tôi đã không thành công trong việc thiết lập một hệ thống giáo huấn theo mức độ của thời mới và cởi mở với thực tại của thời đại. Ông hãy tưởng tượng xem: tại Moscowa ngày nay người ta còn đua nhau trở lại những thủ bản về thần học tín lý của những năm 1800!

Hỏi - Sau chuyến viếng thăm này sẽ có một thời gian giá lạnh về đại kết giữa Vatican và Tòa Giáo chủ Moscowa không?

Ðáp - Tôi không loại trừ một sự lấy lại việc đối thoại, và ước gì đối thoại trên những nền tảng vững chắc hơn. Nếu chúng tôi thành công trong việc thay đổi hệ thống giáo huấn, thì tôi tin rằng sẽ có lớp người mới và cởi mở hơn. Dĩ nhiên cần có thì giờ, nhưng đây là chính con đường phải theo.


Back to Radio Veritas Asia Home Page