Ðiểm báo ngày 24 và 25/06/2001

về chuyến thăm của ÐTC tại Ukraine

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐIỂM BÁO ngày 24 và 25/06/2001 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine.

Các báo xuất bản sáng Chúa nhật (24.6.2001) và sáng thứ hai (25.6.2001) tại Ý vẫn dành những trang đầu và nhiều bài về chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine.

Nhật báo "Người Ðưa Tin Chiều" (Corriere della sera) xuất bản tại Milano, số ra ngày Chúa nhật, dành trang 2 và 3 với nhiều hình ảnh về chuyến viếng thăm tại Ukraine.

Bài nhất với tít lớn chiếm cả trang:  ÐTC "thúc đẩy" Ukraine tiến đến hiệp nhất Châu Âu - Dưới tít lớn này, có thêm lời nhận định: Tổng thống Kuchma đón tiếp "người thù địch của bất cứ chế độ độc tài nào". Từng ngàn tín hữu tuốn ra các ngả đường hô lớn tiếng: "Chúng con yêu mến ÐTC".

Bài hai cũng trên trang hai là bài phỏng vấn ông phó chủ tịch Quốc hội dành cho đặc phái viên của nhật báo (Corriere della sera) từ Kiev gủi về. Sau khi tuyến bố: Ukraine nhìn về tương lai với tin tưởng và nhấn mạnh đến những mối liên kết với Châu Âu, ông Stepan Gayrysh, phó chủ tịch Quốc hội Ukraine quả quyết: "Ðây là chuyến viếng thăm không chia rẽ, trái lại củng cố chính sách đa hình thức tại Quê hương chúng tôi".

Nơi trang ba, nhật báo Milano để hình Ðền thờ Thánh Phêrô bên phải và Nhà thờ chính tòa kính Thánh Basilio tại Moscowa bên trái. Dưới hai đền thờ này, tờ báo (Corriere della sera) chạy tít lớn cả trang như sau: ÐTC nói với các người chính thống: Hãy Tha thứ cho nhau. Dưới tít bự này, nhật báo viết thêm như sau: "Ðức Gioan Phaolô II đến Kiev bằng việc thách đố "veto" (phủ quyết) của Moscowa". "Tôi không đến đây để chiêu mộ tín đồ".

Trong một bài khác, tờ Corriere della sera dành cho chuyến viếng thăm của Ðức Alexis đệ nhị Giáo chủ chính thống Nga tại Cộng hòa Bielorussia, kế bên Ukraine. Chuyến viếng thăm này, theo tờ báo Milano, như "để địch lại chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine".

Cũng nhật báo  Corriere della sera số ra sáng thứ hai 25.6.2001 dành cả trang 6 về chuyến viếng thăm.

Giữa trang, báo này để hình cỡ bự: ÐTC đứng giữa các Hồng Y, Giám mục. Dưới hình này, tờ báo viết: Lời kêu gọi của ÐTC tiến đến hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Bài hai nói đến việc ÐTC cầu nguyện cho các nạn nhân của chế độ Stalin tại Kiev. Bên cạnh bài này, Corriere della sera để hình một nhóm trẻ em cầm hình ÐTC, cờ Tòa Thánh và cờ Ukraine vẫy chào mừng ÐTC sau thánh lễ tại phi trường "Chayka",  phi trường dành cho việc huấn luyện phi công.

Bài thứ ba nói đến Ðức Alexis đệ nhị, Giáo chủ Giáo hội chính thống Nga, đang viếng thăm Bielorussia, kêu gọi các dân tộc Slavô chống lại những xâm nhập ngoại quốc. Bên cạnh bài này, có hình Tổng thống Lukashenko của Cộng hòa Bielorussia  chụp chung với Ðức giáo chủ.

Nhật Báo La Stampa, nhật báo xuất bản tại Torino, số ra sáng thứ hai dành cả trang 9 về chuyến viếng thăm.

Báo này để hình ÐTC đứng trên xe đi viếng thăm rừng Bykovnya, nơi an táng các nạn nhân của chế độ Stalin. Ðây là một biến cố không được ghi trong chương trình. Trên hình này, nhật báo Torino chạy tít lớn cả trang như sau: Tại Kiev, Ðức Gioan Phaolô II tung ra chiến dịch về đại kết. Dưới tít này,có thêm lời nhận định như sau: Từng ngàn, từng ngàn tín hữu dự thánh lễ, trong số này có sự hiện diện đáng kể của các tín hữu chính thống.

Bài hai thuật lại lời tuyên bố của Tiến sĩ Navarro Valls phát ngôn viên và Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho rằng: "Những phản đối của Ðức Alexis đệ nhị là những phản đối chính trị".

Trong bài, Phát ngôn viên giải thích như sau: Những tố cáo và phản đối của Moscowa về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine có tính cách chính trị hơn tôn giáo;  Và để có thể viếng thăm một Quốc gia nào đó, ÐTC chỉ cần lời mời của chính phủ và của các người công giáo mà thôi. Ông nói tiếp: Chuyến viếng thăm Nga sẽ đến khi Chúa muốn. ÐTC viếng thăm Ukraine vì Ukraine, không phải vì  chuyến viếng thăm thăm này gần gũi Nga, xét về địa dư, và một ngày nào đó sẽ dẫn đưa đến Moscowa. Khi nào sẽ viếng thăm Moscowa, trong lúc này, tôi không có yếu tố nào để quả quyết  chuyến viếng thăm Ukraine nầy  làm cho lại gần hay làm xa cách hơn Moscowa.

Giám đốc phòng báo chí giải thích thêm: Ðể được viếng thăm một quốc gia, chỉ cần lời mời của chính phủ và của các tín hữu công giáo, không cần lời mời của tôn giáo đa số. Thí dụ trường hợp Bangladesh, Ân độ, Ðức quốc... Theo luật lệ chung của 94 chuyến ra đi đã thực hiện, lời mời do nhà cầm quyền chính phủ và do cộng đồng công giáo là đủ. Không cần lời mời của cộng đồng tôn giáo đa số.

Ðược hỏi tại sao ÐTC đến viếng thăm Ukraine? Tiến sĩ Navarro Valls trả lời như sau: Lý do thứ nhất của chuyến viếng thăm là sự hiện diện của người công giáo Ukraine, lễ nghi Bizantin hay Latinh là một lịch sử đặc biệt và đau thương cách khác thường. Có lẽ tại rất ít quốc gia trong thời đại này một Giáo hội công giáo đã chịu đau khổ nhiều như Giáo hội này. Lý do thứ hai của chuyến viếng thăm: trong 20 thế kỷ, đây là vị Giáo Hoàng thứ nhất gốc Slavô đến một nơi, mà tại đó  đã phát xuất Kitô giáo miền Ðông Âu (năm 988). Lý do thứ ba: giúp đỡ tiến trình phát triển và sự trưởng thành dân chủ của Quốc gia này, sau 70 năm sống dưới chế độ độc tài cộng sản vô thần. ÐTC biết rằng sự hiện diện của ngài có thể nâng đỡ những ước vọng chính đáng về tương lai. Ukraine là một dân tộc được coi là chiếc cầu nối  giữa Ðông và Tây.

Nhật báo "Người đưa tin", tờ báo lớn xuất bản tại Roma, số ra sáng thứ hai, 25.6.2001 đã dành hai bài,nơi trang 4 về chuyến viếng thăm.

Ngay đầu trang, tờ báo Roma để hình Tổng thống Kuchma, tiến lên lễ đài để  chào ÐTC sau thánh lễ. Bên cạnh hình này, nhật báo viết với tít lớn như sau: ÐTC và Vị Giáo chủ chính thống Filarete (vị li khai khỏi Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa) ôm hôn nhau  trong cuộc gặp gỡ  chung đại diện các thành viên của Hội đồng liên Giáo hội tại Kiev. Trên tít này, tờ báo Roma viết như sau: Cử chỉ này làm cho người công giáo và chính thống lại gần nhau. Nhưng Alexis đệ nhị vẫn chống đối chuyến viếng thăm. Ðức Filarete bênh vực chuyến viếng thăm của ÐTC tại Moscowa. Ðức Giáo chủ Kiev tuyên bố: "Mời ngài viếng thăm Moscowa là điều hợp lý". Dưới tít bự này, nhật báo Roma để hình hai thiếu nữ mang một hình ÐTC cỡ bự, trong lúc dự thánh lễ.

Nơi bài thứ  hai, nhật báo Il Messaggero nói đến chuyến viếng thăm "đột ngột"  (không có trong chương trình) mộ các nạn nhân của vụ sát hai do Stalin. ÐTC cầu nguyện tại Bykovynya để tưởng niệm 150 ngàn người bị Stalin sát hại. Nhật báo còn thêm: Số người dự thánh lễ khoảng trên 40 ngàn - trong đó có một phái đoàn đến từ Siberia với biển ngữ: "Siberia kính chào ÐTC".


Back to Radio Veritas Asia Home Page