Ðiểm báo ngày 24/06/2001

về chuyến thăm của ÐTC tại Ukraine

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐIỂM BÁO ngày 24/06/2001 về chuyến  viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Ukraine.

Các báo lớn nhỏ xuất bản sáng Chúa nhật 24.06.2001 tại Ý và cách riêng tại Thủ đô Roma  đều nói đến chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine với nhiều hình ảnh và nhiều bài khác nhau. Ðây là một trong các chuyến viếng thăm khó khăn hơn cả, vì Giáo hội chính thống Nga và Giáo hội chính thống Ukraine, thân Nga,  phản đối chuyến viếng thăm này, trước và cả ngay trong lúc viếng thăm. Nhưng có thể nói ngay rằng: những phản đối kia chỉ do Hàng giáo phẩm và Giáo sĩ chính thống, với một vài nhóm quá khích của Giáo hội chính thống Nga và Ukraine mà thôi.

Theo phát ngôn viên và Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, Tiến sĩ Navarro Valls, một trong các thành viên thuộc đoàn tùy tùng của ÐTC, từ Kiev,  tuyên bố sau thánh lễ sáng Chúa nhật 24/06/2001 với đặc phái viên Ðài truyền hình Ý rằng: Trong số các người dự lễ, có rất nhiều anh chị em chính thống. Có thể một số nào đó đến vì tò mò, nhưng đa số đến để tỏ tình liên đới với anh chị em công giáo và biểu lộ lòng trọng kính đối với Vị Thượng khách tới thăm Ukraine.

Ðặc phái viên Ðài truyền hình Ý đã phỏng vấn một số anh chị em chính thống  trong đám đông  công giáo tham dự thánh lễ. Tất cả đều trả lời: chúng tôi đến để tham dự thánh lễ với anh chị em công giáo và để biểu lộ cảm tình đối với Ðức Gioan Phaolô II, một nhân vật khác thường.

Một phụ  nữ khoảng 18 tuổi trả lời: "Tôi đến đây, vì tôi muốn trở lại Giáo hội công giáo".  Ðây là một thí dụ cụ thể. Ngay từ đầu chuyến viếng thăm và nhất là sau chuyến viếng thăm này, những trường hộp như chị phụ nữ trên đây sẽ còn nhiều hơn nữa. Thời gian sẽ trả lời. Kinh nghiệm Hy lạp vừa qua cho mọi người thấy: Ðức Gioan Phaolô II  là con người "làm lại lịch sử" và có thể đảo lộn tình hình mà nhiều người không nghĩ đến. Cũng trong bài phỏng vấn của Ðài Truyền hình Ý Chúa nhật vừa qua, Tiến sĩ Navarro Valls quả quyết: Chuyến viếng thăm Ukraine, nơi phát xuất Kitô giáo cách đây hơn một ngàn năm, tại miền Trung Ðông Âu (988-2001) vẫn là một giấc mơ từ lâu, và có thể nói: từ lúc Ðức Karol Wojtyla chưa được bầu làm Giáo Hoàng. Giấc mơ này không ai nghĩ rằng: đã có thể thành sự thực trong ngày hôm nay.

Không ai ngờ Ðức Gioan Phaolô II đã có thể viếng thăm Giáo hội chính thống Rumani vào tháng 5 năm 1999. Ðây là chuyến viếng thăm thứ nhất của một Vị Giáo Hoàng Roma tại một quốc gia đại đa số theo chính thống, kể từ năm 1054, năm xẩy ra những chia rẽ trầm trọng và kéo dài cho tới lúc này giũa các tín hữu Kitô. Tại đây, Ðức Gioan Phaolô II đã được Ðức Teoctist, Giáo chủ chính thống Rumani, đón tiếp rất nồng hậu và luôn luôn theo bên cạnh Vị Thượng khách. Cả hai cùng ngồi trên chiếc xe "Papalmobile" qua các đường phố giữa tiếng hoan hô  của các tín hữu chính thống (đại đa số)  và công giáo (thiểu số) tuốn ra các ngả đường của Thành phố Bucarest (thủ đô). Trong Thánh lễ do Ðức Gioan Phaolô II  chủ tế, tín hữu chính thống và công giáo tham dự đông đảo và hô lớn tiếng: Unidade, unidade, unidade!!! (Hiệp nhất, hiệp nhất, hiệp nhất).

Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, tháng 11 cũng năm 1999, Ðức Gioan Phaolô II lại thực hiện một chuyến viếng thăm khác tại Georgia, nơi đây đa số dân cư theo Giáo hội chính thống. Ðây là một chuyến viếng thăm chớp nhoáng để viếng thăm hai người bạn thân cũ: Ðức Giáo chủ chính thống Ilia đệ nhị và Tổng thống Shevardnadze, cựu Tổng trưởng ngoại giao của Tổng thống Liên xô, ông Gorbaciov. Trong dịp này, ÐTC và Tổng thống Shevardnadze cùng nhau mừng kỷ niệm 10 năm sụp đổ của Bức Tường Berlin, đánh dấu một bước quặt vĩ đại của lịch sử. Tại đây Ðức Giáo chủ Illia  đệ nhị, tuy là người bạn thân, có thái độ lạnh lẽo, không như Ðức Teoctist tại Bucarest. Ðức Giáo chủ  tố cáo người công giáo chiêu mộ tín hữu chính thống. Nhưng bù lại, Tổng thống Shevardnadze, một tín hữu chính thống, đã dành cho Ðức Gioan Phaolô II một cuộc tiếp đón rất nồng hậu. Dù là tín hữu chính thống, Tổng thống đã dự thánh lễ do ÐTC chủ tế tại Tòa nhà thể thao của Thủ đô Tbilisi.

Ai ngờ chuyến viếng thăm Hy lạp đã có thể thực hiện được cách đây gần hai tháng. Ðây là chuyến viếng thăm được coi là khó khăn hơn cả trong gần 23 năm Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, vì  Giáo hội chính thống tại đây, chiếm tới 95% dân số trong nước,  có thái độ thù địch, chống đối Giáo hội công giáo Roma từ 10 thế kỷ nay (từ năm chia rẽ các tín hữu Kitô năm 1054), hoàn toàn chống lại   cuộc hành hương của Ðức Gioan Phaolô II theo vết chân Thánh Phaolô, người đầu tiên rao giảng Thiên Chúa cho dân Thành Athènes. Chỉ trong 24 tiếng đồng hồ tại Thủ đô Hy lạp, Ðức Gioan Phaolô II đã thay đổi hẳn tình hình, từ thù địch sang cảm tình. Người dân Hy lạp không tuốn ra các ngả dường hoan hô Ðức Gioan Phaolô II, nhưng họ đã chăm chú theo dõi ngài trên đài truyền hình và họ đã hết sức cảm phục Vị Mục tử khiêm tốn, hiền lành, thành thực đến từ Roma.  Chính phủ và dân chúng Hy lạp đã coi chuyến viếng thăm, tuy ngắn ngủi, là một vinh dự cho Hy lạp, một dân tộc hiếu khách và có một nền văn minh từ ngàn năm. Tại Athènes, Ðức Gioan Phaolô II đã khiêm tốn xin tha thứ về vụ bao vây Thành Constantinopoli do Nghĩa binh Thánh giá năm 1204. Ðức TGM Athènes và Giáo chủ Giáo hội chính thống Hy lạp, Christodoulos, vỗ tay hoan hô. Rồi sau đó, Ðức TGM  lên đường đi Moscowa, để thông báo cho Ðức Alexis đệ nhị Giáo chủ chính thống Nga về chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Athènes, đồng thời mang theo một sứ điệp của Ngài gửi cho Giáo chủ chính thống Nga. Nhưng Giáo hội chính thống Nga, một trong các Giáo hội chính thống có con số tín hữu đông nhất trên thế giới (khoảng 70 triệu), vẫn không thay đổi lập trường và vẫn phản đối  cách riêng chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine, cửa ngõ  vào Nga. Thử hỏi Ðức Giáo chủ Nga có thể chống đối đến cùng không, nhất là sau chuyến viếng thăm Ukraine này? Trong dịp ÐTC đến Ukraine,   có nhiều phái đoàn công giáo từ Nga, Bielorussia, Siberia, và từ nhiều quốc gia miền Ðông Nga, do các vị Giám mục hướng dẫn, đã đến dự thánh lễ sáng Chúa nhật 24.06.2001 do ÐTC chủ tế tại Kiev. Vài tại Leopoli, ban tổ chức cho biết sẽ khoảng 20 nguời hành hương đến từ các quốc gia lận cận.

Trước những tố cáo của Giáo chủ chính thống Nga, ÐHY Walter Kasper, người Ðức, Tân chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất cá tín hữu Kitô, tuyên bố: "Tôi không hiểu được những tố cáo của Moscowa. Sự tức giậīn, phẫn nộ của Ðức Alexis đệ nhị là phi lý". Thái độ và những tố cáo này xẩy ra tại sân bay Bielorussia, lúc Giáo chủ Alexis đệ nhị đến viếng thăm các người chính thống tại đây. Cũng trong lúc đó, máy bay của Ðức Gioan Phaolô II đáp xuống sân bay Brest của thủ đô Ukraine. Vị giáo chủ Nga tuyên bố: "Người dân Ukraine ý thức được rằng: chuyến viếng thăm này sẽ không đem lại hòa bình, hay sự ổn định, hoặc sự tốt đẹp hơn trong các mối quan hệ giữa các Giáo hội tại Ukraine". Vị Giáo chủ nói tiếp: "Chúng tôi sẽ không muốn người ta chấm dứt một sự tốt đẹp hơn trong các mối giao hảo của chúng tôi, không muốn một người nào ngăn chặn con đường của chúng tôi". Với giọng đe dọa Vị Giáo chủ nói thêm: "Nhưng có thể là việc chấm dứt này sẽ xẩy ra". Ðây là giọng điệu Tòa Giáo chủ đã dùng nhiều lần: "Nếu Ðức Gioan Phaolô II nhất định viếng thăm Ukraine, sẽ có sự đoạn tuyệt các cuộc tiếp xúc và đối thoại giữa hai Giáo hội Công giáo và chính thống".

Trước lúc Vị Giáo chủ Nga tuyên bố những lời đe đoa trên đây tại phi trường của thủ đô Cộng hòa Bielorussia, thì trên máy bay từ Roma đến Kiev, bình luận về những lời tuyên bố "đoạn tuyệt tiếp xúc và đối thoại với Roma" do Giáo hội chính thống Nga đưa ra, Tiến sĩ Navarro Valls tuyên bố: "Người chính thống bỏ mất chuyến tầu lịch sử". (Theo bản tin của nhật  báo "La Stampa", xuất bản tại Torino, bắc Ý, số ra ngày Chúa nhật 24.6.2001).

Trái lại cựu Tổng thống Liên xô, ông Mikhail Gorbaciov, tuyên bố trong dịp Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Ukraine rằng: "Chuyến viếng thăm Moscowa sẽ được thực hiện". Cựu Tổng thống tin chắc: Sau chuyến viếng thăm Ukraine, sớm muộn, ÐTC sẽ viếng thăm Nga. Tuy công nhận Vị Giáo chủ Moscowa có những lý do riêng và biết rõ có những cẳng thẳng giữa Giáo hội chính thống Nga và Giáo hội công giáo Roma, Cựu Tổng thống Liên xô  không đồng ý với những chỉ trích, tố cáo của  Ðức Giáo chủ về chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine. Vị lãnh đạo chính sách Perestrojyka ca ngợi Ðức Gioan Phaolô II,  nhân vật mà ông đã gặp nhiều lần và hết sức cảm phục, sau cuộc gặp gỡ lịch sử 12.1989 tại Vatican. Thứ bẩy vừa qua 23.6.2001, ông nhắc lại "chủ nghĩa nhân bản" của ÐTC,  vừa nhấn mạnh rằng: sứ điệp của Ngài có thể góp phần vào việc chiến đấu hữu hiệu chống cảnh  nghèo khổ trên thế giới và tạo nên một thế giới công bình hơn.

Về khoảng thời gian ÐTC có thể viếng thăm Nga, Cựu Tổng thống Gorbaciov không thể nói trước, nhưng ông tin chắc sẽ có chuyến viếng thăm này. Theo ông, đã có những cuộc tiếp xúc giữa Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Alexis đệ nhị, tuy không liên tiếp. Ông ước mong có một sự hiểu biết rộng hơn nữa giữa hai bên.

Trở lại dĩ vãng, Cựu Tổng thống xác nhận rằng: Không bao giờ ông đã chính thức mời ÐTC viếng thăm (vì ông biết rằng lời mời này còn tùy thuộc vào Giáo hội chính thống Nga nữa). Sau ông, Vị lãnh đạo được bầu theo cách dân chủ, Tổng thống Boris Eltsin, cũng  chỉ mời viếng thăm với điều kiện "có sự thỏa thuận của Tòa Giáo chủ Moscowa". Tổng thống Vladimir Putin cũng không nhắc lại lời mời, vì ông biết rằng: còn tùy thuộc vào Giáo hội chính thống Nga, hơn nữa ông là một tín hữu chính thống sốt sắng và bạn thân của Ðức Giáo chủ Alexis đệ nhị. Dù vậy, Tổng thống Putin  vẫn ước mong được tiếp đón ÐTC. Theo tiết lộ của một vài tờ báo, rất có thể ông đang tìm đường lối ngoại giao để đạt tới mục tiêu này. Như mọi người thấy: chỉ trong vòng ít tháng, tại Vatican, sau  chính Tổng Thống Putin, ÐTC đã tiếp kiến riêng Thủ tướng  Nga, ông Mikhail Kasyanov, rồi Tổng trưởng Ngoại giao, ông Igor Ivanov. (Theo  Nhật báo Il Tempo di Roma, số ra ngày Chúa nhật 24.6.2001).


Back to Radio Veritas Asia Home Page