Cuộc phỏng vấn ÐTGM Chính Thống Filarete

dành cho Nhật Báo Avvenire

về chuyến thăm Ukraine của ÐTC

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cuộc phỏng vấn Ðức TGM chính thống Filarete dành cho Nhật báo Avvenire.

Trong dịp Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Ukraine, không một vị Giáo sĩ chính thống cấp cao nào sẵn sàng nói đến chuyến viếng thăm này với Giới báo chí ngoại quốc, trừ Ðức TGM Filarete, lãnh đạo Giáo hội chính thống li khai khỏi Tòa Giáo chủ Moscowa, và bị Tòa Giáo chủ này lên án "rối đạo". Ðức TGM Filarete nầy năm nay 72 tuổi,  đã tiếp đặc phái viên Nhật báo Avvenire trong một lầu nhà ở trung tâm thành phố Kiev. Vì Ðức TGM Filarete chủ trương  li khai khỏi Giáo hội chính thống Nga, sau khi Ukraine trở thành quốc gia độc lập, nên Tòa Giáo chủ Moscowa chỉ công nhận Ðức TGM Vladimir là đại diện chính thức của mình tại Ukraine mà thôi.

Ngoài Giáo hội chính thống li khai do Ðức TGM Filarete hướng dẫn, tại Ukraine còn có một Giáo hội chính thống khác tự trị, bị Stalin giải tán, được tái sinh năm 1989, sau khi chế độ cộng sản Liên xô sụp đổ.

Trước những chia rẽ này, nhiều tín hữu chính thống như lạc hướng không biết đi về đâu, không biết theo ai. Các phe tranh giành, cãi cọ nhau để chiếm nơi phụng tự.

Ðứng trước một tình hình phức tạp như vậy, và để tỏ ra sự chống đối thái độ của Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa, không chấp nhận tính cách độc lập của Giáo hội chính thống tại Ukraine, Ðức TGM Filarete sẵn sàng lên tiếng "ủng hộ" chuyến viếng của Ðức Gioan Phaolô II", một chuyến viếng thăm  cho tới lúc này vẫn bị Giáo hội chính thống Nga phản đối. Sau đây là lập trường đã được chính Ðức TGM Filarete trình bày rõ ràng trong bài phỏng vấn dành cho đặc phái viên nhật báo công giáo Avvenire, số ra ngày 21.6.2001.

Hỏi - Kính thưa Ðức TGM, tình hình rắc rối này không phải là một gương mù sao?

Ðáp - Như Ông thấy, cái xẩy ra không phải vì những lý do tôn giáo, mà vì những lý do chính trị. Năm 1991, khi Ukraine trở thành quốc gia độc lập, cả Giáo hội chính thống tại Kiev, cũng yêu cầu được độc lập, theo đúng đường lối của Giáo hội chính thống là mỗi một nước có Giáo hội quốc gia của mình. Nhưng Tòa Giáo chủ Moscowa không chấp nhận lời yêu cầu này.

Hỏi - Trên thực tế không có ai trong thế giới chính thống công nhận Tòa Giáo chủ Kiev của Ngài?

Ðáp - Chúng tôi đang thảo luận với Tòa Giáo chủ đại kết Constantinopoli. Ðồng thời cũng đang có những cuộc thảo luận với Giáo hội chính thống tự trị tại Ukraine, để đi đến sự hiệp nhất. Mục tiêu cho tới lúc này kể là  đã gần đạt tới và Tòa Giáo chủ đại kết Constantinopoli sẵn sàng công nhận chúng tôi như Giáo hội chính thống quốc gia Ukraine. (Ðức Bartolomeo đệ nhất, Giáo chủ đại kết Constantinopoli, đã viếng thăm Kiev và thảo luận với Giáo hội chính thống Ukraine li khai, trong lúc Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Hy lạp, Syrie và đảo Malta).

Hỏi - Vậy Ðức TGM nghĩ gì về chuyến viếng thăm tới đây của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine

Ðáp - Tôi rất hài lòng.Trên bình diện chính trị, chuyến viếng thăm này rất quan trọng, bởi vì sẽ củng cố nền độc lập của Nước chúng tôi. Trên bình diện tôn giáo, Vị Giáo Hoàng Roma đến viếng thăm các tín hữu công giáo, nhưng cũng để đào sâu mối quan hệ với Giáo hội chính thống nữa. Chuyến viếng thăm Ukraine của ngài nằm trong đường lối của các chuyến viếng thăm mà ngài đã thực hiện tại Rumani, tại Georgia và mới đây tại Hy lạp. Nhưng trong trường hợp Ukraine, lần thứ nhất Ðức Gioan Phaolô II đặt chân đến nơi phát xuất Kitô giáo tại miền Ðông Âu (năm 988, cách đây hơn một ngàn năm). Ngày nay chính thống giáo được tập trung cách riêng tại các quốc gia Slavô và chính tại đây tương lai của các mối quan hệ giữa Giáo hội bên Tây và Giáo hội bên Ðông được định đoạt.

Hỏi - Tại Moscowa người ta lo sợ rằng chuyến viếng thăm của Ðức GP II trở nên cơ hội " chiêu mộ " cho các người công giáo. Vậy Ngài nghĩ sao?

Ðáp - Ðây là một lo sợ không có nền tảng. Tôi không tin rằng người chính thống Ukraine đột ngột quyết định trở nên công giáo chỉ vì ÐTC đến viếng thăm. Tôi cũng không tin rằng Ðức Gioan Phaolô II muốn như vậy. Ngài là một nhân vật khôn ngoan và hiểu rõ ràng rằng: việc chiêu mộ kia sẽ hủy hoại hình ảnh của Ðạo Công giáo trên thế giới. Mục đích của chuyến viếng thăm tại Ukraine là nhằm đến việc hoàn thiện thêm các mối quan hệ với chính thống giáo, không phải tìm cách gây căng thẳng hơn.

Hỏi - Như vậy, sao Ðức Giáo chủ Vladimir, lãnh đạo Giáo hội chính thống Ukaine liên kết với Tòa Giáo chủ  Moscowa, lại  phản đối chuyến viếng thăm này?

Ðáp -  Chỉ vì sự kiện đơn giản này là Giáo chủ Vladimir không được tự do lựa chọn và phải vâng lời Moscowa, nơi còn có một tâm trạng đế quốc thống trị. Chúng ta đã bước vào Ngàn năm thứ ba rồi, nhưng họ vẫn luôn luôn lý luận theo khuôn khổ cũ; họ vẫn tin rằng: Ukraine ngày nay là thành phần của Nga. Và vì không thể nói lên công khai, họ bày ra những lý do khác, để tấn công các người công giáo (thuộc lễ nghi Bizantin trung thành với Roma), vì họ cho rằng các người công giáo miền Tây Ukraine gây chiến với các người chính thống.

Hỏi - Trái lại sự việc như thế nào, xin Ðức TGM cho biết?

Ðáp - Dĩ nhiên đã có những tranh chấp, cả bạo động nữa, vào đầu những năm 1990, để chiếm lại các nơi phụng tự. Nhưng nay vấn đề đã được giải quyết, bằng việc xây cất các nhà thờ mới. Thực sự những tình hình tranh chấp giữa chính thống giáo và công giáo nay không xẩy ra nữa, trừ một hai trường hợp tại một vài xã nhỏ hẻo lánh nào đó. Nếu coi đây là một tranh chấp có tính cách quốc tế, thì quả thực là một điều quá lố.

Hỏi - Nhưng xin lỗi Ngài, cả Ngài nữa, có một thời, ngài cũng rất cứng rắn đối với các người công giáo theo lễ nghi Ðông phương. Có lần Ngài đã nói: Nếu Vatican muốn đối thoại với chúng tôi, thì phải khước từ các tín hữu Uniati (hiệp nhất). Vậy Ngài đã thay đổi thái độ sao?

Ðáp - Không đâu, ý kiến của tôi luôn luôn là một: ngày nay cũng như trước đây, tôi không coi chế độ Hiệp nhất (Uniatisme) là con đường tốt để tiến đến hiệp nhất Giáo hội Ðông phương và Tây phương. Tôi lên án việc Hiệp nhất xẩy ra tại Brest năm 1596, nhưng tôi không thể không công nhận rằng: các người hiệp nhất hiện hữu từ 400 năm nay, họ là anh chị em chúng tôi trong Chúa Kitô, họ cũng là con cái của Rus-Kiev và của Phép Rửa tội mà Ông Hoàng Vladimir của chúng tôi đã lãnh nhận. Chúng tôi phải có mối quan hệ tốt với họ.

Hỏi - Xin Ngài cho biết: Ngài sẽ gặp ÐTC không?

Ðáp - Có, tôi sẽ có dịp gặp ngài, trong tư cách là thành viên của Hội đồng liên Giáo hội Ukraine. Nhưng họ cho tôi biết là không có cơ hội phát biểu trong dịp này.

Hỏi - Vậy Ngài có ý lên tiếng hay sao?

Ðáp - Ðể xem như thế nào. Dù sao tôi hy vọng có thể chào Ðức Gioan Phaolô II.


Back to Radio Veritas Asia Home Page