Những khó khăn trong
chuyến viếng thăm Ukraine của ÐTC
Prepared
for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Bàn
về những khó khăn trong Chuyến viếng thăm của ÐTC tại
Ukraine.
Sáng
thứ bẩy 23 tháng 6/2001, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ lên đường viếng
thăm Giáo hội công giáo tại Ukraine. Theo các quan sát
viên và giới báo chí, đây là một trong các chuyến viếng
thăm khó khăn hơn cả. Nhiều
người sánh chuyến viếng thăm này với chuyến viếng thăm tại
Hy lạp cách đây một tháng rưỡi. Tại Hy lạp, Giáo hội chính
thống không những chiếm tới 95%, nhưng từ 10 thế kỷ nay vẫn
chống đối Giáo hội Roma. Việc chống đối này lan sang cả lãnh
vực chính trị. Có lần Giáo hội chính thống Hy lạp (tôn giáo
của quốc gia) đã yêu cầu chính phủ đoạn tuyệt ngoại giao với
Tòa Thánh. Nhưng lời yêu cầu này đã không được Nhà Cầm
quyền chấp thuận. Việc chống đối và thù dịch, từ bao thế
kỷ, đã biến mất, sau chuyến viếng thăm của Ðức Gioan
Phaolô II tại Athènes, theo vết chân Thánh Tông đồ Phaolô.
Trước
khi ÐTC lên đường viếng thăm Ukraine, nhật báo "Tương Lai"
(Avvenire) làm bản thống kê về chuyến viếng thăm tại Hy lạp,
để mọi người thấy rằng: những khó khăn trong chuyến viếng
thăm Ukraine, sẽ có thể vượt qua, như trong chuyến viếng thăm
Hy lạp vừa qua, một chuyến viếng thăm mà tờ báo "Tương
Lai" (Avvenire) gọi là "
viaggio spinoso" (chuyến ra đi đầy chông gai).
Cho
dù chuyến viếng thăm Hy lạp chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng đồng
hồ và giới hạn tại Thủ đô Athènes, nhưng phải công nhận
rằng: đây là một chuyến viếng thăm lịch sử và đã để
lại trong dư luận quần chúng, các học giả, Hàng giáo phẩm
và giáo dân chính thống, một ảnh hưởng sâu rộng.
Cha
Dimitri Salachas, giáo sư Phân Khoa Giáo luật tại Ðại Học
Urbaniana (Roma), tuyên bố như sau: "Từ một loạt những lời
tuyên bố, những bài báo, những cuộc phỏng vấn và thảo
luận bàn tròn, người ta đã thấy sự kiện hiển nhiên này
là "chỉ cần 24 tiếng đồng hồ, để tạo nên nơi tâm hồn
người dân Hy lạp một hình ảnh mới về Chức vụ Giáo
Hoàng Roma. Những thành kiến cũ kỹ từ 10 thế kỷ đã
được xóa bỏ; người dân Hy lạp đã thấy một Vị Mục tử
hiền lành và sẵn sàng lắng
nghe; họ xúc động sâu xa
khi được nghe lời xin tha lỗi về những sai lầm của dĩ vãng.
Mọi người đã thấy rõ chuyến viếng thăm Hy lạp vừa qua là
một "cuộc tẩy não", một cuộc thanh luyện trí nhớ về dĩ
vãng. Biến cố lịch sử này đã tạo nên nơi tâm hồn người
dân Hy lạp một bầu khí bình
thản và đầy cảm tình đối với Giáo hội công giáo và nhất
là đối với Vị Lãnh đạo Giáo hội này đến từ Roma".
Cho
dù có một số ít người được đích thân thấy Ðức Gioan
Phaolô II, đài truyền hình
đã đem vào các gia đình hình ảnh của cuộc gặp gỡ tại
Areopago (Diễn đàn, nơi Thánh Phaolô Tông đồ Dân ngoại đã
rao giảng Tin Mừng cho dân thành Athènes) với Ðức
Christodoulos, TGM Athènes, Giáo chủ toàn nước Hy lạp, hình ảnh
của những cuộc gặp gỡ với Tổng thống, với Nhà Cầm quyền
Hy lạp. Họ đã theo dõi với nhiều chú ý và với sự tôn
kính Vị Thượng Khách đến từ Roma. Cha Salachas nói thêm: "Các báo chí uy
tín xuất bản sau chuyến viếng thăm tại Hy Lạp, đã nhấn mạnh,
với tít lớn, không những sự quan trọng của chuyến viếng
thăm, nhưng cả ích lợi của chuyến viếng thăm này. Những
nhân vật nổi tiếng trong Giới chính trị và văn hóa đã hết
sức ca ngợi những lời tuyên bố của ÐTC và của Ðức TGM
Christodoulos tại Areopago. Tất cả đều hài lòng về những lời
của Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến nền văn minh của Hy lạp,
tinh thần cao cả của người
dân Hy lạp và kho tàng thiêng liêng của Chính thống giáo".
HÐGM
Hy lạp đã gửi một thư cảm ơn Tổng thống và một thư khác
cảm ơn Ðức TGM Athènes, cách riêng về sự ủng hộ chuyến
viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II. Ðây là thành quả của
những học hỏi và của cầu nguyện. Chuyến viếng thăm trùng
hợp với Ngàn Năm mới. HÐGM viết: "Trong Ngàn năm này,
chúng ta ước mong rằng : sự hiểu biết và đức ái Kitô
giúp đỡ chúng ta để tạo nên những điều kiện cần thiết
cho việc hòa giải và hiệp nhất".
Bức thư của HÐGM công giáo kết thúc bằng lời mời
"xin chuyển đến các thành viên của Thánh Hội nghị chính thống
lời cảm ơn thành thực, bởi vì đại đa số các vị đã nhìn
vào chuyến viếng thăm trong tinh thần của Chúa Kitô và đã ủng
hộ Ðức TGM Christodoulos, để thực hiện một biến cố xem ra
không thể xẩy ra được. Nhiều vị trong Hàng giáo phẩm chính
thống Hy lạp lúng túng về sự thuận tiện của chuyến viếng
thăm; nhưng sau khi mọi sự đã xong, đều cảm ơn Ðức TGM Athènes"
về thái độ xứng đáng đối với Ðức Gioan Phaolô II và
về hình ảnh tốt đẹp mà Ðức TGM đã tạo nên
về Giáo hội chính thống trước Dân Hy lạp và cả thế
giới".
Cha
Salachas nhận xét thêm như sau: Cũng có một số ít chỉ trích
Ðức TGM đã nhượng bộ và như vậy ngài không còn được
nhìn bằng con mắt cảm tình từ phía các người chính thống bảo
thủ. Cha kết luận: "Dù sao đi nữa, chuyến viếng thăm sẽ
thúc đẩy các người chính thống duyệt lại lập trường riêng
của mình đối với Giáo hội công giáo Roma, dù sự hiện diện
của các Giáo hội công giáo
thuộc lễ nghi Ðông phương (Giáo hội Hy lạp công giáo
hiệp nhất với Giáo hội Roma) vẫn còn là một vấn đề phức
tạp và tế nhị. Như vậy, chúng ta thấy việc tiến đến hiệp
nhất không phải dễ dàng. Chính Ðức TGM Christodoulos và Ðức
Gioan Phaolô II cũng ý thức sâu xa như vậy. Nhưng trong Bản
tuyên ngôn chung tại Areopago, hai vị lãnh đạo Giáo hội Công
giáo và chính thống, dấn
thân cổ võ trong các Giáo hội của mình tất cả những gì có
thể góp phần vào việc hiệp nhất; vì các ngài tin chắc rằng:
Ðiều bất lực đối với loài người, nhưng sẽ không bao giờ
bất lực đối với Thiên Chúa".
Tất cả những thù địch, những dự đoán đen tối trước khi ÐTC lên đường viếng thăm Hy lạp đã tiêu tan. Những khó khăn do tình hình phức tạp tại Ukraine và do những chia rẽ của Giáo hội chính thống tại đây, và do sự chống đối của Tòa Giáo chủ chính thống Nga đối với chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại đây, cũng sẽ có thể vượt qua, vì ÐTC đến để rao giảng hòa bình, hiệp nhất và tình huynh đệ, nhất là vì Ngài đã chuẩn bị lâu bằng cầu nguyện. Chúa nhật vừa qua (17.6.2001), trong giờ đọc kinh Truyền Tin, Ngài đã xin Giáo hội cầu nguyện cho chuyến viếng thăm này. "Chúng ta xin Ðức Maria dẫn đưa chúng ta đến sự hiệp nhất. Tôi muốn phú thác cách riêng cho Người cuộc hành hương mà tôi sẽ thực hiện tại Ukraine từ thứ bẩy tới đây. Ước gì chuyến viếng thăm mục vụ này có thể đánh dấu một chặng mới nữa trong con đường tiến đến sự hiệp nhất từ lâu mong ước của các tín hữu Kitô".