Chuyến thăm Ukraine của ÐTC

sau những năm dài lịch sử

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Chuyến viếng thăm đây của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine, sau những năm dài của lịch sử đen tối Quốc gia và Giáo hội công giáo tại đây.

Chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine được ấn định vào những ngày từ 23 đến 27 tháng 6/2001, là một trong các chuyến thăm khó khăn hơn cả, bởi vì Giáo hội chính thống Nga tìm mọi cách để ngăn cản biến cố lịch sử này. Tại sao như vậy? Cần trở lại lịch sử của Ukraine trong thời gian lâu dài sống dưới chế độ Cộng sản Liên xô, để có thể hiểu phần nào những lý do của những chống đối chuyến viếng thăm, về phía Giáo hội chính thống Nga.

 

Vị được bổ nhiệm lãnh đạo Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa, vào thời cộng sản Liên xô, là Ðức Alexis (đệ nhất). Vị này nắm giữ vai trò quyết định trong việc giải tán Giáo hội công giáo theo lễ nghi Bizantin tại Ukraine.

Mùa Xuân năm 1945, đệ nhị thế chiến chấm dứt. Xứ Galizia, nay là Ukraine miền Tây, lúc đó dưới quyền thống trị ngoại quốc. Trước hết, do người Nga thống trị và vào đầu thế chiến, rồi do Ðức Quốc xã, và cuối cùng  trở lại dưới quyền thống trị của Hồng quân Liên Xô.

Cũng trong thời kỳ này, Ðức TGM Josif Slipyj được bổ nhiệm lãnh đạo Giáo hội công giáo thuộc lễ nghi Bizantin. Lập tức ngài bị các người chính thống tấn công dữ dội. Người thứ nhất trong số này là chính Ðức Alexis (đệ nhất), vừa được chọn làm vị lãnh đạo Tòa Giáo  Moscowa. Trước khi được bổ nhiệm, Ðức Alexis  lo việc giúp đỡ  người dân đói khổ tại Lenigrad, trong lúc thành phố này bị bao vây, nhưng Ðức Alexis  được nổi tiếng nhất là vì luôn luôn theo đường lối của Ðiện Cẩm Linh.

Khi được chọn lên lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Nga, lập tức Ðức Alexis viết một thư luân lưu cho các linh mục và tín hữu công giáo thuộc lễ nghi Bizantin với lời lẽ như sau: "Anh chị em hãy hiệp nhất với chúng tôi, hãy đoạn tuyệt  mọi mối liên kết với Vatican, bởi vì với những sai lầm tôn giáo của mình, Vatican đang đưa anh chị em đến chỗ hủy hoại".

Lời mời gọi không thể tưởng tượng như vậy, được đi kèm chính thức với những tố cáo hàng giáo sĩ công giáo đồng lõa với chế độ Ðức quốc;  nhưng xem ra có những lý do  lịch sử sâu xa từ nhiều thế kỷ.

Lý do sâu xa là Chính thống Nga thực sự không bao giờ có thể chấp nhận thỏa ước Brest năm 1596, khi, dưới những áp lực chính trị của Ba lan, các người công giáo thuộc lễ nghi Bizantin quyết  định  hiệp nhất với Roma. Từ đó người ta gọi là "Giáo hội của những người hiệp nhất", tên gọi này được dùng tại tất cả miền Ðông Âu, trong một ý nghĩa khinh bỉ, để chỉ Giáo Hội Ðông Phương hiệp nhất với Roma, dường như thể nói: "Giáo hội phản bội".

Rất có thể những phẫn nộ từ thời đó vẫn còn đè nặng cho tới  ngày nay.

Nhưng chúng ta cũng rất dễ hiểu là lý do thực của việc can thiệp  của Ðức Alexis là một lý do khác nữa: Dĩ nhiên để bênh vực những quyền lợi riêng của mình, Tòa Giáo chủ Moscowa đã hoàn toàn chấp nhận và ủng hộ đường lối chính trị tôn giáo của chế độ cộng sản Sô viết, một chế độ không thể chấp nhận một quyền bính "ngoại quốc" nào trên lãnh thổ của mình, nhất là quyền bính này liên kết với  "Tòa Thánh Vatican".

Sau vụ can thiệp này, ngày 12 tháng 4 năm 1945, Ðức Josif Slipyj  bị bắt giam cùng với bốn giám mục công giáo khác. Lời tố cáo các vị này chỉ được công bố sau một năm, tố cáo về tội đồng lõa với chế độ Ðức Quốc xã trong những năm chiến tranh. Nhưng trong thực tế, đây là một vụ báo thù của Nhà Cầm quyền Sô viết, sau khi Ðức Slipyj từ chối không chấp nhận việc sáp nhập với chính thống hay ít ra thành lập một Giáo hội tự trị khỏi Roma, để chính phủ cộng sản Liên Xô dễ kiểm soát và lèo lái theo ý muốn của mình. Cuộc bách hại rất dữ dội chống lại các cộng đồng công giáo tại Liên xô khởi sự từ đây.

Tại Ukraine, Ðức Slipyj và các giám mục khác bị xử và lên án nhiều năm  khổ sai. Trong lúc đó Giáo hội công giáo thuộc lễ nghi Bizantin, hiệp nhất với Roma, hoàn toàn bị xóa bỏ trên toàn lãnh thổ.

Từ mồng 8 đến 10 tháng 3 năm 1946, tại Leopoli (Liviv) một Hội nghị giả tạo, gồm các linh mục và giáo dân thiên Nga, ký sắc lệnh "thống nhất Giáo hội công giáo thuộc lễ nghi Bizatnin" với chính thống Nga. Dĩ nhiên, đứng đàng sau Hội nghị giả tạo này, có sự lèo lái khéo léo của các vị lãnh đạo chế độ cộng sản, thậm chí, người ta nói, của chính lãnh tụ Stalin.

Không còn nhà thờ, vì hầu hết bị trao cho chính thống, không có linh mục, bởi vì nhiều vị bị đầy đi miến băng tuyết Siberia, người công giáo thuộc lễ nghi Bizantin vẫn trung thành với Roma và với Vị Kế nghiệp Phêrô. Ðược trả tự do, nhưng với điều kiện lưu đầy ra nước ngoài, Ðức Slipyj trước khi ra khỏi nước, tại chính Moscowa, đã kịp phong chức giám mục cho một vị và vị này tiếp sau đó đã lén lút phong chức được một số giám mục khác nữa. Nhờ vậy, trong bóng tối và cả trong cuộc tử đạo, Giáo hội công giáo đã có thể sống còn cho đến lúc chế độ cộng sản sụp đổ vào cuối năm 1989 và đầu năm 1990.

Năm tháng qua đi, Bức Tường Berlin bị phá hủy, chế độ Mac xít tàn lụi, Ðế quốc Liên xô vĩ đại  tan rã, và Ukraine được tự do và độc lập từ 10 năm nay. Và các người công giáo thuộc lễ nghi Bizantin  được công khai tuyên xưng đức tin và Giáo hội công giáo trên con đường phục hưng.

Ðược tự do, các người công giáo đòi chính thống trả lại các cơ sở  phụng tự - Việc đòi lại chính đáng này nhiều lúc gây nên những  vụ xô sát giữa người công giáo và chính thống trong những năm vừa qua. Hiện nay có thể nói là lắng dịu, nhưng vấn đề chưa được hoàn toàn giải quyết.

Ðứng trước những biến cố lịch sử trên đây, ÐTC Gioan Phaolô II đến viếng thăm Ukraine vào cuối tháng sáu 2001 này. Một chuyến viếng thăm, sau những chuyến viếng thăm tại Rumani, Georgia và nhất là chuyến viếng thăm mới đây tại Hy lạp, sẽ có thể có những ảnh hưởng rất tích cực trên phương diện đại kết,  và nhất là trên mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Chính thống, từ lâu bị coi như bị "giá lạnh".

Nhưng cũng có thể chuyến ra đi này sẽ không thành công, hay ít  không thu lượm được những thành quả mong muốn - dĩ nhiên tại lỗi của một vị Giáo chủ chính thống Nga khác, cũng tên gọi  Alexis, là Ðức  Alexis đệ nhị, hiện nay đang cai quản Giáo hội chính thống Nga. Nói đúng ra, Ðức Alexis đệ nhị không phải là con người  quá đòi  hỏi, như  vị tiền nhiệm của ngài (Ðức Alexis đệ nhất); trái lại ngài thành thực tin vào việc hiệp nhất các tín hữu Kitô. Nhưng thực sự ngài như một tù nhân của những phần tử cứng rắn hơn, luôn luôn chống các người công giáo, trong Hội Nghị chính thống (cơ quan nắm giữ quyền bính của Tòa Giáo chủ Moscowa).

Cũng vì lý do này, nhiều lần, qua trung gian Vị  TGM giáo phận chính thống Kiev,  vẫn lệ thuộc Tòa Giáo chủ Moscowa, Ðức Alexis đệ nhị đã làm hết sức để ngăn cản chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine. Trước hết, đức Giáo chủ lặp lại những tố cáo vẫn thường dùng, như chế độ hiệp nhất  (do thỏa uớc Brest, như chúng tôi nhắc trên đây) và chính sách chiêu mộ hiện nay của các nhà truyền giáo công giáo tại Nga. Vị lãnh đạo Giáo hội chính thống còn chủ trương: Ðức Gioan Phaolô II phải "xin phép", để được đến trong lãnh thổ của chính thống. Sau cùng yêu cầu Ðức Gioan Phaolô II đừng gặp  vị Giáo chủ Kiev, Ðức Filaret, li khai khỏi Tòa Giáo chủ Moscowa, vì Vị này bị coi là "người phản bội", không phải là vị lãnh đạo chính thức của Giáo hội chính thống.

Nhưng có lẽ lý do sâu xa hơn cả về những lo sợ của Ðức Alexis  đệ nhị là chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ukraine, sau này sẽ đưa đến việc lại gần Nga, lại gần Moscowa. Sau nhiều lần từ chối và xóa bỏ lời mời của các vị Tổng thống Gorbaciov, Tổng Thống Eltsin và Tổng thống Putin, người ta đặt câu hỏi: Vậy trong lúc này Ðức Alexis đệ nhị có thể làm gì đối với chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II,  thường  luôn thành công mọi nơi, bởi vì dân chúng tuốn ra các ngả đường đón tiếp hoan hô ngài, kể cả các người ngoài công giáo?


Back to Radio Veritas Asia Home Page