Một vài phản ứng khắp nơi sau khi nhận được

Huấn thị của Bộ Truyền Giáo

về việc gởi các linh mục triều

của các xứ truyền giáo ra nước ngoài để học tập

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Một vài phản ứng khắp nơi sau khi nhận được huấn thị của Bộ Truyền Giáo về việc gởi các linh mục triều của các xứ truyền giáo ra nước ngoài để học tập.

Sứ Thần Tòa Thánh tại Gambia, Liberia và Sierra Leone kêu gọi các Linh mục Châu phi trở về làm việc truyền giáo tại Quê hương.

Căn cứ vào Huấn Thị của Bộ Truyền Giáo, được công bố ngày 13.6.2001 - (và đã được chúng tôi tường thuật trong bài thời sự trước đây), Ðức TGM Alberto Bottari De Castello, Sứ Thần Tòa Thánh tại các nước Gambia, Liberia và Sierra Leone, lên tiếng kêu gọi các Linh mục Châu phi, hiện lưu lại Châu Âu hay Mỹ Châu, hãy trở về rao giảng Tin Mừng cho Quê hương của mình.

Ðức TGM tuyên bố thẳng thắn rằng: "Thật là một gương mù. Ðúng vậy. Giữ các linh mục Châu phi ở lại Châu Âu, trong lúc tại các nơi truyền giáo chúng tôi rất cần đến và là một sự cần thiết sống còn, để nuôi dưỡng các Giáo hội đang trưởng thành, thật là một gương mù".

Theo Ðức Sứ Thần, những ai không cương quyết khuyến khích việc trở về của các Linh mục đến từ các Xứ truyền giáo, thì rõ ràng không biết đến thực tại rất phũ phàng của Ðạo công giáo tại Châu Phi và Châu Á. Nơi đây, các Linh mục, nhất là các linh mục của các xứ truyền giáo, được coi là yếu tố quyết định cho công việc rao giảng Tin Mừng.

Ðức TGM Bottari De Castello là người đã hiểu nhiều tình hình truyền giáo tại Châu Phi. Trước khi được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Gambia, Liberia và Sierra Leone, ngài đã giữ chức Giám đốc Ðại chủng viện tại Cameroun. Lời ngài có một thế giá đặc biệt, hơn nữa lại căn cứ vào Huấn Thị  của Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, được ÐHY Jozef Tomko ký ngày 25.4.2001 vừa qua, và được ÐTC chấp thuận ngày hôm trước, 24.4.2001.

Về Huấn Thị này, Ðức TGM tuyên bố như sau: "Việc lên tiếng của ÐHY Tomko  là một sự can thiệp hiệu nghiệm và đúng lúc, bởi vì ngài đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng, từ nay trở đi cần tuân giữ và áp dụng. Hơn nữa vấn đề phải giải quyết là một vấn đề quan trọng".

Ðức TGM Bottari De Castello giải thích: tại Guinea, Gambia, Liberia  và Sierra Leone, số người công giáo trong lúc này chỉ có khoảng tứ 1 đến 2% và cũng vì thế, số phong chức linh mục cũng rất giới hạn. Năm nay, tại Guinea chỉ có hai Linh mục mới. Ngài nói: "Khi tôi còn làm Giám đốc Ðại chủng viện tại Cameroun, chúng tôi đã gặp phải chính những khó khăn được nhấn mạnh trong Văn kiện của Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc. Tôi còn nhớ: một linh mục được gửi  đến Roma theo Ðại học, đã tìm mọi cách để trì hoãn việc trở về nước. Một Linh mục khác hiện nay vẫn còn ở lại  Ý. Vị này nhiều lần đã xin Giám mục của mình gia hạn để được sống tại nước ngoài".

Dĩ nhiên tình trạng phức tạp này, đôi khi không hoàn toàn  do ý muốn của các linh mục trẻ này. Ðối với các Linh mục này, được đến học tại Roma, tức là tìm được một đời  sống dễ dãi hơn. Hơn nữa sự đón nhận các linh mục này tại các Giáo xứ Ý dĩ nhiên nồng hậu, đầy lo lắng và biết ơn, nhất là tại những  nơi thiếu linh mục. Cơn khủng hoảng vẫn kéo dài tại hầu hết các nước Tây phương. Vì thiếu nhân sự mục vụ, hiện nay xem ra tại nhiều giáo xứ , người ta  có khuynh hướng này: không muốn mất đi một sự cộng tác mà họ đang cần đến. Và đây cũng là một trong các lý do  thúc đẩy các linh mục du học kéo dài thời gian xa quê hương. Khuynh hướng này cũng đã được chính Ðức TGM Sứ Thần xác nhận. Ngài nói: "Ðúng vậy, đây là một khuynh hướng mà chúng tôi thấy rõ. Người ta không ý thức được rằng: để giải quyết những khó khăn nhỏ của mình, lại tạo nên những khó khăn vô cùng lớn lao khác cho chúng tôi. Tại Châu Phi, cũng như tại các xứ truyền giáo khác, một linh mục mà thôi là một gia tài không thể thay thế được. Chúng tôi không thể để thiếu xót hay mất mát đi".

Các Linh mục trẻ, sau khi tốt nghiệp tại các Ðại học Roma hay tại nước khác, một khi trở về, là những vị cộng tắc đắc lực của Giám mục, --- dĩ nhiên cũng có luật trừ với vài trường hợp không tích cực cho lắm--- bởi vì các vị này đem đến một chứng tá trực tiếp của việc gắn bó trung thành với Sứ điệp Tin Mừng và với Giáo hội hoàn vũ. Ðàng khác, chỉ có các vị này là người địa phương hiểu sâu xa tâm trạng Châu phi và thành thạo giữa các tín ngưỡng và phụng tự địa phương khác nhau, mà người ngoại quốc, kể cả các nhà truyền giáo  lâu năm, cũng không thể hiểu tường tận được.

Theo ý kiến của Ðức TGM Bottari De Castello, thì các Ðại học Giáo Hoàng và Học viện tại Ý cần quan tâm cách riêng đến các Linh mục sinh viên, thuộc các xứ truyền giáo. Ngài nhấn mạnh: "Chúng ta phải giúp đỡ họ tiến đến việc lãnh nhận những hy sinh trong khi thi hành mục vụ và thúc đẩy họ trở lại làm việc tại Quê hương. Ðức TGM Sứ Thần  nhận thấy việc gửi các linh mục đến học tại Roma là điều rất hữu ích. Nhưng ngài đề nghị như sau: "Có lẽ chúng ta phải ngừng dành đặc ân cho việc lựa chọn "quá chú trọng đến sự thông minh của linh mục", được gửi ra ngoài. Trái lại phải nhằm đến tính cách thiết yếu của việc huấn luyện các linh mục". Rồi ngài đưa ra giải pháp sau đây ( ít là cho  một số nước Châu phi); đó là: "Mở một Ðại học công giáo tại Guinea, như đã nói đến từ lâu. Ðại học này có thể phục vụ cả Sénégal, Côte d’Ivoire, và một số nước khác trong miền này". Ngài kết luận rằng: "Chúng tôi hy vọng sẽ không phải chờ đợi quá lâu nữa".

Ðề nghị của Ðức Sứ Thần Tòa Thánh rất hợp lý. Một Ðại học công giáo địa phương (quốc gia hay liên quốc gia) giúp ích rất nhiều cho việc đào tạo các linh mục và giới trí thức công giáo tại chỗ. Việc đào tạo này sẽ phù hợp hơn với tinh thần  địa phương, tuy không có một cái nhìn và những tiếp xúc rộng rãi như khi được gởi ra khỏi nước. Ðàng khác, việc gửi một linh mục du học ở nước ngoài rất tốn phí. Phí tổn dành cho một linh mục du học có thể giúp được ba bốn linh mục học trong nước. Nếu có một Ðại học công giáo trong nước, sẽ tránh được những phí tổn quá lớn lao cho Tòa Thánh và cho Giáo phận.

Tại Việt Nam trước đây, Ðại học công giáo Ðà lạt và Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X,--- tiếc thay nay không còn nữa---, đã giúp ích lớn lao như thế nào cho Giáo hội tại Việt nam. Ước mong: một ngày nào đó, Cở sở này được   hoạt động trở lại như trước!


Back to Radio Veritas Asia Home Page