ÐTC Gioan Phaolô II
chủ tế thánh lễ và cuộc rước kiệu
ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa
Prepared
for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC
chủ tế Thánh lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa và chủ tọa
cuộc rước kiệu Thánh Thể.
Thứ năm 14.6.2001, Lễ trọng kính Mình và Máu Thánh
Chúa, lúc 19 giờ tại Quảng
trường Thánh Gioan Laterano, ÐTC chủ tế Thánh lễ và sau đó
chủ tọa cuộc rước kiệu Thánh Thể, từ Quảng trường này
qua đại lộ Merulana đến Quảng Trường Ðền thờ Ðức Bà Cả
(Santa Maria Maggiore), dài khoảng một cây số.
Cùng
đồng tế với ÐTC có ÐHY Camillo Ruini, Tổng đại diện Roma, các Giám mục phụ tá và các tân linh mục
được ÐTC phong chức cách
đây ít tuần.
Lễ
trọng Mình và Máu Thánh Chúa tại Ý được dời lại Chúa
nhật; nhưng tại Vatican và tại một số Quốc gia, lễ này vẫn
là lễ buộc và đuợc cử
hành vào Ngày Thứ Năm tiếp sau Lễ Chúa Ba Ngôi.
Năm
vừa qua (2000), Lễ trọng Mình và Máu Thánh Chúa được cử
hành rất long trọng tại Roma, vì là Năm Thánh và Ðại Hội
Thánh Thể quốc tế, với sự tham dự của nhiều Hồng Y, Giám
mục đến từ nhiều nước trên thế giới. Thực là một cuộc
biểu dương đức tin của toàn Giáo hội vào sự hiện diện
của Chúa Kitô trong Thánh Thể.
Năm nay (2001), ÐHY Tổng đại diện gủi một thư luân lưu cho các Giáo xứ mời gọi các tín hữu vác đoàn thể tham dự Thánh lễ và cuộc rước Kiệu, để tạ ơn Chúa và để thờ kính Chúa Giêsu Kitô, thực sự hiện diện trong Thánh Thể, đi qua các đường phố của Thành Roma.
Năm
1979, sau ít tháng được bầu làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan
Phaolô II đã thiết lập lại truyền thống cử hành Thánh Lễ
và rước kiệu Thánh Thể trên đường phố Roma, từ Ðền thờ
Thánh Gioan Laterano qua đại Lộ Merulana (khoảng hơn một cây số)
đến Ðền thờ Ðức Bà Cả, trong ngày lễ trọng kính Mình và
Máu Thánh Chúa, được mừng vào Ngày thứ năm sau Lễ Chúa
Ba Ngôi.
Truyền
thống rước kiệu Thánh Thể giữa hai Ðền thờ Roma có
từ thời Ðức Nicolò V (1447-1455). Nhưng Ðại lộ
nối liền hai Ðền thờ, thì được mở ra năm 1575, thời
Ðức Gregorio XIII (1572-1585) và từ đó cuộc rước kiệu Thánh
Thể sau Thánh Lễ được diễn ra trên Ðại Lộ này cho tới năm 1870, bị gián đoạn,
do bởi việc tướng Garibaldi chiếm Nước Tòa Thánh. Từ năm
này, Ðức Pio IX (1846-1878), vị được phong Chân phước ngày
3.9.2000, và các Vị kế nghiệp ngài không ra khỏi Thành Vatican
cho tới lúc Tòa Thánh và nước Ý ký hòa ước quốc tế
Laterano ngày 11.2.1929, thời Ðức Pio XI (1922-1939). Nhưng truyền
thống cử hành Thánh lễ và rước kiệu Thánh Thể chỉ
được lấy lại thời Ðức Gioan Phaolô II, năm 1979, như chúng
tôi đã nhắc trên đây.
Cũng
nên nhớ lại rằng: Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa do ÐTC
Urbano IV (1261-1264) lập ra với Sắc Chỉ Transiturus, công bố năm
1264, sau phép lạ xẩy ra tại Bolsena, thuộc tỉnh Viterbo, cách Roma
khoảng 100 cây số về phía bắc. Phép lạ xẩy ra như sau : Một
linh mục người Bohême (nay thuộc cộng hòa Tchèque), qua miền
Lazio, lúc đọc lời truyền phép bánh và rượu trong thánh lễ,
hồ nghi về sự hiện diện thực của Chúa Giêsu. Ngay lúc đó,
Chúa cho vị linh mục này thấy Máu chảy ra từ Bánh thánh đã
truyền phép, ướt đẫm cả khăn thánh. Nghe biết phép lạ này,
Ðức Urbano IV rất xúc động, truyền
rước Khăn Thánh lạ này về nhà thờ Orvieto và sau đó rước
về Roma. ÐTC và Giáo triều ra đón rước Khăn Thánh. Khăn
Thánh lạ này hiện vẫn được giữ trong Nhà thờ chính tòa
Orvieto, thuộc tỉnh Viterbo.
Từ
22 năm nay, Ðức Gioan Phaolô II không lần nào thiếu sót trong
ngày lễ trọng kính Mình và Máu thánh Chúa. Trong những năm
trước đây, sau Thánh lễ, chính ngài chủ tọa cuộc rước
kiệu và cầm hào quang đựng Thánh Thể đi bộ trên Ðại lộ
Merulana. Nhưng trong mấy năm nay, sức khỏe sút kém và nhất là
đi lại khó khăn, ngài dùng xe di
chuyển, với một tòa nhỏ cao để hào quang, để đi qua Ðại
lộ Merulana, đến Ðền thờ Ðức Bà Cả. Trong 45 phút, ÐTC quì
trên ghế dọn sẵn, thờ kính Thánh Thể, hướng dẫn cuộc
kiệu, giữa dân chúng đứng hai bên đường và theo sau
xe. Một đám đông khác thường làm cho mọi người nhớ lại
Thánh Lễ và cuộc rước kiệu Thánh Thể trong năm Ðại Toàn
Xá 2000 vừa qua, với sự tham dự của hơn 600 vị, gồm Hồng
Y, Giám mục đến từ khắp thế giới và sự hiện diện của
nhiều phái đoàn các quốc gia đến Roma, tham dự Ðại hội Thánh
Thể quốác tế, được tổ chức tại Thủ đô Giáo hội trong
Năm Thánh 2000. Một cuộc biểu dương đức tin chưa hề thấy
trên các đường phố Roma.
Nhìn
vào đám đông hôm thứ năm 14/06/2001, người ta liên tưởng
đến biến cố lịch sử năm 2000 vừa qua, và mọi người đều
công nhận rằng: sự tham dự đông đảo và nghiêm trang như
vậy, một đàng nhờ vào ảnh
hưởng thiêng liêng sâu xa nơi tâm hồn người dân Roma, do Năm
Thánh để lại; đàng khác cũng do sự đáp lại hăng say lời
mời gọi của Ðức Hồng Y Camillo Ruini, Tổng đại diện Roma, để
tham dự cuộc biểu dương Ðức tin công khai trên các đường
phố Roma. Trong thư gửi cho các Giáo xứ và các Ðoàn thể của
Giáo phận, ÐHY viết như sau: "Cử chỉ công khai như vậy về
việc thờ kính và tuyên xưng đức
tin của chúng ta nơi Mầu nhiệm Chúa Kitô còn mang một ý nghĩa
sâu xa hơn nữa trong năm tiếp sau Ðại hội Thánh Thể quốc tế
và sau ít ngày Khóa Họp khoáng đại Giáo phận Roma trong tuần
vừa qua". Lúc đó, giảng trong Thánh lễ của Khóa họp Giáo
phận, ÐHY Ruini đã nói như
sau: "Cộng đồng Giáo phận
chúng ta cần đến Thánh Thể, để tiếp tục con đường canh tân
đã khởi sự . Và trên con đường này, cần phải bắt đầu
lại từ Chúa Kitô, Bánh ban sự sống vĩnh cửu. Chúng ta hãy
tiến đi với nhiều quảng đại và can đảm, vừa tìm kiếm sự
hiệp thông trong chính cộng đồng giáo hội chúng ta và hiến
thân với tình yêu thương cho việc phục vụ khiêm tốn và vô
vị lợi đối với mọi người, nhất là đối với những người
nghèo khổ, bị loại ngoài lề xã hội".
Trong
bài giảng Thánh Lễ kính Mình và Máu thánh Chúa thứ năm 14/06/2001, ÐTC chú giải lời Giáo hội hát
lên trong Thánh Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa, như sau: "Ecce
Panis Angelorum, factus cibus viatorum..." (Ðây là Bánh các Thiên
Thần, trở nên lương thực của người lữ hành trần thế).
ÐTC nói: "Chúng ta hãy trở
lại Ngày thứ năm Tuần Thánh, trở lại Bữa tối sau cùng
của Chúa Giêsu với các môn đệ trước cuộc Tử nạn. Giáo
hội cũng chọn ngày thứ năm sau Lễ Chúa Ba Ngôi, để cử
hành Thánh Thể và rước Chúa qua các ngả đường thành phố
và mời gọi con cái Giáo hội: "Lauda Sion Salvatorem, lauda
Ducem et Pastorem in hymnis et canticis" (Hỡi
con cái Sion hãy ca ngợi Chúa Cứu Thế của ngươi, hãy
ca ngợi Vị Hướng đạo và Chủ chăn của ngươi với những
bài thánh ca), để cảm tạ ơn ban cao cả
này, để tuyên xưng Chúa Giêsu hiện diện trong hình bánh
và hình ruợu. Ðây là chính Mình và Máu Chúa Kitô sống lại,
mà tông đồ Toma đã được nhìn thấy các vết thương chân
tay và cạnh sườn Chúa, và
đã lớn tiếng tuyền xưng: "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi".
ÐTC nói thêm như sau: "Ngôi Lời nhập thể làm Người, để
ở giữa chúng ta. Emmanuel: Thiên Chúa ở với chúng ta. Ngày
nay thế giới cần được thấy Chúa Giêsu. Chúng ta hãy làm
như Chúa dạy các môn đệ trong bài Phúc Âm hôm nay: "Các
con hãy liệu cho họ ăn". Rước
Chúa Giêsu ra các ngả đường, để đem Chúa đến cho mọi
người, để mọi người có thể nói: Tất cả đã ăn bánh
và được no nê thỏa mãn". ÐTC kết thúc như sau: "Chúng
ta cần đến Bánh ăn này, Bánh các Thiên Thần, trở nên lương
thực nuôi dưỡng các người lữ hành trần thế. Chúng cần
đến Bánh ăn này để tiếp tục
con đường truyền giáo của chúng ta. Chúng ta theo Bánh
hằng sống này trên các ngả đường Roma. Chúng ta thờ kính
và tất cả Giáo hội, như hào quang sống động của Chúa Cứu
Thế ỡ giữa thế gian, vây chung quanh Bánh này. Ước gì các
tín hữu Roma, được bổ dưỡng bởi
Mình và Máu thánh, mang Chúa
đến cho mọi người, qua gương
sáng đời sống, qua sự hiệp nhất, qua đức tin vững mạnh
và lòng nhân hậu".
Cuộc rước kiệu kết thúc vào lúc 21:30 bằng Phép Lành Thánh Thể do ÐTC ban và Kinh Salve Regina (Lạy Nữ vương, Mẹ nhân lành). Tuy hết sức mệt nhọc, vì sức yếu, tuổi cao, ÐTC hài lòng, bởi vì đã phục vụ Giáo hội với hy sinh,can đảm và quảng đại, và vì đã làm sống lại đức tin và lòng kính Thánh Thể, trung tâm đời sống Kitô, nơi cộng đồng giáo phận, vì đã đem biết bao con cái đến với Chúa Giêsu, để lãnh nhận sức mạnh bởi Bánh hằng sống, và sau đó trở về nhà đem Chúa cho anh chị em mình, như ngài đã căn dặn trong bài giảng Thánh lễ: "Ðược bổ dưỡng bởi Mình và Máu thánh, các tín hữu Roma hãy đem Chúa Giêsu cho mọi người. Cộng đồng giáo phận chúng ta cần đến với Thánh Thể, để tiếp tục con đường canh tân và truyền giáo".