Hội Nghị Hồng Y lần thứ sáu

xác nhận sự Hiệp Thông

như là hướng đi cho công cuộc "Ra Khơi"

theo mệnh lệnh Chúa Kitô 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Hội nghị Hồng Y xác nhận sự Hiệp Thông như là hướng đi cho công cuộc "Ra khơi" theo mệnh lệnh Chúa Kitô.

Sau ba ngày làm việc âm thầm, không có sự hiện diện của giới báo chí và theo kiểu mẫu làm việc tương tự như Khóa họp của THÐGM thế giới, Hội nghị Hồng Y ngoại lệ lần thứ sáu, do ÐTC triệu tập đã kết thúc sáng thứ năm, 24.5.2001,  Lễ Chúa Giêsu lên trời, bằng Thánh lể đồng tế trọng thể, do ÐTC chủ tế trong Ðền thờ Thánh Phêrô.

Sau Ðại Toàn Xá năm 2000, đây là biến cố Giáo hội quan trọng hơn cả. 155 trong số 183 Hồng Y từ khắp thế giới tuốn về Roma, cùng nhau thảo luận "trong tình huynh đệ"- --như ÐTC đã nói trong diễn văn khai mạc sáng thứ hai 21.5.2001 --- về "những viễn tượng của Giáo hội trong Ngàn năm mới", để giúp ÐTC tìm ra những con đường,  nhằm "đối phó với các thách đố lớn lao, hiện đang gây nên những khó khăn cho sự tín nhiệm và sự hăng say của các nguời rao giảng Tin Mừng".

Trong ba ngày làm việc với mức tối đa,  Hội nghị đã vạch ra hướng  đi cho  "cuộc ra khơi", theo lệnh Chúa Giêsu, đã được ÐTC nhắc lại trong Tông thư bế mạc Năm Thánh 2000. Hướng đi này phải được khởi sự bằng việc "chiêm ngưỡng trong cầu nguyện dung mạo cực thánh Chúa Giêsu", vì chỉ có con đường này mà thôi mới dẫn đưa đến sự hiệp thông với  Người, là điều kiện duy nhất, là sức mạnh và thành công "của sứ vụ rao giảng Tin Mừng". Các Hồng Y quả quyết: Sự hiệp thông này thúc đẩy tiến đến tình liên đới đối với bất cứ ai đau khổ. Vì thế các ngài, hiệp ý với ÐTC,  và để dáp lại những lời kêu gọi nhiều lần của Vị Chủ chăn toàn Giáo hội, xin các tín hữu công giáo cầu nguyện cho Hòa bình tại  Châu phi và Thánh địa. (Sứ điệp công bố ngày bế mạc Hội nghị - sẽ dịch trong bài nói chuyện sau).

Chúng ta có thể nói được rằng: Thánh lễ bế mạc sáng thứ năm trong Ðền thờ Thánh Phêrô do ÐTC chủ tế với các Hồng Y là một dấu hiệu cụ thể của việc hiệp thông này với Chúa Kitô, với vị Ðại diện của Người ở trần gian. Trong sứ điệp kết thúc Hội nghị gửi cho Dân Chúa, các Hồng Y tham dự còn nhắc đến sự hiệp thông này, để phác họa khuôn mặt của Giáo hội trong Ngàn Năm thứ ba: một Giáo hội luôn luôn cầu nguyện nhiều hơn, luôn luôn truyền giáo hơn, luôn luôn chú ý đến các nhu cầu của những người bị bỏ ngoài lề xã hội và luôn luôn trung thành với dấn thân của mình trong lịch sử. Một Giáo hội luôn luôn gần gũi với ÐTC, kẻ được Chúa gọi để cổ vỗ và bảo đảm sự hiệp thông và sự hiệp nhất các tín hữu trong Chúa Kitô, Ðấng Cứu thế duy nhất của nhân loại".

Trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ năm 24/05/2001 vừa qua, tổng hợp công việc của Hội nghị trong ba ngày, ÐTC đã cảm ơn các "Vị Cố vấn của ngài" về những cố gắng tối đa tìm mọi cách để đáp lại lời mời gọi của ngài trong Tông thư  "Khởi đầu ngàn năm mới": "Hãy ra khơi", bằng cách chỉ vẽ những "hướng đi cụ thể" nhằm  đối phó với các vấn đề đang đặt ra vào đầu Ngàn năm thứ ba này. Các vấn  đề - theo ÐTC - không phải chỉ về "số lượng", gây nên bởi sự việc này là các tín hữu Kitô thuộc thiểu số, trong khi đó tiến trình tục hóa mỗi ngày mỗi lan rộng và làm biến đổi dần dần truyền thống Kitô, tại cả những nước đã được rao giảng Tin Mừng từ lâu đời. ÐTC quả quyết: Các vấn đề còn trầm trọng hơn,  phát xuất bởi sự thay đổi chung của nền văn hóa, một nền văn hóa, có lẽ còn chấp nhận sự hiện diện của Thiên Chúa Ðấng Tạo hóa, nhưng khước từ "Thập Giá" như một  gương mù.  Các vấn đề trầm trọng này phát xuất bởi  tính cách toàn cầu hóa và bởi thái độ khinh miệt đối với sự sống, mỗi ngày mỗi lan rộng trên mọi cấp bậc. Nói tóm lại, do bởi  một lô các vấn đề kinh khủng , liên hệ đến chính số phận của nhân loại.

Ðứng trước các vấn đề như vậy, phải làm gì? Lời nói không đủ, phải cần đến những gương sáng của " đời sống thánh thiện - một khuôn mặt của sự khó nghèo và của lòng thương xót, cách riêng  đối với các người cùng cực và  các người bị loại ngoài lề xã hội".

ÐTC bảo đảm rằng: "Một số lớn trong các vấn đề này sẽ được thảo luận trong Khóa họp khoáng đại của THÐGM  vào tháng 10 tới đây. THÐGM  vẫn là một dụng cụ cần thiết và hiệu nghiệm của tính cách Giám mục đoàn".

Trong sứ điệp kết thúc, các Hồng Y tham dự Hội nghị (155 trong số 183) đã tổng hợp công việc làm của cuộc gặp gỡ huynh đệ và cuộc sống chung thân mật trong ba ngày, đáp lại lời mời gọi của ÐTC" để khám phá cho biết ý nghĩa của lời "Chỉ có việc chiêm ngưỡng trong cầu nguyện dung mạo Chúa Kitô mới dẫn đưa đến sự hiệp thông tình yêu đối với Người và nuôi dưỡng sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội". Các Hồng Y nhấn mạnh rằng: Bởi vì chính sự hiệp thông giữa các con cái Chúa là "động cơ" cho mọi việc, mọi sự, và hơn nữa chính sự hiệp thông thúc đẩy Giáo hội trở nên liên đới với nhân loại, cách riêng trong bối cảnh của việc hoàn cầu hóa - liên đới với đám đông người nghèo mỗi ngày mỗi gia tăng, đám đông người đau khổ, đám đông của tất cả những ai bị chà đạp trong các quyền con người: quyền sống, quyền sức khỏe, quyền có việc làm, quyền tiến về văn hóa, quyền tham dự vào xã hội, quyền tự do tôn giáo. Các Hồng Y viết thêm: Ðể thúc đẩy Giáo hội hướng về các dân tộc bị đau khổ, cần phải dấn thân hơn nữa cho công bình, cho tình liên đới, cho hòa bình, cách riêng tại Châu phi, tại Thánh địa. Ðối với Thánh địa, các Hồng Y ước mong một cuộc đình chiến tức khắc, việc trở lại bàn hội nghị và đối thoại trong tinh thần "bình đẳng và tôn trọng nhau".

Hội nghị Hồng Y lần thứ sáu đã kết thúc, và để lại hình ảnh của  Vị Lãnh đạo già yếu, nhưng với ý chí bất khuất, với gương sáng đời sống, với hăng say phục vụ, luôn luôn hiện diện giữa các Vị cộng tác chặt chẽ hơn cả của mình, ngày xưa được gọi là "Các Hoàng Tử của Hội Thánh", nhưng ngày nay khác hẳn, các ngài, --- cùng với Vị Lãnh đạo Giám mục đoàn,---  là "những người phục vụ đầu tiên, vô  vị lợi và đắc lực hơn cả của nhân loại", theo gương Thầy chí thánh, Ðấng đã nói: "Các con gọi Ta là Chúa, là Thầy. Ðiều này rất đúng. Vậy Ta đã rửa chân cho các con. Các con cũng hãy rửa chân cho nhau, như Ta đã làm". "Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ". Trong sứ điệp kết thúc Hội Nghị,các vị Hồng Y  nhấn mạnh thêm như sau: "Cần xây dựng một  Một Giáo hội cầu nguyêīn nhiều hơn, truyền giáo nhiều hơn , nghèo khó hơn , liên đới hơn với nhân loại , cách riêng  với những người đau khổ, túng cực, bị loại ngoài lề xã hội".


Back to Radio Veritas Asia Home Page