Tóm lược

những bài phát biểu của các Hồng Y

trong Hội Nghị Hồng Y lần thứ sáu 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật tiếp về Hội nghị Hồng Y: Những bài phát biểu của các Hồng Y.

Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên và Giám đốc  Phòng báo chí Tòa Thánh thuật lại cho giới báo chí công việc của Hội nghị Hồng Y trong ngày thứ ba 22/05/2001, tiếp tục với mức độ "cấp tốc". Trong hai phiên họp: sáng từ 9 giờ đến 12:30 và chiều từ 17 giờ đến 19:30, đã có 55 Nghị phụ phát biểu ý kiến, chung quanh các vấn đề như: gia đình, hiệp nhất các tín hữu Kitô, tính cách tập đoàn của Giám mục, cải cách THÐGM thế giới , việc thăm dò ý kiến và bổ nhiệm giám mục v.v...

Về gia đình, ÐHY Alfonso Lopez Trujillo, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh phụ trách gia đình và Hôn nhân, loan báo việc soạn một cuốn "tự điển" về dục tính và về gia đình. Mục đích là để giúp đỡ các nhân viên mục vụ hiểu rõ văn hóa về dục tính, về y khoa và luật pháp, liên hệ đến đời sống đôi bạn. Công việc soạn thảo được trao cho 50 chuyên viên công giáo và ngoài công giáo sở trường về  các lãnh vực trên đây (dục tính, y khoa, luật pháp, tâm lý....). Công việc soạn thảo đã được khởi sự từ một năm rưỡi nay.

ÐHY Carlo Maria Martini, TGM Milano, để nghị triệu tập khóa họp THÐGM thế giới dành riêng cho vấn đề "Lời Chúa" trong đời sống Kitô. Cần phải huấn luyện các tín hữu làm quen với Lời Chúa: đọc, suy ngắm, cầu nguyện và thực hành Lời Chúa trong Thánh Kinh. ÐHY cũng yêu cầu duyệt lại nội qui và luật lệ của THÐGM thế giới, để cơ cấu này trở nên hiệu nghiệm hơn.

Thực sự, THÐGM thế giới cũng như Hội nghị Hồng Y chỉ có quyền cố vấn, nghĩa là góp ý kiến và đưa ra những đề nghị. Việc quyết định sau cùng vẫn thuộc thẩm quyền của ÐTC, quyền tối cao và tuyệt đối trong Giáo hội.

Có lẽ một số Nghị phụ muốn tham dự tích cực hơn vào các quyết định của Trung ương, nên ÐHY Cormac Murphy O’Connor, TGM Wesminster (Anh quốc) yêu cầu "duyệt lại cách nghiêm chỉnh phương pháp làm việc của các THÐGM thế giới, bởi vì theo như  hiện nay, không đáp ứng với những đòi hỏi của đặc tính Giám mục đoàn, được gói ghém gọn trong câu này: "Không bao giờ có Phêrô mà không có Mười Một (11 tông đồ) và cũng không bao giờ có Mười Một mà không có Phêrô". ÐHY cũng đề nghị: "để tính cách tập đoàn Giám mục được hiệu nghiệm hơn, nên dự tính có những khóa họp của các Hội đồng Giám mục của các nước khác nhau, với sự hiện diện của ÐTC.

ÐHY Golfried Dannneels, TGM Bruxelles và Malines (Bỉ), lên tiếng: Giáo hội phải trình bày mình như một Giáo hội "có nhiều khác biệt, nhưng trong hiệp nhất" trước con mắt người thời đại, vốn không ưa thích "quyền bính". Cần phải tạo nên một "nền văn hóa THÐGM", do ÐTC hướng dẫn, và cũng dành cho  mọi người.

ÐHY Bernard Francis Law, TGM Boston (Hoa kỳ), được coi là một trong các vị theo khuynh hướng bảo thủ, đề nghị: Hằng năm nên triệu tập một Khóa THÐGM thế giới, nhưng không thảo luận về một đề tài nhất định, trong ít ngày thôi, để thảo luận về những vấn đề quan trọng và khẩn cấp hơn của thời đại.

Còn ÐHY Ignace Moussa đệ nhất Daoud, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Ðông phương, đề nghị "hãy  đánh giá cao vai trò của các Hội nghị của các Giáo hội Ðông phương trong việc bổ nhiệm các Giám mục".

Về việc bổ nhiệm Giám mục, ÐHY Mario Francesco Pompedđa, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Tòa Thánh, cho rằng: các thủ tục hiện nay về việc bổ nhiệm Giám mục xem ra không đủ. Cần phải tham khảo ý kiến rộng rãi hơn nữa. Chỉ căn cứ vào Vị Sứ Thần (hoặc Khâm sứ) Tòa Thánh và đề nghị của HÐGM địa phương về các ứng cử viên, chưa đủ. Ngoài ra, ÐHY còn đề nghị thành lập những Tòa án Hôn phối liên giáo phận liên kết với Tòa Án Rota Roma, để giải quyết các vụ Hôn phối không thành và cũng để giảm bớt phần nào  công việc quá nhiều cho Tòa Án Rota Roma.

Ðồng ý với ÐHY Carlo Maria Martini và Murphy O‘Connor, ÐHY Achille Silvestrini, Cựu Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Ðông phương, cho rằng: Nhiều Nghị phụ cũng nghĩ rằng những thủ tục hiện nay của THÐGM thế giới không thỏa mãn, không giúp ích cho "khuynh hướng cải tiến ", nhiều lúc chỉ là "những cuộc độc thoại", không có tranh luận và không có những đáp lại tương xứng".

ÐHY Walter Gasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ hiệp nhất các tín hữu Kitô, nhắc đến những dấu hiệu hy vọng của Ðại Toàn xá về hiệp nhất các tín hữu Kitô. Ngài kể lại: lễ nghi mở Cửa Thánh Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành, do ÐTC, với hai Vị đại diện Giáo hội chính thống và Tin Lành; nhưng vẫn còn những "chống đối" của một só tín hữu Kitô.

Về hiệp thông với các tín hữu chính thống, ÐHY Lubomyr Husar, TGM giáo phận Lviv (Leopoli - bên Ukraine, nơi sẽ được ÐTC viếng thăm vào cuối tháng sáu 2001 này)  tỏ vẻ lạc quan. Ngài nói: "Các Giáo hội chúng tôi gần gũi chính thống hơn cả. Chỉ có một sự khác biệt duy nhất là "quyền tối cao của Phêrô". Vì thế, nếu sức sống của Giáo hội mất đi, thì chiếc cầu nối có thể tiến đến sự hiệp nhất cũng mất đi theo".

Về " Quyền tối cao của Phêrô ", ÐHY Avery Dulles (con của cố ngoại trưởng Hoa kỳ Foster Dulles) nghĩ rằng: Khi không có một người đứng đầu, sẽ đi dến chỗ tạo nên nhiều vấn đề có hại hơn  có lợi, (xét về bình diện tín lý cũng như về kỷ luật) cho các Giáo hội Kitô khác.

Cũng về vấn đề hiêïp nhất các tín hữu Kitô, ÐHY Murphy O’Connor, TGM Westminster, nhắc lại đề nghị đã được ÐTC nói đến nhân dịp cử hành Ðại Toàn xá: đó là Cuộc gặp gỡ các tín hữu Kitô (Pancristiano). Nói đến cuộc gặp gỡ này, trong lúc gặp giới báo chí, tiến sĩ Navrro Valls quả quyết mạnh mẽ rằng: ÐTC không bao  giờ dùng danh từ "một Công đồng", nhằm tụ họp tất cả các tín hữu tin kính Chúa Kitô. Thực ra, trước Hội nghị, có tiếng đồn vị này, vị khác đề nghị triệu tập Công đồng chung Vatican III; nhưng trong Hội nghị không có vị nào đả động đến vấn đề này.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí, có ký giả nêu lên câu hỏi này: ÐHY Carlo Maria Martini có lần đã đề nghị triệu tập Công đồng chung Vatican III. Phát ngôn viên Tòa Thánh  trả lời: "Căn cứ  vào lời của ÐHY trong Hội nghị, thì ngài chỉ nói đến việc triệu tập THÐGM dành cho "Lời Chúa trong đời sống Kitô". Mọi người đều thấy rõ:  lãnh vực Thánh Kinh là một trong lãnh vực trong đó phong trào đại kết gặp ít khó khăn hơn cả.

Trong các phát biểu về hiệp nhất các tín hữu, có Nghị phụ đã nhắc đến Văn Kiện "Dominus Jesus", để cảm ơn ÐHY Jozef Ratzinger. Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, đã cho công bố văn kiện này.

Công việc của Hộïi nghị kết thúc chiều thứ tư 23.5.2001, bằng các cuộc  họp nhóm, theo các sinh ngữ và bằng các bài thuyết trình của mỗi nhóm và sau đó bằng bài thuyết trình đúc kết của ÐHY Juan Sandoval Iniguez, TGM giáo phận Guadalajara, bên Mexico.

Sáng thứ năm 24/05/2001, Lễ Chúa Giêsu lên trời, lúc 10:30, các Nghị phụ đồng tế Thánh lễ với ÐTC trong Ðền thờ Thánh Phêrô. Sau Thánh lễ, các Nghị phụ dùng bữa trưa với ÐTC tại Cư xá Santa Marta trong Nội Thành Vatican. 

Trong Hội nghị Hồng y lần này, các Nghị phụ dùng 5 tiếng chính: Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban nha và Ý. Tiếng Latinh bị coi như ngoài lề, tuy là tiếng chính thức của Giáo hội.

Một ngạc nhiên gây lúng túng cho các thông dịch viên.  ÐHY Jorge Maria Mejia, Quản Thủ Thư viện và Công Hàm Tòa Thánh, trong bài phát biểu, đã mở đầu bằng tiếng Latinh. Dĩ nhiên các thông dịch không nghĩ rằng: mình phải dịch tiếng Latinh ra các tiếng vẫn dùng trong những ngày này. Ðể trấn an, ÐHY nói ngay bằng tiếng Latinh: "Nhớ tiếc thời tiền Công đồng hay sao?  Không đâu. Anh em đừng lo sợ, chỉ vì muốn tiếng Latinh hiện diện trong Phòng họp này, dù chỉ là tượng trưng". Mọi người vỗ tay hoan hô. Các thông dịch viên thở phào. Nhiều Nghị phụ mỉm cười cách thích thú. Rồi ÐHY tiếp tục bài phát biểu bằng tiếng Tây ban nha, tuy ngài là người Brazil (nói tiếng Bồ đào nha, là tiếng nói không được xử dụng trong Hội  nghị Hồng Y lần nầy). ÐHY nói thành thạo các tiếng dùng trong Hội nghị. Ngài là một vị Giáo sĩ thông thái làm việc tại nhiều cơ quan của Giáo triều từ nhiều năm nay.

Theo tin báo chí, thì còn một Nghị phụ khác , trong bài phát biểu, đã dùng hoàn toàn tiếng Latinh: ÐHY Janis Pujats, TGM giáo phận Riga, thủ đô Lettonie, nạn nhân của chế độ cộng sản trong nhiều năm, được ÐTC bổ nhiệm Hồng Y "in pectore" trong Hội nghị Hồng Y ngày 21.2.1998, được công bố chính thức trong Hội nghị Hồng Y ngày 21.2.2001.


Back to Radio Veritas Asia Home Page