Bàn về một văn kiện của KGB

gửi cho các nước cộng sản

thuộc khối Liên Xô, viết rõ ràng:

"cần phải loại trừ Karol Wojtyla"

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bàn về Một văn kiện của KGB gửi cho các nước cộng sản thuộc khối Liên xô viết rõ ràng: "Cần phải loại trừ  Karol Wojtyla".

Nhân dịp nhìn lại 20 năm qua, sau khi Ðức Gioan Phaolô II bị mưu sát ngày 13.5.1981 tại Quảng trường Thánh Phêrô, nhật báo của Ukraine, có tên là  "Svit" (Thế giới) --  được biết Ukraine trước đây thuộc Khối Liên xô, và sẽ được ÐTC viếng thăm vào cuối tháng sáu 2001 tới đây -  đã tiết lộ  như sau:    "Liên xô lo sợ ảnh hưởng của Vị Lãnh đạo mới của Giáo hội công giáo trên các nước Ðông-Âu, lúc đó thuộc Khối cộng sản... KGB tìm mọi cách làm giảm bớt uy tín của Giáo hội công giáo và cách riêng của Vị Giáo Hoàng người Ba lan,  được bầu lên kế vị thánh Phêrô ngày 16.10.1978, bằng cách xuyên tạc tin tức và những khiêu khích ".

Tờ báo Ukraine đưa ra giả thuyết này: "Sự lo sợ như vậy đã có thể thúc đẩy các vị lãnh đạo cộng sản  đi đến việc vũ trang bàn tay anh Mehmet Ali Agça".  Tờ báo viết tiếp như sau: "Chúng tôi không có đủ bằng chứng, nhưng một số dấu chỉ cho thấy: đúng như vậy, nghĩa là điều này rất có thể xẩy ra".

Những người bênh vực chế độ cũ của Liên xô quả quyết rằng: "Từ các công hàm mật của KGB, người ta  không tìm thấy tài liệu nào về vụ này". Nhưng thực sự có một văn kiện của các cơ quan mật vụ Liên xô, một phần đã được công bố, cần được đọc tất cả, để thấy rõ sự việc.

Một trong các tài liệu do Công hàm Stb, --- (STB là một cơ quan mật vụ của Tiệp khắc, nay chia thành hai nước Tchèque và Slovak) --- cho biết:  Sau thời gian Ðức Karol Wojtyla được bầu làm Giáo Hoàng,  cơ quan KGB của Liên Xô, ---- lúc đó dưới quyền chỉ huy của ông Jurij Andropov – người được bầu làm Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Liên xô, sau khi ông Leonid Breznev qua đời -  và do sáng kiến của chính ông Leonid Breznev, lúc đó là Tổng Bí thư ,--- (cơ quan KGB) đã chuẩn bị một chương trình phản ứng đối với biến cố mới (tức việc bầu Ðức Karol Wojtyla làm Giáo Hoàng). Một bản sao văn kiện này đã được gửi cho Mật vụ của các nước anh em chủ nghĩa, "để tường". Và một trong các nước anh em chủ nghĩa này là "Tiệp khắc" (-- một quốc gia thuộc khối Liên xô, và đã bách hại Giáo hội công giáo hăng say và dữ dội  hơn các quốc gia khác tại Ðông-Âu).

Sau khi chế độ cộng sản tại Ðông Âu sụp đổ, Cơ quan điều tra về các tội ác của chế độ cộng sản,--- được thiết lập tại Praga (thủ đô Tiệp khắc) --- đã tìm thấy bản sao  và, vì đây là một vấn đề rất tế nhị, không được công bố, nhưng chỉ được trao cho Tổng Thống Vaclav Havel. Tổng thống, một nhân vật chống chế độ cộng sản, lên cầm quyền sau khi chế độ này sụp đổ, đã mời ÐTC viếng thăm Tiệp khắc.  Và nhân chuyến viếng thăm lúc đó, báo chí nói đến việc Tổng thống tiết lộ văn kiện này cho ÐTC. Có hay không, chỉ ÐTC và Tổng thống biết mà thôi. Chỉ biết rằng: văn kiện này là một trong các văn kiện liên hệ đến những báo cáo giữa chế độ khủng bố "đỏ"  và Tiệp khắc, mà Tổng thống Havel đã trao lại cho nhà cầm quyền Cộng hòa Ý, lúc ông viếng thăm Roma năm 1999.

Văn kiện này đưa ra hai hành động chống Giáo Hoàng và được gọi bằng bí danh là "Pagoda" và "Infection". Hai hành động trên đây trù liệu một lô các biện pháp nhằm làm giảm bớt và mất đi dần dần uy tín của Giáo hội công giáo, tổ chức các chiến dịch xuyên tạc tin tức và làm yếu kém, giới hạn các hoạt động của Giáo hội.

Trong trường hợp những biện pháp được trù liệu không đủ để tiêu diệt ảnh hưởng của Vị Giáo Hoàng Ba lan này tại các quốc gia cộng sản, văn kiện dự tính đến cả việc loại trừ chính con người ngài,  nếu cần.  (--trong bản chính  từ được dùng là: fiziceskoje ustranenije, nếu cần).

Văn kiện cũng được các nguồn tin khác xác nhận là có. Một trong các nguồn tin này là thiếu tá Vikitor Shejmov, cựu sĩ quan điều khiển một trong các Văn phòng của KGB, và đã trốn sang Hoa kỳ năm 1980. Ông quả quyết đã đọc văn kiện "tối mật" này về ÐTC, bởi vì lúc đó ông được trao trách nhiệm chuyển văn kiện cho các cơ quan mật vụ của các quốc gia cộng sản thuộc Khối Liên xô.

Một nguồn tin khác là ông Vasilij Mitrokhin, cũng là mộât cựu  thiếu tá thuộc KGB. Ông xin tị nạn chính trị tại Sứ quán Hoa kỳ ở Riga, thủ đô Lettonie  ---(cũng là một nước thuộc Khối cộng sản Liên xô)--- , đem theo một phần tài liệu trong Công hàm của Lubjanka.

Trong khi đó, thì trái lại,  các cựu nhân viên KGB hoàn toàn bác bỏ những tố cáo trên đây. Thí dụ, ông Boris Solomatin, dưới vai trò giả của một nhà ngoại giao, điều khiển mạng lưới của KGB tại nước Ý, từ năm 1976 đến 1982, trong bài phỏng vấn dành cho tờ "Izvestija" của Liên xô, ngày 10.4.1998, đã quả quyết như sau: "Với tất cả trách nhiệm, tôi tuyên bố rằng: KGB không có dính dáng gì vào vụ này (tức  vụ mưu sát Ðức Karol Wojtyla). Tôi biết có vụ bắn tại Quảng Trường Thánh Phêrô, qua đài phát thanh của Ý mà thôi". Nhưng ông Solomatin công nhận: "Có thể có giả thuyết này là Moscowa không báo tin cho vị chỉ huy KGB ở Roma, về một hành động hiện đang xẩy ra tại Vatican".

Như thế, Vụ mưu sát ÐTC vẫn còn nằm trong bí mật. Ðể kết luận, chúng tôi xin trích lại lời của Sử gia Ý, ông Rumi, trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo "Tương Lai", số phát hành ngày 13.5.2001. Ông nói như sau: "Về  những sự thật về vụ mưu sát này, tôi rất xác tín rằng: rất khó khám phá. Về tất cả những thời kỳ khủng hoảng lớn lao, về các vụ mưu sát chính trị, không bao  giờ biết rõ cái gì đã xẩy ra.... Sử gia không bao giờ có thể trả lời một cách bình thản tuyệt đối. Trong trường hợp của ÐTC, không ai có thể hồ nghi là  Ali Agça  đã bắn vào ngài. Nhưng nếu chúng ta muốn biết  thêm: tại sao, như thế nào, ai sai, ai giúp anh ta..., thì chúng ta chỉ có thể  hy vọng  điều nầy mà thôi: đó là  các sử gia tương lai sẽ may mắn hơn, và tìm ra những ra những văn kiện mới. Nhưng tôi không hoàn toàn tin là có thể làm được. Ðối với các vụ mưu sát chính trị , sự thật  luôn luôn là tạm bợ và không bao giờ hoàn toàn".


Back to Radio Veritas Asia Home Page