Diễn văn của ÐTC

trong dịp tiếp các Giám mục Nhật bản

đến Roma "viếng Tòa Thánh" (Ad Limina)

 

Tuần trước đây, ÐTC tiếp HÐGM Ðại Hàn đến Roma  "viếng mộ Hai Thánh Tơng Ðồ".  Lúc đó  các Giám mục Ðại Hàn  đã mời ÐTC đến làm phép khánh thành Giáo Hoàng Học viện mới của Giáo hội Ðại Hàn, được xây cất tại Roma. Ðây là một hãnh diện cho Giáo hội Ðại Hàn, vì là Giáo hội thứ nhất thuộc các xứ truyền giáo có một Học viện tại  thủ đô Công giáo , để các chủng sinh và linh mục được huấn luyện tại chính trung tâm Giáo hội. Chúng tôi đã tường thuật hai biến cố quan trọng này của Giáo hội bạn tại Á Châu.

 Trong bài nói chuyện nầy, chúng tôi xin trình bày một biến cố khác cũng của một Giáo hội bạn ở Á châu. Ðó là Buổi tiếp ÐTC dành cho các Giám mục Nhật đến Roma, hôm  sáng thứ bẩy 31.3.2001. Các Giám mục Nhật đến viếng thăm Tòa Thánh năm 1995. Ðáng lẽ các ngài phải đến Roma năm 2000, nhưng trong Năm Thánh, các chuyến viếng thăm "tòa thánh" của các Giám mục các nước đều bị hoãn lại.

Trong buổi tiếp kiến thứ bẩy vừa qua, Ðức Cha Francis Xavier Kaname Shimamoto, TGM giáo phận Nagasaki , chủ tịch HÐGM Nhật, tường trình lên ÐTC  tình hình chung của Giáo hội tại Nhật và những hoạt động của HÐGM trong thời gian 5 năm . Sau đó, ÐTC đọc diễn văn dài bằng tiếng Anh, trong đó ngài nhấn mạnh điểm rất quan trọng sau đây : " Những liên hệ chặt chẽ giữa tôn giáo, văn hóa và xã hội gây nên nhiều khó khăn,  cách riêng đối với các tín đồ của các tôn giáo lớn của Á Châu, trong việc cởi mở đón nhận mầu nhiệm Nhập Thể. Thách đố này ở tại việc trình bày khuôn mặt " Á Châu " của Chúa Kitô trong một thể thức hoàn toàn phù hợp với truyền thống thần học , triết học và mầu nhiệm của Giáo hội . Việc hội nhập Ðức tin vào nền văn hóa địa phương rất cần thiết trong bối cảnh của xã hội Nhật. Công việc này  không thể là thành quả của một chương trình  hay một lý thuyết được phác họa trước , nhưng phải phát xuất bởi kinh nghiệm sống động ( về đức tin, về tôn giáo ) của tất cả Dân Chúa trong việc đối thoại liên lỉ về ơn cứu rỗi với xã hội, nơi họ đang sống. Trong việc hướng dẫn cuộc đối thoại này , các Vị chủ chăn của Giáo hội tại Á Châu có một bổn phận tế nhị, khó khăn và quan trọng phải chu toàn . Bổn phận này đã được Khóa họp riêng của THÐGM về Á Châu bàn thảo lâu dài , bằng việc đưa ra những đường hướng mà tôi đã ghi lại trong Tông huấn " Eccelsia in Asia ".

Ngoài việc đối thoại như dụng cụ của công việc truyền giáo tại Á châu, còn phải trình bày Chúa Giêsu Kitô như thế nào ? " Công việc trình này - lời ÐTC -  đòi một cố gắng bền bỉ và liên tiếp để giải thích rõ ràng bằng những từ ngữ dễ hiểu cho mọi người các chân lý của đức tin, theo sự nhậy cảm và tâm trạng Á Châu... Tin Mừng  của Tình yêu Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô là Tin mừng cho mọi người, bởi vì nó liên hệ đến ý nghĩa cuộc đời và số phận con người ", như Công đồng Vatican II đã giải thích : " Trong thực tế, chỉ nơi Mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể, mới tìm thấy ánh sáng thực về mầu nhiệm con người " ( Gaudium et Spes, số 22 ).

Vì thế, ÐTC nhấn mạnh : Giáo hội có bổn phận nhắc lại cho con người điều  thiết yếu như : chân lý, lòng nhân hậu, đức công bình, việc tôn trọng mọi người. Việc trình bày thực tại này là một hình thức căn bản của tình liên đới đối với mọi người, không trừ ai. Rao giảng điều này cho xã hội là hình thức tuyệt hảo của đức ái.

Sau đó, ÐTC nhắc lại Ðại Toàn xá của Năm 2000 bằng việc cảm tạ Chúa về biết bao ơn thánh Ngài ban cho Giáo hội. Cùng với các Giám mục Nhật, ÐTC cảm tạ Chúa về đức tin Kitô đã được rao giảng và phát triển tại Quê hương các ngài , từ lúc Thánh Phanxicô Xaviê đặt chân lên Ðất này. ÐTC nhắc đến sự can đảm và lòng  trung thành với đức tin của các Vị Tử đạo Nhật trong những thế kỷ đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng tại đây. Chứng tá anh hùng của các tín hữu Nhật không những là vinh quang của Giáo hội Nhật, nhưng còn vạch ra con đường của ơn gọi hiện nay và tương lai và của việc dấn thân của các tín hữu Nhật nữa.

Về tự do tôn giáo tại Nhật hiện nay không còn là vấn đề phải quan tâm; những cuộc bách hại thuộc về dĩ vãng.  Giáo hội công giáo tại đây , tuy thuộc thiểu số rất bé nhỏ, được tôn trọng. Nhưng ÐTC nói đến những áp lực khác, gây rối loạn đức tin và thách đố Thừa tác vụ của Giám mục, tức là nền thịnh vượng vật chất : một sự kiện gây nên nhiều vấn đề, tại Nhật cũng như tại các quốc gia kỹ nghệ. Trong khi một số người hưởng thụ dư dật những thành quả của phát triển kinh tế, người khác ( đa số ) bị loại ngoài lề xã hội và nhiều lúc sống trong cảnh  nghèo nàn không xứng đáng phẩm giá con người. Ðể dối phó với những thách đố của xã hội tiêu thụ và những tai họa, bất công, tội ác...gây nên bởi  xã hội chạy theo tiền tài  , coi rẻ con người, , ÐTC chỉ vẽ con đường : " một đức ái mục vụ đích thực thúc đẩy các Ðức Cha  thu lượm mọi nghị lực của các cộng đồng được phú thác cho mục vụ các Ðức Cha, trong nỗ lực lớn lao và quảng đại đem Tin Mừng để gây ảnh hưởng cách hữu hình hơn và hiệu nghiệm hơn trên thực tại trong đó các Ðức Cha đang sống và hoạt động ". 

Ðể thành công trong thừa tác vụ thiêng liêng, ÐTC nhấn mạnh đến điều kiện  "tiên quyết", đó là : sự thánh thiện đời sống . Ngài quả quyết : " Mục đích của tất cả chương trình và hoạt động mục vụ là sự thánh thiện " theo giáo huấn của Tám mối Phúc Thật ", ( Novo Millennio ineunte, số 31 ).

ÐTC giải thích thêm : Ơn gọi nên thánh áp dụng cách đặc biệt cho  các Giám mục, các linh mục và Tu sĩ nam nữ; nhưng theo Ðoạn 5 của Hiến chế Lumen gentium, đây là ơn gọi chung cho mọi tín hữu. Những ai đã lãnh Bí tích Rửa tội được mời gọi tiến đến sự thánh thiện của Thiên Chúa và vì thế là một điều trái với ý nghĩa, nếu chỉ lo sống bình thường vậy thôi. Theo một ý nghĩa nào đó, sự thánh thiện của các linh mục và của Tu sĩ nam nữ được hiểu như việc phục vụ người giáo dân, bằng việc giúp họ tiến lên cao mãi trên con đường thánh thiện, để họ có thể chu toàn ơn gọi Bí tích Rửa tội của họ.

Nói đến người giáo dân, ÐTC nhắc lại gương anh hùng của biết bao giáo dân Nhật trong thời kỳ bách hại và trong những thời kỳ khó khăn, không có linh mục, chính người giáo dân đã thông truyền đức tin cho các thế hệ sau này. ÐTC quả quyết : " Các vị chủ chăn thánh thiện sẽ sản xuất giáo dân thánh thiện, và từ giáo dân thánh thiện này sẽ phát xuất nhiều ơn gọi linh mục và đời sống tận hiến: những ơn gọi mà Giáo hội đang cần đến bất cứ thời đại nào, hay nơi nào ".

ÐTC nhắc lại một trong các điểm quan trọng của chương trình mục vụ của HÐGM Nhật là " giúp đỡ các cộng đồng giáo hội tại Nhật trở nên " những trường học đích thực của cầu nguyện ". Việc cầu nguyện không những là sức mạnh của đời sống , nhưng còn là nguồn mạch của việc rao giảng Tin Mừng . Việc tái rao giảng Tin Mừng sẽ phát xuất bởi nhiệt độ mới và mạnh mẽ của cầu nguyện và suy ngắm ". ÐTC giải thích thêm việc tái rao giảng Tin Mừng tại Nhật là gì ? Có nghĩa là " một sự cởi mở được cân nhắc , nhưng quảng đại đối với các cộng đồng và các phong trào mà Chúa Thánh Thần đang làm nẩy sinh trong Giáo hội, như thành quả của Công đồng chung Vatican II. Trong các cộng đồng và phong trào này có rất nhiều thành viên sốt sắng , có một đời sống thân mật với Chúa Kitô, có thể trở nên những nhà truyền giáo nhiệt thành của Ngàn năm mới. Nhưng dĩ nhiên họ phải hoạt động  trong hiệp nhất với các giám mục và các linh mục và trong sự hòa hợp hoàn toàn về mục vụ với Giáo hội địa phương.

Trong phần kết thúc, ÐTC quả quyết : công việc truyền giáo của Thánh Phanxicô Xaviê và các nhà truyền giáo đầu tiên đã đem lại thành quả tốt đẹp trong quá khứ, sẽ tiếp tục đem lại hoa trái dồi dào, bao lâu việc kính nhớ các Ngài vẫn tồn tại. Chứng tá của các Vị Tử đạo Nhật sẽ không ngừng  biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang chiếu dọi trên khuôn mặt của Chúa Kitô . Lòng trung thành  anh hùng của các tín hữu Kitô Nhật đã gìn giữ " lén lút"  đức tin qua các thế kỷ, dù bị bách hại và thiếu linh mục, chắc chắn là một bảo đảm về sự kiện này là cuộc gặp gỡ giữa đức tin và văn hóa Nhật có thể xẩy đến ở mức độ sâu xa hơn của tâm trí người dân Nhật".

(Msgr. Peter Nguyen Van 
Radio Veritas Asia, Philippines)


Back to Radio Veritas Asia Home Page