Nhìn lại biến cố ngày 13/05/1981:

ÐTC Gioan Phaolô II bị mưu sát

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Nhìn lại biến cố xảy ra ngày 13/05/1981, vụ mưu sát Ðức Gioan Phaolô II, cách đây đúng 20 năm.

Ngày 13.5.1981, cách đây 20 năm, ÐTC Gioan Phaolô II bị mưu sát, sự việc xẩy ra tại Quảng trường Thánh Phêrô. Toàn Giáo hội công giáo cảm  tạ Chúa, vì nhờ sự che chở của Ðức Mẹ Fatima, đã cứu sống ngài trong vự mưu sát và gìn giữ cho tới lúc này. Trong bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin thuật lại chi tiết của biến cố lịch sử khủng khiếp xẩy ra cách đây đúng 20 năm.

- ÐTC bị bắn vào lúc 17g19 ngày 13.5.1981, ngày Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima lần thứ nhất: 13.5.1917.

Hôm đó là ngày 13.5.1981, các đoàn hành hương tuốn đến Quảng trường Thánh Phêrô để dự buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư trong tuần. Ðúng 17 giờ, chiếc xe jeep  trắng chở ÐTC từ trong Vatican, vượt qua Cổng kế bên Tháp chuông Ðền thờ Thánh Phêrô, từ từ tiến vào Quảng trường,  theo  các lối đi trong Quảng trường, được ngăn ra bằng các hàng rào gỗ. Ðức Gioan Phaolô II  giơ tay chào dân chúng và ôm hôn các em nhỏ, do các bà mẹ đưa lên cho ngài. Lúc 17g19, ÐTC vừa trao trả một em bé một tuổi rưỡi cho mẹ em ---- em nhỏ này năm nay đã gần 22 tuổi và ngày 13.5.2001 vừa qua, trong buổi truyền hình nhắc lại biến cố này, cô được mời nói chuyện. Và cô cho biết: hằng năm vào ngày 13.5, cô vẫn nhớ cầu nguyện và gửi thư chúc mừng ÐTC.

Ngay lúc đó, từ giữa đám đông, cách ÐTC khoảng 3 thước, anh Ali Agca, một thanh niên người Thổ nhĩ kỳ, đã bắn hai phát vào ÐTC. Phát thứ nhất, trúng vào nơi bụng. Phát thứ hai, trượt qua tay trái, gây thương tích một ngón tay,  và gây thương tích cho hai người hành hương người Hoa kỳ: bà Rose Hall và bà Ann Oire. Hai phụ nữ nầy được chở ngay vào bệnh viện "Chúa Thánh Thần"  kế bên Vatican. Còn ÐTC ngã gục trên ghế xe jeep, được Ðức Ông Stanislaw Dziwisz, thư ký riêng đỡ. Lúc ÐTC bị bắn, chỉ ít người đứng bên cạnh biết mà thôi. Các nhân viên an ninh và Ðức Ông thư ký nhận thấy ngay rằng: ÐTC bị thương nặng. Chiếc xe jeep  chạy nhanh hết sức vào Vatican, để chuyển ÐTC sang xe cứu thương, cấp tốc chạy thẳng về phía bệnh viện Bách Khoa Gemelli, cách Vatican khoảng 4 cây số.

Hằng ngày, từ Vatican đến Bệnh viện, với đường phố bị kẹt xe như Roma, phải mất khoảng nửa giờ. Nhưng hôm đo,ù xe cứu thương chỉ chạy trong  8 phút. Các đường phố Roma vắng vẻ "cách khác thường". Tại Gemelli mọi sự đã sẵn sàng để cấp cứu. Ngay lúc khám nghiệm đầu tiên, các bác sĩ xác nhận thấy sự trầm trọng  của vết thương. Áp huyết mỗi phút mỗi giảm. Các bác sĩ nghĩ rằng: rất có thể Bệnh Nhân không cầm cự lâu được. Cần phải giải phẫu cấp tốc. Giáo sư Francesco Crucitti, một trong ba bác sĩ trưởng của Phòng giải phẫu, được trao trách nhiệm điều khiển "équipe" giải phẫu. Trước đó, ông vừa giải phẫu xong một bệnh nhân tại một bệnh viện tư trên đường Aurelia. Ðược gọi tới gấp, Ông lên xe chạy thẳng tới bệnh viện Gemelli (không xa bệnh viện trên đường Aurelia). Ðể  để tới  bệnh viện Gemelli nhanh chóng hết sức, có lúc ông đã chạy xe ngược chiều;  nhưng may mắn không gặp cản trở và xẩy ra tai nạn nào. Sau ít phút, ông đã tới bệnh viện Gemelli. Bước vào phòng giải phẫu, Bác sĩ Crucitti nhận thấy  ÐTC đã mất quá nhiều máu. Viên đạn đã đâm thủng nhiều vết nơi ruột non. Cuộc giải phẩu kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ.

Vào lúc 20 giờ, Thông cáo đầu tiên của Bệnh viện Gemelli loan báo: Các bác sĩ hiện đang làm việc hết sức mình và ÐTC đang phải chiến đấu giữa sự sống và sự chết. Lúc 0:45 (sau nửa đêm) Thông cáo thứ hai loan tin: Cuộc giải phẫu đã thành công và tình trạng của Bệnh nhân được coi là "tốt". Nhưng các bác sĩ còn rất dè dặt.

Sau hơn 7 tiếng đồng hồ, kể từ lúc Ali Agça xả súng vào ÐTC, tin về vụ mưu sát được loan đi cả thế giới. Ðài truyền hình và phát thanh theo dõi 24 trên 24 tiến đồng hồ tin tức của vụ mưu sát và những diễn tiến sau cuộc giải phẫu. Các nhật báo xuất bản cho sáng hôm sau cũng chậm lại, chờ tin giờ chót về tình trạng  sức khỏe của ÐTC.

Ngay đêm 13.5.1981, tại Quảng trường Thánh Phêrô, nơi xẩy ra vụ mưu sát, từng ngàn người tuốn đến để cầu nguyện cho ÐTC. Buổi cầu nguyện do Giáo phận Roma tổ chức và chính ÐHY Tổng đại diện chủ tọa. Ngoài ra trong các ngày tiếp sau vụ mưu sát, tại nhiều nơi, có nhiều đoàn thể tụ họp nhau đọc kinh Mân côi, như Ðức Mẹ Fatima  nhắn nhủ, để cầu nguyện cho ÐTC. Trong buổi cầu nguyện, nhóm hành hương Ba lan, mang theo bức ảnh Ðức Mẹ được tôn kính tại Ðền Thánh  Czestochowa  (bên Ba lan), đề nghị đặt ảnh này trên ghế "trống", nơi ÐTC vẫn ngồi, lúc đọc diễn văn cho các doàn hành hương. Ðột nhiên cơn gió thổi mạnh, lật bức ảnh ra mặt sau,  nhờ vậy, mọi người đọc được hàng chữ viết nơi mặt lưng bức Ảnh, như  thể một lời tiên tri: "Lạy Mẹ Maria, xin che chở ÐTC khỏi mọi sự dữ".

Tình trạng sức khỏe của ÐTC  tiến triển nhanh chóng và tốt đẹp  sau cuộc giải phẫu. Sau một tuần điều trị tại Bệnh viện, những hình ảnh đầu tiên được phổ biến trên báo chí và đài truyền hình. Các bác sĩ đều công nhận: cuộc giải phẫu khó khăn và lâu dài, sức mạnh tinh thần của ÐTC đã giúp ngài lướt thắng cơn thử thách trầm trọng. Các bác sĩ luôn nhấn mạnh đến những điểm "may mắn" của biến cố: Viên đạn thấu qua rất gần trái tim. Nếu viên đạn này trúng  vào trái tim, chắc chắn ÐTC sẽ chết, vì mất máu trước khi tới Bệnh viện. Viên đạn này cũng xuyên qua gần xương sống, chỉ cách vài li. Trong trường họp đụng đến xương sống, ÐTC  có thể bị tê bại suốt đời, nếu sống. Chính ÐTC cũng đã bắt đầu nghĩ đến việc được cứu sống cách lạ lùng.

Sau sáu ngày trong phòng hô hấp, ÐTC được chuyển lên lầu 10 của Bệnh viện Gemelli. Ngoài hai phòng nghỉ và một phòng khác, còn có  một phòng rộng dành riêng cho các bác sĩ hội họp thường xuyên để theo dõi diễn tiến, sau cuộc giải phẫu.

- 10 ngày sau, tức ngày 23 tháng 5/1981, ÐTC đã khá hơn nhiều và bắt đầu nghĩ đến việc xin các bác sĩ cho ra khỏi bệnh viện. Một yêu cầu không phải không có lý do. Chính ngày 23 tháng 5/1981, một thông cáo của Bệnh viện chính thức loan báo: ÐTC đã ra khỏi tình trạng nguy hiểm. Nhưng chiều hôm đó, ÐTC bị sốt. Trong lúc vết thương nơi bụng đã liền, tình trạng chung lại trở nên trầm trọng. Dù vậy ngày mồng 3 tháng 6/1981 ngài được các bác sĩ cho về Vatican, vì ngài muốn chủ tế thánh lễ kỷ niệm hai Công đồng Constantinopoli I (381) và Ephêsô (431). Nhưng ngày mồng 6 tháng 6/1981 ngài chỉ có thể xuất hiện ít phút trên Bao Lơn Mặt Tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô mà thôi. Rồi ngày hôm sau gửi một sứ điệp đã được ghi sẵn. Ngài còn yếu nhiều. Và lần này, các bác sĩ không biết phải làm cách nào để chữa ngài. Ngày 20 tháng 6/1981, ÐTC trở lại Gemelli, để khám nghiệm. Sau cùng các bác sĩ khám phá ra căn cớ. ÐTC bị nhiễm trùng vi khuẩn "Cytomegalovirus", do việc chuyển máu liên tiếp, sau khi giải phẫu. Các bác sĩ tìm cách điều trị. Và ÐTC lấy lại sức khỏe cách nhanh chóng.

Trong tháng điều trị đầu tiên tại Bệnh viện, đã nhiều lần ÐTC nghĩ đến và cầu xin Ðức Trinh Nữ Maria.  Thực sự ngài vẫn tín chắc chắn là Ðức Mẹ đã che chở cách riêng. Trong nhiều dịp, ngài thường nhắc lại lời này: "Một bàn tay nhằm bắn, một bàn tay khác làm lạc hướng đi của viên đạn". 5 ngày sau vụ mưu sát, trong giờ đọc Kinh Truyền tin được ghi trước tại Bệnh viện, ÐTC phú thác nhân loại cho Trái Tim cực sạch Ðức Mẹ Maria. Ngày mồng 7 tháng Sáu 1981, ngài còn nhắc lại việc phú thác này cách long trọng hơn bằng một  sứ điệp ghi sẵn, được phổ biến trong giờ hát Kinh Chiều trong Ðền thờ Ðức Bà Cả, mừng kỷ niệm hai Công đồng.

Tháng 7/1981, từ Bệnh viện Gemelli, ÐTC cho ghi một sứ điệp khác gửi cho Ðại Hội Quốc tế tại Lộ Ðức (bên Pháp), mà ngài không thể chủ tọa được. Một lần nữa, ÐTC nói lên tâm tình biết ơn đối với việc  can thiệp vô hình của Mẹ Trên Trời.


Back to Radio Veritas Asia Home Page