Nhìn lại 20 năm sau

ngày ÐTC Gioan Phaolô II bị ám sát

(13/05/1981-2001)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cách đây 20 năm, vào ngày 13/05/1981, ÐTC Gioan Phaolô II bị ám sát (13.5.1981 - 13.5.2001), nhìn lại dư luận báo chí Liên xô đối với  việc Ðức Karol Wojtyla, Hồng Y TGM giáo phận Cracovia,  Ba lan, được bầu làm Giáo Hoàng ngày 16.10.1978.

Vụ mưu sát Ðức Gioan Phaolô II xẩy ra tại Quảng trường Thánh Phêrô lúc 17giờ, 17 phút ngày 13.5.1981, cách đây đúng 20 năm, nhật báo công giáo Ý "Tương Lai"  số ra ngày 12.5.2001 và 13.5.2001, đã dành nhiều bài về biến cố lịch sử khủng khiếp này. Chúng tôi gọi là biến cố khủng khiếp, bởi vì trong lịch sử Giáo hội công giáo chưa có bao giờ xẩy ra như vậy. Hơn nữa biến cố này  xem ra như đã được loan báo trước,  lúc Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra với ba em mục đồng Lucia, Phanxicô và Giaxinta tại Fatima, năm 1917 (từ 13.5 đến 13.10) (bí mật thứ ba của Fatima).

Chúng ta nhớ lại rằng: vào Tháng 10 năm 1917, cuộc cách mạng vô sản bùng nổ tại Liên xô. Từ đó chủ nghĩa cộng sản vô thần lan tràn khắp thế giới, bách hại dữ dội Giáo hội và các tín hữu Kitô, kéo dài hơn nửa thế kỷ và chỉ sụp đổ vào cuối năm 1989 tại các nước Trung-Ðông-Âu; nhưng vẫn còn sống sót tại vài nước Á châu và một quốc gia tại Châu Mỹ Latinh.

Nhân dịp này, 20 năm sau ngày ÐTC Gioan Phaolô II bị  mưu sát, Ðài Truyền hình Ý nhắc lại biến cố lịch sử này với những hình ảnh thê thảm của ngày 13.5.1981 và dành  một buổi truyền hình đặc biệt  về biến cố Fatima. Vụ mưu sát ÐTC  còn rất nhiều bí ẩn. Cho tới lúc này, sau 20 năm,  các vị có trách nhiệm điều tra vẫn chưa khám phá ra "thủ phạm chính". Nhật báo "Tương Lai" trong số ra ngày 12.5.2001, đã bình luận về thái độ của Báo chí Liên xô đối với việc Ðức Karol Wojtyla, TGM Giáo phận Cracovia, bên Ba lan, một quốc gia cộng sản trong khối Liên xô, được bầu làm Giáo Hoàng ngày 16.10.1978.

Lúc đó, Báo chí Liên xô được chia thành ba loại: Các báo và các hãng thông tấn có tính cách quốc tế, xét chung có thái độ tích cực. Trái lại các báo chí nhằm tuyên truyền trong nước, lại có thái độ tiêu cực. Sau cùng các báo chí xuất bản tại các miền khác nhau và bằng các tiếng nói khác nhau, nhất là tại các miền có nhiều người công giáo, thì có thái độ hoàn toàn chống đối, thậm chí đi đến những lăng mạ nặng nề.

Trong bài bình luận trên tờ "Tương Lai",  ký giả Giovanni Bensi đặt câu hỏi: Báo chí Liên xô có thái độ nào trong những năm tiếp sau việc bầu Ðức Karol Wojtyla làm Giáo Hoàng?  Và tác giả đã trả lời như sau: Phản ứng báo chí của Moscowa rất khác nhau, tùy  theo mục tiêu  mà Chế độ Liên Xô lúc đó nhằm đến, trong việc tuyên truyền. Ðại khái được phân chia làm ba loại: Nơi các nhật báo lớn như Pravda và Izvestija và các hãng thông tấn có tính cách quốc tế như Tass va Novosti, thì thái độ đối với Vị Giáo Hoàng người Ba lan, được coi là tích cực. Thực sự đây là những năm Liên xô đang tìm củng cố ảnh hưởng quốc tế của mình,  qua "kế hoạch chung sống hòa bình và  đối thoại".

Sau khi Ðức Karol Wojtyla được bầu làm Giáo Hoàng, một trong các bài bình luận đầu tiên của Hãng thông tấn Novosti, ngày 9.11.1978, do ông Vladimir Nakarjakov viết ra,  đã nhận định về  Vị Giáo Hoàng mới là "con người học thức rộng và có những cái nhìn xa", đồng thời ông hy vọng: vị Lãnh đạo Giáo hội công giáo sẽ góp công vào việc củng cố cuộc chung sống hòa bình giữa các quốc gia theo các chế độ chính trị, kinh tế và xã hội khác nhau.

Nhưng thực ra, cuộc chung sống hòa bình và đối thoại chỉ là một trong các chiêu bài tuyên truyền của chế độ. Vì thế, các phương tiện truyền thông xã hội  nhằm đến việc tuyên truyền nội bộ,  thì lại có một thái độ thực sự rất tiêu cực đối với Vị Giáo Hoàng BaLan vừa mới được chọn lên ngai tòa Thánh Phêrô ở Roma. Ông Jurij Germoljuk, một ký giả của chế độ, trong bài bình luận trên đài  phát thanh Minsk (nay thuộc cộng hòa Belarus) ngày 31.5.1980, đã nhận xét rằng: "Vị Giáo Hoàng người Ba lan có một thái độ "gay gắt" đối với quan niệm khoa học về thế giới, và là một "người vô địch của việc chống đối Chủ nghĩa xã hội". Giáo sư Josif Grigulevich, thành viên của Hàn Lâm viện Khoa học, trên tờ Pravda Ukrainy, số ra ngày 20.5.1980, đã chỉ trích Ðức Gioan Phaolô II, với lời quả quyết như sau: "Muốn tìm kiếm trong những lời tuyên bố của Vị Giáo Hoàng người Ba lan việc lên án những khát vọng quân phiệt  và xâm lăng của Hoa kỳ, quả là điều vô ích".

Sau cùng báo chí nhằm tuyên truyền trong các miền khác nhau thuộc Liên xô, cách riêng tại các nơi có đa số người công giáo,  và nói các thứ tiếng khác nhau (Nga, Belarus, Urkraine, Lituani ...) có một thái độ tuyệt  đối tiêu cực đối với Ðức Karol Wojtyla. Một thí dụ cụ thể: Nguyệt san văn hóa Polymja (ngọn lửa) bằng tiếng Belarus, số tháng 3 năm 1981, trong một bài dài 29 trang, do ông Ales’Bazhko ký tên, tố cáo, lăng mạ đủ thứ, kịch liệt chống lại Ðức Gioan Phaolô II và Giáo hội công giáo. Bài báo viết: "Trong lúc có chiến tranh, vị Giáo Hoàng  kia đã là người tiên phong trong các người rao giảng đường lối chính trị của Vatican, nhằm phục vụ chế độ Phát xít Pio XII. Sau chiến tranh, Karol Wojtyla chiến đấu chống lại những người đã giải phóng Ba lan khỏi quân đội Quốc xã xâm chiếm, rồi cộng tác với hai nhân viên của CIA    là người hùa theo bọn quân phiệt Mỹ, gây rối loạn tại Ba lan, nhằm ủng hộ những đồng lõa của mình ở bên kia Ðại dương".

Chưa đủ, nguyệt san này còn đưa ra những lời vu khống bỉ ổi, như Karol Wojtyla là con người ti tiện, xấu xa, không tín nhiệm được và lạc hậu...

Thậm chí nhật báo Pravda, số ra ngày 3.7.1982, đã chóng quên đi sự dè dặt buổi đầu của mình, đã dám viết như sau: "Vụ nổi dậy tại Ba lan tháng 8 năm 1980" không thể có được, nếu không có sự hiện diện của một người Ba lan trên Tòa Giáo Hoàng".

Nhật báo "Tương lai" kết luận như sau: "20 năm, kể từ vụ mưu sát ngày 13.5.1981, chúng ta chưa biết chắc chắn liệu các lãnh tụ Liên xô thực sự có tìm cách sát hại ÐTC không; nhưng căn cứ vào những phê phán gắt gao, những lăng mạ nặng nề trên báo chí, chúng ta không thể không quả quyết rằng: các vị này không thể không nghĩ đến việc thủ tiêu ngài".


Back to Radio Veritas Asia Home Page