Ðiểm Báo ngày 26/09/2001

về chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II

tại Armenia

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðiểm báo ngày 26.9.2001 về Chuyến viếng thăm của ÐTC tại Armenie.

Nhật báo "Quan Sát Viên Roma" (L' Osservatore Romano) số ra ngày 26.9.2001, chạy tựa lớn trên trang nhất như sau: "Ðức Gioan Phaolô II tại Armenie, quốc gia Kitô đầu tiên". Bên cạnh tựa lớn, nhật báo đề thêm lời giải thích như sau: "Những bước đi hòa bình của Vị Kế nghiệp thánh Phêrô: từ Kazakhstan, miền đất giáp giới và của các cuộc gặp gỡ, đến Armenie, quốc gia mừng kỷ niệm 1,700 năm  Kitô giáo được công bố làm tôn giáo chính thức".

Bên dưới tựa lớn, tờ báo đăng hai bức hình của ÐTC, một hình ÐTC được Tổng thống cộng hòa Armenie đón chào và hình kia, ÐTC hôn Ðất Armenie. Bên cạnh hai hình này, nhật báo viết: "Từ giã Astana, thủ đô Kazakhstan, ÐTC nhắc những anh chị em Kazakhstan rằng: "Quốc gia của anh chị em có một ơn gọi đặc biệt: làm chiếc cầu giữa Châu Âu và Châu Á. Ước gì ơn gọi này trở thành một sự quyết chọn của anh chị em, trên bình diện dân sự và tôn giáo. Ước gì  anh chị em trở nên một chiếc cầu gồm những con người biết ôm hôn người khác, những con người đem đến sự sung mãn của đời sống và của hy vọng". Ðến sân bay Yerevan của Armenie, ÐTC nói: "Lịch Sử của Giáo hội hoàn cầu sẽ xác nhận luôn luôn rằng:  người dân Armenie đã là những người đầu tiên, như một dân tộc,  đón nhận ơn thánh và chân lý Phúc Âm... Thực sự, cuộc tử đạo đã là nhãn hiệu riêng biệt của Giáo hội và dân tộc Armenie".

Giữa trang nhất, bào "Quan Sát Viên Roma" đăng hình ÐTC đến cầu nguyện, sau lễ nghi đón tiếp tại sân bay, trong Ðền thờ chính tòa ở Ðiện Etchmiadzin. ÐTC đã nói như sau: "Hết sức cảm phục trước ơn ban của Phép Rửa tôi của dân tộc anh chị em, tôi quì gối và tôn kính Ðền thờ này, biểu hiệu của Quốc gia, một quốc gia ngay từ đầu, theo chiêm bao của Thánh Gregorio, tông đồ của dân tộc,  mang trên các cột của mình dấu vết của cuộc tử đạo...". Và ÐTC dâng lời cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, xin làm cho chúng con xứng đáng ơn thánh của những ngày này. Xin đón nhận lời cầu nguyện chung của chúng con; xin nhận lấy lòng biết ơn của toàn Giáo hội về đức tin của dân tộc Armenie. Xin hướng dẫn chúng con bằng những lời nói và những cử chỉ, biểu lộ tình yêu thương của người anh em đối với người anh em. Chúng con xin ơn này nhờ lời bầu cử của Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương của Armenie và lời bầu cử của Thánh Gregorio, Ðấng đã được Ngôi Lời hiện ra tại đây,  trong hình thức ánh sáng  chan hòa".

Và Các báo quốc tế khác vẫn còn quan tâm  theo dõi chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Kazakhstan và Armenie.

Tờ "Thập Tự" (La Croix) nhật báo công giáo Pháp, số ra ngày 24.9.2001, viết trong bài xã thuyết với tựa đề như sau: "Sự độc dữ của con người" nhắc lại cho chúng ta thấy sự khủng khiếp như thế nào và cuộc tử đạo áp đặt bởi người khác, đã luôn là thành phần của lịch sử các tín hữu Kitô. Nhưng chính lịch sử này làm cho chúng ta chắc chắn rằng không phải Thiên Chúa là tác giả các tội ác đã phạm, nhưng do loài người, nại lý do nhân danh Người. Tại Kazakhstan, ÐTC đã đoàn kết các tín hữu Kitô và Hồi giáo trong lời cầu nguyện, để tưởng niệm các nạn nhân của chế độ độc tài. Ngài  đã yêu đừng bao giờ dùng tôn giáo, như lý do của tranh chấp. Tại Kazakhstan Ðức Gioan Phaolô II đã khẩn xin hòa bình trong diễn văn từ giã tại sân bay Astana.

Nhật báo "Thế Giới" (El Mundo) của Tây ban nha cũng số ra ngày 24.9.2001, viết như sau: "Liều thuốc thơm của giới trẻ tặng ÐTC". Với tít này, đặc phái viên nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và giới trẻ tại Ðại học Âu-Á (Eurasia)  ở thủ đô  Astana: "Xem ra ÐTC là một con người khác hẳn. Thực ra không phải là con nguời mệt nhọc, lo lắng, yếu ớt nữa .... Lý do ? Có thể vì Ðức Gioan Phaolô II tiếp xúc với giới trẻ".

Tờ "Moscowa Thời Báo" (The Moscow  Times) xuất bản tại Moscowa  số ra ngày 25.9.2001, viết như sau: ÐTC khuyên các linh mục và tu sĩ xây dựng lại Giáo hội tại Châu Á, nhưng không nhằm chiêu mộ tín đồ, trong những miền đất nơi có nhiều tín ngưỡng khác nhau. Tờ báo Nga cũng nhắc đến cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Giới Văn hóa, Nghệ thuật và Khoa học và nhấn mạnh đến lời khuyên của ÐTC " chấm dứt những vụ bạo động vi phạm nhân danh tôn giáo".

Tờ "Báo Miền Nam Ðức" (Sueddeutsche Zeitung),  nhật báo của Ðức, số ra ngày 25.9.2001, đề tựa cho bài tường thuật và bình luận như sau: "Lên án thuyết tiêu thụ". Sau khi lên án mọi hình thức cuồng tín tôn giáo, biến thành khủng bố, bạo động, ÐTC giải thích: Giáo hội công giáo phân biệt rõ ràng giữa Hồi giáo đích thực và chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo. Rồi ngài xin người dân Kazakhstan đề phòng khỏi nếp sống của Tây phương, vì kiểu mẫu của nền văn hóa này hấp dẫn qua kỹ thuật tinh vi, nhưng gây nên sự nghèo nàn dần  dần về luân lý và thiêng liêng. Nhật báo viết thêm như sau: Cả trong nhà thờ chính tòa Astana, ÐTC cũng lên án thuyết tiêu thụ thống trị tại Tây phương.

Tờ "Tương Lai" (Avvenire) nhật báo công giáo Ý, số ra ngày 26.9.2001,  dành trang 2 và trang 3 để thuật lại với nhiều bài khác nhau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Armenie, chặng thứ hai của cuộc hành hương tại miền Trung Châu Á.

Nơi trang 2 có tựa lớn như sau: "Ðâu có Thánh giá ở đấy chúng ta hiệp nhất với nhau".  Ðây là lần thứ nhất một Vị Giáo Hoàng đến Armenie. Ðây cũng là lần thứ nhất, Ðức Karol Wojtyla được tiếp đón tại một tòa giáo chủ hay nói đúng hơn tại Ngai Tòa của một vị giám mục không công giáo: Tòa nhà của Ðức Karekin đệ nhị, được gọi là "Vatican nhỏ bé" của các người Armenie. Năm nay 2001 dân tộc Armenie mừng kỷ niệm 1,700 năm trung thành với Phúc Âm. ÐTC đã nói: "Với lòng cảm phục, tôi quì gối trước ơn ban trọng đại này từ trên trời".

Cũng nên nhắc lại: từ trước tới giờ, ÐTC vẫn được tiếp đón tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Nếu không có Tòa Sứ Thần, ÐTC được tiếp đón tại Tòa Giám mục công giáo, không bao giờ tại một khách sạn.

Giữa trang hai, tờ báo công giáo Ý đăng hình ÐTC và Ðức Karekin trước bàn thờ trong Nhà thờ chính tòa tại Etchmiadzin. Dưới hình này, có lời đề tựa lớn như sau: "Hai Giáo hội mỗi ngày mỗi gần nhau hơn" - Vụ động đất năm 1988 đã biến đổi mối quan hệ  thành thân thiện hơn. Trong diễn văn chào mừng Ðức Gioan Phaolô II tại sân bay, Ðức Giáo chủ Karekin nhắc lại mối quan tâm của ÐTC đới với tai họa này. Ðức Karekin đệ Nhị đã nòi như sau: "Năm 1988, Ðất nước bị một vụ động đất kinh khủng, ÐTC đã gần gũi chúng tôi trong an vui cũng như trong đau khổ".

Giữa trang ba, báo "Tương Lai"  đăng hình lớn ÐTC và Ðức Giáo chủ ôm hôn nhau và một hình nhỏ Tổng thống đón tiếp ÐTC tại sân bay, với tựa lớn: "ÐTC nói: Ðây là những chấp nhận của hòa bình"- Dưới tựa lớn này, có thêm lời giải thích như sau: "Chuyến viếng thăm tại Armenie: cuộc tử đạo là dấu hiệu của Giáo hội của anh chị em". Ðức Gioan Phaolô II đến thủ đô Yerevan được Ðức Giáo Chủ Phổ Quát (Catholicos) Karekin đệ nhị và Tổng thống cộng hòa, ông Kotcharian, đón tiếp. Trong diễn văn chào mừng, ÐTC nhắc đến sự cần thiết lập các mối quan hệ giữa các dân tộc "trong công bình  và trong sự quảng đại từ phía các người hùng mạnh hơn". Trong ngày viếng thăm 26 tháng 9/2001,  ÐTC đến kính viếng đài kỷ niệm các nạn nhân của vụ sát hại dân tộc Armenie.

Bài thứ hai đăng nơi trang ba nhắc đến: "Vụ sát hại đầu tiên của thế kỷ XX". Năm 1915 và 1916 , "một kiểu mẫu " diệt chủng được thực hiện tại đây. Một kinh nghiệm gương mẫu của cuộc chung sống hòa bình đã bị người dân Thỗ nhĩ kỳ quét sạch. Theo sử gia, có tới một phần ba người dân Armenie (hơn một triệu) bị  sát hại, nhưng cũng còn có nhiều nạn nhân khác thuộc thiểu số các tín hữu Kitô.

Bài viết nầy do Cha Findikyan, Giám đốc Chủng viện Armenie di cư tại New York viết: "Chúng ta đừng quên di, để sự khủng khiếp này đừng bao giờ xẩy ra một lần nữa.  Chúng tôi, một dân tộc của Thập Giá, trong cuộc sống di tản,  kính nhớ các nạn nhân này; và việc tưởngniệm nầy đoàn kềt người dân Armenie lại với nhau".

"ÐTC một lần nữa kêu gọi hòa bình": đó là tựa đề  lớn chiếm cả trang 9 của nhật báo "Người Ðưa Tin Roma" (Il Messaggero di Roma) số ra ngày 26.9.2001. Báo này viết: ÐHY Kasper (chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô, trong đoàn tùy tùng của ÐTC, nhắc lại rằng: "Cần phải chặn đứng những tội ác của các người khủng bố". Báo này cũng thuật lại lời Ðức TGM Leonardo Sandri, phụ tá Quốc vụ khanh, cũng thuộc đoàn tùy tùng ÐTC, tuyên bố như sau: "Khủng bố là một nguy hiểm cho mọi người, không phải cho mình Hoa kỳ". Tờ Báo còn nhắc lại lời tuyên bố của ÐHY Lehmann, chủ tịch HÐGM Ðức tuyên bố trong khóa họp Mùa thu của các Giám mục tại Fulda như sau: "Không bạo động nào có thể biện hộ việc báo thù. Việc xử dụng bạo động phải coi như phương  dược sau cùng và khẩn cấp, khi các phương tiện khác không còn hiệu nghiệm gì nữa.... Ðối với Giáo hội công giáo, ÐHY giải thích, việc xử dụng sức mạnh quân sự cùng lắm có thể biện hộ như một hình thức trực tiếp của việc tự vệ chính đáng mà thôi".


Back to Radio Veritas Asia Home Page