Bài Giảng của ÐTC trong Thánh Lễ

Chúa Nhật II Phục Sinh (22/04/2001)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài giảng của ÐTC trong thánh lễ "ChúaNhật II Phục Sinh" (22/04/2001): Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh mạc khải cho chúng ta biết Tình Thương Nhân Từ của Thiên Chúa.

Trong Năm Thánh 2000, ÐTC Gioan Phaolô II đã quyết định thiết lập Chúa Nhật II Phục Sinh  là "Chúa Nhật của Lòng Nhân Từ  Thiên Chúa". (dịch từ nguyên văn tiếng Ý).

"Ðừng sợ! Ta là Ðấng trước hết và sau cùng, là Ðấng hằng sống. Ta đã chết, nhưng giờ đây Ta sống mãi muôn đời" (Kh 1,17- 18).

Chúng ta vừa lắng nghe trong bài đọc thứ hai, trích từ sách Khải Huyền, những lời đầy  an ủi trên đây. Những lời đó mời gọi chúng ta nhìn lên Chúa Kitô, để cảm nghiệm sự hiện diện đầy bảo đảm của Người. Với mỗi người chúng ta, bất luận trong hoàn cảnh  nào, dù phức tạp và bi thảm đến mấy đi nữa, Ðấng Phục Sinh lặp lại với mỗi người chúng ta như sau: "Ðừng sợ! Ta đã chết trên thập giá, nhưng giờ đây Ta sống mãi mãi"; "Ta là Ðấng trước hết và sau cùng, là Ðấng hằng sống".

Ta là Ðấng trước hết, có nghĩa là nguồn mạch của mọi hữu thể, là hoa trái đầu mùa của tạo vật mới. Ta là Ðấng sau cùng, là cùng đích vĩnh viển của lịch sử; Ta là Ðấng hằng sống, là nguồn mạch không bao giờ cạn của sự  Sống, Ðấng đã vĩnh viển chiến thắng sự chết. Nơi Ðấng Thiên Sai chịu đóng đinh và đã sống lại, chúng ta nhận ra những đặc điểm của Con Chiên bị giết hy sinh trên đồi Golgotha, Ðấng khẩn cầu sự tha thứ cho những kẻ giết hại mình và mở lại cửa trời cho những người tội lỗi có lòng ăn năn; Nơi Ðấng chịu đóng đinh và sống lại, chúng ta nhìn thấy dung nhan của vị Vua bất tử,  Ðấng có quyền trên "sự chết và trên các cửa hỏa ngục" ( Kh 1,18).

2. "Hãy chúc tụng Chúa, vì người tốt lành, vì tình thương của Người tồn tại muôn đời" (Tv 117, 1).

Chúng ta hãy lấy làm như  của mình lời tung hô trên của tác giả thánh vịnh, mà chúng ta vừa hát lên trong phần đáp ca: Tình thương Chúa tồn tại muôn đời! Ðể thấu hiểu cho đến tận cùng  sự thật của những lời trên, chúng ta hãy để cho phụng vụ hướng dẩn vào tận trung tâm của biến cố cứu rỗi, biến cố liên kết cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô với cuộc sống chúng ta và với lịch sử nhân loại. Ðiều kỳ diệu của lòng nhân từ đã thay đổi tận căn số phận của nhân loại. Ðây là điều kỳ diệu trong đó được thể hiện trọn vẹn tình thương của Thiên Chúa Cha, Ðấng vì phần rỗi chúng ta, đã không dừng lại trước việc phải hy sinh chính Con Một mình.

Trong Chúa Kitô bị hạ nhục và chịu đau khổ, những kẻ tin và những người không tin, đều có thể chiêm ngắm một tình liên đới đáng phục, một tình liên đới  nối kết Chúa Kitô với thân phận con người chúng ta, một cách tuyệt vời, vượt quá mọi mức độ có thể tưởng nghĩ được. Cả sau biến cố Phục Simnh của Con Thiên Chúa, Thập Giá nói lên, và không ngừng nói  về Thiên Chúa là Cha, Ðấng  tuyệt đối trung thành với tình thương muôn đời của Ngài đối với con nguời.. Tin vào tình thương nầy có nghĩa  là tin vào lòng nhân từ"( Dives in misericordia, số 7).

Chúng ta muốn cảm tạ Chúa vì tình thương của Nguời, một tình thương mạnh hơn sự chết và tội lỗi. Tình thương đó được mạc khải và được thực hiện như  là sự nhân từ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta và mời gọi mỗi người đến phiên mình hãy có lòng nhân từ đối với Ðấng chịu đóng đinh. Thử hỏi,  chính việc yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận và cả yêu thương kẻ thù, theo gương Chúa Giêsu, không phải là chương trình sống của mọi nguời đã chịu bí tích rửa tội  cũng như  của toàn thể giáo hội hay sao?

3. Với những tâm tình trên, chúng ta cử  hành Chúa Nhật II Phục Sinh, Chúa Nhật mà từ năm vừa qua, Năm Ðại Toàn Xá, đã được gọi là "Chúa Nhật của Lòng Nhân Từ Chúa". Ðới với tôi, đây là một niềm vui lớn lao vì có thể kết hiệp với tất cả anh chị em, những nguời hành hương và những tín hữu có lòng mộ mến đối với lòng nhân từ Chúa, đến từ nhiều quốc gia khác nhau, để mừng kỷ niệm một năm, lễ phong thánh cho Nữ Tu Faustina Kowalska, chứng nhân và sứ giả của tình thương nhân từ của Chúa. Việc nâng lên danh dự bàn thờ nữ tu khiêm tốn nầy của quê hương Balan, không chỉ là một món quà cho Ba Lan, mà còn cho tất cả nhân loại. Thật vậy, sứ điệp mà Nữ Tu mang đến cho chúng ta, là lời đáp trả tương xứng và vĩnh viển mà Thiên Chúa muốn cống hiến cho những đòi hỏi và những mong chờ của con nguời thời đại chúng ta, một thời đại bị ghi dấu bởi những thảm kịch to lớn. Một ngày kia, Chúa Giêsu đã nói với Nữ Tu Faustina như sau: "Nhân loại sẽ không gặp được hòa bình, bao lâu chưa tin tưởng chạy đến với lòng nhân từ của Thiên Chúa" (Nhật Ký, trg 132). Thiên Chúa nhân từ! Ðó là món quà phục sinh mà Giáo Hội lảnh nhận từ Chúa Kitô phục sinh và đem ra cống hiến cho nhân loại, vào khởi đầu ngàn năm thứ ba.

4. Bài Phúc âm mà chúng ta vừa đọc lên, giúp chúng ta lảnh hội ý nghĩa và giá trị của hồng ân nầy. Thánh sử Gioan làm cho chúng ta tham dự vào niềm cảm xúc của các tông đồ trong lần gặp gỡ Chúa Kitô sau khi Người đã phục sinh. Chúng ta chú ý đến cử chỉ  của Chúa trao ban cho các môn đệ đang lo sợ và kinh ngạc, sứ mạng trở nên những tác viên của lòng nhân từ  Chúa. Chúa đưa ra đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông như sau: "Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con" ( Gn 20, 21) và liền đó, Chúa "thổi hơi trên các ông và nói: Hãy lảnh nhận Chúa Thánh Thần; chúng con tha tội cho ai thì người đó được tha; chúng con cầm tội ai, thì tội nguời đó bị cầm lại" ( Gn 20, 22- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi", hồng ân phát sinh từ những vết thương của đôi tay đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Từ đó, một làn sóng tình thuơng nhân từ đổ xuống trên toàn thể nhân loại.

Chúng ta hãy sống lại giây phút nầy với lòng đạo đức sâu xa. Ngày hôm nay, cả cho chúng ta nữa, Chúa chỉ cho chúng ta nhìn thấy những vết thương vinh hiển và con tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn ban ánh sáng và sự thật,  ban tình thương và sự tha thứ.

Trái tim của Chúa Kitô! Thánh Tâm Chjúa đã trao ban tất cả cho con nguời: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi, sự thánh hóa. Từ Thánh Tâm Chúa tràn đầy sự dịu dàng, thánh nữ Faustina Kowalska thấy xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian.  Theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "Hai tia sáng nầy tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần  (x. Gn 3, 5; 4, 14).

Qua mầu nhiệm của thánh tâm Chúa bị đâm thâu qua, không  ngừng chảy xuống trên con người nam nữ của thời đại chúng ta, dòng tình yêu nhân từ của Thiên Chúa, một ttình yêu có sức tái tạo. Ai khao khát hạnh phúc đích thật và lâu bền, chỉ nơi đây người đó mới có thể gặp được bí quyết!

"Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng vào Chúa", anh chị em thân mến, lời cầu nguyện nầy diển tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để  tin tưởng phó thác chúng ta vào tay Thiên Chúa, lạy Chúa là Ðấng cứu  rỗi duy nhất của chúng con!

Chúa cháy lên ước muốn được thương yêu, và ai sống hòa theo những tâm tình của Thánh Tâm Chúa, thì mới học được cách trở nên người  xây dựng nền văn minh mới của tình yêu thương. Một cử chỉ đơn sơ phó thác, cũng đủ để vượt qua những hàng rào của tối tăm và ưu buồn, của sự nghi ngờ và thất vọng. Những tia sáng của lòng nhân từ Chúa ban lại niềm hy vọng, một cách đặc biệt, cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi.

Lạy Mẹ maria, Mẹ của lòng nhân từ, xin hãy  giúp chúng con duy trì luôn sống động lòng tin tưởng  vào Con Mẹ, Ðấng cứu chuộc chúng con. Xin  thánh nữ  Faustina, Ðấng mà hôm nay chúng con nhớ đến với hết lòng mộ mến, xin thánh nữ  cũng trợ giúp chúng con. Cùng với thánh nữ, chúng con muốn lặp lại, với cái nhìn hướng về Nhan Thánh Ðấng cứu chuộc, (lặp lại) lời nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng phó thác vào Chúa". Hôm nay và mãi mãi. Amen.


Back to Radio Veritas Asia Home Page