ÐTC Gioan Phaolô II

lên đường viếng thăm

Kazakhstan và Arménia

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC lên đường viếng thăm Kazakhstan và Arménie.

Sáng thứ bẩy ngày 22.9.2001, lúc 8:30 sáng theo  giờ Rona, tức 13:30  giờ đia phuơng Kazakhstan, (cách trước Roma 5 giờ), ÐTC lên máy bay từ Phi trường quốc tế Roma "Leonardo a Vinci", để  đi viếng thăm hai Cộng hòa Kazakhstan và Arménie. Sau 6 giờ bay trên con đường dài 4,200 cây số, máy bay đáp xuống phi trường quốc tế Astana, thủ đô mới của Cộng hòa Kazakhstan, vào lúc 19:30 (giờ địa phương).

Sau chặng Kazakhstan, ÐTC lên đường đi Cộng hòa Arménie, để cùng với Giáo hội và dân tộc nước này mừng kỷ niệm 1,700 năm (21.9.301 - 21.9.2001) Phép Rửa tội của Vua xứ Arménie, một dân tộc miền Caucase và là quốc gia đầu tiên miền Cận Ðông lãnh nhận đức tin công giáo.

Sau lễ nghi đón tiếp tại Phi trường Astana, ÐTC đến kính  viếng Ðài kỷ niệm được xây cất để ghi nhớ các nạn nhân bị sát hại dưới chế độ độc tài cộng sản Liên xô, cách riêng trong thời Stalin. Nên nhớ lại rằng: Kazakhstan là một trong 15 Cộng hòa trước đây thuộc Liên xô, giáp giới Nga phía Tây và Trung quốc phía Ðông, được độc lập năm 1991, sau khi chế độ cộng sản Liên xô tan rã. Sau lễ nghi tưởng niệm các nạn nhân, ÐTC về nghỉ đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở  thủ đô Astana.

Sau một năm lấy lại nền độc lập, ngày 18 tháng 10 năm 1992 Cộng hòa Kazakhstan và Tòa Thánh Vatican đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao trên cấp bậc Ðại sứ và Sứ Thần. Ðại diện ngoại giao Vatican hiện nay cạnh chính phủ Kazakhstan là Ðức TGM Marian Oles, người Ba lan, trình thư ủy nhiệm ngày 14 tháng 10 năm 1994. Ðến năm 1998, được thực hiện một bước tiến mới nữa trong mối quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Kazakhstan và Tòa Thánh: Ngày 24 tháng 9 năm 1998, tại Vatican, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh và Tổng trưởng ngoại giao Cộng hòa Kazakhstan  đã ký một số thỏa ước riêng giữa hai bên. Các thỏa ước này, gồm 15 điểm, qui định tính cách pháp lý của Giáo hội công giáo và những thể chế của Giáo hội trên lãnh thổ Cộng hòa Kazakhstan. Thỏa ước bảo đảm tự do hành động của hai bên, phù hợp với Giáo luật (được công bố năm 1983) và pháp luật của Cộng hòa Kazakhstan, nhằm mục đích cổ võ sự cộng tác giữa hai bên để mưu công ích cho toàn dân. Thỏa ước cũng bảo đảm rằng:  Giáo hội công giáo được thực hiện những hoạt động xã hội, giáo dục, y tế và từ thiện bác ái, được xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, bảo đảm sự giúp đỡ thiêng liêng cho các tín hữu công giáo  tại các bệnh viện và các nhà giam. Hơn nữa Thỏa ước còn bảo đảm sự cộng tác trong lãnh vực văn hóa giữa các thể chế của Giáo hội công giáo và của Cộng hòa Kazakhstan. Sau cùng, Thỏa ước bảo đảm rằng: Giáo hội có quyền sở hữu về tài sản cần thiết cho sứ mệnh mục vụ, theo đúng luật pháp của Kazakhstan.

Tiếp sau là những hoạt động của ÐTC trong những ngày viếng thăm mục vụ tại Kazakhstan.

Chúa nhật 23.9.2001, lúc 10:30, ÐTC chủ tế thánh lễ tại Quảng trường "Quê Mẹ". Sau thánh lễ, ÐTC trở về Tòa Sứ Thần để gặp 8 vị quản nhiệm các Giáo phận miền Trung Châu Á, trong số này có 4 Giám mục của 4 giáo phận tại Cộng hòa Kazakhstan. Lúc 17:30, ÐTC đến viếng thăm xã giao Tổng thống cộng hòa Kazakhstan. Sau đó, lúc 18:45, ÐTC gặp thanh niên và sinh viên tại Ðại học "Eurasia" (Âu- Á)

Thứ hai 24.9.2001 - Lúc 10 giờ, ÐTC chủ tế thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa tại thủ đô, dâng kính Ðức Mẹ hằng cứu giúp. Lúc 18 giờ, tại Trung tâm "Hội Nghị", Ngài gặp giới văn hóa, nghệ thuật và khoa học.

Thứ ba 25.9.2001 - Sau thánh lễ riêng tại nhà nguyện Tòa Sứ Thần, ÐTC đi sân bay quốc tế Astana, tại đây có lễ nghi từ biệt vào lúc  10:30. Sau đó ÐTC lên máy bay trở lại viếng thăm Arménie, trong miền Caucase. Sau 4 giờ, máy bay đáp xuống phi trường quốc tế Yerevan, thủ đô  Armêni,  lúc 13 giờ.

Chúng ta hãy nhắc lại đây vài Ý nghĩa sâu xa chuyến viếng thăm của ÐTC tại Kazakhstan. Dân tộc và Giáo hội tại Kazakhstan đã chịu đau khổ rất nhiều trong những thời kỳ khác nhau, cách riêng thời Cộng sản Liên xô cầm quyền, nhưng đây là một đân tộc và một Giáo hội đầy hy vọng.

Tại miền Trung Châu Á có tới 15 trại tập trung, nơi giam giữ và tù đày của hầu hết các người Ba lan và Ðức, nhất là trong những năm từ  1936 đến 1942. Chính người dân Kazakhstan cũng phải gánh chịu nhiều cuộc bách hại trong xứ sở của họ. Vào trung tuần những năm 1930, có tới 4 triệu  người dân Kazakhstan bị sát hại hoặc phải trốn sang Trung quốc và Mông cổ, để thoát nan.

Ngày nay tại Kazakhstan có khoảng 15 triệu dân, thuộc khoảng 100 chủng tộc khác nhau, sống  trên lãnh thổ mênh mông hơn 2 triệu cây số vuông. Xã hội Kazakhstan, tuy gồm nhiều chủng tộc và các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau, nhưng luôn luôn sống trong hòa bình. Chắc chắn đây là một ơn đặc biệt đã phải trả bằng giá máu và nước mắt của biết bao nạn nhân vô tội. Một đặc ân khác cũng rất lớn lao, đó là tự do tôn giáo. Ðối với Giáo hội, là một ơn quí giá, nhưng cũng là một thách đố đang chờ đợi. Chuyến viếng thăm của ÐTC là một sự khuyến khích lớn lao cho Giáo hội nhỏ bé tại Kazakhstan, gồm khoảng 300 ngàn tín hữu. Cách đây 10 năm, số người công giáo đông hơn nhiều; nhưng sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, nhiều người trở về bản quán: Ðức, Nga, Ba lan, Lituanie  và các nước Châu Âu khác. Dù vậy, các giáo xứ không bị trống; nhiều người dân địa phương trở lại Ðạo công giáo. Nhờ vậy số người công giáo tại phần lớn các giáo xứ gia tăng. Vì thế, Giáo hội công giáo tại Kazakhstan là một Giáo hội của "Hy vọng". Nền tảng của Hy vọng này là Máu và Nước mắt của các Vị tử đạo. Biết bao chứng nhân đức tin đã đổ máu trên đất  này. Biết bao linh mục anh hùng đã làm việc lén lút trong những thời kỳ bách hại. Nhờ Máu và Nước mắt các Vị Tử đạo, không những con số tín hữu gia tăng, nhưng cả các ơn kêu gọi linh mục và đời sống tận hiến nữa. Ðức Cha Tomasz Peta, giám quản Tông Tòa Astana (thủ đô Kazakhstan), nhân chuyến viếng thăm của ÐTC, viết như sau: "Niềm hy vọng của chúng tôi được dựa nhất là trên lòng sùng kính cách riêng đối với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội. Chắc chắn của ăn nuôi dưỡng các anh chị em bị bỏ rơi trong các miền rừng thiêng, nước độc của Kazakhstan, là Kinh Mân côi. Trong nhiều năm họ không có linh mục nào cả. Họ đã rửa tội các con cái mình. Không có thánh lễ, họ đã đọc kinh Mân côi."

Ðể biểu lộ lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa luôn luôn gìn giữ và che chở trong nhiều cơn gian lao, sau khi được tự do tôn giáo, các tín hữu làng Oziornoje, năm 1990 (lúc đó còn thuộc Liên xô, thời Chủ tịch Mikhail Gorbaciov),  bắt đầu xây cất một nhà thờ dâng kính Mẹ Maria, do giấy phép được cấp từ Moscowa. Ngày 9.8.1992, nhà thờ này,  được  dâng kính "Ðức Maria Nữ Vương Hòa bình", đã được ÐHY Jozef Glemp, TGM Varsovie,  Ba lan, làm phép khánh thành và nay trở nên điểm hành hương đi bộ của người công giáo Kazakhstan và của miền Trung Châu Á. Năm 1995, Ðức Cha Jan Păel Langa, lúc đó là Giám quản Tông Tòa Kazakhstan, đã đến Orzionorje,  để phú thác Kazakhstan và cả miền Trung Châu Á  cho sự che chở của Mẹ Thiên Chúa".

Chuyến viếng thăm của ÐTC tại Kazakhstan sẽ là một dấu hiệu thêm nữa của Chứa Quan Phòng. Khi đến  nơi, ÐTC hôn kính Ðất Kazakhstan, đất đã chịu nhiều đau khổ. Và cái hôn này  là một  xác nhận rằng: con đường do các chứng nhân đức tin đã lựa chọn là con đường đích thực, con đường của dấu hiệu "Hy vọng". Hoan hô, vạn tuế Ðấng nhân danh Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người!"


Back to Radio Veritas Asia Home Page