Lập trường của Tòa Thánh

về chiến tranh có thể xảy ra

do vụ tấn công khủng bố của Hoa Kỳ

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Lập trường Tòa Thánh về chiến tranh có thể xẩy ra do vụ tấn  công khủng bố tại Hoa kỳ.

Trong bài giảng Thánh lễ tại thành phố Frosinone, Chúa nhật 16.9.2001 vừa qua, trước phái đoàn chính phủ Ý và khoảng hơn 40 ngàn người dự lể, một lần nữa ÐTC cầu nguyện cho các nạn nhân của những vụ tấn công khủng bố tại New York và Washington xẩy ra thứ ba 11.9.2001 vừa qua, đồng thời ngài kêu gọi dân tộc Hoa kỳ "đừng nhường bước cho thù ghét và bạo động, trái lại hãy dấn thân phục vụ công bằng và hòa bình". Lại một lần nữa, Tòa Thánh hô hào và gửi sứ điệp hòa bình cho thế giới, kêu gọi thận trọng trong những quyết định có thể đưa đến những hậu quả không thể lường truớc được cho toàn nhân loại.  Với những thiệt hại quá lớn lao về sinh mạng và vật chất trong vụ khủng bố chưa từng thấy trong lịch sử, sự lo sợ về những hậu quả vô cùng lớn lao của một chiến tranh,  luôn luôn là mối quan tâm của ÐTC và của các vị cộng tác của ngài trong những ngày này. Trong lời cầu nguyện giáo dân trong thánh le,ã (Chúa nhật vừa qua 16/09/2001), tất cả cộng đồng phụng vụ,  cùng với ÐTC, đã cầu xin như sau: "Cách riêng trong những ngày đầy khó khăn này, ước gì các dấn thân và hoạt động hằng ngày tiếp tục luôn luôn hướng về Thiên Chúa và Nước của Người, nước của tình liên đới và của hòa bình".

Ðể hiểu rõ lập trường của Tòa Thánh, chúng tôi xin chuyển dịch  bài phỏng vấn của Ðức Ông Anthony Felix Machado, phó tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn, dành cho nhật báo La Stampa, số ra ngày Chúa nhật 16.9.2001 vừa qua.

Hỏi - Thưa Ðức Ông Machado, Tổng thống George W. Bush đã yêu cầu người dân Hoa kỳ chuẩn bị sẵn sàng cho một chiến tranh và đồng thời Tổng thống loan báo: chiến tranh này sẽ không ngắn hạn. Như vậy, việc đối thoại liên tôn, cách riêng với thế giới Hồi giáo còn có ý nghĩa không?

Ðáp - Nếu chúng ta không chặn đứng guồng máy chiến tranh hiện đã được huy động, tất cả chúng ta sẽ chịu những hậu quả kinh khủng của một tai họa vô cùng lớn lao của thời đại. Một sự phản ứng mù quáng và phẫn nộ trước cuộc khủng bố tàn bạo xẩy ra tại New York và Washington, không những sẽ là cơ hội gia tăng biết bao cuộc  "hủy diệt" (kamikaze) khác và sẽ gia tăng thù ghét chống lại Hoa kỳ nơi các thế hệ Hồi giáo. Hiện nay chúng ta đang đứng trước vực sâu thẳm, và sự cứu vớt duy nhất hệ tại  ở việc  gia tăng thêm việc đối chiếu và đối thoại với các người Hồi giáo ôn hòa, hiện đang bị xúc phạm bởi dư  luận thế giới và bởi tính cách cuồng tín của những nhóm Hồi giáo khủng bố.

Hỏi - Cộng đồng quốc tế hiện đang sôi động. Nhiều quốc gia đoàn kết nhau nhằm đi đến chiến tranh. Vậy lập trường Tòa Thánh như thế nào?

Ðáp - Lời của ÐTC không thể là hàm hồ được, nhưng đã quá rõ ràng. Giáo huấn của ngài là một bài ca về hòa bình và lập trường của Vatican không thể rõ ràng hơn trong việc khước từ luật  củ ngày xưa: "mắt thay mắt, răng thay răng". Chúa Giêsu, không có vũ khí nào cả, đã đánh bật việc thù ghét, báo oán. Giáo hội hiện hữu  là để phục vụ toàn thế giới. Giáo hội không liên kết với chính phủ,  với ý thức hệ nào. Chiến tranh không giải quyết được các vấn đề, trái lại làm cho các vấn đề trở nên phức tạp hơn, bằng cách biến các người vô tội thành những mục tiêu, những nạn nhân của chiến tranh. Trong Giáo hội có thể có những cuộc đối thoại, đối chiếu với Hồi giáo; giáo huấn của Ðức Gioan Phaolô II đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không thể khước từ hay tranh luận được.Tương lai của hòa bình không thể xây dựng trên báo thù; giải pháp đáp lại bằng quân sự sẽ gia tăng khắp nơi  chính sách khủng bố. Ðể hiểu chủ nghĩa hòa bình thực của công giáo, bài diễn văn của ÐTC đọc cho ông tân Ðại sứ Hoa kỳ cạnh Tòa Thánh hôm 14.9.2001 vừa qua, là cần thiết và là nền tảng. Nếu những người Hồi giáo quá khích thực sự đặt Vatican vào sổ các mục tiêu cần phải đánh phá, thì họ đang phạm một lầm lỗi lớn lao, gây nên tiếng vang khắp nơi. Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn mới đây,  đã cùng với nhà cầm quyền Hồi giáo,  ký một văn kiện lên án cuộc tấn công khủng bố tại Hoa kỳ và một bản tuyên ngôn hô hào hòa bình giữa các tôn giáo. Vị lãnh đạo các người Hồi giáo Sunites tại Ai cập đã lên án những người khủng bố là những người phạm tội ác đối với nhân loại. Chiến tranh là mẹ sinh ra cảnh nghèo khổ và Giáo hội ở bên cạnh  các người đau khổ.

Hỏi - Tổng thống Saddam Hussein (của Irak) đã gửi  một bức thư ngỏ cho các cường quốc Tây phương, yêu cầu đừng đi vào con đường vũ khí. Ðức Ông nghĩ sao?

Ðáp - Hoa kỳ có thể theo hai con đường này: một cuộc trả đũa khắp nơi: con đường này sẽ gây nên thù ghét mãi mãi. Con đường thứ hai là tìm kiếm những thủ phạm có trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố vừa rồi. Con đường thứ nhất được đề nghị do bởi sự cần thiết tức khắc của báo thù- Con đường thứ hai được thúc đẩy bởi ước muốn về công lý. Trong giờ phút bi thảm này, số phận của nhân loại quan  trọng hơn  dư luận quần chúng. Xả súng, dội bom vào người dân, tức là biến đổi những người khủng bố thành những gương mẫu của thánh thiện và biến đổi những người Hồi giáo ôn hòa thành những người ủng hộ những kẻ quá khích; Những người ôn hòa trong nội bộ Hồi giáo, sẽ tìm cách làm cho các nhóm bạo động buông vũ khí xuống. Hiện chúng ta đang sống những ngày kinh khủng, và tương lai chúng ta tùy thuộc vào đây.

Hỏi - Trong lúc này mạng lưới của tình liên đới chung quanh Hòa Bình càng ngày càng lan rộng. Thí dụ, Áo quốc, quốc gia trung lập, sẵn sàng từ bỏ lập trường của mình để cộng tác và giúp đỡ Hoa kỳ.

Ðáp - Bầu khí quốc tế càng sôi nổi tại mọi nơi trên Trái đất này, thì "phe bồ câu " có thể liều đi đến chỗ lấn át "phe diều hâu". Tôi đã sống tại Hoa kỳ trong 10 năm và tôi không thể tin vào sự thay đổi lập trường của người công giáo tại đây, từ hòa bình trở nên hiếu chiến. Từ trước tới giờ họ vẫn là những người ủng hộ các cuộc đối thoại với các tôn giáo khác. Những đe đọa của nhóm  Taliban (hiện cầm quyền tại  Afghanistan) đang đặt đại đa số Hồi giáo ôn hòa và khoan dung trong một thế bí. Những người cuồng tín Afghanistan này cảnh cáo rằng: họ có thể tấn công bất cứ một nước nào liên lụy vào cuộc tấn công có thể xẩy ra của Hoa kỳ; lời kêu gọi của họ về  "sự đoàn kết các anh em Hồi giáo" chống lại Tây phương,  trái ngược với việc lên án bạo động do các thể chế Hồi giáo có những tiếp xúc với Tòa Thánh. Hồi giáo không phải là một cơ cấu đồng nhất; có đối kháng mạnh mẽ trong nội bộ. Nếu các cường quốc Tây phương đáp lại bạo động bằng bạo động, thì những người Hồi giáo ôn hòa đối thoại sẽ bị phe quá khích đưa vào vực sâu, bởi vì những nhóm quá khích này nhìn thấy trong tình hình kinh khủng đó,  chỉ có "thánh chiến" như là con đường để thoát khỏi cảnh cô lập và chiếm được quyền lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Cái đã xẩy ra tại Hoa kỳ thật khủng khiếp và việc ÐTC lên án là tuyệt đối. Nhưng, cần phải đáp lại sự điên rồ của những người cuồng tín này bằng những nguyên tắc phù hợp lý trí con người. Quỉ thần hóa tất cả Hồi giáo, bằng việc ít quan tâm đến những khác biệt nội bộ Hồi giáo  là một điều phi lý và có thể phải trả một giá rất cao. Dù sao, các người trách nhiệm những vụ tấn công khủng bố này phải được tìm kiếm và đưa ra pháp luật. Ðây là công bằng; nhưng cần loại trừ trừ mọi hình thức báo thù.

Nói tóm lại: Không gây chiến tranh, không đáp lại bạo động bằng báo thù. Ðáp lại bạo động bằng bạo động sẽ gây nên thảm họa vô cùng lớn lao cho cả nhân loại. Hoa kỳ và các đồng minh của Hoa kỳ không được để mình rơi vào cạm bẫy chết người của những nhóm Hồi giáo quá khích này.


Back to Radio Veritas Asia Home Page