Sứ điệp của ÐTC Gioan Phaolô II

gửi các đại diện tôn giáo lớn thế giới

tham dự cuộc gặp gỡ tại Barcelona

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sứ điệp của ÐTC Gioan Phaolô II gửi các đại diện tôn giáo lớn thế giới tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế tại Barcelona: "Giấc mơ của chúng ta là sự hiệp nhất của gia đình nhân loại".

Cuộc gặp gỡ quốc tế giữa các đại diện tôn giáo lớn thế giới,lần đầu tiên đã được tổ chức tại Assisi, quê hương của thánh Phanxicô, vị thánh của Hòa Bình và Tình Huynh đệ, vào cuối tháng 10 năm 1986, cách đây 15 năm, do sáng kiến của ÐTC Gioan Phaolô II.

Từ đó, hằng năm, cứ vào kỳ hè, Cộng đồng  Thánh Êgidio, do giáo sư Andrea Riccardi sáng lập, có trụ sở tại Roma, tiếp tục sáng kiến của ÐTC tại các thành phố khác nhau trên thế giới, với những đề tài suy tư khác nhau. Cuộc gặp gỡ năm nay, được tổ chức  tại Barcelona, thành phố lớn thứ hai của Tây ban nha, sau thủ đô Madrid. Cuộc gặp gỡ  được khai mạc Chúa nhật  mùng 2 tháng 9/2001,  và bế mạc vào chiều thứ ba 4.9.2001.

Cũng như mọi năm, năm nay tại Barcelona, ÐTC gủi sứ điệp cho các Vị tham dự qua trung gian Giáo sư Andrea Riccardi.

Trước hết ÐTC chào thăm tất cả các vị đại diện tôn giáo họp nhau tại Barcelona, tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế thứ 15, để  cầu nguyện cho Hòa bình thế giới, và suy tư về đề tài: "Các biên giới của việc đối thoại, các tôn giáo và nền văn minh của thế kỷ mới". ÐTC viết như sau: "Cuộc gặp gỡ này là một giai đoạn quan trọng không những vì nó tiến đến lần thứ 15, nhưng với cuôīc gặp gỡ này, các Vị tham dự còn muốn nhấn mạnh rằng: chúng ta phải bước vào thời đại mới này như thế nào. Không phải các cuộc thảo luận và suy tư trong những ngày này, nhưng nhất là sự hiện diện của các Ngài làm cho thế giới biết rằng: cần phải khởi sự một thế kỷ mới, không phải bằng những chia rẽ, bất hòa, nhưng bằng một cái nhìn chung: đó là sự hiệp nhất của gia đình nhân loại".

Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Assisi, với những lời như sau: "Giấc  mơ này tôi đã thực hiện vào tháng 10 năm 1986; lúc đó tôi mời các anh chị em tín hữu Kitô  của tôi và các Vị trách nhiệm tôn giáo lớn thế giới,  đến Assisi để cầu nguyện cho hòa bình: người này bên cạnh người khác, không phải người nọ chống đối người kia. Thực sự, tôi muốn rằng: tất cả, thanh niên cũng như người lớn, nam cũng như nữ,  trong một thế giới còn chia thành hai khối và bị ảnh hưởng bởi sự sợ hãi một chiến tranh nguyên tử, (tôi muốn tất cả) cảm thấy mình được mời gọi cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình và thịnh vượng. Tôi như thấy trước mắt một chiêm bao lớn lao: tất cả các dân tộc thế giới, đang tiến đi từ các ngả đường khác nhau trên trái đất này,  để cùng nhau tụ họp trước mặt Thiên Chúa duy nhất, như một gia đình duy nhất. Buổi chiều tháng 10 năm 1986:  tại Thành phố của Thánh Phanxicô, giấc mơ kia đã thành một thực tại; đây là lần thứ nhất các đại diện tôn giáo khác nhau trên thế giới gặp nhau".

Từ đó, cuộc gặp gỡ này vẫn được tiếp tục, và trong những ngày này diễn ra tại Barcelona. Nhân cuộc gặp gỡ này, ÐTC tận tình cảm ơn Cộng đồng  Thánh Egidio đã ủng hộ và tiếp tục nêu cao sáng kiến của ngài với hy vọng, năm này qua năm khác, để những nỗ lực xây dựng hòa bình được bền bỉ , gia tăng, không bị quên đi, dù gặp nhiều nghịch cảnh. ÐTC viết: "Những ngày này của cuộc gặp gỡ  đang đi đến chỗ kết thúc, trong một bầu khí huynh đệ, mà tôi muốn gọi tên là "tinh thần của Assissi". Trong những năm này tình bạn hữu sâu xa giữa các dân tộc gia tăng, lan rộng đến các miền khác nhau trên thế giới và cũng đã đem lại những thành quả đáng kể về hòa bình. Nhiều nhân vật tôn giáo nay cũng đến  tham dự  việc cầu nguyện và suy tư với các vị đầu tiên đã đến Assisi.Cả nhiều vị không tín ngưỡng cũng đến thông công, trong việc tìm kiếm cách thành thực chân lý, bởi vì các vị này tìm được trong việc đối thoại một sự giúp đỡ lớn lao".

Ðứng trước những  thành quả tốt đẹp, ÐTC cảm tạ Thiên Chúa, Ðấng giầu lòng thương xót và ơn thánh, về con đường đã thực hiện được trong những năm này. Rồi ngài chúc mừng và chung vui với mọi người đã hưởng ứng sáng kiến này. Ðức Gioan Phaolô II viết: "Các người nam, nữ trên thế giới thấy rõ: các Ngài đã học biết sống bên nhau và cầu nguyện mỗi người theo truyền thống  tôn giáo của mình, không lẫn lộn, trong sự tôn trọng nhau, mỗi người tuân theo  tín ngưỡng riêng của mình. Trong một xã hội trong đó nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau chung sống, cuộc gặp gỡ này nói lên một dấu hiệu của hòa bình. Trong tinh thần này, mọi người có thể công nhận rằng: Hòa bình giữa các dân tộc không phải là một ảo tưởng xa xôi". Vì thế, tôi dám quả quyết  rằng: những cuộc gặp gỡ này đã trở thành --- như Chân Phước Gioan XXIII đáng kính nhớ đã nói--- trở thành "dấu chỉ của thời đại". Một dấu hiệu thuận lợi cho thế kỷ XXI này và cho ngàn năm thứ ba, luôn luôn được đặc tính hóa bởi  chế độ đa dạng về văn hóa và tôn giáo, để tương lai của thế kỷ và ngàn năm mới này được hướng dẫn, ngay từ đầu, bằng cuộc đối thoại huynh đệ và rồi sau đó đi đến một cuộc gặp gỡ hòa bình. Các Ngài cho mọi người thấy rõ rằng: phải  vượt qua một trong các biên giới khó khăn và khẩn cấp nhất của thời đại ta như thế nào. Thực ra, cuộc đối thoại giữa các tôn giáo khác nhau, không những làm xa đi những viển tượng bi thảm của chiến tranh tôn giáo, đã gây đổ máu nhiều thời đại trong lịch sử nhân loại" (xem Novo Millennio Adveniente, 55), nhưng còn tạo nên nhất là những điều kiện chắc chắn hơn về hòa bình. Là tín hữu, tất cả chúng ta có bổn phận nặng nề, đồng thời phấn khởi và khẩn cấp này: Thánh danh Thiên Chúa duy nhất phải trở nên mỗi ngày mỗi thêm mãi, như tên của hòa bình và là một mệnh lệnh  của hòa bình".

Trong phần cuối sứ điệp, ÐTC viết: "Anh chị em thân mến, cùng nhau" chúng ta hãy tiến ra khơi "trong đối thoại đại kết. Ước gì  ngàn năm thứ ba là ngàn năm hiệp nhất chung quanh một Chúa duy nhất: Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không thể dung thứ gương mù của chia rẽ nữa: "lời thưa  "không này" phải được lặp đi lặp lại nhiều lần,  vì tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta hãy rao giảng sức mạnh của tình yêu mà Người đã biểu lộ cho chúng ta, vì đã táo bạo  đồng hành với chúng ta.

Ðức Gioan Phaolô II kết thúc sứ điệp với những lời như sau: "Kính thưa các Ðại diện tôn giáo Thế giới, cùng với các Ngài, chúng ta cũng phải "ra khơi" tiến về đại dương của thế giới này, để giúp đỡ mọi người nhìn lên  Ðấng Tối Cao, nhìn về Thiên Chúa duy nhất và là Cha các dân tộc của Trái đất này. Chúng ta công nhận rằng: các khác biệt không thúc đẩy chúng ta đến chỗ xung đột nhau, nhưng đến sự tôn trọng nhau, cộng tác thành thực với nhau và đến việc xây dựng hòa bình thế giới. Chúng ta hết thảy phải dấn thân trong việc đối thoại và trong tình yêu thương, như những con đường duy nhất đưa chúng ta đến việc tôn trọng các quyền của mỗi một người, và đưa đến việc đối phó với những thách đố lớn lao của ngàn năm mới".


Back to Radio Veritas Asia Home Page