Phản ứng của
các vị lãnh đạo tôn giáo
trước sự thất bại của Hội Nghị
thế giới chống kỳ thị chủng tộc
Prepared
for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Phản
ứng của các vị lãnh đạo tôn giáo trước sự thất bại
của Hội nghị thế giới chống kỳ thị chủng tộc, tại Durban.
Cuộc
gặp gỡ của các Vị lãnh đạo tôn giáo trong những ngày vừa
qua, do Cộng đồng Thánh Êgidio tổ chức tại Barcelona (Tây ban
nha) đã diễn ra trong bầu khí thân mật, huynh đệ và đem lại
những thành công rất khích lệ. Trong lúc đó Hội nghị thế
giới chống kỳ thị chủng tộc, do Liên hiệp quốc tổ chức tại
Thành phố Durban, bên Cộng hòa Nam phi,
trở thành diễn đàn của tranh chấp chính trị, đang đi đến
chỗ thất bại. Hai phái đoàn Hoa kỳ và Do thái, tham dự với
cấp bậc thấp, bỏ Hội nghị
ra về, để phản đối. Phái đoàn Canada cũng theo gương. Các
phái đoàn của các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu cũng đe
dọa bỏ ra đi, nếu không từ bỏ việc đặt "chủ nghĩa Sion"
(chủ nghĩa lập quốc do thái) ngang hàng với chủ nghĩa chủng
tộc trong văn kiện chung kết. Về vấn đề bồi thường các
thiệt hại do chế độ thuộc địa và nô lệ gây ra, các nước
Châu phi không nhường bước và nhấn mạnh đến việc xóa bỏ
các món nợ ngoại quốc, rồi yêu cầu viện trợ để phát
triển. Chủ tịch Fidel Castro của Cuba đã nhờ diễn đàn Durban,
mà đả kích Hòa kỳ về lệnh
cấm vận. Hội nghị diễn ra trong bầu khí căng thẳng ngay từ
ngày khai mạc 31 tháng 8/2001 vừa qua, càng ngày càng trở nên
căng thẳng hơn trong những ngày sau. Ðứng trước những chia
rẽ và thất bại này, Chính phủ Nã uy phái một ủy viên chính
trị đến Durban làm trung gian, để cứu vãn Hội nghị Durban trong giờ phút cuối
cùng.
Tiếng vang về những chia rẽ và thất bại của Hội nghị Durban chống chủ nghĩa chủng tộc, đã gây nên nhiều lo ngại nơi các vị lãnh đạo tôn giáo, tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế tại Barcelona. Các vị đồng thanh lên tiếng kêu gọi các nhà chính trị (-- gồm có 30 vị quốc trưởng và thủ tướng, với 130 phái đoàn các nước do Bộ trưởng ngoại giao hướng dẫn ) - như sau: "Xin các ngài đừng dựng lên những bức tường mới chia rẽ các dân tộc". Bức tường mới này hiện đang được dựng lên tại Durban.
Trước
nguy hiểm này, các vị tham dự cuộc gặp gỡ Barcelona, nghĩ gì,
nói gì? Giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập cộng đồng
Sant' Egidio, người tổ chức cuộc gặp gỡ quốc tế, từ 15
năm nay, sau cuộc gạp gỡ lịch sử tại Asssisi vào cuối tháng
10 năm 1986, do sáng kiến của Ðức Gioan Phaolô II, đã tuyên bố như sau: "Là một sử gia, tôi
biết rõ tính cách phức tạp của chủ nghĩa Sion (nhằm cổ võ việc tái lập nước Do thái) và tôi tin
chắc rằng: chủ nghĩa này không thể giới hạn vào chế độ
chủng tộc được. Chủ nghĩa Sion thuộc gia đình của chủ nghĩa
quốc gia Châu Âu". Giáo sư nói thêm: "Dĩ nhiên mọi chủ
nghĩa quốc gia có thể liều đi đến chế độ độc quyền loại
trừ kẻ khác (Exclusivisme) và đi đến
cả chế độ chủng tộc nữa. Nhưng tôi nghĩ: những lời
tuyên bố tại Durban trong những
ngày này, thực ra không giúp ích gì cho người dân Palestine
và vấn đề phức tạp tại Trung Ðông hiện nay".
Trong lúc các nhà chính trị tại Durban không thỏa thuận về một văn kiện chung kết, thì tại Barcelona các vị lãnh đạo tôn giáo đã soạn thảo văn kiện chung và cùng nhau ký kết trước mặt dân chúng tham dự. Lễ nghi ký kết được đài truyền hình quốc gia Tây ban nha loan đi khắp thế giới. Trong văn kiện chung kết các vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi tiến đến đại kết. Ðể đạt tới mục tiêu này, việc đối thoại được đề cao với xác tín rằng: đối thoại là như "con đường để vượt qua những nghi kỵ và tranh chấp", bởi vì việc đối thoại không làm giảm bớt đi "căn cước riêng" của bất cứ ai, trái lại giúp cho việc tái khám phá nhiều hơn chính mình và người khác. Ðúng như vậy, không có gì bị mất mát bởi việc đối thoại.
Cựu Tổng thống Indonesia, ông Abdurraham Wahid, vị lãnh đạo tổ chức Hồi giáo lớn nhất trong nước, tuyên bố: "Vượt qua được chế độ chủng tộc là một vấn đề rất khó khăn. Vì thế, để vượt qua, Hội nghị Durban đã được tổ chức. Nhưng lập trường của các phe phái quá thiên về những yếu tố chính trị, trong khi mà việc giải quyết phải được tìm thấy ở nơi khác. Trong lúc này đây mỗi một người phải đưa ra những sáng kiến về hòa bình, bằng những cuộc đàm thoại có tính cách thận trọng, không phải bằng những tuyên bố rùm beng, công khai. Chỉ sau khi đã đạt tới một thỏa thuận rồi, lúc đó sẽ soạn thảo bản tuyên ngôn chung. Ðể thành công, các chính phủ phải trao phó công việc này cho những tổ chức phi chính phủ (NGO), thí dụ như Cộng đồng Sant' Egidio".
Lời nhận định trên của cựu Tổng Thống Wahid hoàn toàn phù hợp với bầu khí của những ngày này tại Barcelona. Từ những cuộc gặp gỡ thân mật và huynh đệ, nhiều nhà chính trị và đại diện giới văn hóa và những người thiện chí, trong những cơ hội khác nhau, đã kêu gọi các vị lãnh đạo tôn giáo giúp đỡ, để tìm giải quyết những vấn đề gay go. Người ta còn nhớ rằng: trước đây,chính nhờ trung gian của Cộng đồng Sant' Egidio, mà cuộc nội chiến tại Mozambic đã được giàn xếp ổn thỏa.
Ông
Jean Daniel, giám đốc báo "Người quan sát mới" (Nouvel
Observateur), cũng có mặt tại Barcelona. Trước sự thất bại
của Hội nghị Durban, ông tuyên bố như sau: "Lại một lần nữa
người ta không tìm ra con đường để đi đến một sự quân
bình giữa sự hiệp nhất nhân loại và tinh cách đa hình thức
của các nền văn hóa". Tổng thống Cộng hòa Côte
d' Ivoire, ông Laurent Gbaglo, vị tham
dự cuộc gặp gỡ Barcelona, đã
lên tiếng chỉ trích nặng lời các Hội nghị quốc tế hình thức,
với những lời như sau: "Biết bao lần các Hội nghị này
giống những "trường đua",
nơi đây mỗi người tìm cách thắng người khác, không bao giờ
biết đối thoại và lắng nghe nhau". Trong khi đó,trái lại,
tại Barcelona, chúng ta
đã thành công trong việc đặt biết bao người thiện chí --- có
niềm tin tôn giáo cũng như không có niềm tin tôn giáo ---
chung quanh một bàn tròn. Ðứng trước những vết thương lớn
của thế giới, con người cần phải xây dựng một cuộc đối
thoại thành thực".
Trong
số các vết thương này, ông David Rosen, Giáo trưởng Do thái
ở Giêrusalem, đã nhắc đến
vết thương của Thánh địa. Vị giáo trưởng bình luận như sau
về Hội Nghị Durban: "Ðây là một bi kịch của cuộc chiến đấu
chống chế độ chủng tộc, nhân danh Palestine và nhân danh Liên
hiệp quốc. Người ta tìm cách cản trở những vấn đề thực
sự phải được giải quyết một cách hữu hiệu. Hàng động
như vậy, người ta cho thấy rõ ràng nhất là tính cách vô
hiệu của LHQ. Các nguyên tắc cao thượng của Tổ chức Liên
Hiệp Quoốc, dễ có thể bị
khai thác bởi những lợi ích chính trị phe phái".
Từ
thế giới Tin Lành, Mục sư Konrad Kaiser, Tổng thư ký Hội đồng
đại kết các Giáo hội, có
trụ sở tại Gèneve, Thụy sĩ, đã bình luận cách
thế giá như sau về Hội nghị Durban: "Tại Diễn đàn của các
Tổ chức không chính phủ (NGO), Hội đồng
chúng tôi nhấn mạnh đến việc từ chối đặt chủ nghĩa Sion
ngang hàng với chế độ chủng tộc. Nhưng đứng trước sự
việc Hoa Kỳ và Do Thái rời bỏ Hội nghị,chúng tôi chỉ có
thể lặp lại điều Chính phủ Nam phi và Vị trách nhiệm về Nhân
quyền của LHQ, bà Mary Robinson, đã nói lên. Việc rút lui của
các phái đoàn này không làm giảm bớt giá trị của Hội ghị
Durban".
Ðó là hai bầu khí khác nhau của hai cuộc gặp gỡ quốc tế, hầu như cùng một lúc, tuy Hội nghị Durban kéo dài hơn. Tại Durban, tương lai xem ra tối tăm. Trong lúc đó tại Barcelona, lại có chiếu dọi niềm hy vọng. Lạc quan không phải là một việc dễ dàng; công việc xây dựng luôn luôn là vất vả; việc xây dựng cuộc chung sống hòa bình, vẫn có thể thực hiện được; việc xây dựng nền hòa bình trên thế giới luôn luôn cần thiết và khẩn cấp. Việc xây dựng hòa bình này, trước hết phải khởi sự từ mỗi một tâm hồn con người, bằng việc trở về với Thiên Chúa. Loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài xã hội, con người sẽ không bao giờ biết yêu thương nhau, sẽ không bao giờ có hòa bình. Trái lại chỉ có thù ghét và tranh chấp. Vì thế, cuộc gặp gỡ quốc tế giữa các vị lãnh đạo tôn giáo luôn luôn diễn ra trong cầu nguyện, suy tư và đối thoại thành thực. Không cầu nguyện, không suy tư, không đối thoại, con người không thể nhận biết mình và nhận biết người khác là anh chị em của mình trong một gia đình nhân loại và con cái một Cha chung ở trên trời.